“Cùng em học tốt trong đại dịch Covid-19”:

Một chương trình từ thiện ngắn gọn, nhanh mà hiệu quả

Thứ ba, 19/10/2021 08:23 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau hơn 15 ngày phát động & triển khai thực hiện (từ 15/9 -2/10/2021), 175 học sinh khó khăn tại 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nhận được quà tặng những thiết bị học trực tuyến từ chương trình “Cùng em học tốt trong đại dịch Covid-19” do Ban Thời sự - Đài PT&TH Hà Nội phát động.

Các em được học, được cảm nhận tình yêu thương

Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, từ tình cảm gắn bó với địa phương nơi mình công tác, với trách nhiệm xã hội của nhà báo & mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ những gia đình còn nhiều khó khăn, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên của Ban Thời sự, Đài PT&TH Hà Nội quyết tâm thực hiện Chương trình "Cùng em học tốt trong đại dịch Covid 19" nhanh nhất, sớm nhất trao quà tới các em học sinh.

mot chuong trinh tu thien ngan gon nhanh ma hieu qua hinh 1

Nhà báo Trần Thái Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức, Trưởng Ban Thời sự - Đài PT&TH Hà Nội trao máy tính bảng và thiết bị học tập cho các em học sinh nghèo học giỏi

Với sự tin tưởng và đồng hành của Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, các quận huyện, các đồng nghiệp, cùng các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm và khán thính giả của Đài PTTH Hà Nội, chỉ hơn hai tuần, với sự lan tỏa rất “thời sự” ban tổ chức đã kêu gọi được hơn 512 triệu đồng, bao gồm hiện vật và tiền chuyển vào tài khoản của chương trình.

Nguồn ủng hộ này đã được Chương trình "Cùng em học tốt trong đại dịch Covid 19" dành để trao tặng 175 học sinh giỏi vượt khó tại 6 quận huyện trên địa bàn Hà Nội đúng như cam kết khi phát động.

Ngày 24/09/2021, 30 phần quà đầu tiên đã được trao tận tay 30 em học sinh giỏi có gia cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện miền núi Ba Vì. Tiếp đó là huyện Thạch Thất ( 25/9), Bắc Từ Liêm (28/9), Đống Đa (29/9) Mỹ Đức (1/10). Mỗi địa phương là 30 phần quà cho 30 em học sinh chưa có thiết bị học trục tuyến. 

Mỗi phần quà là 1 bộ thiết bị học trực tuyến gồm máy tính bảng Kindle HD8/ HD8 Plus của Amazon/ hoặc Điện thoại Samsung Galaxy M02 6.5 inches; kèm theo các thiết bị bổ trợ như bộ phát wifi, tai nghe Sony, sim 4G vinaphone (miễn phí sử dụng 3 tháng) và dụng cụ học tập gồm vở, bút viết.

Mỗi gói quà đều được các phóng viên ban Thời sự tận tay sắp xếp chuẩn bị với tình cảm thật ấm áp. Tại các buổi trao tặng, bộ phận kỹ thuật của chương trình cùng với các thầy cô giáo còn hỗ trợ các em cài đặt và sử dụng đầy đủ các phần mềm hỗ trợ học trực tuyến và đọc sách.

Ngày 02/10/2021, huyện Mê Linh là điểm đến cuối cùng trong hành trình "Cùng em học tốt trong đại dịch Covid 19" của Ban Thời sự - Đài PT-TH Hà Nội. Ngoài 25 suất quà là bộ thiết bị học trực tuyến, chương trình cũng đã gửi tặng 500 quyển vở và 20 tai nghe tới các học sinh cần hỗ trợ trên địa bàn huyện thông qua Phòng giáo dục đào tạo huyện Mê Linh.

Ở những nơi mà chương trình đi qua, các phóng viên, biên tập, kĩ thuật viên đều cảm nhận thật rõ niềm vui của các em trong ngày nhận được chiếc máy tính bảng/ điện thoại để học của riêng mình. Các em sẽ không còn phải nghỉ những buổi học online hay phải đi học nhờ nhà bạn. Thầy cô giáo rồi sẽ dạy các em kiến thức mới, nhưng ý nghĩa biết bao bởi cùng với học chữ, các em đã được học, được cảm nhận tình yêu thương của tất cả mọi người.

Nhà báo Trần Thái Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Tin tức, Trưởng Ban Thời sự - Đài PT&TH Hà Nội cho biết: “Trong quá trình tác nghiệp, anh chị em phóng viên chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn không chỉ tại các huyện vùng sâu vùng xa mà ngay tại các quận nội thành. 175 em học sinh nhận quà của "Chương trình cùng em học tốt trong Đại dịch 19" lần này đều là các em nhỏ mồ côi hoặc thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ/ông bà/ bố mẹ đau yếu bệnh tật. Các em có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại học rất giỏi. Vì vậy, tâm nguyện của chúng tôi là muốn giúp đỡ một cách nhanh nhất, thiết thực nhất cho các em; đóng góp một phần nhỏ bé chia sẻ cùng địa phương, hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh".

"Chất thời sự" trong tác nghiệp từ thiện

mot chuong trinh tu thien ngan gon nhanh ma hieu qua hinh 2

Nhà báo Trần Thái Thủy cùng lãnh đạo huyện Mỹ Đức trao thiết bị học trực tuyến cho học sinh.

Câu chuyện nhân văn góp "sóng", góp "máy tính" đang mang đến một diện mạo mới về cách giải quyết khó khăn khi có sự chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến các bộ, ngành và người dân. Sự chung sức của toàn xã hội, trong đó có những nhà báo của Ban Biên tập Thời sự, Đài PT&TH Hà Nội, đã tạo thành sức mạnh tổng hợp để “Cùng các em học sinh học tốt trong đại dịch Covid-19”. Một chiếc máy tính có thể giúp thay đổi cuộc đời của một học sinh, giúp các em được đi học trong những ngày giãn cách, giúp các em tiếp cận kho tri thức nhân loại, giúp các em lớn lên với đầy đủ tri thức và tình yêu thương để vun đắp lại cho cuộc đời. Chương trình đã gieo những hạt mầm yêu thương đến tất cả chúng ta. Thêm ý nghĩa bội phần khi cả những người cho đi đều đang khó khăn vì dịch bệnh. Có ai đó đã nói “Như vậy là người thầy sẽ không còn cô đơn trên hành trình đi tìm con chữ cho học trò của mình”.

Sự chung tay của toàn xã hội sẽ tiếp thêm sức mạnh để ngành giáo dục Thủ đô thực hiện một năm học thích ứng và linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Điều khiến tôi, người viết bài này xúc động và cảm phục chính là ở chất thời sự trong tác nghiệp từ thiện.  Bắt đầu là sự phát hiện những hoàn cảnh học sinh đặc biệt từ cơ sở khi đưa tin chuẩn bị cho năm học mới. Gần 40 cán bộ phóng viên, biên tập viên của ban Thời sự đài Phát Thanh -Truyền Hình Hà Nội đã mau chóng đồng nhất với ý tưởng phải làm một việc gì đấy cho các em.

Và rồi, song song với việc thực hiện công việc nặng nề gấp gáp của ban thời sự trong mùa dịch Covid, các phóng viên đã triển khai mau lẹ chương trình “Cùng em học tốt trong đại dịch Covid-19”, với quyết tâm nhanh nhất, sớm nhất trao quà tới các em trước ngày khai giảng. Nếu không có uy tín và nhiệt tình trách nhiệm cao, cách làm việc khoa học, thì không thể nào trong 15 ngày họ có thể hoàn thành các công việc từ gọi nguồn, khảo sát địa chỉ, tập kết, tổ chức trao quà, thanh quyết toán, thông báo chứng từ, kết quả công khai tới mỗi nhà hảo tâm đóng góp.

Sự nhiệt tâm, chuyên nghiệp, minh bạch, trong sáng, vô tư của những người làm báo thật sự rất đáng tự hào, xã hội cần lắm những con người, những tấm lòng như thế!

Ban tổ chức đã kêu gọi được hơn 512 triệu đồng, bao gồm hiện vật và tiền chuyển vào tài khoản của chương trình. Trong đó tổng tiền chuyển khoản vào tài khoản nhận ủng hộ của chương trình là: 316.990.000 đồng (Tính đến ngày 30/9/2021 là ngày đóng tài khoản) và giá trị quy đổi hiện vật tương đương 195,230,000 đồng.

An Hoà

Bình Luận

Tin khác

Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

Bổ nhiệm ông Trần Văn Biên làm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp

(CLO) Sáng 2/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lập pháp.

Nghề báo
“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo
Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

(CLO) Theo nhà báo Đinh Quang Thành: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập ở giây phút lịch sử đó. Sau bao ngày cùng các đơn vị bộ đội trải qua gian khổ…, có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng ấy, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.

Nghề báo
Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo