Điều này xuất phát từ thực trạng hỗn loạn về thông tin, dẫn đến việc vi phạm các chuẩn mực về đạo đức lối sống, hay “lệch chuẩn” văn hóa tràn lan trên mạng xã hội (MXH) chưa được kiểm soát. Đáng buồn, không ít nghệ sĩ, người có ảnh hưởng (KLOs) lại là đối tượng vi phạm chính.
Nhiễu thông tin, nhiều vi phạm
Theo thống kê mới nhất của trang We Are Social, tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có khoảng 70 triệu người dùng MXH, thấp hơn mức công bố năm 2022 là 76,95 triệu người, trong đó có 64,4 triệu người trong độ tuổi từ 18 tuổi trở lên đang sử dụng các nền tảng MXH, chiếm tỷ lệ 89% so với tổng dân số từ 18 tuổi tại thời điểm được thống kê.
Số lượng người dùng MXH nhiều, nhưng có một thống kê không mấy vui vẻ từ Microsoft cho biết, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số văn minh thấp nhất trên không gian mạng, khi chỉ đứng thứ 5 sau Nga, Colombia, Peru và Nam Phi. Cuộc khảo sát của Microsoft chỉ ra thực tế rằng, văn hóa ứng xử trên MXH của người Việt đang rất xấu và độc hại. Điều độc hại này vô tình tác động trực tiếp, hằng ngày vào 89% dân số Việt Nam, những người thuộc thế hệ trẻ, tương lai của đất nước.
Nguyên nhân độc hại của không gian mạng xuất phát từ nhiều phía, nhiều lý do, nhưng chủ yếu từ sự phát triển mạnh mẽ của internet và các nền tảng MXH ra đời trở thành kênh thông tin thuận lợi để người dùng có thể dễ dàng kết nối, quảng bá và thỏa mãn nhu cầu giải trí, sáng tạo, mà hầu như không bị kiểm soát hay áp đặt. Trên MXH có thông tin đa dạng và phong phú, từ tích cực có đến tiêu cực có, rồi tin giả cũng có. Chính sự hỗn loạn thông tin ấy khiến người dùng MXH khó kiểm soát, xác minh độ chân thực, đồng thời cũng dẫn đến dễ dàng đưa ra phán xét, rồi hành động thiếu chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật…
Những năm qua, tình trạng nhiễu thông tinh, “lệch chuẩn” văn hóa ngày càng phổ biến và không có dấu hiệu giảm. Ai cũng có thể trở thành đối tượng bị tấn công, hay chịu tác động của một sự việc nào đó. Đáng nói, “đóng góp” vào sự nhiễu loạn thông tin và “lệch chuẩn” văn hóa trên MXH của giới văn nghệ sĩ là không ít. Chỉ trong hơn 2 năm qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hàng chục nghệ sĩ, người có ảnh hưởng vì những phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực trên các MXH.
Có thể kể đến sự kiện ngày 7/8/2020 ca sĩ Duy Mạnh bị Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM xử phạt 7,5 triệu đồng vì những phát ngôn tục tĩu trên MXH; rồi nghệ sĩ Trần Thị Trang (tức Trang Trần) bị phạt tiền về hành vi phát ngôn phản cảm, không chuẩn mực, không phù hợp thuần phong mỹ tục trên kênh Youtube “Trang Khàn”; Angela Phương Trinh bị phạt 7,5 triệu đồng vì loan tin chữa COVID-19 bằng... giun đất; MC Trác Thúy Miêu bị phạt 7,5 triệu đồng vì đăng bài trên Facebook gây mâu thuẫn, kích động; chủ kênh YouTube Timmy TV bị phạt 15 triệu đồng vì cung cấp thông tin trên môi trường mạng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em (nội dung mê tín dị đoan và nội dung kinh dị, rùng rợn); tháng 7/2020, các nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng bị phạt mỗi người 10 triệu đồng vì đăng tin giả về COVID-19; tháng 9/2020, xử phạt Hưng Vlog 7,5 triệu đồng vì “vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội”, sau khi đăng clip “nấu cháo gà nguyên lông”…
Ngoài ra, còn hàng trăm cá nhân khác bị xử phạt vì thông tin không chính xác hoặc vi phạm các quy tắc sử dụng MXH, tạo ra thực trạng đáng buồn rằng MXH không còn là nơi đáng tin cậy để khai thác thông tin, ngay cả ở địa hạt giải trí.
Từ thống kê của We Are Social thấy rằng, ngày càng nhiều người Việt Nam lựa chọn từ bỏ MXH như một phương án bảo vệ bản thân và gia đình trước những thông tin xấu độc. Bên cạnh đó, ở một chừng mực nhất định, niềm tin và ảnh hưởng của nghệ sĩ, những người nổi tiếng đối với công chúng đang bị lung lay mạnh mẽ, khi rất nhiều nghệ sĩ bị “bóc phốt” do quảng cáo sai sự thật, hay bị xử phạt bởi những phát ngôn thiếu kiểm soát hoặc ứng xử “lệch chuẩn” văn hóa.
Hiện tượng “lệch chuẩn” tác động thế nào đến xã hội?
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến một số nghệ sĩ có những ứng xử không phù hợp, lệch chuẩn trên MXH. Đầu tiên đến từ việc cạnh tranh quyết liệt của thị trường giải trí dẫn đến việc các nghệ sĩ tìm mọi cách thức, mọi chiêu trò để có chỗ đứng tốt hơn trong thị trường. Thứ hai đến từ sự lúng túng trong quản lý văn hóa và quản lý không gian mạng. Dù chúng ta đã có một số các văn bản quy phạm pháp luật, từ Luật an ninh mạng đến các Nghị định, Thông tư và cả các Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với rất nhiều điều mới mẻ, không lường trước được, khiến cho không chỉ chúng ta mà còn nhiều nước trên thế giới bị động trước ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới, nhất là các MXH”.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói thêm: Như Tiktok chẳng hạn, giờ đây, nhiều nước đang tìm cách thích nghi, ứng phó với tác động tiêu cực từ MXH này. Những gì chúng ta nghe, đọc, xem không chỉ để phục vụ giải trí mà còn ảnh hưởng đến tâm trí, nhận thức và tính cách, hành vi của mỗi người. Văn hóa nghệ thuật rất quan trọng đối với xã hội, nhưng một môi trường văn hóa nghệ thuật tiêu cực, tệ hại sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội chung. Chúng ta giờ đây không chỉ đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống, mà đang phải đối phó với cả những thách thức văn hóa phi truyền thống nữa. Những hành vi lợi dụng MXH để phát ngôn bừa bãi, tung tin đồn nhảm, xúc phạm người khác một cách công khai, quảng cáo sai sự thật, trục lợi... là những biểu hiện cụ thể.
“Tôi nghĩ rằng, bản thân nghệ sĩ là những người luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Vì thế, mỗi hành vi “nhất cử, nhất động” của họ luôn dễ ảnh hưởng, có tác động và nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội hơn những đối tượng khác. Công chúng mạng vẫn chia sẻ, thích hay theo dõi những dòng trạng thái, hành động lệch chuẩn của nghệ sĩ mà chưa tạo ra sức ép, chưa hình thành được dư luận xã hội đủ mạnh để lên án cái xấu, tôn vinh cái tốt đẹp. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến việc các hành động phản cảm, lệch chuẩn của nghệ sĩ còn tồn tại khá nhiều trên không gian mạng”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, chia sẻ tại Tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday”, diễn ra vào ngày 19/4, tại Hà Nội, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros bày tỏ sự lo lắng và đánh giá hệ lụy của những hành vi “lệch chuẩn” trên MXH là rất lớn, đặc biệt với giới trẻ. Ông cho rằng, những con chữ từ bàn phím rất có thể trở thành vũ khí phá nát cuộc đời, cuộc sống của người khác. Giới trẻ là đối tượng ít có khả năng miễn nhiễm với những tấn công trên MXH bằng ngôn từ, nên chịu tác động tâm lý vô cùng lớn.
Đồng tình về vấn đề này, PSG.TS Trương Đại Lượng - Trưởng khoa Đào tạo, Đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: “Lớp trẻ thuộc nhóm đang hình thành nhân cách, vì thế các cháu chưa định hình được đâu là giá trị chuẩn mực, đâu là cái xấu, đâu là cái tốt, chưa tốt. Khi mà những người của công chúng, nghệ sĩ có hành xử chưa chuẩn mực tác động đến thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý, lối sống của các cháu”.
Theo đánh giá của GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday” thì nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng. Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa đến xã hội, còn giới trẻ là lực lượng xuất hiện đông đảo, năng động, dành nhiều thời gian tham gia không gian mạng. Vì thế, theo bà Từ Thị Loan, nếu không có hành động quyết liệt để nâng cao văn hóa ứng xử của những người có tầm ảnh hưởng trên MXH thì sẽ tác động rất lớn đến thế hệ tương lai của đất nước.
“Chiếc gậy” chấn chỉnh “lệch chuẩn” trên MXH
Nói về tình trạng “lệch chuẩn” trên MXH, nhà báo Trần Việt Văn (Báo Lao Động) cho rằng, nguyên nhân có nhiều, nhưng phần lớn do người nghệ sĩ có sự thành công sớm, được đông đảo công chúng yêu mến, dẫn đến tình trạng một số nghệ sĩ hoang tưởng trong việc ứng xử, phát ngôn không đúng mực trên MXH. Họ không nghĩ rằng mỗi lời nói, phát ngôn của họ có tác động rất lớn tới công chúng.
Theo nhà báo Minh Thu (Báo Điện tử VietnamPlus), sự phát triển của MXH khiến cho tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ lan rộng hơn. Không ít người có thói quen sử dụng MXH như một kênh quảng bá hình ảnh. Đối với người nổi tiếng thì việc quảng bá hình ảnh là nhu cầu tự thân, tất yếu, để gần gũi hơn với công chúng, để tiếp cận các đối tác, nhãn hàng, cơ hội có được các hợp đồng biểu diễn quảng cáo… Tuy nhiên, nhiều người nghệ sĩ lạm dụng và sử dụng MXH sai cách.
Vì thế, để hạn chế tình trạng “lệch chuẩn” văn hóa đang tràn lan trên MXH, cần có sự tham gia, vào cuộc của nhiều tầng lớp xã hội, trong đó gồm cả những thiết chế xã hội để vừa đáp ứng nhu cầu xã hội, vừa bảo vệ và kiểm soát hành vi của các thành viên.
Bàn về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng “lệch chuẩn” văn hóa trên môi trường MXH, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng: “Để điều trị những căn bệnh ứng xử xấu xí trên mạng xã hội thì cần tập trung mấy giải pháp sau: Trước hết chúng ta cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tác hại của việc phát ngôn, ứng xử lệch chuẩn, không phù hợp trên không gian mạng, nhất là đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng. Điều này có tác dụng rất lớn đến việc hình thành các hành vi phù hợp hơn của người sử dụng mạng xã hội. Chúng ta đã ban hành các Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng cũng như đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Bây giờ là lúc chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi hơn để mọi người cùng biết và thực hiện các quy tắc ấy một cách hiệu quả hơn. Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cũng rất cần thiết để có hành lang pháp lý và chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Hoạt động truyền thông lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, giúp tăng sự tử tế và nâng cao trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sẽ tạo tấm gương tốt cho xã hội”.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) ban hành giữa tháng 6/2021 là một công cụ quan trọng để lành mạnh hóa mạng xã hội tại Việt Nam. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ TT-TT ban hành rất kịp thời. Tuy nhiên, cũng cần có thêm những giải pháp phù hợp hơn nữa để ứng phó với sự đa dạng và phức tạp của thị trường giải trí, vì thế, việc ban hành quy định, dù cần có thời gian để kiểm chứng tính hiệu quả, nhưng chắc chắn sẽ đem lại một số chuyển biến tích cực trong việc chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật.
“Hiện nay công chúng Việt Nam vẫn còn dễ dãi với người nổi tiếng. Tôi dùng cụm từ này thay cho nghệ sĩ vì nghệ sĩ là một danh xưng được xã hội tôn trọng và công nhận. Không phải ai cũng là nghệ sĩ. Việc một nghệ sĩ có danh hiệu mà ứng xử lệch chuẩn thì còn gây hiệu quả xấu hơn nhiều so với các KOLs nổi tiếng trên mạng. Tôi nghĩ có 2 cơ chế để quản lý, định hình cách ứng xử, một là pháp luật và hai là công luận. Về pháp luật, chúng ta đã có hành lang pháp lý của Bộ VH-TT&DL và Bộ TT-TT rồi. Nếu ai vi phạm, cơ quan chức năng xử lý theo đó thôi. Công luận đôi khi có sức răn đe và sự “trừng phạt” mạnh mẽ hơn cả pháp luật. Chúng ta thấy việc phát ngôn lệch chuẩn hay đưa tin sai sự thật… có thể chỉ bị xử lý hành chính 7-12 triệu đồng, nhưng nếu như công luận lên án mạnh mẽ, công chúng quay lưng, các đơn vị tổ chức nghệ thuật không mời nữa, các nhãn hàng không hợp tác quảng cáo nữa thì thiệt hại với các nghệ sĩ sẽ vô cùng lớn”, nhà báo Minh Thu cho biết.
Thực sự, để hạn chế các hiện tượng nghệ sĩ phát ngôn “lệch chuẩn” trên MXH thì chúng ta cần xây dựng một thế hệ khán giả, người sử dụng MXH có sức đề kháng với cái xấu, có bản lĩnh trong tiếp nhận và giải trí. Sự chung tay của khán giả, người sử dụng MXH và kể cả nghệ sĩ trong việc phản đối những hành vi lệch chuẩn, không phù hợp của nghệ sĩ sẽ giúp cho họ có ý thức nhiều hơn về hành động của mình, vì xét cho cùng, nghệ sĩ luôn cần có khán giả. Sự quay lưng của khán giả là hình phạt lớn nhất đối với nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, báo chí truyền thông phải có trách nhiệm vun trồng, bồi đắp văn hóa ứng xử tốt đẹp cho công chúng, xã hội thông qua những tác phẩm báo chí về văn hóa giải trí bảo đảm chính xác, chuẩn mực, nhân văn. Việc báo chí khai thác quá đà một bộ phận “ngôi sao giải trí” ở cả hai chiều hướng tả khuynh, hữu khuynh là điều rất nên tránh. Nếu báo chí thổi phồng, khuyếch trương “ngôi sao”, sẽ khiến người trong cuộc tự ảo tưởng về mình rồi dễ có những thái độ, hành vi ứng xử lệch chuẩn văn hóa. Do đó, cần có những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ứng xử thiếu văn minh, hạn chế hành vị lệch chuẩn trên môi trường MXH kịp thời.
(CLO) Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã hoan nghênh mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển của hai nước và quan điểm tương đồng về các vấn đề thế giới trong cuộc hội đàm vào ngày 11/10 tại Turkmenistan.
(CLO) Bão Milton gây thiệt hại 50 tỷ USD, đẩy thị trường bảo hiểm Florida vào nguy cơ khủng hoảng, kinh tế vùng khó khăn trong cơn bão thiên tai liên tiếp.
(CLO) Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn, ngày 13/10, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Bắc Bộ trưa chiều trời nắng, có gió nhẹ.
(CLO) Các nhà lãnh đạo từ 9 quốc gia châu Âu quanh Biển Địa Trung Hải (MED9) đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh tại Cyprus vào ngày 11/10 để chấm dứt chiến tranh ở Gaza và Lebanon.
(CLO) Ngày 12/10, Công an tỉnh Tiền Giang thông tin, đã lập hồ sơ xử lý đối với Nguyễn Huỳnh Thanh Ngân (SN 2000, trú xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho) để làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngân được gia đình bảo lãnh tại ngoại do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
(CLO) Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM vừa có công văn gửi UBND TP HCM về việc xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025, nguồn vốn ngân sách trung ương cho dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài.
(CLO) Quá trình điều tra xác định, Nguyễn Như Khoa, Nguyễn Lương Bằng và Trần Thị Thu Thắm đã ký các hợp đồng chuyển nhượng, giúp sức cho Nguyễn Thành Luân chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 5 tỷ đồng của 27 khách hàng.
(CLO) Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài phát hiện 2 đối tượng truy nã nguy hiểm đang làm thủ tục xuất, nhập cảnh qua Campuchia nên đã phối hợp bắt giữ.
(CLO) Lễ hội “Nghệ thuật vì khí hậu - vịnh Hạ Long 2025”, được đánh giá là sự kiện có tầm cỡ quốc tế, dự kiến diễn ra từ 13-19/12025, quy tụ hơn 200 tỉ phú Á, Âu, nhiều người đi bằng siêu du thuyền riêng.
(CLO) Duy trì giai đoạn ảm đạm trong gần 2 năm trở lại đây, các loại hình BĐS nghỉ dưỡng vẫn chưa cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Mặc dù hiện tại, nhiều loại hình BĐS khác trên thị trường đã phục hồi rõ nét với thanh khoản, giá bán và nguồn cung liên tục được cải thiện.
(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 10961/BGTVT-KHĐT trả lời kiến nghị của cử tri TP.Hà Nội liên quan đến lập hồ sơ phương án tuyến tỷ lệ 1/500 dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn.
(CLO) Lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL) ngày càng gặp nguy hiểm trong cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah, với minh chứng là việc họ vừa liên tiếp bị trúng hỏa lực của Israel .
(CLO) UBND tỉnh Nam Định vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính về việc đề xuất đầu tư Dự án tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
(CLO) Dành được vòng nguyệt quế tại cuộc thi quý II Đường lên đỉnh Olympia với 250 điểm, em Nguyễn Quốc Nhật Minh (học sinh lớp 11C2A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) là học sinh đầu tiên mang cầu truyền hình Olympia về Gia Lai.
(CLO) Những ngày đầu mùa thu, những ruộng lúa ở Xà Phìn, tỉnh Hà Giang bắt đầu vào mùa chín biến nơi đây như một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ được phủ bởi sắc vàng óng ả thu hút nhiều du khách đam mê nghệ thuật tìm đến để chụp hình.
(CLO) Sáng 12/10 tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ" - câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt nhằm mục đích giúp độc giả hiểu hơn về thành tựu văn hóa nổi bật của nền văn minh nhân loại.
(CLO) Lễ cúng rừng là một tập quán tín ngưỡng từ lâu đời của người Cờ Lao ở Hà Giang, có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giáo dục con người sống hoà hợp với thiên nhiên.
(CLO) Việc hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một cần gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
(CLO) Tối 11/10, tại Công viên hồ Phai Loạn (đoạn Cung Thiếu nhi Lạng Sơn), thành phố Lạng Sơn đã tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa các dân tộc thành phố Lạng Sơn năm 2024.
(CLO) Trong khi di sản kiến trúc thời phong kiến và thời Pháp thuộc hiện diện trong chiến lược xây dựng thương hiệu của Hà Nội thì kiến trúc thời kỳ bao cấp chưa được định vị và khai thác tương xứng với giá trị của nó.
(CLO) Festival góp phần tôn vinh tinh hoa văn hóa của các dân tộc, thu hút khách du lịch đến Lào Cai, từ đó tạo tiền đề xây dựng sản phẩm kinh tế, văn hóa, du lịch độc đáo.
(CLO) Phiên đấu giá tranh của những huyền thoại từ trường Mỹ thuật Đông Dương ngày 12/10 có thể đạt tổng giá trị hơn 1,8 triệu EURO, tương đương 50 tỷ đồng.