Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng ngày càng phát huy hiệu quả

Thứ sáu, 22/12/2023 11:36 AM - 0 Trả lời

(CLO) Mô hình trồng dược liệu quý dưới tán rừng đạt hiệu quả cao đang được nhiều địa phương áp dụng và ngày càng phát huy hiệu quả, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia 1719, nhiều địa phương đã bắt tay vào triển khai mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng nhằm vừa bảo vệ rừng, vừa đem lại sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên, với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp và diện tích đất có rừng tương đối lớn, tỷ lệ che phủ rừng là 42,96%, tỉnh Điện Biên có tiềm năng phát triển lâm sản ngoài gỗ (dưới tán rừng, trên đất trống) và các loại cây dược liệu đặc hữu như: Cẩu tích, sa nhân, thảo quả, đẳng sâm... theo hướng tập trung gắn với chế biến.

Để biến tiềm năng thành lợi thế phát triển cây dược liệu bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, từ các nguồn vốn ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ đồng bào các DTTS trồng, chăm sóc cây dược liệu đặc hữu; thí điểm trồng một số loài dược liệu có giá trị kinh tế cao.

mo hinh trong duoc lieu duoi tan rung ngay cang phat huy hieu qua hinh 1

Cây Ba kích tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: TTXVN.

Điển hình trên địa bàn xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) đã phát triển mô hình trồng cây thảo quả với diện tích hơn 80ha và đã cho thu hoạch, thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng/ha. Cây sơn tra (táo mèo) và cây sa nhân cũng là một trong các loài cây sinh trưởng phát triển tốt, cho sản lượng thu hoạch cao đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân xã Tỏa Tình.

Trên địa bàn xã đến nay đã có gần 150ha cây sơn tra, cho sản lượng khoảng 900 tấn quả tươi. Quả sơn tra đã được Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tây Bắc chế biến thành các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế. Cũng trên địa bàn huyện Tuần Giáo, hiện nay một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân đã trồng khoảng 60.550 cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu từ 1 - 5 năm tuổi, với tổng diện tích trên 2ha. Cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu sinh trưởng, phát triển tốt đã khẳng định sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực.

Còn dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận lại có rất nhiều loài dược liệu, mỗi loài được phân bố và tập trung ở những khu vực và trạng thái rừng khác nhau. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu để có giải pháp vừa đảm bảo khai thác sử dụng có hiệu quả vừa bảo tồn được nguồn gen rất cần thiết. Đơn cử khu vực huyện Bắc Bình và Tuy Phong có sự phân bố của các loài như cốt toái bổ, ba kích, sâm bố chính, xáo tam phân, mật nhân, bụt giấm.

Dưới cánh rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam có sự phân bố của nhiều loài nấm linh chi; Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông tại huyện Tánh Linh có củ mài gừng, cốt toái bổ, thổ phục linh, lan kim tuyến; khu vực huyện Đức Linh có trà hoa vàng quý hiếm… Với các loài dược liệu đa dạng đó, tiềm năng phát triển và nhân rộng rất lớn, đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội nếu có sự nghiên cứu, đầu tư kịp thời.

Năm 2022, Sở NN&PTNT Bình Thuận giao Chi cục Kiểm lâm phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và các loại hình du lịch sinh thái bền vững gắn với phát triển, bảo vệ rừng, với tổng kinh phí thực hiện 650 triệu đồng từ vốn sự nghiệp lâm nghiệp.

Trong khi đó, tại tỉnh Thanh Hóa, hiện địa phương có trên 641 nghìn ha đất có rừng, trong đó 393 nghìn ha rừng tự nhiên với 529 loài dược liệu bản địa. Trong 5 năm qua, khu vực miền núi Thanh Hóa đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó tập trung vào các loại dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao như Lan Kim tuyến, Ba kích, Sa nhân, Bảy lá một hoa, Khôi tía v.v...

Nhìn chung các loại dược liệu dưới tán rừng đều sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng tương đương với sản phẩm thu hái từ tự nhiên. Tuy vậy có một thực tế là phần lớn các mô hình đang thử nghiệm quy mô nhỏ, phân tán. Trong thời gian tới, ngành NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục làm tốt công tác giữ vững và phát triển diện tích rừng hiện có, nghiên cứu và nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã thành công, tạo sinh kế cho người dân. Ngoài ra sẽ kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư theo chuỗi để gắn trồng, sản xuất và chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị các loại dược liệu trồng tự nhiên.

Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.000 loại cây dược liệu, trong đó có nhiều cây thuốc quý. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang bị cạn kiệt, nhiều loại cây không còn khả năng tái sinh, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng... Vì vậy, việc trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tại xã Đồng Phúc.

Từ năm 2020 đến 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam triển khai thực hiện mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu làm giảm xói mòn, bồi lấp lòng hồ Ba Bể .

Với quy mô thực hiện 3ha có 10 hộ tham gia tại thôn Bản Chán và Nà Khâu, xã Đồng Phúc (Ba Bể). Các cây trồng được đưa vào thực hiện gồm: Trám đen ghép, dẻ ván ghép và trà hoa vàng là những cây trồng đa mục đích, có hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Tham gia mô hình các hộ được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí giống, vật tư phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trong 03 năm thực hiện mô hình. Mô hình đã thực hiện trồng được 660 cây trám đen ghép, 660 cây dẻ ván ghép và hơn 4.800 cây trà hoa vàng. Hiện một số cây dẻ ván và trám đen đã cho thu hoạch, trà hoa vàng đang sinh trưởng, phát triển tốt...

Có thể thấy, mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu xói mòn, bồi lấp lòng hồ, lưu vực hồ Ba Bể, giúp nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi từ rừng của bà con khu vực lân cận hồ.

Năm 2021, thực hiện Dự án phát triển cây dược liệu quý (cây khôi nhung tía) thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện Ba Bể đã chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai các nội dung đầu tư, hỗ trợ. Dự án hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn khoa học – kỹ thuật cho các hộ thực hiện.

mo hinh trong duoc lieu duoi tan rung ngay cang phat huy hieu qua hinh 2

Mô hình trồng cây khôi nhung tía và trà hoa vàng dưới tán rừng tại thôn Bản Chán, xã Đồng Phúc (Ba Bể).

Theo đó, tại xã Đồng Phúc thực hiện 6ha, cho thu hoạch khoảng 4,4ha tại các thôn Bản Chán, Tẩn Lùng, Nà Khâu, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ. Tại xã Thượng Giáo thực hiện 3,5ha tại thôn Phịa Khao từ nguồn kinh phí nông thôn mới hỗ trợ.

Loại cây này có đặc điểm ưa độ ẩm cao, thường mọc dưới tán rừng và là cây dược liệu quý, dùng để bào chế thuốc chữa các bệnh về dạ dày, tá tràng. Theo tính toán, với mật độ từ 6.000 – 10.000 cây/ha, khôi nhung sau 1 – 2 năm có thể cho thu hoạch từ 3 – 5 tạ lá khô mỗi năm, thu về lợi nhuận từ 50 – 80 triệu đồng.

Có thể nói, mô hình trồng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên.

Tuyết Nguyễn

Bình Luận

Tin khác

Vườn Quốc gia Cúc Phương được vinh danh 'Vinh quang Việt Nam 2024'

Vườn Quốc gia Cúc Phương được vinh danh 'Vinh quang Việt Nam 2024'

(CLO) Vườn Quốc gia Cúc Phương là 1 trong 10 tập thể được vinh danh tại sự kiện 'Vinh quang Việt Nam 2024' với chủ đề '20 năm khơi nguồn sức mạnh Việt Nam'.

Đời sống
Lào Cai: Bắt được 2 con khỉ quý lạc vào vườn nhà bàn giao cho kiểm lâm

Lào Cai: Bắt được 2 con khỉ quý lạc vào vườn nhà bàn giao cho kiểm lâm

(CLO) Hạt kiểm lâm huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) cho biết đây là loài thú hoang nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đời sống
Va chạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giao thông ùn tắc cục bộ

Va chạm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giao thông ùn tắc cục bộ

(CLO) Vụ va chạm giữa 2 xe ô tô trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn qua tỉnh Yên Bái khiến giao thông ùn tắc cục bộ.

Đời sống
Thái Bình: Phạt nhóm người tụ tập chụp ảnh trên đường giao thông

Thái Bình: Phạt nhóm người tụ tập chụp ảnh trên đường giao thông

(CLO) UBND thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhóm người tụ tập chụp ảnh trên đường giao thông.

Đời sống
Dự báo thời tiết 20/5/2024: Bắc Bộ mưa dông về chiều tối

Dự báo thời tiết 20/5/2024: Bắc Bộ mưa dông về chiều tối

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 20/5/2024, Đông Bắc Bộ chiều tối có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 120mm.

Đời sống