Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022):

“Mùa đông binh sĩ” - câu chuyện đẹp đầu tiên về “Đền ơn đáp nghĩa”

Thứ tư, 27/07/2022 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) “Mùa đông binh sỹ” năm 1946 có thể xem là câu chuyện khởi đầu, câu chuyện đẹp về công tác “đền ơn đáp nghĩa”...

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”... Cũng từ tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những câu chuyện đẹp về công tác “đền ơn đáp nghĩa”, trong đó “Mùa đông binh sỹ” năm 1946 có thể xem là câu chuyện khởi đầu…

Từ chiếc áo len Bác tặng

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bộn bề trăm công ngàn việc của người đứng đầu nhà nước cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm tới những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.

Nhằm động viên các gia đình có người đã hy sinh, ngày 2/10/1945, Bác Hồ đến Nhà thờ Lớn (Hà Nội) làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20/11/1945, Người đã đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng 5 liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào ngày 12/11/1945.

mua dong binh si  cau chuyen dep dau tien ve den on dap nghia hinh 1

Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1946, khi Hội giúp binh sĩ bị nạn được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời là Hội trưởng danh dự của Hội. Ngày 10/3/1946, báo Cứu quốc đăng thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Nam Bộ, trong thư có đoạn: “Tôi kính cẩn cúi chào các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng”.

Ngày 7/11/1946, trên báo Cứu Quốc, với tư cách là Chủ tịch Chính phủ, Bác “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm con nuôi”. Cũng mùa đông năm 1946 ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáng kiến phát động phong trào may áo rét tặng chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.

Từ sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều ngày 17/11/1946 tại Thủ đô Hà Nội, Tổng hội Hội giúp binh sĩ bị nạn kết hợp với Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã tổ chức Lễ xung phong “Mùa đông binh sĩ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ đã đến dự. Ngay tại buổi lễ, Bác Hồ đã đem chiếc áo len duy nhất của mình để góp vào quỹ vận động “Mùa đông binh sĩ”. Đó là chiếc áo len màu be, cổ tròn mà Người đã mặc khi bôn ba ở nước ngoài để hoạt động cách mạng, tìm đường cứu nước.

Điều rất đặc biệt là, ngày hôm đó, rất nhiều người dân Hà Nội muốn mua chiếc áo của Bác để ủng hộ cách mạng và làm vật kỷ niệm. Trước nguyện vọng của quần chúng, Ủy ban Vận động “Mùa đông binh sĩ” Trung ương đã tổ chức đấu giá chiếc áo tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Và cuối cùng ông Trương Văn Thìn - một chủ cửa hàng bánh ngọt có tiếng thời bấy giờ đã giành được quyền sở hữu chiếc áo với tổng số tiền đấu giá là 3.500 đồng Đông Dương (tương đương gần 300 lượng vàng theo thời giá). Nhờ có số tiền này, Ủy ban Vận động đã mua vải và may được rất nhiều tấm áo ấm tặng bộ đội.

Cũng từ cuộc vận động ngày 17/11 đó, phong trào toàn dân may áo trấn thủ ủng hộ bộ đội diễn ra sôi nổi. Chỉ tính riêng những ngày cuối tháng 11/1946, nhân dân Thủ đô đã quyên góp được hơn 30 vạn đồng Đông Dương và một số len, bông đủ làm hơn 50.000 lõi bông và vỏ áo trấn thủ. Nhiều liên đoàn thợ may của thành phố đã xung phong đảm nhận may hàng vạn bộ áo trấn thủ không lấy tiền.

Sau khi Chính phủ kêu gọi nhân dân hưởng ứng phong trào “Mùa đông binh sĩ”, Ủy ban Vận động “Mùa đông binh sĩ” được thành lập ở Trung ương và các tỉnh.

Ngày thương binh liệt sỹ đầu tiên

Tình cảm, sự quan tâm đặc biệt, những trăn trở đau đáu mà vị lãnh tụ của Cách mạng Việt Nam dành cho những người lính đã hiến dâng một phần xương máu của mình cho Tổ quốc không dừng lại ở đó. Người cho rằng cần phải có Ngày Thương binh - Liệt sỹ để “tưởng nhớ những người con đã để lại một phần thân thể hoặc bỏ mình trong khi làm nhiệm vụ vinh quang, đem xương máu đắp thành bức tường đồng, thành con đê vững chắc để ngăn chặn giặc ngoại xâm...”.

mua dong binh si  cau chuyen dep dau tien ve den on dap nghia hinh 2

Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sỹ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tháng 6/1947, Bác đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó trong năm làm “Ngày thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hằng năm là Ngày Thương binh - Liệt sỹ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.

Trong Ngày Thương binh - Liệt sỹ tổ chức lần đầu tiên ở Việt Bắc (27/7/1947), tại cuộc mít tinh kỷ niệm có mặt 2.000 người tham dự, Ban Tổ chức đã đọc bức thư của Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày “Thương binh toàn quốc”, nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

Cuối thư, Người vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh.

Từ Ngày Thương binh - Liệt sỹ đầu tiên ấy đến lúc đi xa, trong Người vẫn một tấm lòng đau đáu, tri ân với những người đã có công với đất nước. Người luôn khẳng định: công tác thương binh, liệt sỹ là việc làm “lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời gian”.

Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong đó có đoạn về thương binh, liệt sỹ: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

75 năm qua, thực hiện lời răn dạy của Người, Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7 đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc. Các chính sách ưu đãi, chăm lo người có công, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sỹ, thương bệnh binh luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhiều lần được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

“Nhất quán chủ trương “không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước”; mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực, tích cực tham gia công tác người có công. Coi đó vừa là đạo lý, bổn phận trách nhiệm, vừa là tình cảm, vinh dự của chúng ta để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy tại kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022) và trao bằng Tổ quốc ghi công ở TP. Vinh, Nghệ An sáng 16/7.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Đồng chí Lương Cường được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Đồng chí Lương Cường được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư

(CLO) Ngày 16/5, tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương cho ý kiến về công tác nhân sự và xem xét, kỷ luật cán bộ.

Tin tức
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Báo Nhà báo và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tin tức
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch để cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước Sài Đồng

Hà Nội điều chỉnh quy hoạch để cải tạo, nâng cấp trạm cấp nước Sài Đồng

(CLO) Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch ô đất ký hiệu CX2 và đường giao thông quanh ô đất trong Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Sài Đồng, tỷ lệ 1/500, để thực hiện dự án xây dựng trạm bơm tăng áp cấp nước Sài Đồng.

Tin tức
Khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

(CLO) Sáng 16/5, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Tin tức
Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Tin tức