Ngọt thơm hương mía Thọ Điền

Thứ sáu, 21/01/2022 08:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nếu ai có dịp ghé thăm làng Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh), nếm thử mật mía nơi đây chắc hẳn sẽ không thể quên được cái vị ngọt sánh, thơm lừng với màu nâu đậm óng ánh đẹp mắt. Mỗi dịp giáp Tết, người dân Thọ Điền lại càng thêm rộn ràng, tất bật với công việc kết tinh vị ngọt dâng đời.

Mật mía từ xa xưa đã được biết đến là loại gia vị không chỉ góp phần tăng thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn, mà còn là “vị thuốc” bổ, cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, cải thiện nhiều cho sức khỏe. Những ngày cuối năm, được sum họp bên gia đình, thưởng thức miếng bánh chưng quyện mật mía ngọt lịm hay nồi thịt kho tàu kho mật toả khói nóng thơm phức sẽ thấy ấm áp, hạnh phúc biết bao. Ý thức được điều đó, người dân làm mật mía Thọ Điền lại càng hăng say lao động để có thật nhiều mật ngọt, cung cấp cho khách hàng thập phương trong những ngày cận Tết.

ngot thom huong mia tho dien hinh 1

Các lò mật làm từ mía thơm ngon ở xã Thọ Điền ngày đêm đỏ lửa vào mùa phục vụ người dân ngày cận Tết

Đằng sau hương vị ngọt dịu được chắt lọc từ giống mía Quảng ấy là biết bao công sức, mồ hôi của những người lao động siêng năng, cần mẫn. Bởi, để tạo ra thành phẩm như vậy phải trải qua khá nhiều công đoạn phức tạp và vất vả. Vậy nên, mặc cho cái rét tê tái của những ngày cuối đông, ngay từ sáng sớm chưa tỏ mặt người, không khí lao động sản xuất đã hết sức sôi động trên những cánh đồng mía của xã Thọ Điền. Người thoăn thoắt chặt cây, người gom ngọn, chất mía lên xe để kéo về nhà chuẩn bị cho những đêm ép mật có khi thâu đêm suốt sáng.

Trước đây, sau khi thu hoạch mía ở ngoài đồng về, người ta sẽ làm sạch, chặt khúc rồi ép lấy nước, nước mía sẽ được cho vào thùng đựng sẵn và nấu khoảng 4 đến 5 tiếng. Sau khi nấu xong, mật sẽ được cho vào thùng lớn, lóng sạch tạp chất để cho ra thành phẩm cuối cùng. Mía được ép bằng cách cho vào cối ép nước, mà tiếng địa phương gọi là Che. Khi ép mật phải có hai người cố định hai bên cối chuyên bỏ cây mía vào và kéo bã ra ngoài. Và chú trâu sẽ kéo cho Che hoạt động hết công suất để cho ra mật.

ngot thom huong mia tho dien hinh 2

Nấu mật trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Khi nấu phải dùng muỗng đảo liên tục, đều tay để tránh bị cháy phía dưới

Giờ đây, khoa học kỹ thuật  phát triển hơn, bà con làm mía đã có thể dùng máy ép, mô tơ để tăng năng suất, tiết kiệm sức lực. Chị Phương - một chủ hộ mật mía xã Thọ Điền cho biết, ngày trước gia đình chị dùng trâu để ép mía làm mật, trung bình mỗi ngày chỉ làm được khoảng 4 chảo mật (20kg mật/chảo). Bây giờ có máy nghiền, máy ép, năng suất lao động của gia đình tăng gấp 3 lần, mỗi ngày có thể làm ra được tới 12 chảo mật.

Năm 2020, hợp tác xã dịch vụ mật mía Sơn Thọ đã được cấp chứng nhận sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh. Từ đó, mật mía Thọ Điền ngày càng nổi tiếng hơn. Giá bán ngày trước chỉ có 30.000đồng/lít, sau khi là sản phẩm OCOP, giá bán từ 45.000/lít, có thời điểm tăng lên 60.000đồng/lít, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân làm mật mía.

Chị Đoàn Thị Nhàn - Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết, nhà xưởng ở đây rộng khoảng 150 m2 với đầy đủ các khu vực bếp nấu, khu vực sơ chế, tập kết nguyên liệu, khu vực bán hàng và khu vực đóng gói. Công suất ép mỗi ngày đạt 3 - 4 tấn mía nguyên liệu, tương đương với hơn 300 lít mật mía thành phẩm. Giờ đây, các hộ gia đình đã có thu nhập trung bình trên dưới 20 triệu đồng/ tháng, có những hộ lên đến 40 triệu. Sản phẩm phụ từ cây mía như: lá, ngọn và bã mía ép lại được tận dụng làm nguồn thức ăn quý giá cho trâu bò trong những ngày đông giá.

ngot thom huong mia tho dien hinh 3

Khi nấu mật, người dân dùng chiếc vợt có lưới bằng vải màn vớt bọt, tạp chất cho đến khi mật đạt tiêu chuẩn

Tính đến cuối năm 2021, toàn xã Thọ Điền có 100 hộ gia đình làm mật mía, trên diện tích 20ha, đạt năng suất 160 tấn mật mía/năm. Ông Nguyễn Đăng Nhàn - Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết, toàn xã sản xuất gần 27 ha mía, trung bình mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường gần 150 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân khoảng 4,5 tỷ đồng. "Chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ 300.000 đồng/sào đối với các hộ gia đình theo nghề làm mật mía. Bởi thực tế cho thấy việc sản xuất mật mía giúp mang lại nguồn thu nhập cao gấp 4 lần so với các cây hoa màu khác như lúa, ngô, khoai, lạc, góp phần xoá đói giảm nghèo hiệu quả cho khu vực miền núi”, ông Nhàn cho biết thêm.

Đồng hành cùng người dân, địa phương đã hướng dẫn bà con sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo... linh hoạt kết nối thị trường để tìm kiếm khách hàng. Với cách làm này, hầu hết bà con làng mật đều đã chốt được một lượng đơn khá lớn vào dịp Tết âm lịch. Có thể nói, đây là phương thức bán hàng hiệu quả cho bà con trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

ngot thom huong mia tho dien hinh 4

Sau khi nước ép mía được làm sạch, loại bỏ các tạp chất, người dân sẽ cho vào những chiếc chảo lớn để nấu.

Một hộ dân trồng mía, ép mật lâu năm ở đây cho tôi biết thêm bí kíp giữ mật ngon, dài ngày không hỏng. Đó là, mật mía muốn để được lâu mà vẫn ngon, khi mua về phải nấu kỹ, cho sôi vừa phải. Sau đó để nguội mới cho vào chai, can hoặc chum, vại bằng sành. Tuyệt đối không để nước lã rơi vào hoặc cho vào can đã đựng rượu không súc rửa thật sạch. Nếu mật không được nấu kỹ, đổ vào vật đựng, đến lúc nào đó nó sẽ tự trào sôi ra ngoài (tiếng địa phương gọi là Bồi) bằng hết.

Nhắc đến huyện Vũ Quang, người ta sẽ nhớ ngay đến 3 loại đặc sản có vị ngon khó cưỡng: cam bù, cam chanh, mật ong và mật mía. Đặc biệt, Tết đến Xuân về, mật mía Vũ Quang được nhắc tới nhiều nhất. Xuân Nhâm Dần đang tới gần, những lò mật ở Thọ Điền lại tất bật đỏ lửa cả ngày lẫn đêm. Tiếng chặt mía lách tách, tiếng xe kéo kẽo kẹt chở nguyên liệu, bếp lửa hồng luyện mật xua tan rét buốt, hương mật thơm ngọt ngào bay đi khắp vùng đã trở thành những đặc trưng không thể thiếu của làng mật mía Thọ Điền.

ngot thom huong mia tho dien hinh 5

Người dân đổ những mẻ mật nấu thành phẩm ra thùng đựng.

Tin rằng với quy trình sản xuất không quá phức tạp, đầu ra tương đối dễ dàng, đem đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân cùng các chính sách khuyến khích phát triển của địa phương, ngành nghề truyền thống này sẽ tiếp tục được phát huy ngày càng mạnh mẽ, mang lại những cái Tết ấm no cho người dân làng mật mía Thọ Điền.

Trần Phong

Bình Luận

Tin khác

Mưa lớn gây sạt lở đất tại móng cột dự án đường dây 500kV, 7 công nhân thương vong

Mưa lớn gây sạt lở đất tại móng cột dự án đường dây 500kV, 7 công nhân thương vong

(CLO) Mưa lớn đột ngột, tại vị trí móng cột số 28 dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua Hà Tĩnh bị sạt lở đất đã vùi lấp lán trại của công nhân đang làm việc ở công trường khiến 3 người tử vong, 4 người bị thương, 11 người chạy thoát an toàn.

Đời sống
Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa, sẵn sàng đón đại lễ

Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa, sẵn sàng đón đại lễ

(CLO) Những ngày này, khắp các tuyến phố, con đường lớn ở TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) rực rỡ cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ chào mừng sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Đời sống
Quảng Ninh phát hiện 2 tấn xúc xích chảy nước không rõ nguồn gốc

Quảng Ninh phát hiện 2 tấn xúc xích chảy nước không rõ nguồn gốc

(CLO) Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh (QLTT) đã phát hiện một chiếc ô tô tải đang chuẩn bị vận chuyển 2 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Móng Cái trong đêm 5/5.

Đời sống
Nam Định: Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân 2024

Nam Định: Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân 2024

(CLO) UBND tỉnh Nam Định vừa có Công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng, các địa phương tiếp tục tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân năm 2024.

Đời sống
Thanh Hóa: Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã

Thanh Hóa: Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã

(CLO) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo làm rõ nguyên nhân gần 13 tấn cá chết hàng loạt trên sông Mã thời gian vừa qua.

Đời sống