Ngày 16/6, ASEAN ghi nhận 24.258 ca COVID-19 và 476 ca tử vong

Thứ năm, 17/06/2021 06:33 AM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 16/6, các nước ASEAN có thêm 24.258 ca bệnh COVID-19, số ca tử vong được ghi nhận cũng tăng 476 trường hợp so với 1 ngày trước.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 16/6, các nước ASEAN ghi nhận thêm 24.258 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 476 ca.

6 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 trong ngày hôm qua là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Đến nay, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 86.002 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tổng số ca bệnh đã tăng lên 4.419.253 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.029.261 trường hợp.

Ngày 16/6, Indonesia ghi nhận thêm 9.944 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ ngày 22/2, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.937.652 ca. Indonesia cũng ghi nhận thêm 196 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trong cả nước lên 53.476 ca.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, chính quyền thủ đô Jakarta đã quyết định gia hạn áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ đến ngày 28/6 tới.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Jakarta Widyastuti cho biết quyết định trên được đưa ra do tốc độ gia tăng đáng báo động các ca mắc mới COVID-19 tại khu vực thủ đô Jakarta trong 2 tuần qua.

Tính đến ngày 14/6, số lượng bệnh nhân đang được điều trị hoặc tự cách ly tại Jakarta lên tới 19.096, tăng 9.000 ca so với 2 tuần trước đó. Trong vài ngày qua, số ca mắc mới dao động từ 2.000-2.700 ca mỗi ngày, nâng tỷ lệ người còn dương tính với virus SARS-CoV-2 lên tới 17,9%.

Một vấn đề khác đang được quan tâm là sự xuất hiện các biến thể mới xâm nhập từ nước ngoài. Theo bà Widyastuti, một số biến thể cần phải được theo dõi sát sao, đặc biệt là biến thể Delta (B.1.617.2) và biến thể Beta (B.1.351) có khả năng lây lan nhanh chóng và gây tử vong cao hơn.

Tại Campuchia, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng ba chữ số mỗi ngày và đến ngày 16/6 đã vượt ngưỡng 40.000 ca, trong đó có hơn 38.000 ca liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2”.

Bộ Y tế Campuchia ngày 16/6 xác nhận có thêm 693 ca nhiễm mới COVID-19 trong vòng 24 giờ, bao gồm 33 ca nhập cảnh và 660 ca lây nhiễm cộng đồng. Trong khi đó, số người khỏi bệnh là 754 người và thêm 7 người tử vong.

Tính đến nay, Campuchia có tổng cộng 40.157 ca mắc COVID-19, trong đó 34.325 người hồi phục và 368 người tử vong.

Tại Thái Lan, chính phủ nước này dự tính mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại trong vòng 120 ngày tới sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế du lịch để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Thông tin trên được Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha công bố ngày 16/6 trong bài phát biểu trên truyền hình.

Ông Prayuth Chan-o-cha khẳng định hiện Thái Lan đã đảm bảo đủ 105,5 triệu liều vaccine phòng bệnh trong năm nay và sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn cung vaccine mới cho năm tới. Thủ tướng Thái Lan cho biết thêm, nước này dự định từ tháng 7 tới sẽ tiêm trung bình 10 triệu liều vaccine mỗi tháng và hướng tới mở cửa đón du khách đã được tiêm phòng đầy đủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch. Theo đó, những người này sẽ không phải chịu quy định cách ly khi tới Thái Lan.

Thủ tướng Thái Lan khẳng định việc mở cửa trở lại là một biện pháp quan trọng để giảm gánh nặng kinh tế cho những người dân đã mất đi thu nhập trong suốt một năm qua. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu mở cửa đất nước trong vòng 120 ngày tới và với những địa điểm du lịch đã chuẩn bị sẵn sàng, việc mở cửa có thể được thực hiện sớm hơn.

Bộ Y tế Lào hôm qua cho biết, nước này bắt đầu đợt tiêm vaccine vòng hai với các quy định cụ thể đối với các loại vaccine khác nhau.

Lào bắt đầu tiêm vaccine của Pfizer mũi một tại thủ đô Viêng Chăn từ ngày 15/6. Việc chỉ tiến hành tiêm loại vaccine này ở Viêng Chăn do vaccine Pfizer là loại cần phải bảo quản trong những thiết bị đặc biệt. Các đối tượng bao gồm: người hơn 60 tuổi, người có bệnh lý nền và cán bộ, công chức có môi trường làm việc có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Đồng thời, Lào cũng triển khai tiêm vaccine của hãng Sinopharm mũi một và tiêm vaccine AstraZeneca mũi hai cho các đối tượng đã tiêm mũi một trước đây.

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 16/6 cho biết trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 8 ca nhiễm mới, trong đó có 6 ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại các tỉnh khác.

Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.033 ca nhiễm Covid-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.910 người và 3 người tử vong.

Thế Vũ

Tin khác

Cứu sống người đàn ông bị xà beng đâm xuyên thành bụng

Cứu sống người đàn ông bị xà beng đâm xuyên thành bụng

(CLO) Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã phẫu thuật cấp cứu thành công cho nam bệnh nhân bị thanh xà beng sắt dài hơn 1m đâm xuyên thành bụng do tai nạn lao động.

Sức khỏe
Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về vụ ngộ độc khiến 470 người nhập viện

Bộ Y tế chỉ đạo khẩn về vụ ngộ độc khiến 470 người nhập viện

(CLO) Theo dõi chặt chẽ người bệnh nặng và có nguy cơ tăng nặng, đặc biệt là các ca đang điều trị hồi sức tích cực, đồng thời quan tâm chăm sóc sức khỏe, động viên người bệnh và gia đình.

Sức khỏe
Đã ghi nhận hơn 1.200 ca nhập viện vì sử dụng thuốc lá điện tử

Đã ghi nhận hơn 1.200 ca nhập viện vì sử dụng thuốc lá điện tử

(CLO) Theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca.

Sức khỏe
Thông tin vaccine AstraZeneca có thể gây đông máu: Cục quản lý khám chữa bệnh nói gì?

Thông tin vaccine AstraZeneca có thể gây đông máu: Cục quản lý khám chữa bệnh nói gì?

(CLO) PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, ban đầu khi triển khai tiêm vaccine Covid-19, ngành y tế rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.

Sức khỏe
Nguy cơ ngộ độc, suy thận, suy gan vì uống thuốc đông y tràn lan trên mạng xã hội

Nguy cơ ngộ độc, suy thận, suy gan vì uống thuốc đông y tràn lan trên mạng xã hội

(CLO) Đã có tình trạng trẻ em, người già, người bệnh mãn tính đã suy kiệt sức khỏe vì sử dụng thuốc đông y, thuốc nam bán trên mạng xã hội, nhiều người suy thận, suy gan, ngộ độc vì dùng thuốc không có nguồn gốc.

Sức khỏe