Mưa lớn cùng thủy lợi xả lũ, nhiều vùng ở hạ du Hà Tĩnh ngập sâu

Thứ hai, 19/10/2020 10:42 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nước lũ lên nhanh cùng ảnh hưởng từ việc thủy lợi xả lũ khiến nước dâng cao, nhiều địa phương vùng hạ du ở Hà Tĩnh bị ngập sâu và cô lập hoàn toàn.

Người dân huyện Thạch Hà di chuyển đồ đạc lên cao. Ảnh CTV

Người dân huyện Thạch Hà di chuyển đồ đạc lên cao. Ảnh CTV

Công trình đại thủy nông Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả lũ

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to, tổng lượng mưa từ 07h ngày 15/10 đến 04h ngày 19/10 tại một số trạm như: Hà Tĩnh 1.069 mm, Thạch Đồng 828 mm, Kẻ Gỗ 1.081mm. Các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh cơ bản đã vượt mực nước thiết kế, đặc biệt Hồ Kẻ Gỗ vào hồi 04h ngày 19/10 mực nước 32,95 mét, vượt mực nước thiết kế 0,45 mét, đang xả tràn với lưu lượng 400 m3/s. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều xã, phường bị ngập và cô lập.

Theo dự báo, Hà Tĩnh tiếp tục chịu ảnh hưởng không khí lạnh, nên từ nay đến ngày 21/10 có mưa to đến rất to; riêng ngày 19/10 một số khu vực ven biển, trong đó có thành phố Hà Tĩnh khả năng mưa đặc biệt to. Nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các vùng trũng thấp và khu đô thị tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.

Sáng ngày 19/10, thông tin từ ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, đến 7h sáng nay (19/10), mực nước hồ Kẻ Gỗ đã vượt mực nước dâng bình thường 0,9m (tương ứng 33,4/32,5m so với thiết kế). Tương ứng với mức nước đó, hồ Kẻ Gỗ hiện chứa 372 triệu m3/345 triệu dung tích mực nước dâng bình thường. Do khu vực Kẻ Gỗ vẫn tiếp tục mưa to, nước thượng nguồn đổ về hồ tăng nhanh nên đến 7h sáng nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã tăng lưu lượng xả lên 850 m3/s.

Hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả tràn

Hồ Kẻ Gỗ tăng lưu lượng xả tràn

Trước đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ ngày 18 đến ngày 21/10/2020, khu vực Hà Tĩnh tiếp tục mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to, căn cứ quy trình điều tiết hồ chứa nước Kẻ Gỗ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 37/2011/QĐ-UBND ngày 23/12/2011 và phương án PCTT&TKCN công trình hồ Kẻ Gỗ năm 2020 đã được phê duyệt, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, lúc 23h tối qua (18/10), Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã phát ra thông báo tăng lưu lượng xả tràn lên từ 400 - 500m3/s. Thời gian kết thúc xả còn phụ thuộc diễn biến thời tiết và mực nước hồ.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân vùng hạ du, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và các xã chịu ảnh hưởng trong hệ thống khẩn trương thông báo, đôn đốc và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp an toàn, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.

Nhiều nơi hạ du ngập nặng, cô lập

Nước lũ lên nhanh chia cắt nhiều vùng trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Ngay trong đêm 18/10, chính quyền địa phương các xã đã phối hợp các lực lượng chức năng dùng ca nô cứu hộ khẩn trương sơ tán dân, đồng thời túc trực để sẵn sàng ứng cứu, sơ tán dân ở những vùng xung yếu. Đầu giờ sáng 19/10, huyện Cẩm Xuyên tiếp tục huy động 80 thuyền và 320 cán bộ, chiến sỹ để hỗ trợ công tác di dời dân

Tính đến 6h 30 phút ngày 19/10, toàn huyện Cẩm Xuyên có 144 thôn/18 xã bị ngập úng diện rộng với 4.580 hộ/13.740 nhân khẩu. Trong đó, các xã vùng hạ lưu Kẻ Gỗ gồm: Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Quang, Cẩm Thạch, Cẩm Quan bị cô lập hoàn toàn. Hiện huyện Cẩm Xuyên đã tổ chức di dời cho 4.365 hộ với 12.390 người; và đang tiếp tục di dời 485 hộ dân với 1.370 người.

Nhiều nhà dân ở thành phố Hà Tĩnh ngập nặng.Ảnh CTV

Nhiều nhà dân ở thành phố Hà Tĩnh ngập nặng.Ảnh CTV

Phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) sơ tán 2 hộ dân ở TDP Tiền Giang trong đêm

Phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) sơ tán 2 hộ dân ở TDP Tiền Giang trong đêm

Tại thành phố Hà Tĩnh, lượng mưa tại địa bàn đạt 249 mm, cao gấp nhiều lần so với lượng mưa phổ biến khu vực toàn tỉnh (9 - 55 mm). Theo đó, nếu tính cả lượng mưa kể từ thời điểm 7h sáng ngày 15/10 đến nay, tổng lượng mưa tại khu vực TP Hà Tĩnh đạt 842mm. Điều đáng nói, đến thời điểm này, tình hình mưa tại TP Hà Tĩnh vẫn không có dấu hiệu giảm, mức nước ở các sông, hồ, tuyến đường và khu dân cư tiếp tục lên cao.

Ngay trong đêm 18/10, tất cả 15/15 phường xã tiếp tục gấp rút triển khai các phương án ứng cứu tại chỗ, di dời dân vùng xung yếu, đưa các gia đình đang ở tại các ngôi nhà cấp 4, trẻ em, người gia neo đơn, hộ khó khăn đến vùng sơ tán tập trung của phường, xã; hỗ trợ bà con kích kê đồ đạc, tài sản, vật nuôi cho người dân.

Đến sáng nay (19/10), các phương án di dời dân của TP Hà Tĩnh vẫn đảm bảo theo kế hoạch được phê duyệt và thực hiện một cách linh động. Tuy nhiên, dự báo, từ đêm nay đến ngày 21/10, khắp toàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 300 - 500mm, có nơi trên 500mm. Theo đó, TP Hà Tĩnh vẫn là một trong những vùng xung yếu nhất về ngập lụt và khả năng ngập lụt sâu trong những ngày tới.

Các lực lượng phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) giúp dân chống lũ

Các lực lượng phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) giúp dân chống lũ

Lực lượng chức năng phường Tân Giang giúp dân kê kích tài sản

Lực lượng chức năng phường Tân Giang giúp dân kê kích tài sản

Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh Trịnh Văn Ngọc cho biết: Hiện nay, tất cả các tuyến đường trong thành phố đều ngập nước, nhiều điểm ngập sâu. Trong diễn biến hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng tăng cao hơn thì tình hình ngập lụt các vùng tiếp tục xảy ra. Thành phố đã đề nghị các địa phương tiếp tục thông tin đến bà con, chủ động phương án “4 tại chỗ”, di dời dân vùng xung yếu kịp thời, linh hoạt tùy vào diễn biến mưa lũ. Đồng thời, giao lực lượng chức năng đặt biển cấm và rào chắn trước các vùng bị ngập, bố trí lực lượng chốt chặn, túc trực tại các địa điểm có cảnh báo nguy cơ mất an toàn, đặc biệt cấm dân đánh bắt cá ở các vùng sông, hồ, ruộng trũng...”.

Yêu cầu dồn sức ứng phó với mưa lũ diễn biến phức tạp

Sáng ngày 19/10, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đã ký ban hành công điện khẩn chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ trên địa bàn. Theo đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, địa phương từ tỉnh đến cơ sở phải dồn sức cao nhất cho công tác phòng, chống mưa lũ; hoãn các cuộc họp chưa cần thiết; tuyệt đối không để bất cẩn xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Huy động mọi phương tiện, lực lượng tập trung cứu hộ, sơ tán dân cư vùng nguy hiểm, các hộ dân còn ở các vùng bị ngập lũ sâu, bị cô lập đến nơi an toàn, nhất là vùng hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ và các hồ chứa; kịp thời chi viện lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống.

Trụ sở UBND xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà) bị ngập sâu. Ảnh CTV

Trụ sở UBND xã Thạch Đài (huyện Thạch Hà) bị ngập sâu. Ảnh CTV

Xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà )chìm trong biển nước. Ảnh CTV

Xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà )chìm trong biển nước. Ảnh CTV

UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các Ban chỉ huy công trình thủy lợi, thủy điện trọng điểm (đặc biệt là công trình thủy lợi Kẻ Gỗ và Bộc Nguyên) tính toán điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và giảm thiểu thiệt hại vùng hạ du.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng, phương tiện xuống các vùng đang ngập lũ, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị để ứng cứu nhân dân và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông.

Các địa phương cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, như: Ngầm qua suối, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc… nghiêm cấm vớt củi, đánh bắt cá trong lũ để đảm bảo an toàn cho người dân; tuyệt đối không lơ là, chủ quan để xảy ra những tai nạn chết người do bất cẩn.

Trần Phong

Tin khác

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

Truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng ở Hà Giang

(CLO) Ngày 28/4, tại Nhà tang lễ thành phố Hà Giang, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cùng các gia đình tổ chức lễ tang, lễ truy điệu 2 cán bộ kiểm lâm đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Quốc Trị dự lễ truy điệu.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giao thông tới đâu, người dân hưởng lợi tới đó

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực tiễn cho thấy, giao thông phát triển đến đâu sẽ tạo ra giá trị mới, mở ra không gian phát triển mới đến đó.

Tin tức
Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hợp luyện toàn bộ khối diễu binh, diễu hành Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Ngày 28/4, tại sân vận động tỉnh Điện Biên, toàn bộ 51 khối tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tiến hành hợp luyện lần đầu tiên.

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Ngày 28/4, trong chương trình công tác tại Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát, tìm hiểu tình hình hạn hán, kiểm tra công tác ứng phó khô hạn trên địa bàn tỉnh, khảo sát việc vận hành hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tin tức
Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

Hiện thực hóa quy hoạch, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận

(CLO) Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm và lượng hóa được; góp phần hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, tạo khí thế, động lực mới cho phát triển tỉnh Ninh Thuận.

Tin tức