Myanmar: Công đoàn kêu gọi tổng đình công khi cảnh sát tiếp tục đàn áp người biểu tình

Thứ hai, 08/03/2021 10:13 AM - 0 Trả lời

(CLO) Myanmar đã lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng vào Chủ nhật (7/3), khi cảnh sát chiếm đóng các bệnh viện và trường đại học và bắt giữ hàng trăm người tham gia phản đối việc quân đội đảo chính vào tháng trước, trong khi liên minh các công đoàn kêu gọi đình công vào thứ Hai (8/3).

Thi thể ông Khin Maung Latt được người dân Myanmar đưa đi an táng. Ảnh: AP

Thi thể ông Khin Maung Latt được người dân Myanmar đưa đi an táng. Ảnh: AP

Bài liên quan

Căng thẳng tiếp tục gia tăng ở thành phố lớn nhất của đất nước, Yangon, nơi 2 đêm liền đã có tiếng súng từ vũ khí hạng nặng vang lên trên đường phố sau giờ giới nghiêm. Những âm thanh rõ ràng của lựu đạn choáng cũng có thể được nghe thấy trên các video được đăng trên mạng xã hội.

Trong bối cảnh tương tự, đã có nhiều đoạn phim ghi lại rõ cảnh cảnh sát và quân đội đánh đập dã man những người biểu tình bị bắt giữ.

Người dân trong khu vực đã cố gắng ngăn chặn cảnh sát chiếm đóng các bệnh viện và nhiều tiếng súng đã được nghe thấy trong các khu vực này.

Lực lượng an ninh thường nhắm vào các nhân viên và cơ sở y tế, tấn công xe cứu thương và đội ngũ y bác sĩ. Việc tiếp quản các bệnh viện sẽ cho phép chính quyền dễ dàng bắt giữ những người bị thương, hầu hết là những người biểu tình.

Các cuộc biểu tình lớn đã xảy ra hàng ngày trên nhiều thành phố và thị trấn ở Myanmar, và lực lượng an ninh đã đáp trả bằng việc sử dụng vũ lực sát thương và bắt giữ số lượng lớn người bất tuân. Theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người biểu tình đã bị bắn chết vào ngày 28/2 và có ít nhất 38 người nữa thiệt mạng hôm 3/3 vừa qua. Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị độc lập cho biết đã có hơn 1.500 người biểu tình bị bắt giữ.

Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra vào Chủ nhật và cảnh sát tiếp tục bắn cảnh cáo, sử dụng hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng.

Tại một khu phố của Yangon, Shwepyitha, ít nhất 100 sinh viên đã bị bắt. Nhiều người biểu tình cũng được cho là đã bị giam giữ ở các thành phố khác, đặc biệt là tại các trường đại học.

Người biểu tình bị giải tán khi cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay đằng sau một rào chắn tạm ở Yangon, Myanmar, Chủ nhật, ngày 7 tháng 3 năm 2021 - Ảnh: AP

Người biểu tình bị giải tán khi cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay đằng sau một rào chắn tạm ở Yangon, Myanmar, Chủ nhật, ngày 7 tháng 3 năm 2021 - Ảnh: AP

Kêu gọi kinh tế 'ngừng hoạt động'

Trong khi đó, các liên đoàn lao động Myanmar đã đưa ra lời kêu gọi chung về việc tổng đình công kéo dài trên toàn quốc bắt đầu từ thứ Hai, với mục tiêu “đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế Myanmar”.

“Việc tiếp tục các hoạt động kinh tế và kinh doanh như bình thường sẽ chỉ có lợi cho quân đội khi họ kìm hãm sức lực của người dân Myanmar”, lời kêu gọi được đưa ra vào tối Chủ nhật.

Tuyên bố kêu gọi người dân tiếp tục đình công "cho đến khi chúng ta nhận lại nền dân chủ của mình".

Nhân viên trong một số ngành đã tham gia phong trào biểu tình từ cách đây vài tuần, đáng chú ý nhất là từ các ngành đường sắt quốc gia và ngân hàng.

Những công nhân có thu nhập thấp hơn ở Yangon, đa phần thuộc ngành may mặc chỉ thỉnh thoảng tham gia biểu tình khi lo ngại điều này có thể làm mất thu nhập vốn ít ỏi của họ. Ngành may mặc hiện mang lại doanh thu đáng kể cho Myanmar.

Những người biểu tình chống đảo chính xả bình chữa cháy để chống lại tác động của hơi cay do cảnh sát bắn trong cuộc biểu tình ở Mandalay, Myanmar, Chủ nhật, ngày 7 tháng 3 năm 2021 - Ảnh: AP

Những người biểu tình chống đảo chính xả bình chữa cháy để chống lại tác động của hơi cay do cảnh sát bắn trong cuộc biểu tình ở Mandalay, Myanmar, Chủ nhật, ngày 7 tháng 3 năm 2021 - Ảnh: AP

Trừng phạt thương mại

Những người ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền quân sự hiện đang cố tránh các biện pháp trừng phạt thương mại toàn diện vì sợ rằng chúng sẽ làm tổn thương người dân Myanmar nói chung. Thay vào đó, họ kêu gọi và ban hành các biện pháp trừng phạt có mục tiêu nhằm tạo ảnh hưởng tới giới lãnh đạo trong quân đội cũng như các công ty có liên kết với quân đội.

Ít nhất 5 người được báo cáo bị thương khi cảnh sát tìm cách phá vỡ cuộc biểu tình ở Bagan, và các bức ảnh cho thấy một thanh niên với vết thương đẫm máu ở cằm và cổ, được cho là do đạn cao su gây ra. Vỏ đạn thu được tại hiện trường cho thấy đạn thật cũng đã được cảnh sát sử dụng.

Bagan nổi tiếng là một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của đất nước, nhưng đây cũng là nơi diễn ra các cuộc tuần hành phản đối lớn chống lại chính quyền.

Các cuộc biểu tình ở những nơi khác vào Chủ nhật, bao gồm cả ở hai thành phố lớn nhất là Yangon và Mandalay, cũng đã bị cảnh sát sử dụng vũ lực bằng cách bắn cảnh cáo, và sử dụng hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng.

Bạo lực leo thang ở Myanmar khi chính quyền trấn áp các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 đang gây áp lực đòi thêm các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền - Ảnh: AP

Bạo lực leo thang ở Myanmar khi chính quyền trấn áp các cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 đang gây áp lực đòi thêm các biện pháp trừng phạt chống lại chính quyền - Ảnh: AP

Quan chức đảng NLD chết khi bị giam giữ

Nhiều báo cáo từ Yangon cho biết đã có các cuộc đột kích của cảnh sát vào tối thứ Bảy để tìm cách bắt giữ những người tổ chức và những người ủng hộ phong trào biểu tình.

Một quan chức của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã được người dân tìm thấy tử vong tại một bệnh viện quân đội, theo như thông tin mà nhà làm luật Sithu Maung của đảng NLD đăng tải trên Facebook.

Trên mạng xã hội lan truyền nghi ngờ rằng ông Khin Maung Latt, 58 tuổi, đã chết do bị đánh đập sau khi bị bắt đi khỏi nơi cư trú. Hiện chưa có công bố chính thức nào về nguyên nhân cái chết của ông.

Ở Yangon và các nơi khác, cảnh sát và bộ đội thường xuyên thực hiện các cuộc đột kích sau 8 giờ tối. Các vụ bắt giữ thường được thực hiện bằng súng và không cần trát của tòa.

Bạo lực leo thang đã gây áp lực buộc cộng đồng toàn cầu phải hành động để kiềm chế chính quyền quân sự Myanmar. Nước này mới chỉ chuyển giao sang chế độ dân chủ từ năm 2010 sau 5 thập kỷ bị cô lập dưới đế chế độc tài quân sự.

Đảng của bà Suu Kyi đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2015 và tiếp tục tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 năm ngoái với lượng phiếu thậm chí còn lớn hơn trước.

Đáng nhẽ đảng NLD sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai của mình vào tháng trước, nhưng thay vào đó bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint cùng các thành viên khác của chính phủ đã bị giam giữ trong quân đội.

Hoàng Việt

Tin khác

Số cử tri gốc Latinh gia tăng có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ 2024

Số cử tri gốc Latinh gia tăng có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ 2024

(CLO) Các chuyên gia cho biết, cử tri gốc Latinh là thành phần nhân khẩu học ngày càng phát triển, đa dạng và nổi bật trong nền chính trị Mỹ, có khả năng tác động đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Thế giới 24h
G7 đồng ý đóng cửa toàn bộ nhà máy than vào năm 2035

G7 đồng ý đóng cửa toàn bộ nhà máy than vào năm 2035

(CLO) Các Bộ trưởng Năng lượng của nhóm G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển) đã đồng ý đóng cửa tất cả các nhà máy than của họ chậm nhất là vào năm 2035, đánh dấu bước đột phá về chính sách khí hậu có thể làm tiền đề cho các quốc gia khác hành động tương tự.

Thế giới 24h
Mỹ điều tra nguy cơ virus cúm gia cầm có trong thịt bò xay

Mỹ điều tra nguy cơ virus cúm gia cầm có trong thịt bò xay

(CLO) Chính phủ Mỹ hôm thứ Hai (29/4) cho biết họ đang thu thập mẫu thịt bò xay tại các cửa hàng bán lẻ tại những bang đang bùng phát dịch cúm gia cầm ở bò sữa để xét nghiệm, nhưng họ tin tưởng nguồn cung cấp thịt vẫn an toàn.

Thế giới 24h
30 người Ukraine thiệt mạng vì vượt biên trốn nhập ngũ

30 người Ukraine thiệt mạng vì vượt biên trốn nhập ngũ

(CLO) Khoảng 30 người Ukraine đã thiệt mạng trong quá trình vượt biên giới Ukraine trái phép để tránh phải chiến đấu trong cuộc xung đột với Nga kể từ năm 2022, theo người phát ngôn lực lượng biên phòng Ukraine cho biết.

Thế giới 24h
Houthi tấn công liên tiếp 4 tàu ở Ấn Độ Dương và Biển Đỏ

Houthi tấn công liên tiếp 4 tàu ở Ấn Độ Dương và Biển Đỏ

(CLO) Lực lượng Houthi cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào tàu container MSC Orion trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Ấn Độ Dương.

Thế giới 24h