Mỏ than “nuốt” ngôi làng ở Ấn Độ: “Chúng tôi đã bị lừa”

Thứ ba, 20/12/2022 20:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong một khu rừng nguyên sinh ở miền Trung Ấn Độ, gã khổng lồ khai thác khoáng sản trị giá hàng tỷ đô-la của tỷ phú Adani đã san bằng cây cối và nhà cửa để đào thêm than.

mo than nuot ngoi lang o an do chung toi da bi lua hinh 1

Mỏ than Parsa East Kete Basan, nơi từng là làng Kete. (Nguồn: Anindito Mukherjee)

Khu rừng chứa “vàng đen”

Trong cuốn sổ, Bhole Nath Singh Armo, một người đàn ông 28 tuổi gầy gò đã vẽ một bản đồ về ngôi làng của mình. Anh chĩa bút vào giữa để đánh dấu ngôi đền nơi vị thần làng từng ngự trị. Ở phía Tây, anh đánh dấu một khu định cư gồm hơn 200 ngôi nhà, nơi anh, cha và ông của anh đã sinh ra và lớn lên. Sau đó, ở phía Bắc, một ngôi đền khác dành cho một vị nữ thần. Ngôi làng của anh có tên Kete có vị trí như vậy cho đến 9 năm trước, trước khi nó bị phá hủy bởi một công ty do một tập đoàn trị giá 260 tỷ USD kiểm soát. Tập đoàn được đặt theo tên của chủ sở hữu, người giàu nhất châu Á, tỷ phú Gautam Adani.

Ngôi làng nằm ở bang Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ, bên bìa khu rừng Hasdeo Arand rậm rạp. Là một trong số ít những khu rừng nguyên sinh của Ấn Độ, Hasdeo Arand trải dài trên diện tích hơn 1.500 km2. Vùng đất này là nơi sinh sống của các loài thực vật quý hiếm, các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và những cây cổ thụ cao đến mức dường như chạm vào bầu trời.

Khu rừng cũng chứa ước tính 5 tỷ tấn than. Loại than này nằm gần bề mặt nên dễ khai thác. Chính phủ liên bang đã chia khu vực này thành 23 “mỏ than”, 6 trong số đó đã được phê duyệt để khai thác. Tập đoàn Adani đã ký hợp đồng khai thác 4 trong số 6 mỏ đó, tính cả hợp đồng bao gồm làng Kete và các làng lân cận. Việc khai thác các mỏ này sẽ phá hủy ít nhất 1.898 ha đất rừng. Khối than cụ thể dưới làng Kete có khoảng 450 triệu tấn than, trị giá khoảng 5 tỷ USD.

Ấn Độ là nước sản xuất và tiêu thụ than đá lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), và câu chuyện của làng Kete cũng giống như những câu chuyện khác đang diễn ra trên khắp đất nước.

Năm 1998, người ta tính toán rằng hơn 2,5 triệu người Ấn Độ đã phải di dời do các dự án khai thác mỏ than kể từ năm 1950. Nhiều và rất nhiều người dân nữa sẽ bị di dời trong những năm sau đó. Ngành than tạo ra khoảng 70% lượng điện hàng năm của đất nước này và sử dụng ít nhất 2,9 triệu lao động. Mặc dù Ấn Độ đã cam kết giảm 45% lượng khí thải carbon xuống dưới mức năm 2005 vào năm 2030, nhưng nước này không có kế hoạch loại bỏ điện than.

Đó là tin xấu đối với môi trường – nhiệt điện than là một trong những nguồn nhiên liệu bẩn nhất hành tinh – nhưng lại là tin tốt cho các tập đoàn như Adani. Trong ba thập kỷ qua, Adani đã xây dựng tập đoàn khổng lồ của mình bằng cách thâm nhập vào hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế Ấn Độ, từ xử lý nước thải đến xử lý dữ liệu, dầu ăn đến tấm pin mặt trời, vận tải đến phương tiện truyền thông. Ngay cả những quả táo được bán trong khu phố ở New Delhi cũng có nhãn dán của tập đoàn Adani trên đó.

mo than nuot ngoi lang o an do chung toi da bi lua hinh 2

Tỷ phú Gautam Adani năm 2014. (Nguồn: Amit Dave/Reuters)

Trong số rất nhiều liên doanh này, ít công ty con thu về lợi nhuận nhiều hơn khai thác than. Cho đến vài năm trước, hơn 90% than của Ấn Độ đã được khai thác bởi các công ty thuộc sở hữu của Chính phủ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi ngày càng chuyển giao cho công ty tư nhân thực hiện công việc này. Một trong những người hưởng lợi chính từ sự thay đổi này là tỷ phú Adani.

Bhole và người anh họ Patar Sai Armo đã xây dựng một nhà máy sản xuất chất tẩy rửa nhỏ cách ngôi nhà cũ của họ ở làng Kete khoảng 4 giờ lái xe. Anh em họ thuộc tộc Gond, một trong 700 bộ lạc bản địa ở Ấn Độ, nhiều người trong số họ sống ở những vùng rừng núi xa xôi. Khoảng 9% trong số 1,3 tỷ người ở Ấn Độ thuộc về các bộ lạc này, được gọi chung là Adivasis. Nhiều người trong số họ kiếm được ít hơn 1 USD/ngày.

Mặc dù những cộng đồng này đã sống trong rừng hàng nghìn năm nhưng mãi đến năm 2006, luật mới được thông qua để chính thức công nhận quyền sở hữu của họ đối với đất đai. Nhưng chừng đó là không đủ để bảo toàn làng Kete.

“Họ mang theo hàng loạt máy móc”, Patar nói và nhớ lại ngày đầu tiên vào năm 2008 khi lần đầu tiên anh thấy người ngoài đến làng. Thiết bị khảo sát – những cỗ máy mà Patar nói đến – bao gồm một chiếc máy ảnh lớn đặt trên giá ba chân màu vàng. Khi những người đàn ông đến và nói với dân làng rằng họ đến để khảo sát khu vực cho một mỏ than được đề xuất để khai thác, người dân đã rất tức giận. Vài tuần sau, trưởng làng nói với người dân địa phương rằng công ty sẽ khai thác than bên dưới làng Kete có tên là Adani.

Nhờ tiền, "phản đối" dần thay thế bằng "ủng hộ"

Dân làng địa phương cho biết, Adani có vai trò lớn hơn trong dự án. Họ nói với tờ The Guardian rằng các đại diện của Adani đã bắt đầu đến làng của họ nhiều năm trước khi việc khai thác than bắt đầu và tự giới thiệu mình là nhân viên của Adani. Những nhân viên này cố gắng thuyết phục dân làng đồng ý từ bỏ đất đai của họ để tập đoàn khai thác than.

Lúc đầu, dân làng đã đoàn kết chống lại việc khai thác than, Bhole nói. Theo một số dân làng, tất cả mọi người trong làng đều phản đối các kế hoạch phát triển khai thác mỏ. Nhiều dân làng đã viết thư cho chính quyền địa phương nói rằng họ không muốn từ bỏ đất đai của mình. Những người không thể viết đã dùng dấu vân tay của họ để cam kết. Khi đại diện của Adani hoặc Chính phủ đến làng Kete để nói về mỏ than, dân làng đã tổ chức phản đối.

Tuy nhiên, trong 4 năm tiếp theo, sự phản đối đối với khai thác mỏ than dần dần tan biến. Đầu năm 2009, Adani đã thuê Rakesh Yadav, người trước đó đã chiếm được lòng tin của dân làng nhờ làm việc cho một tổ chức Phi Chính phủ điều hành các hoạt động phúc lợi, chẳng hạn như tiêm phòng cho gia súc và giúp người dân địa phương cải thiện năng suất trang trại. Hai thành viên của giới thượng lưu địa phương, Mani và Kailash, nói rằng Yadav gặp họ thường xuyên để giải thích rằng việc bán đất của người dân là vì lợi ích tài chính của chính họ.

Ban đầu, Mani và Kailash không muốn có mỏ than trong làng và họ đã phản đối trong một thời gian. Nhưng sau khoảng 1 năm, họ nói với tôi rằng Yadav bắt đầu cho họ 5.000 rupee (khoảng 50 bảng Anh) mỗi tháng bằng tiền mặt, tương đương với thu nhập hàng tháng của một gia đình có địa vị ở địa phương.

“Lúc đầu, Yadav nói rằng anh ta không muốn nhận lại bất cứ thứ gì”, Mani nhớ lại và nói, nhưng theo thời gian, Yadav bắt đầu yêu cầu họ sử dụng tiền để tổ chức “các bữa tiệc” trước các cuộc họp quan trọng của làng về mỏ than. Tại các bữa tiệc, từ 15 đến 20 người đàn ông sẽ tụ tập để uống rượu và ăn uống. Mani cáo buộc rằng ý tưởng đằng sau những bữa tiệc này là chuốc cho những người đàn ông này say xỉn và yêu cầu họ đồng ý trong các cuộc họp làng. Mặc dù họ không phải là nhân viên của Adani vào thời điểm này, nhưng Mani và Kailash bắt đầu được coi là đại diện hoặc người môi giới của Adani trong làng.

Theo nhiều người dân cũ của làng Kete, khi thời gian trôi qua, Adani đã hòa nhập vào cơ cấu xã hội của thị trấn, tổ chức các bữa ăn cộng đồng và các giải đấu bóng đá, đồng thời trả tiền cho các lễ hội văn hóa. Nhiều dân làng nói rằng Yadav, Mani và Kailash cho họ biết rằng nếu họ cần hỗ trợ tài chính cho đám cưới hoặc đám tang, họ có thể hỏi Adani.

“Đột nhiên tất cả mọi người trong làng có cảm giác rằng có rất nhiều tiền xung quanh chúng tôi và chúng tôi có thể lấy nó nếu muốn. Toàn bộ bầu không khí đã thay đổi, Bhole nói.

Ban đầu, ai ai cũng phản đối mỏ, nhưng từ khoảng năm 2010, nhiều người dân địa phương đã ngừng phản đối. Một số người có vai vế trong làng bắt đầu tiếp cận Yadav và các đại diện khác từ Adani bất cứ khi nào họ cần tiền. Bhole nói: “Mọi người nghĩ rằng đất của họ sẽ biến mất, vì vậy tốt hơn là nên lấy bất cứ thứ gì họ có thể lấy từ công ty này”.

Chiến lược tinh vi

Nhưng nhiều dân làng phải di dời khỏi làng nói rằng, giờ đây họ cảm thấy mình đã bị Adani và chính quyền địa phương chơi xỏ. “Đó là một sự dàn dựng. Họ đã lừa chúng tôi giao đất của mình”, Patar nói.

mo than nuot ngoi lang o an do chung toi da bi lua hinh 3

Bhole Nath Singh (áo xanh) và anh họ Patar Sai Armo tại nhà máy sản xuất chất tẩy rửa của họ ở Chhattisgarh. (Nguồn: Anindito Mukherjee)

Nếu các cuộc đấu tranh bạo lực giành đất đai từng là trung tâm của hoạt động kinh doanh khai thác mỏ công nghiệp quy mô lớn, thì trong những năm gần đây, một mô hình mới đã xuất hiện. Theo Matthew Himley, giáo sư địa lý tại Đại học bang Illinois, người nghiên cứu hoạt động của các ngành công nghiệp khai thác ở Peru, trong vài thập kỷ qua, các công ty khai thác đã áp dụng các chiến lược tinh vi hơn. Cách tiếp cận này – mà một số nhà nghiên cứu gọi là “ kỹ thuật bóc lột xã hội ” – đã diễn ra khắp thế giới từ Zambia đến Peru và Canada.

Quá trình này tiến hành dần dần. Theo một số học giả, khi một công ty khai thác gặp phải sự phản đối, họ sẽ tìm kiếm những người trong cộng đồng có thể trở thành tai mắt và tiếng nói của công ty trong làng. Những người này được trả tiền, hoặc được hưởng các đặc quyền khác, để thuyết phục hoặc lôi kéo người dân địa phương ủng hộ dự án.

Trước khi bất kỳ dự án phát triển nào có thể được thực hiện trong một khu vực có rừng ở Ấn Độ, nó phải được phép giải phóng mặt bằng, một quá trình được giám sát bởi Bộ Môi trường liên bang. Mỗi dự án phải có chữ ký ít nhất một nửa số thành viên trưởng thành của một ngôi làng phụ thuộc vào khu rừng đồng ý triển khai dự án. Bên cạnh đó cũng yêu cầu bằng chứng rằng dân làng đã được cung cấp đầy đủ chi tiết của dự án, bao gồm cả tác động môi trường và xã hội, cũng như kế hoạch tái định cư cho các cộng đồng bị di dời. Cũng cần phải chứng minh rằng các cộng đồng đã hiểu thông tin.

Những cư dân cũ của làng Kete, hiện đang sống rải rác khắp Chhattisgarh, nói rằng những tiêu chuẩn này đã không được đáp ứng. Họ cáo buộc rằng các quan chức được bầu ở địa phương, làm việc với các đại diện của Adani đã làm giả tài liệu, không thông báo cho dân làng về các cuộc họp quan trọng và giữ kín thông tin quan trọng về dự án mỏ than.

Một số người dân nói rằng các quan chức chủ trì các cuộc họp chủ yếu nói về lợi ích của việc khai thác than trong khu vực và công việc mà mỏ than sẽ mang lại, hơn là về ô nhiễm và hủy hoại môi trường liên quan. Một số dân làng nói rằng họ thường được yêu cầu ký tên hoặc điểm chỉ trên các sổ đăng ký không có bất kỳ thông tin gì được ghi trên đó.

Đổi đời?

Khi cư dân làng Kete biết rằng thỏa thuận đã được thực hiện, họ được thông báo rằng séc bồi thường của họ đã sẵn sàng để được nhận tiền.

mo than nuot ngoi lang o an do chung toi da bi lua hinh 4

Một người phụ nữ đang đắp nền nhà bằng bùn. (Nguồn: Anindito Mukherjee)

Gia đình của Patar nhận được 7 triệu rupee (khoảng 70.000 bảng Anh) và gia đình của Bhole nhận được 8,6 triệu rupee (khoảng 85.000 bảng Anh) - gấp khoảng 40 lần thu nhập hàng năm mà họ kiếm được bằng cách bán các sản phẩm từ rừng như hoa và nấm. Chẳng mấy chốc, hầu như nhà nào ở làng Kete cũng có ô tô, xe máy hoặc máy kéo. Một số gia đình sắm cả ba loại xe. Dân làng đã được thông báo rằng làng Kete sẽ bị phá hủy, và một khu định cư mới sẽ được tạo ra gần đó, ở làng Basen, nơi họ có thể chuyển đến nếu muốn. Vào tháng 2/2013, công nhân Adani bắt đầu khai thác đất xung quanh làng Kete.

Trong khi Bhole và Patar thừa nhận rằng số tiền bồi thường đã giúp họ bắt đầu lại cuộc sống – họ đã sử dụng một phần số tiền đó để xây dựng nhà máy sản xuất chất tẩy rửa – cuộc sống của họ ở làng Kete vẫn tốt như vậy, họ nói. Nhưng nhiều cư dân cũ của làng Kete nói rằng họ cảm thấy bất lực trong việc chống lại sự phát triển của mỏ than vì họ tin rằng chính quyền địa phương không đứng về phía họ.

Họ cho biết trong khoảng thời gian từ năm 2009 - 2010, các quan chức Chính phủ và đại diện của Adani thường cùng nhau đến làng. Họ cho biết vào một dịp năm 2009, một quan chức Chính phủ, đi cùng với cảnh sát, đã đe dọa sẽ bắt dân làng nếu họ cản trở công việc phát triển mỏ.

Kanwal Sai Warkade, một cư dân cũ, kể rằng một sĩ quan đã hỏi dân làng Kete rằng: “Bạn có muốn dùng bữa trong tù không?” khi dân làng yêu cầu sự hỗ trợ của các quan chức vì họ không muốn bán đất của họ, họ nói rằng họ đã bị phớt lờ. Và trong khi dân làng liên tục được thông báo rằng cuộc sống của họ sẽ được cải thiện nếu họ từ bỏ đất đai của mình, họ khẳng định rằng họ không được thông báo rằng họ có quyền hợp pháp để phủ quyết dự án.

Sẽ còn nhiều ngôi làng như Kete

Các cáo buộc về các chiến thuật tương tự đã được đưa ra liên quan đến Ghatbarra, một ngôi làng có khoảng 300 gia đình gần làng Kete, nơi 32 cư dân đã trao quyền sở hữu rừng cá nhân của họ - tài liệu chứng minh quyền sở hữu của Adivasi đối với đất rừng mà họ đang sử dụng để sinh sống và kiếm sống. – cho Adani vào năm 2019.

Porte, trưởng làng Ghatbarra thừa nhận rằng người dân làng đã bị chia rẽ về vấn đề khai thác than, nhưng ông tin rằng chiến thắng trong cuộc bầu cử của mình cho thấy rằng “trong thâm tâm họ không muốn có mỏ than”.

mo than nuot ngoi lang o an do chung toi da bi lua hinh 5

Ông Jainandan Porte bên cạnh một cái cây được đánh dấu sẽ chặt hạ trong rừng Hasdeo Arand. (Nguồn: Anindito Mukherjee)

Nhưng dựa trên kinh nghiệm của những người dân từng sống ở Kete, hiện đang bị chia cắt và phân tán, có rất ít niềm tin rằng ông Porte sẽ thành công.

Cuối cùng thì vào tháng 9 năm nay, chính quyền địa phương, với sự chứng kiến của cảnh sát, đã bắt đầu chặt cây trong rừng Ghatbarra để chuẩn bị cho khu vực khai thác than, trong khi một số dân làng tiếp tục phản đối.

Hồng Vân (Theo The Guardian)

Bình Luận

Tin khác

EU đồng ý sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để trang bị vũ khí cho Ukraine

EU đồng ý sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để trang bị vũ khí cho Ukraine

(CLO) EU đã đồng ý về việc sung công doanh thu được tạo ra từ các tài sản bị đóng băng của Nga để tiếp tục tài trợ và trang bị vũ khí cho Kiev, Brussels tuyên bố. Theo đề xuất, EU hy vọng sẽ gửi 90% lợi nhuận để mua vũ khí cho Ukraine và 10% cho viện trợ phi quân sự, với đợt đầu tiên dự kiến vào tháng 7.

Thị trường - Doanh nghiệp
Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên

Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu khí đốt tự nhiên

(CLO) Theo dữ liệu hải quan công bố hôm 9/5, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã tăng gần 21% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một phần của sự gia tăng tổng thể về xuất khẩu và nhập khẩu của đất nước trong tháng 4 sau khi sụt giảm vào tháng trước.

Thị trường - Doanh nghiệp
OCB tham gia sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

OCB tham gia sự kiện chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024

(CLO) Ngân hàng Phương Đông (OCB) đã mang đến sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 những trải nghiệm số ưu việt nhất từ phiên bản OCB OMNI 4.0 và ngân hàng số thế hệ mới Liobank.

Thị trường - Doanh nghiệp
Trung Quốc: Tầng lớp trung lưu trầm cảm khiến ngành tư vấn tâm lý kiếm bộn

Trung Quốc: Tầng lớp trung lưu trầm cảm khiến ngành tư vấn tâm lý kiếm bộn

(CLO) Trong vài năm qua, cố vấn tâm lý Huang Jing đã chứng kiến công việc kinh doanh của cô phát đạt gấp nhiều lần.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ước tính IDP thu về hơn 262 tỷ đồng từ 56.230 chứng chỉ IELTS cấp 'lậu'

Ước tính IDP thu về hơn 262 tỷ đồng từ 56.230 chứng chỉ IELTS cấp 'lậu'

(CLO) Thanh tra Bộ GD&ĐT đã kết luận Công ty IDP đã tổ chức thi và cấp 56.230 chứng chỉ IELTS trước thời điểm được Bộ GD&ĐT cho phép liên kết. Với lượng chứng chỉ này, ước tính IDP thu về hơn 262 tỷ đồng.

Thị trường - Doanh nghiệp