Ngành khách sạn sau 1 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19: Khó khăn nối tiếp khó khăn

Thứ năm, 27/05/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau hơn 1 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, ngành khách sạn Việt Nam đang gặp vô vàn khó khăn. Để cầm cự qua đại dịch, nhiều khách sạn phải áp dụng nhiều giải pháp, như bán nhà để tạo ra dòng vốn duy trì, hoặc cắt giảm nhân công;...

Giá thuê phòng khách sạn đang thấp nhất trong 15 năm qua

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành khách sạn có một bước nhảy vọt, tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Thế nhưng, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào quý I/2020, cho tới nay, ngành khách sạn trong nước gần như tê liệt. Các chỉ số về lợi nhuận, công suất đặt phòng liên tục đi xuống. Đặc biệt, giá thuê phòng khách sạn từ 3 sao trở lên đang thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Theo báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam, trong quý I/2021, công suất đặt phòng bình quân tại Hà Nội chỉ đạt 24%, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá phòng bình quân khách sạn cũng tiệm cận mức “đáy” với 76 USD/phòng/đêm, tương đương 1,75 triệu đồng/phòng/đêm.

Chủ đầu tư của nhiều khách sạn ở Đà Nẵng đã rao bán, cho thuê lại do quá khó khăn

Chủ khách sạn phải bán nhà, bán xe để cầm cự

Trong các phân khúc khách sạn, các khách sạn được xếp hạng sao càng lớn, thì thiệt hại càng nặng. Tuy nhiên, các khách sạn 4 sao và 5 sao thường được hậu thuẫn bởi các tập đoàn, chủ đầu tư lớn. Do đó, dù chịu thiệt hại nặng, song các khách sạn 4 sao, 5 sao vẫn có đủ dòng vốn duy trì, chờ dịch bệnh đi qua.

Ngược lại, các khách sạn 3 sao trở xuống, nhất là các khách sạn nhỏ nằm trong trung tâm thành phố, do dòng tiền không ổn định nên rất dễ bị tổn thương khi dịch bệnh liên tục bùng phát.

Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Thanh Tùng - chủ chuỗi khách sạn A.T tại phố cổ Hà Nội cho biết: “Tại khu vực trung tâm Hà Nội và TP.HCM, khách thuê chủ yếu là du khách quốc tế, chiếm tới 70% tổng lượng khách hàng, 30% còn lại là khách nội địa”.

Vì vậy, trong tình cảnh cửa khẩu đóng cửa, khách quốc tế hạn chế du lịch, nguồn thu từ việc cho thuê phòng gần như bị cắt đứt. Ông Tùng tiết lộ, chỉ trong hơn 1 năm xuất hiện đại dịch, chuỗi khách sạn A.T đã bị âm vốn hàng chục tỷ đồng. Được biết, chuỗi khách sạn A.T có tổng cộng 5 khách sạn. Trong đó, 2 khách sạn ở Hàng Chiếu, 1 khách sạn ở Hàng Mành và 2 khách sạn ở Phủ Doãn. Ở thời điểm hiện tại, chuỗi khách sạn này đã đóng cửa 3, 1 khách sạn tạm ngừng và duy trì 1 khách sạn. Để duy trì được khách sạn duy nhất còn sót lại, các cổ đông trong công ty, người bán nhà, bán xe, người cầm cố tài sản để có tiền cầm cự.

Các khách sạn “sống chung với dịch bệnh” thế nào?

Có cùng chung hoàn cảnh khó khăn, bà Phương Dung, đại diện khách sạn 3 sao - Lakeside Hà Nội cho biết: Mọi năm, thời điểm này là mùa du lịch nội địa, số lượng khách đặt phòng có thể đạt 70% - 80%, tùy từng thời điểm. Trong đó, những dịp lễ, cuối tuần, công suất có thể đạt trên 85%.

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, kể từ thời điểm xuất hiện đại dịch Covid-19, công suất khách sạn trong mùa du lịch nội địa không đạt nổi 20%. Ngay cả những ngày cuối tuần cũng rất thấp.

Theo bà Dung, giai đoạn khó khăn nhất của ngành khách sạn đã đi qua, các khách sạn cũng đã có kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19. Chia sẻ về những giải pháp “sống chung với dịch bệnh”, bà Dung cho biết: Hầu như các khách sạn 3 sao tại trung tâm thành phố đều có phương án tự cung, tự cấp.

Ví dụ, toàn bộ nhân viên tại khách sạn, bao gồm nhân viên dọn phòng, bảo vệ, lễ tân,... đều là người nhà được huy động làm việc thêm giờ, nhằm tiết kiệm phí nhân công. Bên cạnh đó, áp dụng giảm giá thuê phòng, hoặc áp dụng thuê dài ngày để tăng thêm dòng vốn lưu động.

Được biết, trước những khó khăn trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, khách sạn Lakeside Hà Nội đã giảm giá phòng đồng loạt, ở mức 50% - 70%, tùy phòng.

Trong đó, giá phòng đôi có tầm nhìn (view) hướng ra Hồ Hoàn Kiếm, trước đây có giá 1,1 - 1,2 triệu đồng/phòng/đêm, thì nay giảm còn 400.000 đồng/phòng/đêm; phòng thấp tầng, view hướng ra đường giảm còn 300.000 đồng/phòng/đêm.

Khách sạn này lần đầu tiên áp dụng mức thuê phòng theo giờ, để thu hút khách vãng lai với giá 150.000 đồng cho 2 giờ đầu tiên. Và cũng lần đầu tiên áp dụng mức thuê theo tháng, với phòng có view hướng ra Hồ Hoàn Kiếm là 8 triệu - 10 triệu đồng/tháng. Phòng thấp tầng, phòng có view hướng ra đường có giá siêu rẻ, chỉ từ 4 triệu đồng/tháng, còn rẻ hơn một phòng trọ sinh viên.

Ngoài ra, khách sạn này còn tinh giảm các dịch vụ, tăng thời gian bảo trì, bảo dưỡng khách sạn. Đặc biệt, tranh thủ lãi suất ngân hàng còn thấp để vay ưu đãi, giảm gánh nặng về tài chính.

Hai kịch bản cho ngành khách sạn

Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Giai đoạn tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua là quãng thời gian hoạt động rất khả quan của ngành khách sạn. Với kỳ nghỉ lễ dài ngày, tỷ lệ đặt phòng gần như tuyệt đối đến từ khách nội địa.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại và tác động ngay lập tức đến công suất cho thuê phòng. Rất nhiều người đã yêu cầu hủy phòng đặt ở các điểm đến du lịch. Riêng, tại Đà Nẵng,  tỷ lệ đặt phòng ngay lập tức sụt giảm xuống còn 0% bởi đây được xem là điểm đến có nguy cơ cao.

Ông Mauro Gasparotti khẳng định: Tất cả khách sạn đều đang chịu thiệt hại về tài chính do tác động của dịch bệnh. Do đó, các khách sạn phải cắt giảm nhiều chi phí để cầm cự chờ đại dịch Covid-19 đi qua.

Về tương lai của ngành khách sạn, chuyên gia của Savills đưa ra 2 dự báo. Thứ nhất, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được đợt bùng phát dịch trong tháng 5 và tháng 6 tới, điều quan trọng ở đây không đơn giản chỉ là kiểm soát được dịch bệnh mà là người dân có tâm lý an tâm để đi du lịch. Ngoài ra, các chuyến đi ngắn vào dịp cuối tuần cũng sẽ gia tăng trở lại ở các điểm đến không quá xa trung tâm thành phố lớn.

Ngược lại, nếu chưa thể kiểm soát được dịch bệnh, thị trường sẽ lại diễn biến như chúng ta đã chứng kiến vào năm 2020 với sự hạn chế di chuyển. Nếu một số cá nhân sẵn sàng đi du lịch trong thời gian dịch bệnh ở những điểm đến ít có nguy cơ lây nhiễm, các khách sạn có thể đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi.

Nhóm du khách này sẽ chỉ là các cặp đôi, người đi du lịch một mình hay theo nhóm nhỏ thay vì các đoàn khách lớn. Ngoài ra, các loại phòng nghỉ như villa, biệt thự biển cũng được ưa chuộng hơn do tính riêng tư và tránh nơi tập trung đông người.

Việt Vũ

Tags:

Tin khác

Phú Quốc: Tiềm năng tăng trưởng lớn từ bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài

Phú Quốc: Tiềm năng tăng trưởng lớn từ bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài

(CLO) Nền kinh tế Phú Quốc trong năm 2023 đã có những bứt phá ấn tượng. Tổng thu ngân sách toàn tỉnh Kiên Giang năm 2023 đạt 15.120 tỉ đồng, trong đó Phú Quốc đóng góp 51,7%, doanh thu từ du lịch Phú Quốc chiếm 85% toàn tỉnh. Trên đà tăng trưởng của kinh tế, thị trường bất động sản Phú Quốc có sự khởi sắc. Đáng chú ý, bất động sản đảo ngọc ghi nhận sức hút lớn của bất động sản nhà ở sở hữu lâu dài.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khí đốt châu Âu chuẩn bị tăng giá?

Khí đốt châu Âu chuẩn bị tăng giá?

(CLO) Các nhà quản lý danh mục đầu tư đã đặt cược rằng giá khí đốt tự nhiên chuẩn của châu Âu sẽ tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng, dự kiến sẽ tiếp tục biến động khi khối hiện đang bắt đầu dự trữ nguồn cung cho mùa đông tới.

Thị trường - Doanh nghiệp
Ukraine kêu gọi EU giúp bảo vệ kho khí đốt khỏi các cuộc tấn công của Nga

Ukraine kêu gọi EU giúp bảo vệ kho khí đốt khỏi các cuộc tấn công của Nga

(CLO) Người đứng đầu công ty năng lượng quốc gia Ukraine đã kêu gọi các nước EU giúp bảo vệ các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của họ khỏi một loạt các cuộc tấn công gần đây của Nga để quốc gia này có thể tiếp tục góp phần “hạ nhiệt” giá nhiên liệu trên khắp lục địa.

Thị trường - Doanh nghiệp
23% tài phiệt không nói cho người thừa kế biết mình giàu đến mức nào

23% tài phiệt không nói cho người thừa kế biết mình giàu đến mức nào

(CLO) Các gia đình giàu có toàn cầu quan tâm đến việc làm thế nào để chuẩn bị cho con cái quản lý tài sản của mình, nhưng rất ít người thực sự chuẩn bị cho việc đó.

Thị trường - Doanh nghiệp
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá xăng có thể tăng trở lại

Sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, giá xăng có thể tăng trở lại

(CLO) Ngày mai (2/5), tức sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 5 ngày, giá xăng trong nước có thể tăng nhẹ. 

Thị trường - Doanh nghiệp