Muốn chấn hưng giáo dục, phải có sự chung tay của phụ huynh và toàn xã hội

Thứ năm, 14/12/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sự việc nhiều giáo viên bị học sinh và phụ huynh bạo hành xảy ra ngày một nhiều cho thấy đạo đức và truyền thống “tôn sư trọng đạo” đang đi xuống. Để chấn hưng không thể phó mặc một mình cho ngành giáo dục và thầy cô.

Sự kiện: Giáo dục

Học sinh, phụ huynh nhiều nơi hỗn láo, xem thường thầy cô

Các vụ việc điển hình cho sự đi xuống của truyền thống tôn sư trọng đạo là vụ giang hồ vây đánh thầy hiệu phó ở Bình Thuận và học sinh lớp 6 và 7 tấn công tập thể cô giáo xảy ra tại Tuyên Quang.

Theo đó, thầy Nguyễn Đình Thiều - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Tân, Bình Thuận bị côn đồ đi cùng cha của học sinh đánh gây thương tích phải nhập viện cấp cứu. Nguyên nhân, ngày 13/10, Ban ngoài giờ của nhà trường, gồm thầy Thiều, thầy Trọng và cô Nguyễn Thị Thanh Lành - giáo viên chủ nhiệm lớp 11A2 mời học sinh Nguyễn Ngọc Gia H. lớp 11A2 xuống phòng quản sinh để phối hợp xử lý hiện tượng học sinh lớp 11A2 nhận được lời mời kết bạn của nhiều tài khoản Facebook lạ. Chỉ vì việc ấy, cha của học sinh Nguyễn Ngọc Gia H. đã kéo côn đồ đến nhà của thầy Trọng và thầy Thiều tấn công gây thương tích nghiêm trọng dẫn đến thầy Thiều phải đi cấp cứu.

muon chan hung giao duc phai co su chung tay cua phu huynh va toan xa hoi hinh 1

Hình ảnh được cắt từ clip giáo viên ở Tuyên Quang bị học sinh dồn vào tường.

Đặc biệt, điển hình nhất mới đây là trường hợp trong giờ học, cô giáo Phan Thị H. - nữ giáo viên bộ môn âm nhạc Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) đã bị nhiều em học sinh chửi tục, xúc phạm tập thể. Điều này khiến cô gần ngất xỉu. Vụ việc được biết đến sau khi một clip ghi lại cảnh này được đưa lên mạng xã hội. Dư luận khi nhìn cảnh này đã phải bức xúc và lên án mạnh mẽ hành vi bạo hành, xem thường giáo viên của học sinh. Nhiều người thậm chí đã cho rằng, đây là điển hình của tâm lý xem thường thầy cô của học sinh hiện nay.

Bình luận về vụ việc này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trước tiên, vụ việc ở Tuyên Quang khiến bà cảm thấy rất buồn. Đây không phải lần đầu tiên hồi chuông cảnh báo về bạo lực học đường, về sự xuống cấp đạo đức, văn hóa trong một bộ phận học sinh được gióng lên. Tuy nhiên, với vụ việc này, mọi thứ dường như nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ, những người gây ra bạo lực học đường là các em học sinh cấp THCS - những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, còn rất ngây thơ và non nớt trong mắt cha mẹ, người thân. Còn người chịu bạo lực là cô giáo trực tiếp giảng dạy các em.

Nếu không trực tiếp xem đoạn clip được đưa lên các mạng xã hội thì chính bản thân tôi cũng không tin nổi rằng những học trò mới chỉ học lớp 7 có thể buông lời xúc phạm, nhục mạ chính cô giáo đang giảng dạy mình, ném dép vào cô, nhét rác vào cặp cô... Bởi đó là những ứng xử khủng khiếp đi ngược lại truyền thống đạo lý của dân tộc, đi ngược lại những nỗ lực của toàn ngành giáo dục trong việc xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, xây dựng môi trường học đường văn minh” - Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bình luận.

Sau khi vụ việc gây chấn động tại Tuyên Quang xảy ra, nhiều giáo viên vô cùng bức xúc. Cô Phạm Thị Tú Anh - giáo viên tại một trường THPT ở Hà Nội cho rằng, hiện nhà giáo không có quyền gì trong dạy đạo đức cho học sinh. Gặp học sinh hỗn hào giáo viên đành bó tay vì không có cách nào ngay cả quát mắng. Cô Nguyễn Thị Minh A. - một giáo viên tiểu học chia sẻ, cô dạy lớp 3, trong lớp có một học sinh chuyên đi học muộn. Sự việc này kéo dài gần như hết cả học kỳ. Giáo viên có giáo dục, căn dặn thế nào thì sáng mai học sinh này vẫn đến muộn. Lý do, mẹ của bé cho rằng, đi học muộn không chết ai, giáo viên chả có quyền gì để kỷ luật học sinh nếu chuyên đi học muộn.

Thầy cô, nhà trường cần sự chung tay của toàn xã hội

Thực tế, những vụ việc học sinh và phụ huynh xem thường thầy cô, bạo hành thầy cô đang xảy ra như cơm bữa. Việc chửi bới, dọa nạt, xúc phạm thầy cô hằng ngày đang bào mòn tâm huyết của  giáo viên. Thậm chí, nhiều người đã chọn con đường là bỏ nghề để chuyển sang nghề mới vừa có thu nhập cao, lại được xã hội trọng vọng. Do đó, để giáo dục “cất cánh”, không chỉ thầy cô thay đổi, ngành giáo dục thay đổi mà phụ huynh học sinh và cả xã hội phải thay đổi.

muon chan hung giao duc phai co su chung tay cua phu huynh va toan xa hoi hinh 2

Hành hung thầy cô đang ngày một nhiều lên, báo động về sự xuống cấp của đạo đức trong xã hội và mai một của truyền thống “tôn sư trọng đạo".

Thực trạng phụ huynh “khoán trắng” việc dạy học cho giáo viên cần thiết phải được chấn chỉnh. Nhiều gia đình thờ ơ với việc học của con em, họ không trọng chữ, không quan tâm nhiều đến về việc lĩnh hội tri thức của con mình. Chính những học sinh con của các gia đình không xem việc học ra gì nên nỗ lực của giáo viên gần như đổ sông đổ bể. Ngoài việc nhiều gia đình thờ ơ với việc học thì nhiều địa phương cũng không quan trọng lắm sự nghiệp giáo dục. Cơ sở vật chất, trụ sở thì xây to nhưng học sinh vẫn học trong khu nhà tạm, trường học thì thiếu sách vở, dụng cụ học tập. Sự thiếu quan tâm đối với nhà trường và thầy cô cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng dạy học và đạo đức học đường đi xuống.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với thầy Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam. Vị chuyên gia này cho rằng, một mình ngành giáo dục đổi mới là chưa đủ. Giáo dục phải cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó phụ huynh và chính quyền địa phương phải cùng đồng hành.  “Hiện nay, chất lượng giáo dục không đồng đều giữa từng học sinh và giữa các nhà trường. Các địa phương phải xác định, nhà trường luôn luôn là pháo đài tri thức của địa phương, nơi tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương. Chất lượng giáo dục không tự dưng mà có, không thể phó mặc hoàn toàn cho giáo viên” - thầy Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, truyền thống “Tôn sự trọng đạo” không còn nữa là điều rất nguy hiểm. Phụ huynh coi cô thầy là thợ dạy, đi dạy để kiếm ăn mà không xem giáo viên như những kỹ sư tâm hồn. Nhiều phụ huynh không xem trọng sự cống hiến, lao động đặc thù của nghề giáo. “Điều này cần được chấn chỉnh. Ngành giáo dục giờ có nhiều triết lý hay, nhiều mô hình tốt, nhưng chỉ có thầy cô thay đổi mà xã hội và phụ huynh không chịu thay đổi thì rất khó để nâng chuẩn” - thầy Nguyễn Tùng Lâm nói.

Như vậy, qua trao đổi với chuyên gia và phụ huynh có thể thấy muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Các vụ việc bạo lực học đường xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là bạo lực đối với thầy cô giáo là biểu hiện của sự xuống cấp đạo đức xã hội, sự xem thường vị trí, vai trò của người thầy. Trong một xã hội như vậy rất khó để nói đến nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, để chấn hưng giáo dục, phụ huynh, chính quyền địa phương phải quan tâm, đồng hành nhiều hơn nữa đối với nghề giáo, sự nghiệp trồng người.

Cần bám sát 3 chữ “lý” để chấn hưng giáo dục

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, để tránh bạo lực học đường, nâng cao chất lượng giáo dục thì cần bám sát 3 chữ “lý”. Trước hết, giáo dục cần phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh, với từng nhà trường, từng địa phương. Các nhà trường cần đưa nội dung giáo dục giá trị sống (giá trị yêu thương, tôn trọng, tha thứ, rút kinh nghiệm chịu trách nhiệm…), kỹ năng sống (kỹ năng giao tiếp, thuyết phục, thương lượng, hòa giải…) vào chương trình chính khóa một cách nghiêm túc. Công tác quản lý của nhà trường phải đề cao tính kỷ luật, thầy ra thầy, trò ra trò, phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Trong vấn đề quản lý, cần đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, lực lượng hỗ trợ, giám sát để kịp thời phát hiện và đảm bảo an ninh an toàn trường học. Các vụ việc nếu vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm, triệt để, để làm gương.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Bắc Ninh có hơn 17.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

(CLO) Năm học 2023-2024, toàn tỉnh Bắc Ninh có 17.296 học sinh lớp 12 (tăng hơn 1 nghìn học sinh lớp 12 so với năm 2023), cùng với khoảng 400 thí sinh tự do sẽ đăng ký tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Giáo dục
Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Tĩnh đặt hàng cho Đại học Quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

(CLO) Đại học Quốc gia Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh thí điểm hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực từ năm học 2024-2025 theo cơ chế đặt hàng.

Giáo dục
Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục