Năm Sửu nói chuyện võ trâu

Thứ sáu, 12/02/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sức mạnh con Trâu, ngoài cú húc bằng sừng, Trâu còn có vũ khí tự vệ là cú đá hậu cực mạnh… Vì vậy, Trâu là nguồn cảm hứng cho các bậc danh võ đặt tên cho bài quyền, đòn thế cho môn phái mình.

Trâu là loại gia súc rất gần gũi và có ích đối với công việc nhà nông. Con Trâu trong tâm thức người Việt, là biểu tượng cho tính cách bền bỉ, dẻo dai, chịu đựng, khỏe mạnh, hiền lành, chất phác. Sức mạnh con Trâu, ngoài cú húc bằng sừng, Trâu còn có vũ khí tự vệ là cú đá hậu cực mạnh… Vì vậy, Trâu là nguồn cảm hứng cho các bậc danh võ đặt tên cho bài quyền, đòn thế cho môn phái mình.

Con Trâu trong Võ cổ truyền Việt Nam

Con Trâu (Sửu) đứng thứ 2 trong 12 con giáp. 12 con vật được chia xếp thành 2 cực âm và dương, đứng đan xen nhau, trong đó Trâu (Sửu) thuộc âm.

Các động tác võ thuật đều mô phỏng các hoạt động nào đó của loài vật. Chẳng hạn như Ngũ Hình quyền với Long - Hổ - Xà - Hạc - Báo mô phỏng động tác Rồng - Hổ - Rắn - chim Hạc – Báo; Hầu quyền mô phỏng động tác loài Khỉ; Đường Lang quyền mô phỏng động tác loài Bọ ngựa; Hùng Kê quyền mô phỏng động tác con Gà… con Trâu cũng không ngoại lệ.

Võ sư Huỳnh Bông đang thi triển thế “Ngưu độc giác diện”, đã từng hạ gục nhiều đối thủ (theo PYO).

Võ sư Huỳnh Bông đang thi triển thế “Ngưu độc giác diện”, đã từng hạ gục nhiều đối thủ (theo PYO).

Bình Thái Đạo (tức Bình Định, An Thái) do Võ sư Diệp Trường Phát (còn gọi là Tàu Sáu) sáng lập vào những năm 1920, trên vùng đất An Thái (nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) là sự dung hòa, giao thoa của môn võ Thiếu Lâm Tự (Trung Hoa) với võ cổ truyền Bình Định, tạo nên nét độc đáo của nền võ thuật trên miền Đất võ. Hệ thống quyền của môn phái này khá chặt chẽ, được xây dựng trên bốn bộ chính là: Hổ quyền - Long quyền - Hầu quyền - Xà quyền. Về mặt tinh thần, cụ Tàu Sáu lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng của môn phái.

Sở dĩ cụ Tàu Sáu lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng của môn phái mình, vì cụ nhận thấy, Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp và con trâu từ lâu đã là một hình ảnh quen thuộc, gắn bó với người Việt. Trâu là loài vật hiền lành, suốt đời cần mẫn giúp ích cho người; nhưng cũng sẽ rất dũng mãnh khi bị tấn công.

Từ những đặc điểm ấy, cụ Tàu Sáu nghiền ngẫm về bản chất tốt đẹp của loài trâu, rồi không chỉ lấy “Ngưu giác chỉ” làm biểu tượng của môn phái mà còn đúc kết thành giáo điều của môn phái, gồm năm điều gọi là “Ngũ điều” (Phải nhẫn nại, đoàn kết, hy sinh, thật thà, dũng cảm).

Tương truyền, võ sư Huỳnh Bông (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nổi tiếng với đòn thế Ngưu độc giác diện (Trâu một sừng trước). Khi ông đứng ra thủ thế, đưa tay trái nhấp đòn thôi sơn. Nhận ra hư chiêu, đối phương vừa lấn tới, ông đã đưa tay phải lót vào dưới chỏ cánh tay trái của đối phương. Nhanh như cắt, lận người áp sát đối thủ, dùng chỏ trái đánh xước từ ngực xuống tới bộ hạ đối phương. Song, từ bộ hạ lại đánh ngược lên tận cổ, tấn bộ phải phá ngựa, lại đánh ngược chỏ phải vào cổ họng đối thủ. Tất cả có tới 6 thức chỉ trong nháy mắt, đối thủ không kịp nghĩ tới thức thứ nhất đã phải liên tiếp chịu mấy thức tiếp sau, không kịp trở tay. Ông bảo: “Đó là thế Ngưu độc giác diện (Trâu một sừng trước)”.

Đại võ sư Tấn Vương (môn phái Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Kim ngưu chiếu giác trong bài Kim ngưu quyền.

Đại võ sư Tấn Vương (môn phái Thiếu Lâm Tây Sơn) biểu diễn thế Kim ngưu chiếu giác trong bài Kim ngưu quyền.

Trong đời của lão võ sư Huỳnh Bông, ông thượng đài hàng trăm trận, từ tự do tới quyền Anh, và đã có không ít những trận đánh để đời. Ấn tượng nhất là trận so găng với võ sư Ngọc Thông nổi tiếng ở đất Sài Gòn, nặng hơn ông tới 24 ký lô tại võ đài Tuy Hòa. Đó là trận đánh được Huỳnh Bông áp dụng những bí quyết đòn thế cận chiến, sở trường về chỏ và gối. Ngay sau một số đòn thăm dò, Ngọc Thông đã dính ngay “Ngưu độc giác diện”, sau đó là các thế “đá lạc chỉ”, gối bay. Chỉ giữa hiệp hai, vợ Ngọc Thông đã ném khăn trắng lên cho chồng chịu thua, nhưng Ngọc Thông ném khăn xuống lại và đấu tiếp. Hết trận, lính của Trần Văn Hai phải lên khiêng Ngọc Thông, cả ngực, bụng và đầu đều bầm, thâm tím xuống. Ngay trong đêm hôm ấy, tỉnh trưởng Phú Yên Trần Văn Hai cho xe chở Ngọc Thông với đầy vết thương vào lại Sài Gòn.

Trong Võ cổ truyền Việt Nam, các thế võ mang tên con Trâu (Ngưu) là: Bạch ngưu diệu giác (Trâu trắng lắc sừng), Độc ngưu đảo giác (Trâu dữ đâm sừng), Huỳnh ngưu nghinh giác (Trâu vàng giương sừng), Ngưu vương trá bại (Trâu vàng giả thua), Lão ngưu độc giác (Sừng độc của trâu già), Linh ngưu chuyển giác (Trâu linh đổi sừng), Kim ngưu chi giác (Sừng của trâu vàng), Thanh ngưu sừ địa (Trâu xanh cày đất), Ngưu giác trảm phạt (Sừng trâu chém), Hắc ngưu thôi giác (Trâu đen đẩy sừng), Thiết ngưu canh địa (Trâu sắt giữ ruộng), Thiết ngưu sừ địa (Trâu sắt khai mở)…

Trong Võ lâm chánh tông của thầy Đoàn Tâm Ảnh có Địa chi quyền gồm bài chính là Địa chi và 12 bài còn lại mang tên 12 con giáp: Hoa hồ điêu (Tý), Thần ngưu chuyển giác (Sửu), Hắc hổ án nham (Dần), Miêu tẩy diện (Mão), Lưỡng long tranh châu (Thìn), Xà hàm tinh (Tỵ), Mã lâm đao (Ngọ), Dương hồi sơn (Mùi), Hầu thực quả (Thân), Kê xuất noản (Dậu), Tuất (Cẩu cuồng phong), Hợi (Trư ngộ hóa).

Kim Ngưu quyền, bài quyền quy định Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Võ phái Bích Quang là một trong những dòng Võ cổ truyền Việt Nam có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc, kết hợp với tinh hoa Võ Tây Sơn. Cố Đại sư phụ Lê Vũ (Lê Em) truyền dạy môn phái Bích Quang tại Nha Trang, Khánh Hòa từ năm 1963.

Theo tài liệu của Võ sư Đoàn Đức Phước, truyền nhân đời thứ tám, Võ phái Bích Quang: “Kim Ngưu quyền là một trong những bài thảo bộ nổi tiếng trong hệ thống các bài quyền đặc trưng Võ cổ truyền Việt Nam thuộc dòng Võ Tây Sơn, bao gồm 17 liên hoàn thế chiến đấu. Kỹ thuật Kim Ngưu quyền phong phú, đặc thù, thể hiện nét văn hóa dân gian truyền thống, tượng hình muông thú và triết lý nhân sinh qua ý nghĩa các câu thiệu Hán Việt. Ngoài lời thiệu Hán Việt, Võ phái Bích Quang còn có bài phú Kim Ngưu quyền, lời lẽ văn chương bóng bẩy, sâu lắng, ý nghĩa gần gũi với những người tập Võ cổ truyền Việt Nam”.

Lời thiệu Kim Ngưu quyền: “Lập tấn bái tổ/Tam bộ cung kính/Nhị bộ kính sư/Đồng tử khai quyền/Liệt địa đồ thành/Kim ngưu chiếu giác/Hường nghiệp dẫn thân/Lão tổ nghênh tân/Thiền sư tống khách/Tiên ông tọa thạch/Đồng tử đăng sơn/Hạn quyển song quyền/Thối khai lưỡng thủ/Tung thiên lập trụ/Hạ địa tầm châu/Đảo thế hắc hầu/Tùy cơ bạch hổ/Tung hoành ngũ lộ/Tấn hạng tam quan/Bạch hạc tầm giang/Kim kê độc lập/Lập bộ như tiền”.

Bài phú Kim Ngưu quyền: “Nằm trên mặt đất công thành/Trâu vàng liếc nhọn đôi sừng chiến chinh/Hường nghiệp thoăn thoắt đôi quyền/Lão tổ mến khách vội vàng bước lên/Thiền sư quyết tiễn khách đi/Tiên ông trở bộ về ngồi ngẫm suy/Đứa trẻ mở lối trèo non/Đôi quyền cuốn siết sách sao cho bằng/Lui về rạch mở đôi bên/Nhảy lên rơi xuống vững như cột đình/Điểm tay xuống đất tìm châu/Lui mình trở bộ thành hình khỉ đen/Bung ra cọp trắng vồ mồi/Dọc ngang năm hướng phá tan lũy đồn/Ba phen vượt ải công thành/Nhẹ nhàng như một cánh cò sang sông/Gà vàng cất tiếng gáy vang/Trở về bái tổ là đường xưa nay”.

Con Trâu đối với võ thuật các nước trên thế giới

Võ Thiếu Lâm là môn võ nổi tiếng ở Trung Quốc và trên thế giới, trong đó có Ngũ hình quyền và Thập nhị hình quyền tức Thử (Chuột), Ngưu (Trâu), Thỏ, Khuyển (Chó), Áp (Vịt), Mã (Ngựa), Dương (Dê), Hầu (Khỉ), Trư (Lợn), Hà (Tôm), Ngư (Cá). Trong 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm Tự, có tuyệt kỹ mang tên Thiết ngưu công (Trâu sắt).

Bát quái chưởng là một trong các loại quyền thuật lấy các chiêu thuật công, phòng và phương pháp đạo dẫn dung hợp với cách bước chuyển theo đường tròn. Thân pháp coi trọng vặn, xoay, chuyển, lật tròn vòng không ngắc ngứ. Về hình tay thì có long trảo chưởng (chưởng móng rồng), ngưu thiệt chưởng (chưởng lưỡi trâu)…

Luyện tập Thiết ngưu công (Trâu sắt) là 1 trong 72 tuyệt kỷ Thiếu Lâm Tự.

Luyện tập Thiết ngưu công (Trâu sắt) là 1 trong 72 tuyệt kỷ Thiếu Lâm Tự.

Dân tộc Thổ (Trung Quốc) là một dân tộc ít người sống tại vùng núi cao đèo thẳm giáp giới ba tỉnh Tương, Ngạc, Xuyên (tức Hồ Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên). Trong võ thuật Thổ gia có nhiều môn võ đặc biệt như: Bối ngưu công, Chàng thụ công, Đồn phong công…

Võ Miến Điện (Myanmar) gọi là Thaing. Trong võ tay không, có trường phái Nhu quyền (Bando). Trong chiến đấu, dựa theo phong cách chiến đấu của rất nhiều loài vật như Trư công (Lợn rừng), Ngưu công (Trâu), Độc xà công, Lục xà công, Mãng xà công (Rắn), Lộc công (Hươu), Hầu công (Khỉ), Ưng công (Chim ưng), Báo công (Báo), Hổ công (Hổ). Trong đó, Ngưu công là quyền con Trâu, có động tác trầm hùng, chúi ủi, trung cản, chặn đòn và phản công đòn thật nặng.

Nhân năm Tân Sửu, đôi dòng tản mạn về võ Trâu (Ngưu quyền).

Phan Thanh Đà Hải

Tin khác

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt: Viết để trả nợ những người nằm xuống

Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt: Viết để trả nợ những người nằm xuống

(NB&CL) Ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng của quân giải phóng hùng dũng tiến vào Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong số những người chứng kiến thời khắc lịch sử đó, có người thanh niên trẻ 21 tuổi Nguyễn Khắc Nguyệt - chiến sĩ lái xe tăng số 380…

Đời sống văn hóa
“Đất nước trọn niềm vui”: Hạnh phúc vô biên ngày non sông anh hùng hoàn toàn giải phóng

“Đất nước trọn niềm vui”: Hạnh phúc vô biên ngày non sông anh hùng hoàn toàn giải phóng

(CLO) "Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông... Ôi, hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương!"- Cảm xúc dào dạt lên tới cao trào, bỗng bật ra giọng Hò Đồng Tháp của chị văn công Giải phóng năm nào, hình tượng tiêu biểu của con người miền Nam tôi vẫn hằng ấp ủ trong tim, cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!”.

Đời sống văn hóa
TP Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5

TP Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5

(CLO) TP Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa tại các bảo tàng và điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Đời sống văn hóa
Ấn tượng chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Bản hùng ca vang mãi'

Ấn tượng chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Bản hùng ca vang mãi'

(CLO) Chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca vang mãi” được dàn dựng công phu, hoành tráng, âm thanh, ánh sáng hiện đại, cùng những câu chuyện lay động cảm xúc khán giả...

Đời sống văn hóa
Khai mạc Lễ hội du lịch biển 'Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca'

Khai mạc Lễ hội du lịch biển "Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca"

(CLO) Tối 29/4, UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024 với chủ đề “Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca”.

Đời sống văn hóa