Ngoài nút thắt về vốn, doanh nghiệp còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn

Thứ năm, 09/02/2023 06:18 AM - 0 Trả lời

(CLO) Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, ngoài thiếu vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt với rất nhiều khó khăn khác, như cơ chế, pháp luật còn chồng chéo, phức tạp; thủ tục đầu tư kéo dài;....

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, cả nước có khoảng 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 38,7% so với năm 2021. Đó là chưa tính các doanh nghiệp hỗ trợ cho ngành bất động sản, như xây dựng, vật liệu xây dựng, ngành môi giới,... cũng đang chật vật để tồn tại.

Theo giới chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng đột biến trong năm 2022, thế nhưng, lý do quan trọng nhất đó là doanh nghiệp bất động sản đang bị “tắc” vốn, dẫn đến việc khó cơ cấu lại sau giai đoạn hậu COVID-19.

ngoai nut that ve von doanh nghiep con phai doi mat voi hang loat kho khan hinh 1

Ngoài thiếu vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt với rất nhiều khó khăn khác. (Ảnh: TM)

Trao đổi với phóng viên Nhà báo và Công luận về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, ngoài thiếu vốn, các doanh nghiệp bất động sản còn đối mặt với rất nhiều khó khăn khác, như cơ chế, pháp luật còn chồng chéo, phức tạp; thủ tục đầu tư kéo dài;....

Các báo cáo của Bộ Xây dựng và các công ty nghiên cứu bất động sản đều chỉ ra, 2022 là một năm khắc nghiệt đối với thị trường bất động sản, ông có nhận định thế nào về vấn đề này?

- Đúng vậy. Năm 2022 là năm khó khăn khắc nghiệt nhất đối với tất cả doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO.

Có doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư; phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30-50%, không “lo” được lương tháng 13, nửa tháng lương 13 cũng không có, không có thưởng Tết Qúy Mão.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bất động sản tuy có tổng tài sản có giá trị lớn và đã thực hiện nhiều biện pháp giảm sâu giá bán, tăng chiết khấu đến 45-50% nhưng vẫn rất khó bán được hàng vì hầu như không có người mua nên doanh nghiệp thiếu tiền mặt, âm dòng tiền, bị thiếu thanh khoản nghiêm trọng có thể dẫn đến tình trạng “chết trên đống tài sản”.

Dù mới trải qua tháng đầu tiên, song ông có đánh giá thế nào về những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2023?

- Năm 2023 vẫn sẽ là một năm khó khăn, thậm chí năm nay còn là giai đoạn “sống còn” của các doanh nghiệp bất động sản nếu không được hỗ trợ giải quyết “nút thắt” về dòng tiền để đảm bảo tính thanh khoản, trước hết là nhu cầu và nguyện vọng của tất cả các doanh nghiệp bất động sản mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn.

Như tôi đã chia sẻ, khó khăn của doanh nghiệp không chỉ riêng vấn đề thiếu vốn, mà nó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là vướng mắc về pháp lý, chiếm 70% khó khăn của nhóm doanh nghiệp này.

Tiếp theo là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đến hạn và các khoản vay tín dụng đến hạn kéo theo rủi ro chuyển thành nợ xấu hoặc nhảy nhóm nợ xấu hơn.

ngoai nut that ve von doanh nghiep con phai doi mat voi hang loat kho khan hinh 2

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.

Vậy theo ông, cơ quan chức năng cần phải sửa đổi điều gì để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp bất động sản?

- Nút thắt thì rất nhiều, nó thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nút thắt về vốn phải cần giải quyết khẩn trương vì các khoản nợ đang đến kỳ trả.

Do đó, có một số quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc quy định riêng của các ngân hàng thương mại cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn hiện nay.

Cụ thể, hiện các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp bất động sản vay tín dụng thì dự án bất động sản phải có chấp thuận chủ trương đầu tư và tài sản bảo đảm cho khoản vay là đúng quy định pháp luật. 

Nhưng đồng thời, nhiều ngân hàng thương mại còn yêu cầu doanh nghiệp bất động sản phải có Giấy phép xây dựng mà yêu cầu phải có Giấy phép xây dựng là giấy phép con làm khó cho doanh nghiệp bất động sản và không nằm trong điều kiện để được vay vốn tín dụng.

Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, nên Thông tư 08/2020/TT-NHNN quy định các tổ chức tín dụng chỉ được sử dụng tối đa nguồn vốn huy động ngắn hạn, tiết kiệm để cho vay trung dài hạn. Điều này dẫn tới việc các tổ chức tín dụng càng bị giảm nguồn vốn tín dụng cho vay trung dài hạn, cần được xem xét kéo giãn thêm “lộ trình” này.

Vậy, ông có kiến nghị gì để tháo gỡ bế tắc về nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản?

- Trước mắt, tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng tương tự các giải pháp rất thiết thực và hiệu quả của Thông tư 14/2021/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, để áp dụng cho các doanh nghiệp bất động sản năm 2023.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhưng không áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thương mại.

Đồng thời, tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành Thông tư (mới) tương tự Thông tư 14/2021/TT-NHNN cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn trong thời hạn từ 12-24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Ngân hàng Nhà nước.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Việt Vũ

Bình Luận

Tin khác

Tiềm năng đột phá từ các BĐS “2 trong 1” tại đô thị cửa khẩu Vinhomes Golden Avenue

Tiềm năng đột phá từ các BĐS “2 trong 1” tại đô thị cửa khẩu Vinhomes Golden Avenue

(CLO) Loại hình BĐS có thể vừa ở, vừa kinh doanh của Vinhomes Golden Avenue (Móng Cái, Quảng Ninh) ngày càng hiện diện nhiều hơn trong “giỏ hàng” phải có của các nhà đầu tư cũng như người mua ở thực, nhờ đẳng cấp sống vượt trội và lợi nhuận hấp dẫn cả trong ngắn và dài hạn.

Bất động sản
TP HCM: Dừng hợp đồng BT Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, chuyển sang đầu tư công

TP HCM: Dừng hợp đồng BT Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, chuyển sang đầu tư công

(CLO) Chủ tịch UBND TP HCM thống nhất đề xuất dừng đầu tư dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Đồng thời, chuyển dự án này sang phương thức đầu tư công.

Bất động sản
Các địa phương ồ ạt đấu giá đất nền, thị trường sắp “dậy sóng”?

Các địa phương ồ ạt đấu giá đất nền, thị trường sắp “dậy sóng”?

(CLO) Bộ Xây dựng cho biết, việc tổ chức đấu giá đất nền tại một số địa phương cũng được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới.

Bất động sản
Người giàu tích cực gom bất động sản, người nghèo làm cả đời chưa chắc đã mua được nhà

Người giàu tích cực gom bất động sản, người nghèo làm cả đời chưa chắc đã mua được nhà

(CLO) Với mức tăng chóng mặt như hiện nay, giấc mộng mua nhà thành phố của nhiều người đang dần trở nên xa vời. Trong khi đó, với giới nhà giàu, họ vẫn đang có dự định tiếp tục đầu tư bất động sản.

Bất động sản
Bất động sản đang hồi phục nhưng vẫn chưa lấy lại được 'phong độ'

Bất động sản đang hồi phục nhưng vẫn chưa lấy lại được "phong độ"

(CLO) Lãi suất thấp, pháp lý được tháo gỡ và nhiều yếu tố khác đã và đang giúp thị trường bất động sản hồi phục.

Bất động sản