Máu nghề chảy trong tôi... mạnh lắm!

Thứ bảy, 21/10/2017 07:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhà báo Chu Thanh Bình được khán giả truyền hình biết đến là một nữ phóng viên xông xáo của VTV24. Từng kinh qua rất nhiều chuyên mục, công đoạn của truyền hình, Chu Thanh Bình đã chạy đua cùng thời gian, dọc dài đất nước, cùng các thể loại truyền hình, các lĩnh vực văn hoá, du lịch, và giờ đây chị đang trụ lại với vị trí phóng viên điều tra kinh tế của VTV24. Nói về tình yêu nghề báo, chị khẳng định: “Máu nghề chảy trong tôi... mạnh lắm!”.

Ước muốn trở thành nhà văn hoặc nhà báo chuyên phóng sự

+ Nhiều người nói với tôi rằng, niềm đam mê với nghề báo, với nghiệp truyền hình của chị được truyền từ bố, chị dần quen với công việc của bố rồi tự ngấm và yêu truyền hình?

Bố là người truyền đam mê ấy cho tôi. Bản thân ông cũng là người yêu nghề và say nghề. Tôi còn nhớ ngày tôi còn bé, mỗi lần bố tôi viết lời bình cho phim tài liệu là ông trăn trở ghê lắm. Cứ viết ra giấy rồi lại ném vào sọt rác. Còn tôi lại cứ ra thùng rác nhặt tất cả những tờ giấy ông viết lên để đọc. Và cứ thế nó ngấm vào tôi tự lúc nào không hay. Tôi thấy ở những mảnh giấy loại ấy là những hình ảnh về thân phận những con người như “Cơn sốt đồng”, “Không sai một phút”, “Mặn hơn muối”… Tất cả những phim tài liệu của bố tôi làm đều day dứt lắm, khiến tôi không ngừng suy nghĩ và cũng mong muốn lớn lên sẽ giống như ông là được kể lại những câu chuyện bằng hình ảnh. Bạn bè của bố gọi bố là con gà đẻ trứng vàng vì cứ đi thi là lại mang giải vàng về. Trong mắt tôi, bố chính là nguồn cảm hứng, là thần tượng của mình.

 

Báo Công luận

                  “Nhặt đọc từ thùng rác những mảnh giấy loại của bố, thấy hình ảnh về thân phận những con người như “Cơn sốt đồng”, “Không sai một phút”, “Mặn hơn muối”… Tất cả những phim tài liệu của bố tôi làm đều day dứt lắm, khiến tôi không ngừng suy nghĩ. Bạn bè của bố gọi bố là con gà đẻ trứng vàng vì cứ đi thi là lại mang giải vàng về. Trong mắt tôi, bố chính là nguồn cảm hứng”


 

+ Thuở mới vào nghề, tình yêu với nghề báo - truyền hình của chị có chung chung không - theo kiểu yêu từ tình yêu của bố và miễn là được làm truyền hình, công việc nào cũng được hay đã định hình cho mình một công việc cụ thể?

Không, rất rõ rệt chứ không chung chung. Tôi định hình rõ lớn lên sẽ trở thành nhà văn chuyên viết truyện trinh thám hoặc là làm báo hình chuyên về những phóng sự kiểu thân phận, điều tra để phơi bày cái xấu.

 Phải đi đến tận cùng và giải quyết được vấn đề mới thôi

+ Không dùng từ đam mê hay từ nào to tát để diễn tả tình yêu của chị với nghề báo hình. Chỉ nhìn vào chặng đường đã đi qua của chị, qua từng tác phẩm, thấy rõ chị đã gắn bó và lăn lộn cùng nó như kiểu “sống cùng nhịp đập của các câu chuyện”?

Đúng như những gì chị nhìn thấy và cảm nhận ở tôi. Tôi yêu nghề báo và coi đó là cái nghiệp gắn với mình. Máu nghề chảy trong tôi.. mạnh lắm (Giờ có con nên nó cũng bớt đi tí xíu). Chắc tại tôi có máu… điên nên đề tài gì tôi thích là phải đeo bám đến cùng, thậm chí mất ăn mất ngủ. Bao giờ đi đến tận cùng và giải quyết được vấn đề thì tôi mới thôi. “Điên”… lắm.

 

Báo Công luận
 
                             
Học cái gì cũng phải trả… học phí. Hồi tôi làm du lịch tôi đi suốt,
không có cả thời gian để chăm sóc gia đình.
Giờ làm phóng viên điều tra về kinh tế, không ít lần tôi bị kẻ xấu
nhắn tin hăm dọa đòi lấy… mạng. Thường thì những tin nhắn kiểu đó
nó lại kích thích tôi mới lạ, tôi sẽ không dừng lại mà làm đến tận cùng.

Giờ có con tôi thấy mình có phần “hèn” hơn trước vì có nhiều khi không
theo đuổi được nhiều đề tài lâu dài hoặc cũng “run” hơn khi bị đe  doạ
”.

 

+ Tôi thấy chị đã kinh qua đủ các lĩnh vực, đủ các kênh, đủ các vai trò trong công đoạn của một tác phẩm truyền hình. Nhìn lại, chị thấy mình “đúng” là… mình, hợp nhất và phát huy tốt nhất ở mảng nào?

Mỗi một thời điểm nghề báo lại chọn… tôi vào một vị trí khác nhau. May mắn của tôi là tuổi trẻ tôi làm những phóng sự về văn hóa, rồi lại làm phóng sự về du lịch. Tôi được đi khắp cả nước, gặp gỡ nhiều thân phận, nhiều con người khác nhau. Mỗi một nơi tôi đặt chân đến đều cho tôi những cảm xúc, những cách nhìn nhận tích cực hơn về cuộc sống. Thời điểm hiện tại, tôi là phóng viên điều tra về kinh tế của trung tâm VTV24,  tôi thấy mình phát huy tốt nhất nghề của mình. Có thể đã trải đủ rồi, nên tôi của hiện tại gặp một vấn đề gì đều biết nhìn kỹ và lùi lại, phản ánh nó ở khía cạnh khách quan nhất, cố gắng sâu nhất và không phiến diện.

+ Sự bám đuổi đến tận cùng sự việc là điểm mấu chốt để người phóng viên  mang đến những câu chuyện thú vị. Cách thức riêng nào để chị tìm kiếm và bám đuổi nguồn tin?

Tôi tìm đề tài bằng nhiều cách, từ đồng nghiệp, bạn bè, ăng ten của tôi vươn ra khắp mọi nơi… mỗi nơi tôi đến tôi đều để lại số điện thoại của mình cho người dân, thế nên có bất kỳ vấn đề gì họ đều gọi cho tôi. Vấn đề nhỏ thì tôi hướng dẫn họ cách giải quyết, vấn đề lớn ảnh hưởng nhiều người thì tôi cùng anh em nhóm điều tra cùng phản ánh. Tóm lại tất cả những gì chúng tôi làm đều mong muốn cho xã hội tốt đẹp hơn. Nếu địa phương hay đơn vị làm sai mà biết tự sửa đổi thì hãy để họ làm như thế, cần gì mình vác máy xuống nữa. Còn nếu ngoan cố thì mình mới phải vào cuộc. Báo chí cũng chỉ có vai trò phản ánh thôi mà, làm gì có quyền kết tội ai.

 

Báo Công luận
 

 

 Nếu góp ý đúng thì tội gì không nghe!

+ Người luôn đi đến tận cùng vấn đề như chị rõ ràng là một cá tính mạnh. Chị được mô tả (tự mô tả mình) như thế nào trong các mối quan hệ với đồng nghiệp, lãnh đạo?

Tôi mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo. Tôi khá hòa đồng và tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp, nếu họ góp ý đúng tôi sẽ nghe, nghe mà tốt cho mình thì tội gì không nghe chứ. Còn với lãnh đạo, ở VTV24 toàn người trẻ và lại có chuyên môn nên thường tôn trọng PV, gọi PV lên để nói chuyện làm rõ chứ không có kiểu ép buộc cấp trên cấp dưới. Nếu tôi đúng họ sẽ tôn trọng tôi và vẫn để tôi làm tiếp.

 + Là phụ nữ, lại tác nghiệp ở những mảng phải đi nhiều, chịu nhiều sức ép… có cái giá nào để đánh đổi cho những cho và nhận, được và mất của một phóng viên như chị không?

Học cái gì cũng phải trả… học phí. Bất cứ thứ gì cũng có giá đấy! Hồi tôi làm du lịch tôi đi suốt, không có cả thời gian để chăm sóc gia đình. Giờ làm phóng viên điều tra về kinh tế, không ít lần tôi bị kẻ xấu nhắn tin hăm dọa đòi lấy… mạng. Thường thì những tin nhắn kiểu đó nó lại kích thích tôi mới lạ, tôi sẽ không dừng lại mà làm đến tận cùng. Như hồi làm mấy vệt bài điều tra về khai khống tiền đền bù cao su ở Hà Tĩnh, sau loạt bài ấy có 3 người bị bỏ tù. Và nhiều vụ khác tôi không tiện kể ra… nhưng cũng không ít chuyện thật sự làm khó mình.

Giờ có con tôi thấy mình có phần “hèn” hơn trước vì có nhiều khi không theo đuổi được nhiều đề tài lâu dài hoặc cũng “run” hơn khi bị đe doạ. Cũng may, tôi có chồng cũng làm cùng nghề nên anh ấy hiểu và giúp tôi khá nhiều nên niềm đam mê nghề nghiệp vẫn cứ… cháy. Lâu lâu không có vệt bài điều tra nào ra hồn là tôi lại bứt rứt, điên cả… người. Những lúc đó thật sự là cảm giác tệ hại… hơn khi mình làm, và khi làm thì lại không nghĩ nhiều về các điều khác nữa.

                        
Tôi thích Richard Quest,  hâm mộ cách sáng tạo của ông ấy,
cách ông ấy dẫn và trình bày tác phẩm của mình thông minh,
dùng câu chữ luôn có sức nặng và nó phá cách…
thật sự quá hấp dẫn
. Tôi thường xem đi xem lại những
tác phẩm của 2 người này và học hỏi cách làm ở họ
” 

 

 Tôi thích mẫu nhà báo Lê Bình và nhà báo Richard Quest.

+ Cả câu chuyện chúng ta vừa nói thì thấy bố chị chỉ là khởi đầu tình yêu nghề báo ở chị song hoặc có âm ỉ cháy trong chị song với chị thì chắc rằng còn có mẫu nhà báo của Việt Nam hay thế giới để ngưỡng mộ, để mong mình thành một phần của họ?

Thần tượng của tôi là Bố. Trong nước thì tôi thích nhà báo Lê Bình, nước ngoài thì tôi thích nhà báo Richard Quest. Với chị Lê Bình tôi như bị phải lòng ấy. Chỉ cần được nói chuyện cùng chị tôi đã học được nhiều thứ và cái máu nghề cái năng lượng tích cực của chị nó mạnh khủng khiếp khiến đối phương bị cuốn theo lúc nào không hay. Khi xem những tác phẩm chị Lê Bình làm tôi thường bị “dắt mũi” cảm xúc rất tự nhiên, lúc khóc lúc cười và cứ thế dẫn dụ người xem trải qua hết cung bậc cảm xúc và bùm… cái kết lại là những thứ  sâu sắc khiến tôi vẫn phải nghĩ.

Còn với Richard Quest tôi hâm mộ cách sáng tạo của ông ấy, cách ông ấy dẫn và trình bày tác phẩm của mình thông minh, dùng câu chữ luôn có sức nặng và nó phá cách… thật sự quá hấp dẫn. Tôi thường xem đi xem lại những tác phẩm của 2 người này và học hỏi cách làm ở họ.

 + Với một phóng viên điều tra lâu năm như chị, hậu trường tác nghiệp chắc hẳn có vô số câu chuyện thú vị hơn cả khi lên hình. Khi nhìn lại, chị nhớ những chuyện gì?

 Nhiều kỷ niệm lắm… kể không hết được. Tôi sẽ kể 2 câu chuyện thôi.

Báo Công luận
 

 

1 . “Án oan Hồ Duy Hải”- Cả ê kíp ôm nhau khóc vì mừng.   Lần chúng tôi đi đưa tin về án oan  Hồ Duy Hải ở Long An. Có thể nói đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử thi hành án ở VN chúng ta được thoát án tử trước 18 tiếng đồng hồ.

Hồi đó kíp chúng tôi gồm nhà văn Nguyễn Quang Vinh,quay phim Phạm Hùng và tôi vào Long An để cùng một số anh em báo chí

Lúc ở nhà chị Lê Bình (sếp tôi hồi đó) gọi lên giao nhiệm vụ, tôi rất hoang mang khi nhận nhiệm vụ vì không biết mình có thực hiện được trọng trách của nó không, chỉ biết nhà văn Quang Vinh động viên khích lệ thế là… lên đường. Vào Long An chúng tôi gặp không ít đe doạ vì đây là vụ án nhiều uẩn khúc. Trải qua nhiều quá trình làm việc và chờ đợi, buổi trưa hôm đó tôi như ngồi trên đống lửa vì mong sao giám đốc thẩm sẽ có quyết định dừng thi hành án để tiếp tục điều tra… Và nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Chủ tịch nước nên đã kịp thời dừng thi hành án. Rồi, lúc nghe tin em Hải có giấy hoãn thi hành án tim tôi như… ngừng đập, cả ê kíp ôm nhau mà khóc vì mừng. Công sức của biết bao anh em báo chí trong đó có cả VTV24 đã được đền đáp.

Lúc đến nhà em Hải, cả nhà em ấy quỳ xuống ôm lấy chúng tôi, cái cảnh ấy không bao giờ tôi quên được. Nó quá sức tôi tưởng tượng. Hai ngày ở Long An nó dài như một thế kỷ và nó khiến tôi sống trong bất an nhưng luôn vững một niềm tin là em Hải sẽ được cứu, linh cảm của chúng tôi lúc đó lạ lắm…

2. “Thay vì tác nghiệp tắc đường sang hỗ trợ… sản phụ”. Một chuyến công tác từ Hà Tĩnh về thì đoàn chúng tôi bị tắc đường quốc lộ 1 đoạn Thanh Hoá. Nhìn thấy đoàn xe chở đồ đông lạnh bị tắc mấy tiếng không thể nhúc nhích nổi chúng tôi nảy ra ý kiến sẽ làm một phóng sự nói về việc tắc đường và đồ đông lạnh có nguy cơ bị ôi thiu vì tắc đường. Xa xa chúng tôi thấy có một xe cứu thương và chúng tôi lao đến để ghi hình. Thật bất ngờ trong xe cứu thương là một sản phụ trẻ sinh đôi thai ngược bang chuyển viện từ tuyến huyện ở Hà Tĩnh đi cấp cứu ở Hà Nội. Chúng tôi ngay lập tức bỏ ý định ban đầu là làm phóng sự về tắc đường mà lao theo xe cứu thương để giúp sản phụ đó. Vì lúc đó nghĩ đơn giản là đi theo xe cấp cứu để họ có cần gì thì mình giúp. Lúc thì đi trước để dẹp đường, lúc thì đi vào đường tắt để làm thế nào nhanh nhất có mặt ở Hà Nội. Đường làng thì toàn ổ gà nảy tưng tưng như đi… offroad.  Chúng tôi hoang mang vì sinh mạng của 2 cháu bé và người mẹ không biết có trụ được không. Đến đoạn Ninh Bình lại tắc tiếp 2 xe có lúc lắc vào nhau. Và rất may chúng tôi đã gặp được xe cấp cứu đó ở cao tốc Ninh Bình. Ra đến phụ sản trung ương, chúng tôi vào phòng cấp cứu trình bày, lúc đó là 2h sáng. Các y tá bác sỹ trực (và 7 nhà báo trên xe đang rất hoang mang) cùng mang vội băng ca chạy ra, mỗi người một tay nâng sản phụ lên băng ca lao ngay vào phòng cấp cứu, chuyển ngay vào phòng mổ. Cả kíp cùng người nhà đứng nín thở. Sau gần 1 tiếng thì 2 đứa trẻ đã được an toàn. Bác sĩ nói chỉ cần chậm 10 phút nữa là tính mạng cả 3 mẹ con sẽ rất nguy kịch.

 Người nhà sản phụ thì khóc, bản thân tôi cũng mừng rơi nước mắt. Lúc này cả đoàn thấm mệt, chia tay người nhà sản phụ chúng tôi cứ mừng thầm trong bụng đã chứng kiến một cái kết có… hậu. Hai ngày sau mấy anh em chúng tôi có quay lai bệnh viện để thăm cháu, cậu của sản phụ còn trêu tôi chính là mẹ nuôi của 2 bé. Thật sự tôi thấy vui và hạnh phúc lắm. Không biết gọi đó là những niềm vui gì, những điều nho nhỏ tôi góp nhặt trong cuộc sống làm nghề này đã cho tôi rất nhiều năng lượng để làm việc và mong làm việc mỗi ngày.

 Linh Linh (Thực hiện)

Tin khác

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo