“Make in Việt Nam” - Phát triển doanh nghiệp cho giấc mơ hùng cường

Thứ ba, 18/06/2019 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chưa bao giờ vấn đề khoa học – công nghệ lại được nói đến nhiều, được sự quan tâm sát sao của Chính phủ, bộ ngành, doanh nghiệp nhiều như vài năm trở lại đây, nhất là với thuật ngữ “Make in Vietnam”.

Doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là công nghệ do người Việt sáng tạo, được áp dụng vào thực tiễn đang được xem làm động lực quan trọng cho sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

Tiềm năng rất lớn

Với tiến bộ của khoa học và công nghệ (KH-CN), đổi mới công nghệ sẽ cho phép nâng cao chất lượng sản phẩm tạo ra nhiều sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng, tăng năng suất lao động, sử dụng hợp lý tiết kiệm nguyên vật liệu... Nhờ vậy sẽ tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đổi mới công nghệ thực sự là hướng đi đúng đắn của một doanh nghiệp công nghiệp giàu tiềm năng. Các công nghệ của công nghiệp 4.0 có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa của đất nước. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, phải có nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thay đổi các lĩnh vực này bằng công nghệ, đưa công nghệ công nghiệp 4.0 phổ cập ở Việt Nam.

Cần phải nói thêm rằng, các doanh nghiệp công nghệ ở đây sẽ được hiểu theo nghĩa rất rộng. Trong đó, bao gồm những công ty khởi nghiệp sáng tạo (start-up), các công ty tư vấn, chuyển giao công nghệ và nhóm các doanh nghiệp truyền thống nhưng có nhiều nguồn lực và muốn chuyển hướng phát triển sang lĩnh vực công nghệ. Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), có khoảng gần 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Mục tiêu sắp tới là có 100.000 doanh nghiệp và thay vì lắp ráp, gia công thì chuyển hướng mới với doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm Việt Nam, giải quyết bài toán Việt Nam và từ đó, đi ra nước ngoài.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan Triển lãm công nghệ Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan Triển lãm công nghệ Việt Nam.

Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo được vị thế bền vững trên thị trường. Không ít doanh nghiệp đã gặt hái thành công thông qua việc đổi mới công nghệ. Hiện thương mại trên nền tảng số đem lại cho nền kinh tế Việt Nam mới khoảng 3,5 tỷ USD, khoảng 1,7% GDP nhưng được dự báo con số này sẽ tăng một cách chóng mặt tới 42 tỷ USD vào năm 2030 thông qua thúc đẩy công nghệ số để tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Như vậy với mục tiêu và những kết quả đạt được cùng các tiềm năng phát triển của doanh nghiệp công nghệ, có thể thấy, hiện thực hóa giấc mơ phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ là điều hoàn toàn không hề xa vời.

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia đầu tiên về phát triển doanh nghiệp công nghệ vừa tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. Vấn đề lớn đặt ra hiện nay và thời gian tới, đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng, hơn 50% dân là ở tầng lớp trung lưu. Và làm thế nào để đạt mục tiêu nêu trên, theo Thủ tướng, đó là một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là khoa học và công nghệ, là doanh nghiệp công nghiệp.

Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển

Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây là cuộc chạy đua của các doanh nghiệp Việt Nam để khẳng định mình khi muốn áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong cuộc CMCN 4.0 hiện nay. Và muốn thay đổi đồng bộ như định hướng của Nhà nước thì doanh nghiệp công nghệ không chỉ là định hướng trọng tâm mà còn là đội ngũ đi tiên phong trong chiến lược này. Trong diễn đàn Quốc gia phát triển Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Make in Vietnam - kỳ vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt nam hùng cường” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ rõ định hướng của Việt Nam với chiến lược “Make in Vietnam” trong cuộc CMCN 4.0 này. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Make in Vietnam” sẽ là tuyên bố của chúng ta. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với những sản phẩm công nghệ do người Việt sản xuất sẽ phải trở thành xứ mệnh không những chỉ trong nước mà còn là quy mô toàn cầu. Ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại thì Việt Nam cũng phải đóng góp cho  nhân loại, đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại. Theo đó, ông Hùng nhấn mạnh. “Make in Vietnam” sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng, mà còn giúp Việt Nam có hoà bình lâu dài, khi góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. Chiếc nỏ thần Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra”.

Ngày 2/10, VinFast chính thức ra mắt 2 mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 tại triển lãm Paris Motor Show 2018.

Ngày 2/10, VinFast chính thức ra mắt 2 mẫu xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 tại triển lãm Paris Motor Show 2018.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng, trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng. Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, Công ty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Công ty này được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam lại không thể làm điều tương tự? Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng công nghệ thực sự đang đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này của Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp lại cho rằng, đây không chỉ là thách thức mà đó còn là động lực để các doanh nghiệp công nghệ thay đổi và tạo sự đột phá cho riêng mình, đưa kinh tế Việt Nam phát triển. Nếu doanh nghiệp thực sự coi đây là sứ mệnh quan trọng, là yếu tố quyết định, quyết tâm đi đến cùng cho sự phát triển của doanh nghiệp mình thì Việt Nam sẽ có thể “hóa rồng” khi áp dụng công nghệ do chính người Việt tự sản xuất ra.

Mục tiêu của định hướng của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển kinh tế Việt Nam trở thành một quốc gia có tiềm lực kinh tế và phát triển thành một cường quốc mạnh trong khu vực. Trên thực tế, xu hướng về công nghệ không phải là mới so với thế giới mà nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta vẫn đang chậm so với dòng chảy kinh tế thế giới. Điều này có thể dẫn chứng là năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã khởi xướng sáng kiến "Make in India" với nỗ lực tạo ra các ngành nghề mới, tư duy mới, quy định mới, cơ sở hạ tầng mới. Theo đó, "Make in India" đã phủ đến 25 lĩnh vực kinh tế của Ấn Độ, cho phép vốn FDI 100% ở 22 lĩnh vực, để kéo kinh tế Ấn Độ phát triển. Và sau 2 năm nỗ lực, đến năm 2016 Ấn Độ đã thu được kết quả không tầm thường khi họ đã thu hút được các cam kết đầu tư tới 230 tỷ USD.

Tiếp đến là Trung Quốc, anh bạn hàng xóm, đối thủ cạnh tranh kinh tế trực tiếp của Việt Nam tại một số hiệp định kinh tế vào năm 2015, cũng có sáng kiến “Made in China 2025”. Sáng kiến này đã được phát động toàn diện trong ngành công nghiệp, với mục đích biến Trung Quốc thành một “siêu cường sản xuất”. Kế hoạch này đã nhắm đến 10 lĩnh vực quan trọng của Trung Quốc bao gồm: Công nghệ thông tin thế hệ mới, các công cụ máy móc và rô-bốt điều khiển số tiên tiến, công nghệ hàng không vũ trụ, dược phẩm... Và Trung Quốc hiện tại vẫn đang là nước có số hàng hóa xuất khẩu đứng đầu thế giới.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đến bây giờ Việt Nam mới bắt đầu chiến lược “Make in Vietnam” thì với tư cách là “người đi sau” Việt Nam nên chăng cần thiết một chiến lược rõ ràng, xuyên suốt (đã đúc rút kinh nghiệm từ các nước đi trước), để “đi chậm mà chắc thắng” trong cuộc CMCN 4.0 của toàn cầu. Và trước khi làm được việc đó, thì Việt Nam cần nhìn nhận vào thực tế của nền kinh tế, những điểm mạnh, điểm còn yếu, còn thiếu, những bất cập, khó khăn, tồn tại để từ đó mới có kế hoạch thực hiện “Make in Vietnam”.

Đánh giá thực trạng kinh tế Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia kinh tế, Trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV) phát biểu trong Hội nghị Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp đã nhận định: “Thực tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế quy mô còn nhỏ nhưng có độ mở lớn, còn nhiều vấn đề nội tại cần xử lý và ngày càng trở nên “dễ bị tổn thương” trước các biến động, cú sốc từ bên ngoài. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nội tại kinh tế Việt Nam còn tồn tại nhiều thách thức. Nền kinh tế Việt Nam có dễ bị tổn thương như trước hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Trong đó, việc chủ động tiếp cận và áp dụng thành quả của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 là việc rất cần thiết”.

Theo các chuyên gia kinh tế, nên sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về Cách mạng Công nghệ 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2030. Phải chú trọng đổi mới Giáo dục - đào tạo, đưa một số nội dung Cách mạng Công nghệ 4.0 vào các chương trình giáo dục - đào tạo từ cấp phổ thông trung học là rất cần thiết để đầu tư phát triển nền kinh tế bền vững. Đồng thời, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho nền kinh tế, các doanh nghiệp cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón đường các thuận lợi, thách thức đem lại và chú trọng đến vấn đề thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cần nâng cao năng lực hội nhập, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các Hiệp định FTA đã ký kết để tăng khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài của bản thân doanh nghiệp. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể “hòa nhập” cuộc CMCN 4.0 cùng thế giới mà không bị “hòa tan” trong cuộc chạy đua “Make in” cùng các nước phát triển trong khu vực và ngoài khu vực.

Minh Thùy - Lương Minh 

Tin khác

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bước qua sóng gió

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bước qua sóng gió

(NB&CL) Đó là lời khẳng định của Tổng Giám đốc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Lê Hồng Hà trong buổi trò chuyện với PV Báo Nhà báo & Công luận. Theo Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà, trước những khó khăn, thách thức, chúng tôi đã nỗ lực hết sức để giữ vững và duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và hướng tới phục hồi, phát triển.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nam A Bank tiếp tục giữ đà tăng trưởng

Nam A Bank tiếp tục giữ đà tăng trưởng

(CLO) Ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã NAB) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với nhiều kết quả tăng trưởng tích cực, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tiếp tục bám sát các mục tiêu kinh doanh năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khí đốt Nga đang tìm cách vượt qua lệnh trừng phạt của châu Âu

Khí đốt Nga đang tìm cách vượt qua lệnh trừng phạt của châu Âu

(CLO) Người phát ngôn Điện Kremlin Dimitry Peskov nói với các nhà báo hôm 27/4, các nhà sản xuất Nga sẽ tìm cách vượt qua các biện pháp trừng phạt tiềm tàng đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moscow.

Thị trường - Doanh nghiệp
Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine bị bắt vì tham nhũng hàng triệu USD

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine bị bắt vì tham nhũng hàng triệu USD

(CLO) Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi đã bị bắt giữ sau khi bị coi là nghi phạm chính thức trong cuộc điều tra tham nhũng khu đất trị giá hơn 7 triệu USD khi ông còn là người đứng đầu một công ty nông nghiệp lớn và là thành viên Quốc hội.

Thị trường - Doanh nghiệp
Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

Kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ

(CLO) Dữ liệu kinh tế vĩ mô mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố chỉ ra rằng nền kinh tế nước này có thể đang tiến tới tình trạng lạm phát đình trệ, Business Insider đưa tin. Tờ báo cho biết thêm, những dấu hiệu ảm đạm cho thấy những thách thức khó khăn phía trước.

Thị trường - Doanh nghiệp