Ngày 27/6, thế giới ghi nhận 5.651 trường hợp tử vong do COVID-19

Thứ hai, 28/06/2021 07:12 AM - 0 Trả lời

(CLO) Trong vòng 24 giờ, tính đến 6 giờ sáng 28/6, toàn thế giới ghi nhận thêm 303.226 trường hợp mắc COVID-19 và 5.651 ca tử vong.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Brent, tây bắc thủ đô London, Anh, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Brent, tây bắc thủ đô London, Anh, ngày 19/6/2021. Ảnh: THX

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/6 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 303.226 trường hợp mắc COVID-19 và 5.651 ca tử vong. Tổng số ca bệnh trên toàn cầu đến nay là 181.845.077 ca, trong đó có 3.938.422 người tử vong.

Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, tuy nhiên, châu Á, Brazil vẫn là những vùng dịch “nóng nhất”. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Trong mấy ngày gần đây, biến chủng Delta đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.

Tại Nam Phi, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội với trung bình hơn 15.000 ca mắc mới mỗi ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 27/6 đã quyết định nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 4.

Trong bài phát biểu trước toàn dân được phát trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh các biện pháp ngăn chặn lây lan đang áp dụng hiện tại không đủ để kiềm chế sự gia tăng các ca bệnh hàng ngày, nhất là khi số lượng ca bệnh do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được xác định đầu tiên ở Ấn Độ, gây ra đang hoành hành.

Đây là lần thứ 3 trong vòng gần 1 tháng qua, chính phủ Nam Phi đã phải nâng mức phong tỏa toàn quốc vì dịch bệnh COVID-19. Trước đó ngày 30/5, Nam Phi nâng mức phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 trước nguy cơ đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Đến 15/6, lại một lần nữa, chính phủ phải ra quyết định nâng mức phong tỏa toàn quốc từ cấp độ 2 lên cấp độ 3 vì số ca mắc COVID-19 tăng nhanh chóng.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc thông báo ghi nhận 614 ca mắc mới, trong đó có 570 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong ngày 27/6. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trên 600 ca. Trong vài tháng qua, số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc dao động trong khoảng từ 300 đến 700 ca và không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy chiều hướng dịch bệnh giảm, do nhiều ổ dịch nhỏ lẻ vẫn bùng phát trên cả nước.

Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực khôi phục trạng thái bình thường mới của đất nước với các quy định mới về giãn cách xã hội từ ngày 1/7, theo đó nới lỏng các biện pháp hạn chế hoạt động tập trung đông người và cho phép tăng thời gian hoạt động của mọi loại hình dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tại châu Đại Dương, bang New South Wales của Australia thông báo ghi nhận 30 ca mắc mới trong bối cảnh thành phố Sydney và các khu vực lân cận bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài 2 tuần nhằm ứng phó với ổ dịch liên quan đến biến thể Delta. Đến nay, tổng số ca nhiễm liên quan đến ổ dịch này đã lên tới 110 ca và hiện còn 2 ca đang chờ kết quả xét nghiệm.

Trước tình hình trên, nước láng giềng New Zealand thông báo  duy trì mức cảnh báo dịch bệnh COVID-19 hiện nay tại thủ đô Wellington thêm 2 ngày - đến ngày 29/6, do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh từ một du khách Australia có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi người này tới Wellington vào cuối tuần trước.

Với mức cảnh báo hiện hành, người dân thành phố Wellington vẫn phải thực hiện các quy định về giãn cách xã hội, trong khi các văn phòng, trường học và công ty kinh doanh vẫn được mở cửa. New Zealand cũng đã quyết định ngừng áp dụng miễn cách ly đối với người nhập cảnh từ Australia trong 3 ngày, bắt đầu từ 26/6.

Tại châu Âu, hôm qua, thủ đô Moskva của Nga ghi nhận 144 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất ghi nhận được tại một thành phố của Nga kể từ khi đại dịch bùng phát. Tổng số ca tử vong trên toàn nước Nga là 133.282 ca, với 599 ca mới ghi nhận. Số ca nhiễm mới trong ngày 27/6 là 20.538 ca, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 5,4 triệu ca.

Moskva hiện là tâm dịch tại Nga, với  khoảng 2.000 người nhập viện mỗi ngày do COVID-19. Thành phố đã huy động 20.000 giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19, đến nay 14.000 giường đã kín bệnh nhân. Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin, khẳng định biện pháp duy nhất hiện nay để ngăn dịch lây lan là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng quy mô lớn.

Tính đến ngày 26/6, tại Nga mới có 21,2 triệu người trong tổng số khoảng 146 triệu dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19. Tổng thống Vladimir Putin ngày 27/6 đã chỉ thị chính phủ hoàn tất kế hoạch tổ chức tiêm vaccine có thu phí dành cho người nước ngoài tại Nga trước ngày 30/6. Đối với người nước ngoài tới Nga vì mục đích làm việc, Tổng thống Putin yêu cầu báo cáo về kế hoạch tiêm chủng trước ngày 15/7.

Tại Anh, chương trình tiêm chủng đại trà vaccine phòng COVID-19 đã làm suy yếu mối liên hệ giữa tình trạng lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh. Đây là đánh giá mới được lãnh đạo cơ quan cố vấn khoa học cho Chính phủ Anh đưa ra ngày 27/6.

Phát biểu trên đài BBC, ông Peter Horby, Chủ tịch Ủy ban cố vấn về các nguy cơ từ virus gây bệnh hô hấp (NERVTAG) của Chính phủ Anh, đánh giá số ca nhập viện điều trị vì mắc COVID-19 tại Anh hiện nay đã giảm nhiều.

Trả lời câu hỏi rằng có đủ dữ liệu để khẳng định việc tiêm phòng đã giúp "bẻ gãy" mối liên hệ giữa tình trạng nhiễm virus và tình trạng bệnh nặng, tử vong hay không, ông Horby cho rằng, rõ ràng tỷ lệ mắc mới đang tăng nhưng số ca nhập viện điều trị lại ở mức thấp hơn rất nhiều, phản ánh mối liên hệ trên đã thực sự bị suy yếu đáng kể. Dù coi đây là một tín hiệu tốt nhưng ông Horby vẫn thận trọng cho biết mối liên hệ đó chưa bị bẻ gãy hoàn toàn.

Tại Iran, Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) ngày 26/6 thông báo công ty dược phẩm Actoverco của Iran đã sản xuất một lô thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga phát triển.

RDIF cho biết Iran là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông sản xuất vaccine ngừa COVID-19, đồng thời nhấn mạnh sự kiện này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng mà không làm tăng chi phí hậu cần. Iran đã phê duyệt vaccine Sputnik V để sử dụng trong nước vào tháng 1/2021.

T.Toàn

Tin khác

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe
Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, Bộ Y tế chỉ đạo phòng chống dịch từ xa

(CLO) Dịp nghỉ lễ nhu cầu đi lại người dân nhiều nên tăng nguy cơ lây lan dịch, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên thế giới.

Sức khỏe
Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

Giả mạo chữ ký lãnh đạo Bệnh viện Nhi trung ương để huy động tiền từ thiện

(CLO) Một tài khoản mạng xã hội đã đăng thông tin sai sự thật trên các hội, nhóm và các trang mạng xã hội mạo danh Bệnh viện nhi Trung ương để huy động tiền từ thiện.

Sức khỏe
Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe