Ngành bán lẻ ở Việt Nam chạy đua ứng dụng giải pháp công nghệ

Thứ ba, 03/07/2018 14:31 PM - 0 Trả lời

(CLO) Hiện ngành bán lẻ đang có nhiều thay đổi trong phương thức bán hàng, từ kênh bán lẻ truyền thống đến bán lẻ hiện đại và online nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Việc phân loại đối tượng khách hàng mục tiêu và xây dựng chiến lược kinh doanh tương thích đòi hỏi các nhà bán lẻ cần đầu tư rất nhiều nguồn lực cho công nghệ này. Ngành bán lẻ Việt Nam, theo nhìn nhận của giới chuyên gia, vẫn đang đi sau so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, từ tốc độ tăng trưởng, thị phần về doanh thu đến mức độ thâm nhập thị trường của kênh phân phối hiện đại. 

Các thương hiệu bán lẻ truyền thống kinh doanh sa sút rồi phải đóng cửa đều có một nguyên nhân chung là đấu chọi không lại với các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon hay các nhãn hiệu mới ra đời nhưng sử dụng mô hình kinh doanh hiện đại với những công nghệ như thực tế ảo (VR); trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT)... 

Khách hàng được chiều lòng bởi nhiều thứ mới mẻ, thấu hiểu đến tận đường tơ, kẽ tóc đã không còn muốn đi đến các trung tâm thương mại. Các nhà bán lẻ truyền thống vì vậy phải vật lộn đủ cách để sinh tồn và hệ quả là sinh thêm cả đống nợ. 

Kết cục là phải đệ đơn xin phá sản để bán tài sản lấy tiền trả nợ cùng với hy vọng sẽ có ngày trở lại. Một số chuyên gia phân tích, các nhà bán lẻ truyền thống với lịch sử hàng chục, hàng trăm năm, được xem là những ông lớn, những thành trì, đã thay đổi không kịp với những đổi thay của người tiêu dùng. 

Bởi vì “thuyền lớn, quay đầu khó” và quan trọng không kém là đã ngủ quên trên đỉnh cao chiến thắng. Nhưng, không phải vì thế mà các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam có thể đứng ngoài xu hướng phát triển, không chịu sức ép của những mô hình kinh doanh tiên tiến. 

Báo Công luận
Áp dụng các giải pháp công nghệ trong kinh doanh đang là lợi thế của nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Ảnh Hoàng Minh 

Thương mại điện tử tại Việt Nam dù mới bắt đầu phát triển trong một vài năm trở lại đây nhưng tốc độ tăng trưởng lại đang ở mức dẫn đầu trong khu vực. Sự thâm nhập của các nhà bán lẻ quốc tế đang mang lại cho thị trường bán lẻ nội địa vốn đầu tư và các phương pháp bán hàng tốt nhất. Các phương pháp bán hàng hiệu quả hiện nay cho ngành bán lẻ được kết hợp vào quy trình vận hành của doanh nghiệp và được kiểm soát thông qua hệ thống giải pháp quản trị nguồn nhân lực, cùng một số giải pháp khác cho ngành bán lẻ. 

Trong đó, nền tảng công nghệ cho ngành bán lẻ khá phức tạp, các nhà bán lẻ sẽ phải cân bằng giữa việc bắt kịp công nghệ, đồng thời vẫn tạo được sự gần gũi với khách hàng truyền thống của mình. 

Theo khảo sát người tiêu dùng về ngành bán lẻ gần đây nhất của PwC (PricewaterhouseCoopers - một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay), sự phát triển của công nghệ thông tin đang làm thay đổi hành vi tiêu dùng. 

Có đến 49% số người tiêu dùng có thói quen mua sản phẩm qua điện thoại, smartphone. Với dân số khoảng 95 triệu người, trong đó hơn phân nửa là những người trẻ ưa công nghệ, buộc các nhà kinh doanh phải chuyển hướng đầu tư. Đây được xem là bước ngoặt mới cho các doanh nghiệp bán lẻ khi bước vào cuộc đua công nghệ trong thời 4.0. 

Lotte Mart - nhà bán lẻ hàng đầu đến từ Hàn Quốc mới đây đã ra mắt ứng dụng mua sắm trực tuyến với tên gọi Speed Lotte. Trước đó, vào tháng 8/2016, Saigon Co.op - một doanh nghiệp bán lẻ lớn nhất Việt nam đã ra mắt 2 ứng dụng công nghệ, gồm Co.opmart trên thiết bị di động và trang mua sắm online cải tiến. Trong lĩnh vực bán lẻ điện máy, công nghệ số, các thương hiệu Thế giới Di động, FPT, Nguyễn Kim, Thiên Hòa... cũng đã đầu tư rất mạnh vào bán hàng trực tuyến. 

Cùng với việc cạnh tranh tại điểm bán, ngành bán lẻ đang vào cuộc đua kinh doanh trực tuyến khi các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng đầu tư. Hiện có rất nhiều nhà bán lẻ có xu hướng tích hợp thương mại điện tử, kết nối với công nghệ để hiểu rõ hơn về hành vi người tiêu dùng nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. 

Việc tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử kết hợp kinh doanh và quảng cáo sản phẩm qua mạng sẽ làm tăng thêm hiệu quả bán hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí bán hàng cho các nhà bán lẻ. 

Ở một góc độ khác, báo cáo mới nhất của Nielsen công bố cho thấy, tăng trưởng bán hàng trực tuyến các sản phẩm FMCG (hàng tiêu dùng nhanh) đang vượt trội so với tại cửa hàng bán lẻ. Dự kiến, tổng doanh số bán lẻ trên kênh thương mại điện tử sẽ tăng 20%, tương đương với 2.100 tỷ USD vào năm 2020. 

Có một góc nhìn lạc quan hơn, các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, sự đổi ngôi kể trên cũng đồng thời khẳng định, không gì là không thể. Đây chính là cơ hội cho những người đi sau tái định nghĩa lại ngành và vươn lên bằng cách ứng dụng công nghệ mới, tạo lợi thế cạnh tranh. 

Tuy nhiên, điều lưu ý ở đây là cần phải thúc đẩy quá trình này vì “cửa sổ vàng” chỉ trong khoảng ba năm (trước khi công nghệ trở nên phổ cập, đơn giản với tất cả). Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nhìn lại mình, hiểu rõ mình muốn gì, khách hàng của mình là ai, đang cần những gì để tìm và ứng dụng công nghệ phù hợp. 

Mục tiêu lớn nhất phải là giúp khách hàng mua sắm tiện lợi hơn, trải nghiệm tốt hơn. Tại một hội thảo mới đây cho rằng điều quan trọng nhất khi thay đổi không chỉ là quyết tâm mà còn cần tới sự dũng cảm của ban lãnh đạo cùng kế hoạch chiến lược dài hơi từ trên xuống dưới. 

Bởi lẽ, đầu tư cho công nghệ khó lòng nhìn thấy ngay kết quả trong ngày một, ngày hai mà cần thời gian. Việc không có kết quả ngay sẽ rất dễ làm dao động người lãnh đạo, nhất là khi việc kinh doanh ở những mảng truyền thống vẫn đang mang lại doanh thu chính. 

Theo các chuyên gia, trong cuộc đấu tranh sinh tồn này của các doanh nghiệp, Nhà nước cần thể hiện vai trò định hướng, thiết kế chính sách; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới, tạo hệ sinh thái để cho các dự án khởi nghiệp về công nghệ trong ngành bán lẻ, tài chính phát triển, tạo ra những ứng dụng phù hợp với quy mô của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam./.

Bảo Anh

Tin khác

Bộ Y tế nhất quán cấm nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương nói gì?

Bộ Y tế nhất quán cấm nhập khẩu, kinh doanh thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương nói gì?

(CLO) Trường hợp các sản phẩm thuốc lá điện tử thế hệ mới tới mức phải cấm lưu hành và sử dụng thì Bộ Công Thương ủng hộ quan điểm này của Bộ Y tế trên cơ sở bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sân chơi English Beat 2024 mùa 2 của MobiFone tiếp tục gặt hái thành công

Sân chơi English Beat 2024 mùa 2 của MobiFone tiếp tục gặt hái thành công

(CLO) Sau hơn 2 tháng tổ chức, English Beat 2024 mùa 2 do mobiEdu phối hợp cùng các Sở Giáo dục tổ chức đã chính thức thành công tốt đẹp tại 6 tỉnh trải dài trên toàn quốc.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tăng trưởng bền vững: Khai phá cơ hội từ Chuyển đổi Số và Xanh

Tăng trưởng bền vững: Khai phá cơ hội từ Chuyển đổi Số và Xanh

(CLO) Trên con đường đến một tương lai bền vững, việc khai phá cơ hội từ chuyển đổi số và xanh đang trở thành một yếu tố then chốt trong nỗ lực xây dựng một nền kinh tế và một môi trường sống lành mạnh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngành thép Trung Quốc có nguy cơ 'rơi khỏi vách đá'

Ngành thép Trung Quốc có nguy cơ 'rơi khỏi vách đá'

(CLO) Quá trình chuyển đổi quan trọng trong ngành thép của Trung Quốc, vốn đang làm trầm trọng thêm mối lo ngại về dư thừa công suất, khiến nhiều người lo lắng có thể khiến ngành “rơi khỏi vách đá” và làm tổn hại đến chỗ đứng lâu dài của quốc gia trong thương mại toàn cầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
G7 đạt thỏa thuận chấm dứt sử dụng than vào năm 2035

G7 đạt thỏa thuận chấm dứt sử dụng than vào năm 2035

(CLO) Nhóm G7 bao gồm Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Nhật Bản, Đức và Canada đã đạt được thỏa thuận chấm dứt việc sử dụng than để sản xuất điện vào năm 2035. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tỏ ra quan ngại về vấn đề này.

Thị trường - Doanh nghiệp