Một góc nhìn khác về Phan Quang

Thứ bảy, 23/01/2016 10:10 AM - 0 Trả lời

Trước thềm Tết Bính Thân - 2016, với lời hẹn trước, từ nhà khách số 2 Lê Thạch, bên Hồ Hoàn Kiếm, tôi “kích cầu” chiếc taxi Mai Linh “màu xanh hy vọng”, đến thẳng ngõ 6, phố Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội thăm nhà báo, nhà văn Phan Quang.

(NBCL) Trước thềm Tết Bính Thân - 2016, với lời hẹn trước, từ nhà khách số 2 Lê Thạch, bên Hồ Hoàn Kiếm, tôi “kích cầu” chiếc taxi Mai Linh “màu xanh hy vọng”, đến thẳng ngõ 6, phố Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội thăm nhà báo, nhà văn Phan Quang.

Mùa đông, mưa phùn giá rét. Mấy người bày hàng quán tạm bợ trước ngõ nhà ông đon đả thân mật: “Bác đến thăm ông bà Phan Quang ạ, ông bà đang trong nhà, bác cứ bấm chuông”. Tiết trời lạnh lẽo, tôi thầm nghĩ và cảm thấy ấm lòng: “Đến bà bán quán mà cũng thân tình gần gũi thế này, quý hóa lắm”. Tôi nhẹ nhàng bấm chuông. Không đầy một phút, cánh cửa đón khách đã được mở rộng. Nhà báo, nhà văn Phan Quang với bộ đồ âu lịch sự, y như đang chuẩn bị đi dự một cuộc hội thảo báo chí quan trọng nào đó. Bao giờ ông cũng vậy, lịch sự, chu đáo với bất cứ người khách nào đến nhà, thân hay sơ, già hay trẻ, nam hay nữ.

Không dám so sánh, bởi mọi sự so sánh đều khập khiễng, ông khiến tôi nhớ đến thời kỳ còn làm biên tập viên phòng Thời sự, Báo Quân đội Nhân dân thập niên 70 thế kỷ trước, trong vài ba lần vào buổi tối, tôi được Tổng biên tập, Tướng Trần Công Mân giao nhiệm vụ mang bài bình luận - loại bài nhạy cảm - đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xin ý kiến của ông, dù đang mặc bộ đồ ở nhà, Đại tướng vẫn đi bộ lên lầu thay bộ đồ tiếp khách lịch lãm, dù khách chỉ là một viên sĩ quan cấp thấp đến thỉnh cầu bài viết. Nhà báo, nhà văn Phan Quang sinh năm 1928. Tết Bính Thân này ông xấp xỉ tuổi 90, lớn hơn tôi 21 tuổi, có thể coi ông và tôi cách nhau một thế hệ. Ấy vậy mà ông lại thân với tôi, có chuyện gì lớn bé, chung riêng đều có thể kể cho nhau biết, qua email, trên điện thoại, hoặc qua một bữa ăn nhẹ, cafe sáng.

Tôi xưng em, gọi ông bằng bác. Em thì phải đi với anh; bác thì đi liền với cháu. Xưng em, gọi bác dở dở ương ương, chẳng có trật tự lô-gíc gì, ấy nhưng với cú pháp tiếng Việt, trong văn cảnh này lại chấp nhận được. Nhiều khi cảm thấy mình xưng hô như vậy là không phải đạo, nhưng cứ gọi vậy mãi mấy chục năm cũng thành quen. Tuyệt nhiên, đối với tôi, gần như lúc nào ông cũng gọi tôi bằng đại từ nhân xưng tôi và anh. Nhà báo, nhà văn Phan Quang khiêm nhường và lịch lãm - đã thành thương hiệu. Đôi lần, viết bài hay phát biểu điều gì trên diễn đàn, tôi trân trọng gọi ông là nhà báo lão thành. Về sau, tiện dịp, ông nói nhỏ với tôi cũng rất lịch lãm, có lẽ không nên nói lão thành nhà báo; lão thành chỉ nên sử dụng trong trường hợp “lão thành cách mạng”, ông viện dẫn văn bản, rằng Nhà nước cũng đã có quy định rồi.

Hiểu ý của ông, do vậy, trên Tạp chí Người Làm Báo - Tạp chí lý luận nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam mà ông là vị Tổng biên tập đầu tiên - rất ít khi viết “nhà báo lão thành Phan Quang”. Dạ thưa, tôi đã quá dông dài, con gà con kê. Thôi thì Tết nhất, nếu có lan man chút nào cũng xin được đồng nghiệp, bạn đọc thể tất. Đã có mấy chục bài viết về Phan Quang của nhiều đồng nghiệp kể ra, miêu tả kỹ càng, đầy đủ bao nhiêu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà chỉ đạo và quản lý báo chí Phan Quang. Bài viết ngắn này, tôi không nhắc lại nữa, dễ trùng lắp, mang tiếng thâm canh bài vở. Vui tết, đón Xuân, chỉ xin mạo muội tản mạn mấy chuyện đời và nghề về ông.

[caption id="attachment_78656" align="aligncenter" width="622"]6 Tác giả tại buổi họp mặt mừng thọ nhà báo, nhà văn Phan Quang (bìa trái) 85 tuổi, tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh và nhân dịp xuất bản tác phẩm “Phan Quang - bạn và nghề” - 5/2012. Người đứng giữa là bạn đời thủy chung, trọn vẹn của nhà báo, nhà văn Phan Quang.[/caption]

Cuộc đời và sự nghiệp báo chí, văn chương của Phan Quang đồ sộ, có thể ví như một quả núi khổng lồ. Một vài đồng nghiệp gặp ông, bày tỏ nguyện vọng viết “Tiểu thuyết – Ký sự” về Phan Quang. Đó là ý tưởng hay, nhưng vào thời điểm đó ông chưa muốn, nên ông khéo léo “hoãn binh”. Nếu sau này, trong tương lai gần – được ông đồng ý và có ai đó có thể “chấp bút” viết ra được những điều chưa mấy ai biết về cuộc đời và sự nghiệp báo chí, văn chương của Phan Quang thì hay biết mấy. Có lần ông nhắc qua với tôi về mối tình đầu trong trắng, ngây thơ, cảm động – gắn với những năm tháng đi theo kháng chiến gian khổ nhưng không kém phần lãng mạn, yêu đời; rồi cuộc tình thi vị, trọn vẹn, thủy chung với bà Nga – bạn đời của ông bây giờ, người góp phần nâng cánh cho ông bay cao, bay xa trong nghiệp báo, nghiệp văn.

Viết những điều cần viết về Phan Quang cũng như các cây bút tên tuổi khác trong làng báo cách mạng Việt Nam thì đấy là tài sản quý cho các thế hệ làm báo hậu sinh. Hai, ba năm trước, lúc đó vào tuổi 85, cảm nhận Phan Quang là cây đại thụ báo chí Việt Nam đương đại, Tạp chí Người Làm Báo chủ động đề nghị cử người có điều kiện đến gặp ông, mỗi tuần vài ba lần, mỗi lần nửa buổi, để ghi lại những điều liên quan đến đời sống báo chí nước nhà, mà ông là người trong cuộc. Tôi xin ý kiến ông, bàn với nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa, phó tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo trực tiếp gặp ông hằng tuần, để ghi lại những điều ông trải, chứng kiến, tâm niệm. Ông chấp thuận đề nghị đó.

Theo ý nguyện của chị Trần Kim Hoa, cùng tham gia có thêm anh Nguyễn Sĩ Đại, một đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm làm báo chính trị, tay nghề vững vàng. Đợt ấy kéo dài gần 2 tháng, Trần Kim Hoa và Nguyễn Sĩ Đại ghi kín cuốn sổ tay, ghi âm đầy đủ những điều ông kể về diễn biến thời cuộc báo chí. Kết thúc đợt làm việc, ông dặn kỹ tôi – dù lúc nhà báo Phan Quang trăm tuổi tôi không còn giữ cương vị gì nữa, cùng Trần Kim Hoa và Nguyễn Sĩ Đại những điều chúng tôi có thể công bố, những điều nhạy cảm liên quan đến ai đó mà ông kể cho có bối cảnh, nhằm hiểu cho tận tường sự kiện, không nên viết ra báo, ra sách.

Chúng tôi ghi nhận và càng cảm phục bản lĩnh nghề nghiệp, sự cẩn trọng, nghiêm túc, trách nhiệm chính trị và trách nhiệm xã hội – như là một đòi hỏi mang tính nguyên tắc trong “trái tim nghề báo” Phan Quang. Bằng sự từng trải, kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp, Trần Kim Hoa và Nguyễn Sĩ Đại cho tôi biết, những điều nhà báo Phan Quang rút tỉa, tổng kết về đời sống báo chí nước nhà, quả là rất sống động, có ý nghĩa thực tiễn và giá trị lịch sử sâu sắc. Sắp bước vào tuổi 90 - Chín thập niên sống và làm việc không mệt mỏi - nhà báo, nhà văn Phan Quang như ông nói đã vào mùa thu rồi mùa đông cuộc đời vẫn làm việc không ngưng nghỉ.

Số báo Tết Bính Thân – 2016 này ông có bài in trên mấy tờ báo Trung ương và địa phương. Có báo ông gửi 2 bài để xin quý báo chọn lấy 1 bài phù hợp nhất cho số Tết; quý báo hồi âm xin ông cho in cả hai. Bái phục sức viết, sức làm việc của Phan Quang. Vài chục năm nay, năm nào ông cũng xuất bản đều đặn mỗi năm ba bốn cuốn sách. Năm 2015, sức khỏe của ông giảm sút, nhưng ông vẫn xuất bản 4 cuốn sách dày dạn – trong số đó cuốn Nghìn lẻ một đêm và Văn minh A Rập phát hành quý III, sang quý IV Nhà xuất bản Kim Đồng bán hết đã xin nối bản và đã phát hành tiếp từ cuối tháng 11/2015. Cuốn mới nhất ông vừa nhận từ nhà in tháng 12/2015 có nhan đề “Tìm đâu ra chim én trắng” - tuyển truyện ngắn nước ngoài, do ông chuyển ngữ - Nhà Xuất bản Lao Động ấn hành.

Ông gửi sách và email thư cho tôi: “Sách vừa nhận từ nhà in về, tôi chưa kịp đọc lại. Tôi gửi để anh đọc cho vui, bảo đảm chuyện nào nguyên tác cũng hay. Đọc những mảnh chuyện buồn của một thời chưa xa tự dưng ta nghĩ: cuộc sống của ta hôm nay còn nhiều điều chưa ưng ý, người ta ai cũng phải đối mặt bao bức xúc ngày thường, tuy nhiên đối với không ít những người lao động nước ta, chim én trắng đã hiện hữu trên đời. Những ai chưa đủ may mắn tận mắt nhìn chim én trắng, đã có xã hội chung tay tìm kiếm và sớm muộn chim én trắng rồi sẽ về đây cùng với họ.” Tuổi cao, nhưng sức làm việc của ông trẻ trung, đầu óc minh mẫn, trí nhớ tuyệt vời.

Ông ghi chép hằng ngày, làm tư liệu báo chí và tư liệu văn học hằng ngày, làm đâu gọn đó, khoa học, khi cần tư liệu gì, chỉ dăm ba phút là ông lôi ra ngay, chẳng có tư liệu gì mất mát, thất lạc, nhiều khi tra tư liệu “google” cũng phải chịu thua ông. Phan Quang sử dụng máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng thông thạo, biên tập bài vở, hình ảnh ngay trên máy tính, cũng bôi chữ đỏ, chữ xanh, chữ vàng - cách làm của một chàng thanh niên - biên tập viên tuổi đôi mươi. Phan Quang sống nghĩa tình, chu tất với mọi người và khi có một việc gì đó mà ông cho là chưa trọn vẹn, ông cứ băn khoăn mãi. Ví như Mai Sông Bé ở Đồng Nai, gửi tặng ông cuốn sách viết về Cù Lao Phố.

Ông nói Mai Sông Bé sống tốt với bạn bè; Cù Lao Phố là quê hương Mai Sông Bé, nơi nuôi dưỡng anh trưởng thành. Ông tâm sự với riêng tôi, muốn viết bài báo ngắn dăm ba trang giấy để cảm nhận về đứa con tinh thần của người đồng nghiệp lớp sau, nhưng vào thời điểm đó, ông đi bệnh viện, rồi sức khỏe trồi sụt nhiều tháng, nên bài báo ấy đang dang dở. Nghĩa tình Phan Quang đôi khi chỉ là những chuyện cỏn con như vậy. Tết Bính Thân - 2016, một góc nhìn khác về nhà báo, nhà văn, dịch giả, chính khách Phan Quang là vậy.

Tuổi trẻ - các nhà báo trẻ ngày nay chẳng cần học đâu xa. Hãy học phong cách làm việc, tự học, kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại, đắm say - sống chết với nghề, sắp bước vào ngưỡng thượng thọ Chín mươi! Xuân về Tết đến, xin được kính chúc một cây đại thụ của nền báo chí cách mạng nước nhà trường thọ, để lại tiếp tục viết báo, ra sách cho đời mãi mãi nở hoa, kết trái!

Phạm Quốc Toàn

TP.Hồ Chí Minh, Tết Bính Thân, 2016

Tin khác

Tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân, công đoàn

Tuyên truyền nâng cao nhận thức phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ công nhân, công đoàn

(CLO) Theo đồng chí Lê Quốc Minh, cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mỗi đoàn viên, người lao động, các cán bộ công đoàn, cán bộ lãnh đạo về vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị trưởng thành từ công nhân, công đoàn…

Nghề báo
Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với nhiều địa phương quảng bá văn hóa, du lịch

Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với nhiều địa phương quảng bá văn hóa, du lịch

(CLO) Đến ngày 18/5, Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành ký kết hợp tác chiến lược phát triển toàn diện về văn hóa - du lịch với 16 tỉnh, thành trọng điểm du lịch.

Nghề báo
Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm 'Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê'

Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê"

(CLO) Chiều 18/5, Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê" nhằm thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội, giúp tăng nguồn cung, đa dạng giải pháp lưu trú cho người lao động.

Nghề báo
Thêm 100.000 bản phụ san tranh panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' được Báo Nhân Dân in tặng bạn đọc

Thêm 100.000 bản phụ san tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" được Báo Nhân Dân in tặng bạn đọc

(CLO) Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Nghề báo
Xuất bản cuốn sách 'Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi'

Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"

(CLO) Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.

Nghề báo