''Liều thuốc'' nào để chặn đứng hành vi tham nhũng trong đấu thầu y tế, giáo dục?

Thứ ba, 02/11/2021 11:21 AM - 0 Trả lời

(CLO) Gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, nhằm đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, nhóm lợi ích... đó là thực trạng đang gây bức xúc dư luận.

“Lợi ích nhóm”, “sân sau” trong đấu thầu

Thời gian qua, các sai phạm trong đấu thầu không chỉ xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng, thông tin – truyền thông... mà ở cả lĩnh vực nhạy cảm, mang tính nhân văn cao như y tế, giáo dục, văn hóa... Các sai phạm này gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và bức xúc trong quần chúng nhân dân. 

Điển hình như vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; các vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy tại các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên...

Trong trình bày thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 trước Quốc hội chiều 23/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

lieu thuoc nao de chan dung hanh vi tham nhung trong dau thau y te giao duc hinh 1

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an

Nhận định về những hệ lụy này, theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an: Thứ nhất, hành vi thông thầu với nhà thầu có mối quan hệ “sân sau”,  không dựa trên uy tín và năng lực thực sự của nhà thầu, hành vi gian lận giá thầu, câu kết nâng giá trị sản phẩm hàng hóa để trục lợi, chung chi “hoa hồng” của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định thầu, đơn vị kiểm tra, giám sát dẫn đến các dự án chậm tiến độ, chất lượng hàng hóa kém, hiệu quả kinh tế - xã hội thấp, gây thất thoát, thiệt hại nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Thứ hai, nếu để việc phân biệt, đối xử “bất bình đẳng” trong đấu thầu kéo dài, sai phạm trở nên phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương sẽ dẫn đến không đảm bảo tính công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động đầu tư, làm thui chột động lực phát triển kinh tế, suy giảm lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, làm méo mó chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; không phát huy hết được vai trò của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước...

"Liều thuốc" nào để chặn đứng hành vi tham nhũng trong đấu thầu

Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô: Thực tiễn, quá trình phát hiện và đấu tranh với các đối tượng có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu gặp rất nhiều khó khăn. Đa số các vụ án, vụ việc có liên quan đến số cán bộ giữ chức vụ, đứng đầu cơ quan, tổ chức (Chủ tịch Hội đồng đấu thầu). Thứ nhất, những cá nhân này bản thân rất am hiểu về chính sách quản lý kinh tế - xã hội, có kinh nghiệm đối phó, né tránh, tẩu tán tài sản trục lợi được. Thứ hai, họ có điều kiện dùng cơ chế hành chính, mệnh lệnh cấp trên để chỉ đạo, ràng buộc cán bộ, công chức, người lao động phụ thuộc thực hiện các hành vi giúp sức, che giấu sai phạm, chỉnh sửa, hợp thức hóa hồ sơ tài liệu, tiêu hủy chứng cứ. Thứ ba, họ có mối quan hệ xã hội rộng với nhiều cấp, nhiều ngành, ngay từ giai đoạn tiếp cận, thu thập hồ sơ, tài liệu cơ quan điều tra đã gặp sự can thiệp, tác động từ nhiều phía. 

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm hoạt động đấu thầu, tiêu cực trong đấu thầu, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Ngoài ra, các quy định về đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như định giá tài sản chưa cụ thể, rõ ràng, so với chủng loại, xuất xứ hàng hóa rất đa dạng, phong phú như hiện nay thì rất khó khăn trong việc đánh giá sai phạm, xác định hành vi thông đồng, cấu kết nâng khống giá sản phẩm; Việc quy định các nội dung trong hồ sơ mời thầu, nhất là việc đưa các nội dung mang tính định hướng nhà thầu, tiêu chí, điều kiện cục bộ gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng cũng cần phải được quy định và có chế tài xử lý cụ thể.

Để giải quyết vấn nạn trên, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm tương tự - Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.

lieu thuoc nao de chan dung hanh vi tham nhung trong dau thau y te giao duc hinh 2

Vụ án tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội)

Từ thực tế trên, trong phiên trình bày trước Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề xuất 3 kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan. Trong đó đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, đoàn Ninh Thuận: Những năm gần đây, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất và đồng bộ những việc thực hiện chủ trương chống tham nhũng, xem đây là giặc nội xâm, thể hiện qua việc ban hành khá nhiều các nghị quyết, chỉ thị, nghị định và các văn bản khác có liên quan đến phòng, chống tham nhũng và quyết tâm cao trong công tác đấu tranh của đất nước ta...

Tuy nhiên, tham nhũng vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực, như sử dụng ngân sách, tài sản công, đầu tư công, trong quản lý và sử dụng đất đai, vi phạm trong các hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, đấu giá, đặc biệt là công tác chỉ định thầu trong việc mua sắm, quản lý trang thiết bị.

Để đề phòng và ngăn ngừa các lĩnh vực này, theo ĐBQH Nguyễn Văn Thuận, cần tăng cường quyết liệt trong giám sát và thanh kiểm tra, đồng thời công khai, minh bạch và thông tin kiên quyết; kịp thời xử lý các vi phạm, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân, quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng; rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng quyết liệt và mạnh mẽ hơn. 

Trâm Anh

Bình Luận

Tin khác

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong dịp đại lễ

(CLO) Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay dài ngày, đặc biệt là trên địa bàn TP Điện Biên Phủ diễn ra chuỗi các sự kiện hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên lượng người và phương tiện tăng đột biến.

Tin tức
Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Đảm bảo điều kiện triển khai Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

(CLO) Ngày 1/7 tới đây, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực thi hành. Hiện, Chính phủ, Bộ Công an đã ban hành các nghị định, thông tư để triển khai thi hành luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đốc thúc một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam

(CLO) Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc thúc một số dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, đi qua địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Tin tức
Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức