(CLO) Theo báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 4 năm 2016 và triển khai chương trình công tác tháng 5 năm 2016 của Bộ Tài chính, dù tổng thu ngân sách Nhà nước có xu hướng tăng nhưng tình hình chi vẫn khó có thể giảm, do vậy dẫn đến cán cân thu - chi luôn trong tình trạng khó cân bằng.
[caption id="attachment_97108" align="aligncenter" width="640"]
Ngân sách Nhà nước luôn khó khăn do mức chi cho phát triển luôn vượt hơn tổng lượng thu đạt được - Ảnh minh họa[/caption]
Trong báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, tổng thu cân đối NSNN lũy kế thu 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 317 nghìn tỷ đồng, bằng 31,3% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, thu nội địa tháng 4 ước đạt 69,67 nghìn tỷ, tăng 24,6% (13,7 nghìn tỷ đồng) so với tháng trước; lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt 264,87 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 7,8%).
Thu dầu thô 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 13 nghìn tỷ đồng, bằng 23,9% dự toán, giảm 48,1% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng dầu thanh toán 4 tháng ước đạt 5,24 triệu tấn, bằng 37,6% kế hoạch năm; giá dầu thanh toán bình quân 4 tháng khoảng 36,3 USD/thùng, giảm 23,7 USD/thùng so giá tính dự toán.
Hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 4 ước giảm khoảng 7,1% so với tháng trước, đã ảnh hưởng làm giảm số thu ngân sách của lĩnh vực này so cùng kỳ tháng trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 38,9 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Về tình hình chi NSNN tháng 4 ước 93 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 370,66 nghìn tỷ đồng, bằng 29,1% dự toán, tăng 4,7% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó chi đầu tư phát triển: Thực hiện tháng 4 ước 10,5 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng đạt 57,2 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán, tăng 3,5% cùng kỳ năm 2015.
Riêng về thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ước đến hết tháng 4 vốn giải ngân cho các dự án là 56,5 nghìn tỷ đồng, đạt 22,4% dự toán (cùng kỳ năm 2015 đạt 28,6% kế hoạch), trong đó, nhiều bộ, ngành đến 20/4 có tỷ lệ giải ngân vốn đạt dưới 20% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt khoảng 20% kế hoạch (cùng kỳ năm 2015 đạt 25% kế hoạch).
Chi trả nợ và viện trợ thực hiện trong tháng 4 ước 12,7 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng xấp xỉ đạt 51,9 nghìn tỷ đồng, bằng 33,5% dự toán, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2015, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.
Về lĩnh vực chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính thực hiện tháng 4 ước 69,8 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi 4 tháng xấp xỉ đạt 261,6 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 5% so cùng kỳ năm 2015.
Thống kê này của Bộ Tài chính đưa ra không quá chênh lệch so với thống kê được công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tuy nhìn nhận rằng, tình hình thu NSNN có nhiều dầu hiệu khả quan do nhiều yếu tố tác động đặc biệt là từ tình hình xuất khẩu có nhiều dấu hiệu quả quan nhưng nhìn chung, báo cáo của cả hai bên đều thừa nhận rằng, tình hình chi của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đều lớn.
Mặc dù, tính đến 060/05 vừa qua, đã thực hiện phát hành được 111.790,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển, đạt xấp xỉ 50,8% nhiệm vụ huy động vốn trong nước bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2016, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán nhưng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy rằng, chi thường xuyên đã lên tới khoảng 65% tổng mức thu ngân sách. Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, bội chi NSNN 4 tháng ước đạt 53,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán năm.
Điều này cho thấy, cán cân thu chi đang rất khó khăn. Mặc dù đã có nhiều biện pháp đôn đốc, xử lý nợ thuế hay đơn cửa là phát hành nhiều trái phiếu Chính phủ để tăng các khoản tăng thu. TÌm ra cách "chi tiêu" hợp lý cũng như tiết giảm càng nhiều càng tốt các khoản chi chính là một trong những vấn đề được đặt ra cho Việt Nam và Bộ Tài chính trong năm 2016.
Quỳnh Liên