Ngành TN&MT: Chuyển đổi số nhằm phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch

Thứ tư, 20/07/2022 14:32 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị, cần thực hiện lộ trình xây dựng tài nguyên số, sớm thực hiện chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, đảm bảo ngay hệ thống công nghệ thông tin được thống nhất, đồng bộ; nhằm phục vụ người dân, phát triển kinh tế - xã hội phục hồi sau đại dịch.

Một trong 3 giải pháp đột phá của ngành TN&MT

Xác định chuyển đổi số là một trong 3 giải pháp đột phá của ngành TN&MT, bên cạnh cải cách thể chế và nâng hiệu quả thi hành pháp luật, ngành TN&MT đã có những định hướng quan trọng.

Theo đó, ngành đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện và đưa vào vận hành các nền tảng dùng chung, hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin và chỉ đạo điều hành về TN&MT. 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); các báo cáo, chỉ tiêu thống kê của ngành được thực hiện kết nối, cập nhật theo thời gian thực từ cấp xã đến Trung ương tích hợp, liên thông phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

nganh tnmt chuyen doi so nham phuc vu nguoi dan phat trien kinh te  xa hoi sau dai dich hinh 1

Cán bộ ngành TN&MT giải quyết TTHC cho người dân tại bộ phận một cửa

Ngành sẽ tập trung xây dựng tài nguyên số với các nền tảng dữ liệu lớn của ngành trong đó tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, cơ sở dữ liệu quan trắc TN&MT, dữ liệu siêu viễn thám và điều tra cơ bản về TN&MT; xây dựng, mở rộng cung cấp dịch vụ định vị chính xác phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI) thu nhận, quản lý, phân tích, xử lý, cung cấp các thông tin, số liệu quan trắc, điều tra, đo đạc theo thời gian thực để triển khai các ứng dụng thông minh, tự động hóa, từng bước chuyển đổi số ngành TN&MT.

Những thành quả bước đầu 

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên và môi trường, trong giai đoạn 2011-2021, lĩnh vực công nghệ thông tin đã triển khai tổng số 53 nhiệm vụ KH&CN bao gồm: 5 nhiệm vụ cấp quốc gia; 31 nhiệm vụ cấp Bộ và 17 nhiệm vụ cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu KH&CN đã được đưa vào ứng dụng, sử dụng nhanh, kịp thời, hiệu quả đóng góp vào thành công của triển khai Chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường; cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; triển khai các đề án, dự án lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.

nganh tnmt chuyen doi so nham phuc vu nguoi dan phat trien kinh te  xa hoi sau dai dich hinh 2

Cán bộ ngành tài nguyên và môi trường thao tác quản lý hồ sơ trên môi trường mạng.

Trong đó, về cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, chỉ số cải cách hành chính của Bộ tăng liên tục 10 bậc (từ thứ 16 lên thứ 6 năm 2021), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin truyển thông tăng 6 bậc (từ 18 lên thứ 12) và Bộ luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trong phát triển Chính phủ điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đơn giản hóa là 214/266 (chiếm 80,1%), ước tính hằng năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 33,8 triệu giờ công lao động và khoảng 1.010,2 tỷ đồng một năm.

Về xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đã trình ban hành 1 Nghị định, 1 thông tư về thu nhận, phổ cập, quản lý, sử dụng dữ liệu; 2 định mức kinh tế kỹ thuật xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống thông tin; kiến trúc chính phủ điện tử (phiên bản 1.0 và 2.0); chương trình chuyển đổi số ngành tài nguyên môi trường, chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ về xây dựng, phát triển Chính phủ số và Chuyển đổi số và 3 Tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực CNTT.

Theo đánh giá của bà Vũ Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT), hoạt động KH&CN giai đoạn 2011 - 2021 trong lĩnh vực CNTT của Bộ đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành Chiến lược; cung cấp cơ sở khoa học cho việc chuyển sang công nghệ số trong công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, quan trắc về tài nguyên và môi trường; góp phần xây dựng được mô hình và khung cấu trúc cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường làm nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xây dựng và đưa vào khai thác hệ thống mạng thông tin ngành TN&MT.

Cùng với đó, góp phần quan trọng triển khai ứng dụng CNTT thay đổi phương thức làm việc phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; góp phần hiện đại hóa, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến, dần nắm bắt được các công nghệ cốt lõi, áp dụng trong chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về TN&MT, kết nối, cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu, tạo tiền đề bước vào kỷ nguyên số, hoạt động dựa trên dữ liệu số, công nghệ số, mô hình số.

Năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ TN&MT đã chủ động linh hoạt đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực. Năm 2021 là năm Bộ TN&MT đưa nhiều thủ tục hành chính giải quyết trên môi trường số, đáp ứng mục tiêu hình thành Chính phủ điện tử. Vì vậy, chỉ số cải cách hành chính (PAR index) của Bộ tăng liên tục 11 bậc, từ thứ 16 năm 2019 lên thứ 5 năm 2020, trong đó chỉ số thành phần Hiện đại hóa hành chính luôn ở mức cao; Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT index) tăng 6 bậc từ thứ 18 lên thứ 12.

nganh tnmt chuyen doi so nham phuc vu nguoi dan phat trien kinh te  xa hoi sau dai dich hinh 3

Người dân dễ dàng tra cứu thông tin về lĩnh vực TN&MT qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đi đầu trong việc thực hiện Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi nhận văn bản điện tử khi quy chuẩn đã được chuẩn hóa xử lý từ khâu lập hồ sơ, văn bản trình lên các cấp. Hiện tại, Bộ đã triển khai 100% số lượng văn bản là văn bản điện tử và ký số, từ soạn thảo, trình, kiểm soát cho đến ban hành.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT Lê Phú Hà, đến nay, Bộ TN&MT đã cơ bản hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến gồm 108 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời triển khai cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ.

Cùng với đó, Bộ TN&MT đã tích hợp, cung cấp 40 thủ tục trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ giao; kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến; phối hợp với các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và một số bộ, ngành xây dựng các dịch vụ công thiết yếu theo đánh giá của Liên hợp quốc và triển khai thử nghiệm tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia: vận hành, cung cấp 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Đặc biệt, trong các buổi giao ban định kỳ tháng, quý, năm, Bộ TN&MT đều có báo cáo riêng về Chính phủ điện tử, đánh giá từng đơn vị trực thuộc. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành TN&MT theo phương châm “4 không, 1 có” (Làm việc không giấy tờ; Hội họp không tập trung; Dịch vụ công không gặp mặt; Thanh toán không dùng tiền mặt. Có số hóa thông tin, dữ liệu).

Ngoài ra, nhiều cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường được Bộ thực hiện trong năm 2021 đem lại hiệu quả cao như: triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường; cơ sở dữ liệu liên ngành Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tại Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; thực hiện chuyển đổi nhận thức vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; hướng tới tổ chức số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành theo lộ trình, đảm bảo 100% dữ liệu của ngành hoàn thiện hệ thống thông tin chuyên ngành trên nền tảng số hóa và vận hành bởi quy trình số; bảo đảm kết nối, chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Một số Sở TN&MT đã xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên nền tảng số; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo dõi, giám sát, quản lý về môi trường, diễn biến thời tiết, dự báo thiên tai trên nền tảng số...

2022 – năm hành động về chuyển đổi số của ngành TN&MT

Thúc đẩy chuyển đổi số trên nền tảng tài nguyên số, dữ liệu lớn được Bộ TN&MT xác định là một trong 6 trọng tâm ưu tiên của năm 2022. 

Theo ông Phạm Tân Tuyến - Chánh Văn phòng Bộ TN&MT thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 06/07 đề án, nhiệm vụ trong chương trình trong đó có 02 nhiệm vụ ngoài chương trình.

Về triển khai kế hoạch chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị bãi bỏ, đơn giản hóa 153 TTHC trên tổng số 178 TTHC được rà soát (đạt 85%); cung cấp 74 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ đạt tỷ lệ trên 75,8%; tích hợp, cung cấp 33 TTHC (tương ứng 48 DVCTT mức độ 3, 4 trong đó 19 DVCTT mức độ 4, đạt tỷ lệ > 39,6%) lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Triển khai kết nối Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chuẩn bị các điều kiện để kết nối, liên thông dữ liệu đất đai ở địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các Bộ để hoàn thành trình Chính phủ phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV; sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình về quản lý, sử dụng công chức, viên chức…

Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu duy trì 100% dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90-100% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bộ cũng duy trì 100% hồ sơ công việc tại Bộ, 70-90% hồ sơ công việc của ngành tài nguyên và môi trường được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Toàn bộ các báo cáo tổng hợp, báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê của Bộ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đặc biệt, trong năm 2022, Bộ sẽ cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường trên nền tảng dữ liệu lớn và kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu mở phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Hướng tới “số hóa” ngành TN&MT

Theo Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ TN&MT đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành TN&MT quản lý, điều hành cơ bản trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số; áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.

Theo kịch bản hướng tới chính phủ số ngành TN&MT phiên bản 2.1 do Bộ TN&MT đang xây dựng, chủ thể hướng đến là người dân, doanh nghiệp, cơ quan giao dịch phải thực sự dễ dàng, thông qua hệ thống một cửa nhất quán của Bộ. Trong đó, các công việc chuyển đổi số sẽ lấy người dùng là trung tâm, thống nhất tích hợp trải nghiệm đa kênh của người dùng thông qua định danh số tích hợp, các dịch vụ nghiệp vụ, dịch vụ dữ liệu, dịch vụ hạ tầng cá thể hóa theo người dùng…

Bộ đặt mục tiêu đến năm 2025, hoàn thiện cơ bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ, bảo đảm phát triển, vận hành Chính phủ điện tử ngành, đáp ứng yêu cầu tiến trình chuyển đổi số.

Để thực hiện kiến trúc chính phủ điện tử hướng đến chính phủ số ngành TN&MT, Bộ TN&MT sẽ triển khai 3 dự án lớn gồm: Hệ thống quản lý điều hành thông minh tại Bộ; hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin; chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1).

Mới đây, ngày 28/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký ban hành Quyết định số 2601/QĐ-BTNMT về việc Thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng để chỉ đạo, điều phối xây dựng, thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành tài nguyên và môi trường… Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ TN&MT nói riêng cũng như ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại hóa.

PV

Bình Luận

Tin khác

Vivo Y18e trình làng với pin 5000 mAh, chip Helio G85

Vivo Y18e trình làng với pin 5000 mAh, chip Helio G85

(CLO) Vivo mới đây vừa ra mắt một chiếc smartphone tầm trung, có tên gọi là vivo Y18e. Máy được trang bị pin 5000 mAh, chip Helio G85, màn hình 90Hz, hỗ trợ RAM ảo lên tới 4GB.

Sức sống số
iOS 18 sẽ cải tiến cho loạt ứng dụng Notes, Mail, Photos và Fitness

iOS 18 sẽ cải tiến cho loạt ứng dụng Notes, Mail, Photos và Fitness

(CLO) Apple dự kiến sẽ giới thiệu iOS 18 và các phần mềm khác của hãng tại sự kiện WWDC 2024 vào tháng 6 tới. Theo những tin tức gần đây, phiên bản iOS mới nhất này sẽ mang đến những cải tiến lớn cho nhiều ứng dụng tích hợp sẵn của Apple, bao gồm Notes, Mail, Photos và Fitness.

Sức sống số
HONOR Pad 9 Pro trình làng với giá 7,69 triệu đồng

HONOR Pad 9 Pro trình làng với giá 7,69 triệu đồng

(CLO) HONOR vừa trình làng chiếc máy tính bảng mới tại Trung Quốc, có tên gọi là Pad 9 Pro. Máy được trang bị màn hình 144Hz, chip Dimensity 8100 và pin 10050 mAh, giá từ 7,69 triệu đồng.

Sức sống số
Xiaomi ra mắt màn hình 27 inch giá 2,6 triệu đồng

Xiaomi ra mắt màn hình 27 inch giá 2,6 triệu đồng

(CLO) Xiaomi mới đây đã ra mắt màn hình 27 inch, có tên gọi Redmi A27Q, tại thị trường Trung Quốc. Màn hình sở hữu độ phân giải 2K, tần số quét 100Hz, giá chỉ 2,6 triệu đồng.

Sức sống số
OPPO K12 trình làng với giá từ 6,5 triệu đồng

OPPO K12 trình làng với giá từ 6,5 triệu đồng

(CLO) OPPO K12 mới đây đã chính thức trình làng tại thị trường Trung Quốc, máy được trang bị con chip Snapdragon 7 Gen 3, màn hình 120Hz, sạc nhanh 100W, giá từ 6,5 triệu đồng.

Sức sống số