Nền kinh tế Trung Quốc đang bị suy yếu bởi biến thể Delta

Thứ tư, 01/09/2021 13:03 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nền kinh tế Trung Quốc đã suy yếu, thậm chí đình trệ trong một tháng qua, khi nước này quyết liệt ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 do biến thể Delta. Họ đặc biệt phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cung ứng và vận chuyển hàng hóa.

nen kinh te trung quoc dang bi suy yeu boi bien the delta hinh 1

Trung Quốc quyết ngăn chặn Covid-19 bất chấp phải đánh đổi bằng kinh tế - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Theo một khảo sát chính thức, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã giảm từ 50,4 điểm vào tháng 07/2021 xuống 50,1 điểm trong tháng 08/2021. Con số cao hơn mốc 50 điểm này cho thấy tốc độ mở rộng kinh tế tại quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn lớn hơn so với thu hẹp. Tuy nhiên, đây vẫn là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.  

Các ngành dịch vụ, hiện chiếm một phần lớn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thậm chí còn tồi tệ hơn. Chỉ số mua các mặt hàng phi sản xuất đã giảm từ 53,3 điểm trong tháng 7 xuống còn 47,5 điểm trong tháng 8. Đây là sự sụt giảm đầu tiên ở lĩnh vực này tại Trung Quốc kể từ tháng 02/2020.

Nền kinh tế Trung Quốc ban đầu đối phó với đại dịch rất tốt, khi vẫn ghi nhận mức tăng trưởng vào năm ngoái, trong khi các nền kinh tế quốc gia khác giảm dần. Tuy nhiên, sự bùng phát của biến thể Delta và biện pháp hạn chế đi lại gắt gao đã tàn phá nền kinh tế này chỉ trong khoảng thời gian ngắn vừa qua.

Đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong một năm qua tại Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà chức trách thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các ca nhiễm mới, bao gồm phong tỏa các thành phố, hủy chuyến bay và đình chỉ hoạt động thương mại. Chiến lược quyết liệt và không khoan nhượng đã kiềm chế được biến thể Delta, song phải trả giá bằng kinh tế.

Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, viết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Ba (31/8) rằng: “Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm vào tháng trước, do biện pháp giãn cách toàn xã hội ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động dịch vụ”.

Các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn gần đây. Thương mại toàn cầu rơi vào hỗn loạn trong nhiều tháng, khi sản xuất tăng lên và nhu cầu tiêu dùng bùng nổ. Trong khi đó, chuỗi cung ứng và vận chuyển tiếp tục gặp khó khăn do thiếu container, các cảng biển và sân bay bị đóng cửa…

Một nhà ga tại cảng Ningbo-Zhoushan phía nam Thượng Hải đã bị đóng cửa trong nhiều tuần, sau khi chỉ một công nhân có kết quả dương tính với Covid-19. Sự cố này làm tăng thêm tình trạng tồn đọng hàng hóa, do trước đó một số cảng nhộn nhịp nhất thế giới ở miền nam Trung Quốc đã không còn hoạt động trong thời gian dài.

Evans-Pritchard viết: “Các cuộc khảo sát chỉ ra sự thiếu hụt nguồn cung ứng vẫn đang diễn ra, thời gian giao hàng kéo dài hơn, trong khi các nhà máy đang dần cạn kiệt nguyên liệu sản xuất trong kho”.

Tuy nhiên, những đợt bùng phát Covid-19 dữ dội và khủng hoảng vận chuyển không phải là tất cả những gì mà Trung Quốc đang đối phó. Bắc Kinh còn thắt chặt việc hoạt động của các doanh nghiệp. Ngay cả các ngành công nghệ, công nghiệp và giáo dục cũng đã bị cuốn vào khủng hoảng.

Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao của khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Oanda, cho biết: “Việc kìm hãm kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục, đang tác động đến cả niềm tin của người tiêu dùng khi họ lo ngại về những can thiệp rộng lớn hơn sẽ đến".

Evans-Pritchard dự báo sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ cải thiện vào tháng 9 khi dịch Covid-19 được kiểm soát trở lại ở quốc gia này. Tuy nhiên, ông cho rằng những rào cản khác vẫn tồn tại, trong đó việc các khoản vay tín dụng bị thắt chặt sẽ tạo ra một "lực cản ngày càng gia tăng".

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Ngoại trưởng Mỹ, nói hai nước nên là 'đối tác'

(CLO) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm thứ Sáu (26/4) nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên là "đối tác chứ không phải đối thủ", nhưng có "một số vấn đề" cần giải quyết trong mối quan hệ của giữa hai nước.

Thế giới 24h
Lũ lụt nghiêm trọng trên khắp Đông Phi, Kenya triển khai quân đội ứng cứu

Lũ lụt nghiêm trọng trên khắp Đông Phi, Kenya triển khai quân đội ứng cứu

(CLO) Quân đội Kenya đã được triển khai để hỗ trợ các hoạt động cứu hộ, sau khi lũ lụt do mưa lớn đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người dân trên khắp Đông Phi trong tháng qua.

Thế giới 24h
Houthi bắn tên lửa trúng tàu chở dầu Andromeda Star ở Biển Đỏ

Houthi bắn tên lửa trúng tàu chở dầu Andromeda Star ở Biển Đỏ

(CLO) Lực lượng Houthi ở Yemen hôm thứ Bảy (27/4) cho biết, tên lửa của họ đã bắn trúng tàu chở dầu Andromeda Star ở Biển Đỏ. Công ty an ninh hàng hải Ambrey của Vương quốc Anh cho biết thuyền trưởng đã báo cáo thiệt hại của con tàu.

Thế giới 24h
Pháp kêu gọi EU tăng cường khả năng phòng thủ, giảm lệ thuộc vào Mỹ

Pháp kêu gọi EU tăng cường khả năng phòng thủ, giảm lệ thuộc vào Mỹ

(CLO) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về một tương lai mới cho Liên minh châu Âu (EU), với mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ và thể hiện sự tự chủ chiến lược, giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Thế giới 24h
Đài Loan (Trung Quốc) lại rung chuyển bởi động đất

Đài Loan (Trung Quốc) lại rung chuyển bởi động đất

(CLO) Hai trận động đất với cường độ cao nhất lên tới 6,1 độ richter đã xảy ra ở quận Hoa Liên phía đông Đài Loan (Trung Quốc) vào thứ Bảy (27/4), theo cơ quan quản lý thời tiết của hòn đảo này cho biết và chưa có báo cáo ngay lập tức về thiệt hại.

Thế giới 24h