NATO - Đổi thay tuổi 74

Thứ năm, 06/04/2023 16:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) NATO kỷ niệm 74 năm thành lập (4/4/1949-4/4/2023) với dấu ấn lịch sử khi đón nhận Phần Lan trở thành thành viên thứ 31. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định việc kết nạp Phần Lan sẽ giúp NATO “mạnh mẽ và an toàn hơn”. Nhưng ở tuổi 74, sự đổi thay của NATO có lẽ không dừng lại ở đó.

Dấu mốc Phần Lan

Trong thông báo được đưa ra trước sự kiện Phần Lan chính thức gia nhập khối, đúng vào ngày kỷ niệm NATO tròn 74 năm thành lập, NATO nêu rõ: “Trong 74 năm qua, Liên minh vẫn kiên định với quyết tâm bảo vệ công dân của mình, bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của các thành viên và bảo vệ nền tự do và dân chủ. Ngày 4/4/2023 đặc biệt mang tính lịch sử, với việc Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của Liên minh”.

Cùng chung góc nhìn, Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong bài viết trên Twitter cũng nhấn mạnh: “Phần Lan, chào mừng đến với NATO. Đây là một ngày lịch sử đối với các bạn và đối với liên minh của chúng ta. Đó là một bước giúp mỗi nước trong chúng ta an toàn hơn”.

nato  doi thay tuoi 74 hinh 1

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö (trái) và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ ngày 4/4. Ảnh: Getty Images

Trước đó, trong một phát biểu, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng khẳng định việc Phần Lan gia nhập sẽ tăng cường cả khả năng phòng thủ của NATO và an ninh của Phần Lan. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng viết trên Twitter rằng với sự gia nhập của Phần Lan, NATO đã có được một “người bạn mạnh mẽ”. 

Về phía Phần Lan, Tổng thống Sauli Niinisto của nước này trong một tuyên bố đã khẳng định: “Phần Lan ngày nay đã trở thành thành viên của liên minh quân sự NATO. Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của chúng ta đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu. Mỗi quốc gia tối đa hóa an ninh của chính mình. Phần Lan cũng vậy. Đồng thời, tư cách thành viên NATO củng cố vị thế quốc tế của chúng ta và tạo cơ hội linh hoạt. Là một đối tác, từ lâu chúng ta đã tích cực tham gia các hoạt động của NATO. Trong tương lai, Phần Lan sẽ đóng góp vào khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO”.

Ông Sauli Niinisto trong một tuyên bố khác cũng không quên khẳng định: “Tư cách thành viên của Phần Lan không nhằm chống lại bất kỳ ai. Điều này cũng không thay đổi nền tảng hoặc mục tiêu của chính sách đối ngoại và an ninh của Phần Lan”.

Quá trình trở thành thành viên của Phần Lan được xem là ngắn nhất trong lịch sử NATO khi Phần Lan cùng với Thụy Điển nộp đơn xin nhập NATO vào tháng 5/2022. Một tháng sau, đơn của 2 quốc gia Bắc Âu này đã được chấp thuận tại Hội nghị thượng đỉnh khối này. Dù vậy, quá trình phê chuẩn tư cách thành viên của Phần Lan với việc cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 thành viên hiện tại trong NATO cũng đã diễn ra với không ít trắc trở, trong đó, rào cản được xem là lớn nhất là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary - hai thành viên NATO.

Đặc biệt là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ với lý do Phần Lan và Thụy Điển chưa đáp ứng được yêu cầu của họ là dẫn độ thành phần khủng bố chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động tại lãnh thổ hai nước này đến Thổ Nhĩ Kỳ để xét xử.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan xác nhận sẽ ủng hộ Phần Lan gia nhập NATO sau khi nhận thấy quốc gia Bắc Âu đã có nhiều bước tiến thực chất trong cam kết an ninh với Ankara và đến ngày 30/3/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành nước cuối cùng trong số 30 thành viên NATO chấp thuận Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này.

Quá khứ hoàng kim và tương lai nhiều thách thức

74 năm trước, tháng 1 năm 1949, trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman kêu gọi cần có một liên minh phòng thủ giữa các quốc gia Bắc Đại Tây Dương và Mỹ. Tháng 4/1949, đại diện của Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Anh, Iceland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, và Mỹ ký hiệp ước NATO.

Nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là thời kỳ chiến tranh lạnh, NATO được xem là khối quân sự - chính trị lớn nhất thế giới, có thể điều động rất nhiều vũ khí hiện đại mà ít liên minh nào có được. Vị thế của NATO, như lời đương kim Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, là việc bằng cách bảo tồn hòa bình và ổn định ở châu Âu, NATO cung cấp nền tảng cho sự thịnh vượng ở cả hai bờ Đại Tây Dương; Liên minh giúp truyền bá các giá trị dân chủ nhằm mang lại lợi ích cho thế giới nói chung…

Tuy nhiên, khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa các thành viên chủ chốt, sự thay đổi trên bản đồ chính trị - an ninh quốc phòng thế giới, những xung đột khó hàn gắn về quyền lực, lợi ích và tiền bạc đã đẩy NATO vào những bất đồng dai dẳng.

Nhiều quốc gia giờ đây chỉ coi NATO là một con “hổ giấy” với sức mạnh “chỉ trên giấy tờ”. Còn nhớ, hồi kỷ niệm NATO 70 tuổi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí đã tuyên bố NATO đang “chết não”. 

Còn giáo sư Michael Clarke, nhà phân tích quốc phòng nổi tiếng của Anh từng cho rằng: “NATO quả thật là liên minh vĩ đại nhất mà thế giới từng chứng kiến. Nhưng ngày nay, với khoảng 30 thành viên, sức mạnh của NATO chưa bằng một nửa thời điểm chỉ có một nửa số thành viên ngày nay”.

Bản thân Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong khuôn khổ hội nghị NATO hồi năm ngoái từng thừa nhận Liên minh đang phải đối mặt với “cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II”. Tổng thư ký Stoltenberg cũng nhấn mạnh cần đưa ra một Khái niệm chiến lược mới cho liên minh, nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh toàn cầu.

nato  doi thay tuoi 74 hinh 2

Trước trụ sở NATO ở Brussels ngày 3/4/2023. Ảnh: AP 

Để giải quyết phần nào những thách thức ấy, NATO nhấn mạnh 3 nhiệm vụ cốt lõi: vừa răn đe phòng thủ, vừa phòng ngừa giải quyết khủng hoảng và phòng vệ tập thể. “Chúng tôi sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, tăng cường các nhóm chiến đấu ở phần phía Đông lên đến cấp lữ đoàn. Chúng tôi sẽ chuyển đổi lực lượng phản ứng của NATO và tăng số lượng lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao lên trên 300.000 binh sĩ. Đây sẽ là đợt thay đổi lớn nhất về khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh” - Tổng Thư ký NATO khẳng định.

Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 7/2023 tới tại Vilnius (Litva) được cho là sẽ bàn thảo về việc NATO sẽ phải tiến hành cải tổ về nhiều mặt: từ ngân sách hàng năm cho đến triển khai quân đội hay công nghiệp quốc phòng trên khắp châu Âu. Bên cạnh đó, yêu cầu quan trọng không kém còn là câu chuyện dàn xếp các bất đồng để cải tổ phương thức tự phòng vệ trong bối cảnh an ninh mới….

Để lấy lại hào quang vốn có, NATO đang mang trong mình nhiều tham vọng, nhưng từ tham vọng đến hiện thực sẽ là khoảng cách khá dài, đòi hỏi Liên minh này phải vượt qua được nhiều rào cản, trong đó một yếu tố cực quan trọng là vấn đề ngân sách. Sau rất nhiều tranh cãi trong nội bộ khối, ngày 14/12/2022, các quốc gia thành viên NATO mới đạt được thoả thuận tăng hơn 25% ngân sách của liên minh quân sự này trong năm 2023.

Hà Anh

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế