100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (01.4.1922 – 01.4.2022):

Nghệ thuật viết báo của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria

Thứ sáu, 01/04/2022 13:44 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu (01.4.1922 – 01.4.2022), Nhà báo, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại đã có bài viết khá toàn diện và sâu sắc về nghệ thuật viết báo của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria.

Sang Pháp, Bác tiếp xúc với nền báo chí, tìm thấy sức mạnh to lớn của báo chí trong việc tố cáo chế độ thực dân và vận động cách mạng. Bác bước vào làng báo từ năm 1917, dưới sự giúp đỡ của những nhà báo lớn như Marcel Cachin, chủ bút báo L' Humanité (Nhân đạo); Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx,  Chủ nhiệm báo Populaire (Dân chúng), Gaston Monmousseau, Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, chủ bút báo La Vie d'Ouvriers (Đời sống thợ thuyền)... 

nghe thuat viet bao cua nguyen ai quoc tren le paria hinh 1

Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria (01.4.1922 – 01.4.2022)” do Bảo tàng báo chí Việt Nam tổ chức vào ngày 01/4/2022.

Nhờ thông minh và khổ luyện, trong một thời gian ngắn, Bác đã trở thành một người viết báo già dặn. Những bài viết của Người làm chấn động chính phủ Pháp, khiến đồng nghiệp nể phục. Luật sư Max Clainville Bloncourt bày tỏ: “Tôi có cảm tưởng: Ở anh ý nghĩ đấu tranh giải phóng dân tộc luôn luôn khắc sâu trong tâm trí và quán triệt suốt cuộc đời của anh... Anh là một con người đầy tình nhân đạo và tinh thần quốc tế. Không bao giờ thấy ở anh một nét nhỏ nào của sự ích kỷ. Và càng hoạt động chúng tôi càng yêu thương nhau, càng thấy các dân tộc thuộc địa phải đoàn kết với nhau chống kẻ thù chung. Anh đã trở thành bạn thân và tin cậy của tôi”...“Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp rất nhiều cho tờ báo… Tất cả những bài và tranh ký tên Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria mang một màu sắc đặc biệt: đó là tinh thần đấu tranh cách mạng triệt để và quyết tâm chống chủ nghĩa thực dân” (Theo Hồng Hà, Bác Hồ ở Pháp, Nxb Văn học, H. 1970).

Tìm hiểu bút pháp của Bác trên báo Le Paria qua những bài Động vật học (số 2), Những kẻ đi khai hóa, Thù ghét chủng tộc (số 4), Khai hóa giết người (số 5), Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của thực dân Pháp (số 5), Sở thích đặc biệt (số 5), Nhân đạo thực dân (số 6-7), Đảng cộng sản và vấn đề thuộc địa (số 8), Vụ hành hạ Am-đu-mi và Ben Ben-khi-a (số 8), Về câu chuyện Xi-ki (số 9), Những người bản xứ được ưa chuộng, Thư ngỏ gửi ông Lê-ông  Ac-sim-bô (số 10), Bộ sưu tầm động vật, Y như nước mẹ, Lòng ngay thẳng của chính phủ thuộc địa (số 11), Viện Hàn lâm thuộc địa (số 12), Tinh hoa của xứ Đông Dương (số 13), Các vị thống trị của chúng ta (số 14), Kỷ niệm báo Le Paria (số 14), Không phải chuyện đùa, Diễn đàn Đông Dương, Trò Méc-lanh (số 15), Trò độc đoán ở Đông Dương: Người được bảo hộ và người đi bảo hộ (số 16), Ách áp bức không từ một chủng tộc nào (số 17), Ông An-be Xa-rô và bản Tuyên ngôn nhân quyền (số 22), Đông Dương và Thái Bình Dương (số 24), Lê-nin và các dân tộc Phương Đông (số 27), Giáo dục quốc dân (số 29), Con rùa (số 32), Lối cai trị của người Anh (số 33), Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông – Va-ren và Đông Dương (số 35), Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (số 36-37) và một số bài của Bác trên báo L’Humanité như Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, Con người biết mùi hun khói, Đồng tâm nhất trí, Vi hành... chúng tôi rút ra một số đặc điểm của báo chí Hồ Chí Minh thời kỳ 1917-1925 như sau:

nghe thuat viet bao cua nguyen ai quoc tren le paria hinh 2

Hình ảnh một vài số báo Le Paria được trưng bày

1. Mục tiêu viết báo cao đẹp

Bác Hồ từng kể rằng “Lúc ở Paris, tuy biết nhiều tội ác của thực dân Pháp, nhưng không biết làm thế nào để nêu lên được. Một đồng chí công nhân ở toà báo Đời sống thợ thuyền cho Bác biết ở báo ấy có mục “tin tức vắn”, mỗi tin chỉ có năm, ba dòng thôi và bảo Bác có tin tức gì thì cứ viết, đồng chí ấy sẽ sửa lại cho. Từ đó, ngoài những giờ lao động, Bác bắt đầu viết những tin rất ngắn, mỗi lần viết làm hai bản, một bản đưa cho báo, một bản thì giữ lại. Lần đầu tiên thấy tin được đăng thì rất sung sướng”.

Trong Appel (Lời kêu gọi) của số 1, (thứ bảy, mồng 1/4/1922) Bác viết: “Le Paria là tiếng nói chiến đấu. Sứ mệnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”!

Đến khi đọc các tác phẩm của Lê-nin và sang Nga, Người càng thấm thía tư tưởng của Lê-nin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”.

Tư tưởng báo chí là vũ khí sắc bén, là người lính tiên phong trong đấu tranh chống áp bức bất công, đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện những mục tiêu cao đẹp.

Nhà báo là chiến sĩ. Cán bộ báo chí trước hết là người cán bộ cách mạng. Báo chí, văn học không thể đứng ngoài chính trị. Đội ngũ báo chí phải là đội ngũ nhà báo – chiến sĩ ..., là những quan điểm đã được hình thành trong những ngày này và chín muồi theo năm tháng, để Bác và Trung ương kiến tạo nên một đội ngũ nhà báo – chiến sĩ,  xây dựng nền báo chí tiên tiến, mang bản chất khoa học và cách mạng như hiện nay. Sáng lập Le Paria, Thanh niên, Công nông, Lính Kách mệnh, Đỏ, Búa liềm, Thân ái, Việt Nam độc lập..., chỉ đạo thành lập báo Cứu Quốc, Nhân Dân... và viết báo liên tục từ năm 1917 đến 1969, Hồ Chí Minh là tấm gương ngời sáng về việc dùng báo chí để đuổi giặc, dựng nước; làm báo để phụng sự nhân dân. Nghiên cứu cuộc đời cầm bút của Bác, càng thấm thía lời huấn thị của Người tại Đại hội II HNB VN ngày 16/4/1959: “Nói đến báo chí, trước hết là nói đến cán bộ báo đặt quyền lợi của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Người làm báo phải là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí”. Và Người yêu cầu, ngòi bút là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà (Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, 1947). 

Luôn ghi nhớ điều này để luôn cảnh giác với sự tha hóa khi người cầm bút không còn phân biệt được chính tà hoặc phân biệt được nhưng cúi đầu làm bồi bút.

nghe thuat viet bao cua nguyen ai quoc tren le paria hinh 3

Hình ảnh nhà báo Nguyễn Ái Quốc tại buổi Tọa đàm và Trưng bày

2.Xác định đối tượng bạn đọc

Le Paria là tờ báo do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và là chủ bút. Bác kể: Trước khi đi Nga, ngoài việc lo làm sao đi được trót lọt, băn khoăn lớn nhất của Bác là về tờ Le Paria “Ai sẽ phụ trách tờ báo Le Paria? Các đồng chí Á- Phi người thì giúp bài, kẻ thì giúp tiền làm báo, nhưng cần có người không có gia đình như mình để phụ trách mọi việc như đi góp tiền, đi giục bài, bí mật gửi báo đến các thuộc địa, bán báo để tuyên truyền ngay tại Pa-ri”... (Vừa đi đường, vừa kể chuyện).

Trong truyền đơn kêu gọi mua Le Paria, Bác viết: “Tờ báo này là tờ báo của bạn, giúp bạn thoát khỏi cảnh nô lệ và sẽ phát hành rộng rãi trong tất cả các thuộc địa”.

Trong bài kỷ niệm một năm báo Le Paria, Bác lại viết: “Một mặt, đông đảo dư luận châu Âu chưa được chuẩn bị để theo dõi đầy đủ quan điểm của chúng ta. Mặt khác, những người dân thuộc địa ở Pháp thường chưa quan tâm đến tình hình có quan hệ tới số phận đồng bào họ ở các thuộc địa đang phải đương đầu với mọi sự phiền nhiễu, với bạo lực của nhà cầm quyền ở địa phương, với sự bóc lột tư bản chủ nghĩa của những kẻ đi khai hóa”.

Như vậy, ta thấy Bác xác định rất rõ đối tượng bạn đọc của mình: Người nô lệ để giác ngộ, đoàn kết tự giải phóng; nhân dân Pháp và những người có lương tri để ủng hộ; quan chức cai trị trong bộ máy để tố cáo, tác động thay đổi chính sách.

3. Tính chiến đấu trực diện, mạnh mẽ và triệt để

Những bài báo của Nguyễn Ái Quốc trên Le Paria đều chĩa mũi dùi trực tiếp vào cả chế độ hoặc những tên trùm sò của chủ nghĩa thực dân như  Bộ trưởng thuộc địa An-be Xa-rô, Toàn quyền Đông Dương Méc-lanh, Va-ren, những ủy viên Hội đồng thuộc địa như Lê-ông Ác-sim-bô, các viên quan cai trị châu Phi như  Công sứ Bruy-ê... Và tên vua bù nhìn Khải Định cũng bị ngòi bút châm biếm của Bác biến thành  thằng hề, vừa ngu dốt vừa lố bịch.

Mọi sự việc đều được Bác đẩy đến tận cùng, tận cùng như sự độc ác, tàn tệ của chủ nghĩa thực dân, coi người dân thuộc địa như loài vật. Lấy ví dụ, bài “Động vật học”, Bác viết “Đác-uyn, nhà cực thông thái Đác-uyn, từng biết rằng con ngươi của ếch xứ Ôvécnhơ tròn hơn con ngươi của ếch vùng Nốttinhham, và đuôi bồ câu Mêhicô có nhiều hơn đuôi bồ câu ở Thuỵ Điển ba cái lông tơ, nhưng ông lại hoàn toàn không biết gì đến một loài động vật rất đông đúc ngày nay được biết rất rõ ràng; cái loài động vật mà do số lượng, do chất lượng của nó, có thể liệt vào hàng đầu trong giới động vật”... Động vật ấy ra đời cùng loài người, nếu không nói lâu hơn nữa, chính là dân bản xứ thuộc địa (colonie indigène) và giai cấp vô sản ở các nước tư bản.

4.Dựa vào pháp luật

Báo chí nào cũng trong khuôn khổ của pháp luật. Pháp luật của Nhà nước tư sản Pháp về mặt hình thức, có nhiều tiến bộ, bênh vực sự dân chủ, nhân quyền. Bác không phê phán lời văn của pháp luật, mà chỉ phê phán sự thực thi pháp luật, phê phán việc đi ngược lại những mục đích, tôn chỉ tốt đẹp của Tuyên ngôn Nhân quyền và  Dân quyền của chính quyền hiện hành. Khai thác triệt để sự đối lập giữa những lời lẽ văn minh hoa mỹ và sự độc ác, tàn bạo thực tế, sức tố cáo, tính chiến đấu trong các tác phẩm báo chí Nguyễn Ái Quốc càng nổi bật, làm cho tác phẩm có tính mỉa mai, hài hước.

4. Tính thời sự, tính phát hiện

Tính thời sự, bám sự kiện hiện diễn được dư luận chú ý  là yếu tố bản chất, sống còn của báo chí. Các bài viết của Bác trên Le Paria không chỉ có tính thời sự mà còn có tính phát hiện. Do bọn thực dân che giấu mà nhân dân Pháp không hề biết được sự dã man của những kẻ đi khai hóa.

Bằng những số liệu cụ thể, những dẫn chứng tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh mẽ khiến người đọc và những kẻ cai trị không thể làm ngơ. Le Paria đã bóc trần “chính sách đà điểu” (vơ vét thuộc địa), sự tàn nhẫn, phi nhân tính qua những việc đánh giết người dân thuộc địa không dựa trên một căn cứ pháp luật, đạo đức nào.

5.Những thủ pháp nghệ thuật tài tình

Điều đầu tiên chúng ta dễ nhận thấy là những bài báo của Bác thường ngắn gọn, chắc nịch, dễ đọc, đọc nhanh, thỉnh thoảng lại được cất lên tiếng cười do cách nói hài hước, thông minh; do yếu tố bất ngờ hoặc do lối chơi chữ tài tình hoặc do cả ba dồn trong một chi tiết. Sự hài hước là vũ khí của kẻ mạnh và chỉ những đại bút mới sử dụng thông thạo.

Xin được lấy hai ví dụ về chơi chữ: Trong “Động vật học”, ngoài việc tố cáo bọn thực dân coi người bản xứ là động vật thì phần tái bút, Bác viết: “Chúng tôi vừa nhận được của một đồng nghiệp của chúng tôi là nhà bác học khoa học tự nhiên De Partout, một loài hiếm có, loài này hình như cũng có họ hàng thân thuộc gì với loài chúng tôi vừa nghiên cứu. Loài đó, theo bạn đồng nghiệp của chúng tôi, thì tên nó là người vô sản”. Bác đặt tên là “Người vô sản Đờ Pác-tú”, tức người vô sản ở khắp nơi.

Trong “Sở thích đặc biệt”, Bác cho Khải Định trở thành hình nộm trước Bộ trưởng thuộc địa. Trong tiếp xúc với văn nghệ sĩ và các quý bà, Bộ trưởng cho biết vua An Nam thích đọc Pla-tông, là môn đồ của nhà triết học ấy nhưng “platonique” còn có nghĩa là vô hiệu, vô dụng.

Trong “Con rùa”, Bác cho một ông Xã An Nam đến tặng công sứ một con rùa (đã là biểu tượng một bộ phận của phụ nữ” và lắp bắp “Quan lớn nhận cho, của mọn thôi ạ! Cái món ca... ca...” Ông Xã định nói “cadeau” là món quà nhưng vì sợ mà lắp bắp nói thành “caca” là “cứt”. Ông này lắp bắp là phải vì viên Công sứ này từng chặt 75 đầu hào mục địa phương. Cao trào được đẩy lên một bước nữa khi cho quan sứ “khoan hòa” reo lên để biếu quan Toàn quyền. Tức là Bác chửi tất cả bọn quan thực dân là đồ ăn “phụ khoa” đàn bà, đồ ăn cứt!

Chơi chữ, lấy văn hóa Tây tác động vào đầu tây. Khi một quan chức Chính phủ Pháp băn khoăn Nước Pháp đi về đâu, châu Âu đi về đâu thì Bác hỏi: Hãy nói cho tôi biết chân nước Pháp ở đâu, tôi sẽ nói cho anh biết nước Pháp đi về đâu. (Dựa vào câu ngạn ngữ Pháp: Hãy cho tôi biết bạn anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là ai – Dis-moi qui sont tes amis, je te dira qui tu est). Bác ngầm nói chân của nước Pháp là ở các nước thuộc địa; đôi chân đi trên con đường dã man ấy thì không bao giờ đến được văn minh, tự do, bình đẳng, bác ái.

Trong những bài viết ngắn của Bác ấy lại có sự tích hợp rộng lớn của văn và báo, của văn hóa Phương Đông và Phương Tây, của hiện thực và tưởng tượng. Những điển tích văn hóa làm cho người đọc tin tưởng ở một cây bút có thẩm quyền. Sự hư cấu, tưởng tượng (dùng giấc mơ, nghe lỏm, thậm chí cả viễn tưởng như  trong “Con người biết mùi hun khói”) lại làm cho tác phẩm báo chí có tính chân thực hơn, chứa đựng nhiều thông tin mỹ học và gieo vào người nô lệ một niềm tin chiến thắng.

Cái tài tình của Bác là thông điệp quan trọng nhất thường được đưa lên đầu đề và câu đầu tiên, thí dụ, trong bài “Các vị thống trị của chúng ta”, câu mở đầu là một khẳng định mạnh mẽ: “Thế là xong: số phận của 20 triệu dân An Nam mong muốn sắp được trao vào tay ông Mác-xi-an Méc-lanh”. Sau đó là những dẫn chứng Méc-lanh là tên ngu dốt, hám lợi như thế nào. Có khi, phần quan trọng lại để ở phần tái bút: T.B.- Trong khi tính mệnh của một người An Nam bị xem như thân con chó, không đáng giá một đồng trinh, thì Ngài Tổng thanh tra Rêna, bị sướt có một chút da ở cánh tay mà được lĩnh 120.000 phrăng tiền bồi thường. Ôi, bình đẳng! Bình đẳng quý hoá thay! (Khai hóa giết người).

Bác cũng thường dùng thủ pháp đối lập: Chính phủ Pháp thường rêu rao ở các xứ thuộc địa và lừa mị dân chúng Pháp rằng, Chính phủ đang thực thi việc khai hóa, đem văn minh đến cho những nơi chậm phát triển. Những người đi khai hóa là những anh hùng…

Để đập lại, Bác liên tiếp đưa ra những dẫn chứng cụ thể:  Một viên quan cai trị thuộc địa nọ đã đổ nhựa cao su vào bộ phận sinh dục của một người phụ nữ da đen khốn khổ. Sau đó, hắn bắt chị phải đội một tảng đá lớn đứng phơi nắng cho đến chết; tháng 3 năm 1922, một nhân viên nhà đoan Bà Rịa (Nam Kỳ) đã đánh gần chết một phụ nữ An Nam làm nghề gánh muối, lấy cớ rằng người này đã làm mất giấc ngủ trưa của hắn, vì làm ồn ào ngoài hiên nhà hắn ở, hay chuyện một anh da đen vì hái một chùm nho mà bị đánh chết ngất. Rồi một gã Puốcxinhông, đã hùng hổ nhảy ra đánh một người An Nam chỉ vì người này dám tò mò và cả gan nhìn ngôi nhà của người Âu trong mấy giây đồng hồ và cuối cùng giết anh bằng một phát súng lục bắn vào đầu.

 Bác kết luận “Ở bên đó thì cũng như ở trên đất Pháp, bọn bất lương vẫn còn quá đông, pháp lý vẫn cần phải nghiêm trị. Ấy vậy mà chúng tôi cho đến bây giờ, vẫn ngây thơ tin rằng ở Pháp, chỉ có rặt những con người cần được khai hoá mà hễ ra khỏi nhà là tức khắc trở thành những con người đi khai hoá! Thêm nữa, theo cái lôgích đơn giản nhất, người ta không thể, cũng không nên cho người khác cái mà mình không có, nhất lại là cái văn minh”!

Một thủ pháp khác là dùng điệp từ, điệp câu, điệp ý để gây ấn tượng. Bác tố cáo Va-ren hứa sang Đông Dương sẽ “chăm sóc” vụ Phan Bội Châu nhưng khi thủng thỉnh nhận chào đón ở Sài Gòn thì Phan Bội Châu vẫn ngồi tù; oai vệ tiếp kiến hoàng đế (hay cái bóng của hoàng đế) An Nam thì Phan Bội Châu vẫn ngồi tù. Cái lối viết trói buộc ấy, khiên cả Va-ren và Chính phủ Pháp không thể thờ ơ được. Và Phan Bội Châu được không bị phạt tù, có nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của những bài báo của Nguyễn Ái Quốc và dư luận nhân dân Pháp.

Sự tích hợp trong tác phẩm của Bác còn là tích hợp giữa bài viết và tranh vẽ, hai thứ bổ sung cho nhau rất hiệu quả. Về tranh ký họa của Bác, cần có công  trình nghiên cứu riêng.

Chúng ta thường nói: Bác Hồ là người sáng lập, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Có người nghiên cứu kỹ, có nhiều người chấp nhận như một mặc định.  Do vậy, Bảo tàng báo chí Việt Nam bên cạnh việc sưu tầm, phát huy giá trị hiện vật, cần phối hợp với các nhà khoa học để làm sáng tỏ những giá trị báo chí Hồ Chí Minh trong tương quan với báo chí trong nước để làm rõ những nét tương đồng, thống nhất và những nét nổi trội, độc đáo. Cũng đã đến lúc có những tổng kết, dựa trên cơ sở tư liệu, về những bước phát triển trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, từ một nhà nho lấy “văn dĩ tải đạo” đến nắm vững lợi khí báo chí; trong báo chí chuyển biến từ Le Paria đến Nhân Dân như thế nào. Và như vậy, nền báo chí của chúng ta luôn được uống suối nguồn tươi mát để không xa rời mục đích, luôn có sự phát triển lành mạnh, đúng hướng.

 

Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại

Bình Luận

Tin khác

Đoàn kết, năng động, đổi mới - sáng tạo, vững nghiệp vụ

Đoàn kết, năng động, đổi mới - sáng tạo, vững nghiệp vụ

(CLO) Chiều 10/5, tại Hà Nội, Chi Đoàn 1 - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2024-2027.

Công tác hội
Các tác phẩm bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng

Các tác phẩm bám sát thực tiễn, có tính thời sự cao, đi vào các điểm nóng

(CLO) Sáng 10/5, Hội đồng sơ khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVIII - 2023 họp tổng kết vòng sơ khảo, thảo luận về nội dung và chất lượng tác phẩm dự Giải, đánh giá công tác chấm giải tại các tiểu ban và thống nhất danh sách vào vòng chung khảo.

Công tác hội
CLB Phóng viên thường trú tại tỉnh Quảng Trị kỷ niệm 10 năm thành lập

CLB Phóng viên thường trú tại tỉnh Quảng Trị kỷ niệm 10 năm thành lập

(CLO) Ngày 9/5, tại thành phố Đông Hà, Câu lạc bộ Phóng viên (CLBPV) thường trú tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập. 

Công tác hội
Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ về đích đúng tiến độ

Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ về đích đúng tiến độ

(CLO) Ngày 09/5/2024, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức lễ cất nóc công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Công tác hội
TP Hồ Chí Minh:  Tập huấn kỹ năng viết bài chuyên luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

TP Hồ Chí Minh: Tập huấn kỹ năng viết bài chuyên luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Trong 2 ngày 9 và 10/5, tại TP.HCM, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp Tập huấn kỹ năng viết bài chuyên luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Công tác hội