Nam Định: Chú trọng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Thứ hai, 04/03/2024 16:37 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Nam Định đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Toàn tỉnh Nam Định hiện có 11.635 cơ sở thực phẩm; trong đó có 3.866 cơ sở sản xuất thực phẩm, 3.610 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 2.521 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 1.638 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024, các sở, ban, ngành tỉnh Nam Định gồm: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024. Các huyện, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm năm 2024 của địa phương để triển khai thực hiện các chỉ đạo của cấp trên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

nam dinh chu trong cong tac dam bao an toan ve sinh thuc pham hinh 1

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hoàng Vũ Lợi kiểm tra gian hàng thực phẩm tại đền Trần thành phố Nam Định. Ảnh: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Toàn tỉnh treo 335 băng rôn, khẩu hiệu, 80 tranh áp phích, phát hành 3.000 tờ gấp; Đài phát thanh các huyện và Đài truyền thanh cấp xã phát hơn 6.500 bản tin về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ ngày 1/1/2024 đến hết tháng 2/2024, Sở Y tế huy động mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định, kiến thức về an toàn thực phẩm; phòng ngừa ngộ độc rượu; lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn, lành mạnh;

Tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn và hội Chợ Viềng Xuân, Lễ hội Khai ấn Đền Trần…, toàn tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành; trong đó Sở Y tế chủ trì kiểm tra an toàn thực phẩm tại thành phố Nam Định, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì kiểm tra an toàn thực phẩm tại các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực; Sở Công Thương chủ trì kiểm tra an toàn thực phẩm tại các huyện Hải Hậu, Trực Ninh; Công an tỉnh và Sở Y tế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra chuyên ngành.

Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành quản lý; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

nam dinh chu trong cong tac dam bao an toan ve sinh thuc pham hinh 2

Xét nghiệm nhanh kiểm tra an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ chợ Viềng huyện Nam Trực. Ảnh: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh tiến hành kiểm tra 1.509 cơ sở thực phẩm; phát hiện 21 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, tổng số tiền xử phạt gần 100 triệu đồng; không có ca (vụ) ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Hành vi vi phạm chủ yếu là: không có đủ dụng cụ sử dụng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến, nơi chế biến có côn trùng động vật gây hại; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay; kinh doanh hàng hóa thực phẩm nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá; không thực hiện kiểm thực 3 bước; cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến thực phẩm không được che kín; sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; không có giá kệ; dụng cụ thu gom rác thải không có nắp đậy.

Nhìn chung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã ý thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ của mình. Có 3.866 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không vi phạm về an toàn thực phẩm.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, Các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương tiếp tục tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường;

Việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm; chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ; tiếp tục kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu.

Kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; kiểm soát các nhóm sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguy cơ pha trộn chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (nhóm sản phẩm: hỗ trợ người bị huyết áp, đái tháo đường, xương khớp, mỡ máu,...).

UBND tỉnh Nam Định cũng giao các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp Sở Y tế và các cơ quan liên quan xây dựng các chuyên mục, chương trình; bố trí thời lượng hợp lý, nội dung cụ thể để tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thông báo kết quả hậu kiểm, các cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm, sản phẩm vi phạm... để cảnh báo cho cộng đồng.

Trần Anh - Mạnh Tùng

Tin khác

Nắng nóng gay gắt, hàng nghìn lượt người đổ về Công viên nước Hồ Tây 'giải nhiệt'

Nắng nóng gay gắt, hàng nghìn lượt người đổ về Công viên nước Hồ Tây "giải nhiệt"

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, thời tiết ở Hà Nội rất oi bức, nền nhiệt ngoài trời có lúc lên đến 40 độ C nên nhiều người dân đã đến Công viên nước Hồ Tây để "giải nhiệt" và vui chơi.

Đời sống
Xử phạt tài xế xe khách lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Xử phạt tài xế xe khách lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

(CLO) Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 2 đã xử lý tài xế xe Limousine có hành vi lạng lách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua phản ánh của người dân.

Đời sống
Gần 4.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Gần 4.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Ngày thứ 2 kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp trong đó có 3.916 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Đời sống
Ninh Bình tạm cấm xe tại một số tuyến đường dịp lễ 30/4 và 1/5

Ninh Bình tạm cấm xe tại một số tuyến đường dịp lễ 30/4 và 1/5

(CLO) Để phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các sự kiện trong dịp lễ 30/4 - 1/5, Công an TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình sẽ phân luồng giao thông và tổ chức hướng đi cho các phương tiện di chuyển qua trung tâm thành phố Ninh Bình.

Đời sống
Miền Bắc: Chuẩn bị đón 7 ngày mưa giông, đề phòng mưa đá, giông lốc

Miền Bắc: Chuẩn bị đón 7 ngày mưa giông, đề phòng mưa đá, giông lốc

(CLO) Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo, từ chiều tối 30/4 - 7/5, miền Bắc có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to. Trong mưa giông cần đề phòng mưa đá, lốc xoáy.

Đời sống