Mô hình đào tạo 9+: Bằng cấp có đi đôi với chất lượng?

Thứ năm, 25/03/2021 09:48 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong khi học sinh bậc THPT để có bằng đại học phải mất ít nhất 7 năm, thì mô hình 9+ học sinh chỉ mất 5 năm. Câu hỏi đặt ra, với tấm bằng đại học “siêu tốc” như vậy liệu có đảm bảo chất lượng, thế giới ai công nhận.

Hình thức đào tạo siêu tốc, thần kỳ

2 năm trở lại đây, khi Bộ Lao động - Thương Binh & Xã hội đẩy mạnh chương trình đào tạo nghề thông qua chương trình 9+ Cao đẳng. Chương trình 9+ Cao đẳng là hình thức học văn hoá rút gọn 7 môn song song với học cao đẳng chính quy. Học sinh tốt nghiệp THCS theo học chương trình 9+ Cao đẳng qua đó rút ngắn thời gian đào tạo bằng việc học song song học văn hóa và chuyên ngành.

Nếu theo tiến trình bình thường 18 tuổi các em mới tốt nghiệp THPT, 22 tuổi tốt nghiệp Đại học thì ngay từ khi học xong lớp 9 các em theo chương trình 9+ Cao đẳng, 2 năm sau (lớp 11) các em sẽ được cấp bằng trung cấp. Vào năm lớp 12, các em hầu như tập trung vào học văn hóa để hoàn thành thi THPT quốc gia. Sau khi tốt nghiệp THPT, các em học thêm nửa năm nữa là lấy được bằng cao đẳng chính quy.

Báo Công luận

Sau khi tốt nghiệp cao đẳng chính quy, các em có thể học liên thông lên đại học (1,5 năm nữa), đi làm hoặc đi du học. Như vậy nếu theo học chương trình 9+, ở tuổi 18-19 học sinh có thể hoàn thành chương trình học, có bằng cao đẳng thậm chí đại học để gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Theo quảng bá của nhiều trường thì cái lợi của mô hình này chính là tiết kiệm thời gian và kinh tế, giúp các em sớm gia nhập thị trường lao động một cách chuyên nghiệp.

Trước những thông tin quảng bá rầm rộ như vậy, nhiều phụ huynh, học sinh đã chú ý nhiều hơn hình thức học tập này. Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Quang Trung ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, anh đang có ý định hướng cho con của mình theo học hệ 9+. Nếu thông tin quảng cáo từ một trường cao đẳng công nghệ là đúng, anh nhận thấy hình thức học này quá “ưu việt”. Vì chỉ mất thời gian hơn 3 năm, học sinh đã có bằng cao đẳng, thậm chí đại học sớm, trong khi học phí phù hợp.

Trái ngược với anh Trung, chị Trần Tú Quỳnh ở quận Cầu Giấy, Hà Nội khi đọc các thông tin quảng cáo về chương trình 9+ thì tỏ ra nghi ngờ về chất lượng thực sự của hình thức đào tạo này. Chị này nói: “Vấn đề tôi quan tâm không phải bằng cấp mà chất lượng có tương xứng với văn bằng. Chưa kể, khi theo học chương trình 9+ chưa có gì đảm bảo học sinh sẽ tốt nghiệp đúng thời gian.

Chương trình các em phải học trong thời gian hơn 3 năm là quá nặng khi phải học kiến thức của bậc THPT, trung cấp nghề, Cao đẳng, thậm chí Đại học. Với khối lượng kiến thức như vậy học sinh đầu vào kém thì không thể theo kịp. Chưa kể, trong trường hợp, học sinh 9+ sau 3 năm học tham gia thi tốt nghiệp THPT trượt thì coi như xôi hỏng, bỏng không”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận (NB&CL), hiện nay các trường nghề đa phần chưa đủ điều kiện để dạy kiến thức phổ thông nên khi theo học,học sinh buổi học ở trường cao đẳng, buổi phải đến các trung tâm giáo dục thường xuyên học văn hóa. Việc học tập dễ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, rất khó để đảm bảo chất lượng.

“Không phải dơi, chả phải chuột”

Bàn về mô hình đào tạo 9+ hiện nay, nhiều chuyên gia khi trao đổi với phóng viên Báo NB&CL tỏ ra nghi ngờ. Bởi, với học sinh học xong THCS + 3,5 năm có thể “lột xác” để nhận bằng cao đẳng, trở thành “nhân lực chất lượng cao”?

Họ cho rằng, những nỗ lực đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với hình thức đào tạo 9+ không đạt chuẩn mực do giáo dục trong nước và chuẩn mực quốc tế đòi hỏi trình độ người tốt nghiệp cao đẳng phải đạt. Vì vậy cần thiết xem xét lại hình thức đào tạo này.

Mô hình đào tạo 9+ đang được nhiều trường Cao đẳng tổ chức chiêu sinh rầm rộ.

Mô hình đào tạo 9+ đang được nhiều trường Cao đẳng tổ chức chiêu sinh rầm rộ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam khẳng định hình thức học tập này là “không phải dơi, chả phải chuột”. Theo vị này, không thể đào tạo học sinh THCS không đủ trình độ thi vào các trường THPT nhưng chỉ cần học 3 năm thêm mấy tháng lại nhận bằng Cao đẳng. “Tôi lo rằng, những bằng cấp như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng. Không có ý nghĩa gì để phục vụ phát triển của đất nước. Trong khi đó, hiện nay hội nhập quốc tế cũng không nước nào công nhận. Muốn đào tạo học sinh dưới chuẩn cần phải có thời gian, có chương trình được thẩm định. Hiện đang có sự hiểu nhầm và hạ thấp bậc Cao đẳng” - ông Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.

Nói sâu hơn về bất cập trong việc hạ thấp bậc cao đẳng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết hiện có một loạt các trường trung cấp nghề được “phong” cao đẳng. Điều này chắc chắn sẽ không đảm bảo chất lượng trong đào tạo. Muốn có chất lượng cần phải đào tạo đội ngũ giảng viên trong các nhà trường có chất lượng. “Với nhà trường chưa đạt chuẩn, học sinh đầu vào là bậc THCS chất lượng kém (những em học tốt thì các em lên THPT không dại gì đi con đường này) nên không thể đào tạo ra trình độ cao đẳng có chất lượng.

Tôi cho rằng, muốn học cao đẳng phải học hết THPT và theo học ít nhất 2 đến 3 năm nữa. Còn đào tạo như 9+, đầu vào đã không có kiến thức cơ bản còn nhồi kiến thức “cao siêu” trong thời gian ngắn nên không có chất lượng. Học như vậy chả khác nào xây nhà không móng. Do đó, nhà có đẹp thì chỉ một cơn gió thổi vào là đổ sập. Kiến thức THPT là nền tảng, muốn học lên cao phải có nền tảng vững chắc đó. Còn nền tảng không có làm sao xây được lâu đài”, ông Nhĩ nói.

Trước “ma trận” quảng cáo tràn lan, thổi phồng giá trị thực của hình thức đào tạo 9+, ông Trần Xuân Nhĩ cho rằng, phụ huynh nên tỉnh táo, nghiên cứu hệ thống giáo dục của nước ta, đối sánh với quốc tế để nhận thức đúng vấn đề. Muốn con mình học xong để phục vụ đất nước, hội nhập quốc tế thì cần suy nghĩ cẩn trọng trước khi quyết định theo học.

Hiện các trường thường quảng bá học ra có công ăn việc làm ngay. Trong khi, thời đại này đòi hỏi tay nghề lao động cao, ngay cả làm nông giờ cũng đòi hỏi phải có kỹ thuật cao. Vì thế, không thể nghĩ đơn giản 3 năm có bằng cao đẳng là oai. Nhưng thực ra, không oai được vì chất lượng kém lại không được thế giới công nhận.

Đồng tình với ông Trần Xuân Nhĩ, nhiều chuyên gia khi được hỏi cũng nhận định tình trạng đào tạo “siêu tốc” như “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành” là hiện tượng chạy đua theo hư danh để rồi tạo ra nguồn lực không tương xứng với trình độ đào tạo, không phù hợp với thông lệ chung của thế giới và hậu quả nguồn nhân lực sẽ không được thế giới công nhận.

Nếu chỉ cố gắng “câu kéo” người học nhưng không đảm bảo thời gian học và nội dung học cần thiết, đương nhiên sẽ đào tạo ra nhân lực rởm, gây tổn hại uy tín và chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước.

Trinh Phúc

Tin khác

Hơn 13.000 học sinh TP HCM dự kiến không thi vào lớp 10

Hơn 13.000 học sinh TP HCM dự kiến không thi vào lớp 10

(CLO) Dự kiến có khoảng 102.349 học sinh lớp 9 tại TP HCM đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2024-2025. Có khoảng 13.410 học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh.

Giáo dục
Đổi mới phiếu thi trắc nghiệm kỳ thi THPT: Nâng cao tính phân biệt hay tạo áp lực cho học sinh?

Đổi mới phiếu thi trắc nghiệm kỳ thi THPT: Nâng cao tính phân biệt hay tạo áp lực cho học sinh?

Kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) luôn là một dấu mốc quan trọng trong hành trình học tập của mỗi học sinh Việt Nam. Kỳ thi này không chỉ đánh giá kết quả học tập của học sinh trong suốt 12 năm học phổ thông mà còn là “cánh cửa” mở ra nhiều cơ hội học tập và phát triển tiếp theo.

Giáo dục
Hà Nam: 75 thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hà Nam năm 2024

Hà Nam: 75 thí sinh tham gia Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hà Nam năm 2024

(CLO) Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Nam đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam tổ chức Hội thi Tin học trẻ tỉnh Hà Nam năm 2024.

Giáo dục
Công bố danh mục phương thức xét tuyển đại học năm 2023

Công bố danh mục phương thức xét tuyển đại học năm 2023

(CLO) Thí sinh tra cứu danh mục phương thức xét tuyển do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để phục vụ cho việc đăng ký nguyện vọng đại học.

Giáo dục
Thành phố Thái Bình: Hơn 1.200 học sinh được tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, bạo lực học đường

Thành phố Thái Bình: Hơn 1.200 học sinh được tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, bạo lực học đường

(CLO) Sáng ngày 6/5, Đội Cảnh sát Giao thông, Công an thành phố Thái Bình phối hợp với Trường THCS Tây Sơn, phường Quang Trung tổ chức buổi tuyên truyền kiến thức về an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường và tác hại của thuốc lá điện tử cho học sinh.

Giáo dục