Người lính giữ biển đảo trong mắt nhà báo Nguyễn  Viết Tôn

Thứ sáu, 13/03/2020 19:37 PM - 0 Trả lời

(CLO) Có thể nói “Cờ thắm giữa biển xanh” của nhà báo Nguyễn Viết Tôn - Thông tấn xã Việt Nam vừa mang tính thời sự, vừa lắng sâu suy tư là một tác phẩm rất đáng đọc, đáng xem trong rừng sách bạt ngàn ngày nay.

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn chia sẻ về cuốn sách vừa xuất bản

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn chia sẻ về cuốn sách vừa xuất bản

Giữa biển xanh... cờ thắm có gì lạ?

Bạn đọc đang cầm trên tay tập sách “Cờ thắm giữa biển xanh” của nhà báo Nguyễn Viết Tôn. “Cờ thắm giữa biển xanh” ôm trọn chủ đề về người chiến sĩ Hải quân Trường Sa, lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng biển.

Trường Sa cách trở, xa lạ. Nhưng, thực ra Trường Sa cũng... không xa. “Không xa đâu Trường Sa ơi”. “Gần lắm Trường Sa”... Trường Sa luôn luôn là một thử thách với mỗi người muốn khám phá vẻ đẹp của biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và quân dân ở Trường Sa. Nhà báo Nguyễn Viết Tôn ra Trường Sa tác nghiệp cũng không ngoại lệ.

Thử thách bởi để chạm vào hiện thực Trường Sa đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn, người lính đồn trú thì phải vượt qua nắng nóng, mưa gió, say sóng. Điều này, tôi tin Nguyễn Viết Tôn vượt qua. Không muốn cũng phải vượt qua, không vượt qua không được, bởi tàu không thể quay đầu vào bờ vì một người say sóng. Sóng xô, tầu lắc mãi cũng quen, bước chân lên đảo cũng vững, tay cầm máy ảnh cũng chắc.

Thử thách bởi chẳng ai biết bao nhiêu tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về Trường Sa, về Hải quân nhân dân Việt Nam?! Trùng trùng điệp điệp. Hằng hà sa số. Điều này, tôi nghĩ không chỉ nhà báo Nguyễn Viết Tôn ngờm ngợp, mà còn nhiều người nữa, trừ ai chỉ muốn du lịch, thưởng ngoạn Trường Sa. Chưa ra Trường Sa đã được đọc tin bài, đã được nghe đọc truyện đêm khuya, đã được xem phim ảnh, đã được người đi trước kể lại:

Biển đảo. Trời mây. Trăng sao. Bão giông. Cây phong ba. Hiếm rau xanh, thiếu nước ngọt, thừa nắng gió. Người lính xa đất liền với nỗi nhớ nhung. Người lính bị mưa chan bão dập nghiêng đổ nhà giàn nằm lại dưới thềm lục địa. Nỗi vất vả gian lao, và cả sự lạ độc: Ốc gọi hồn. Bãi cát di chuyển theo mùa. Bí ẩn xác tầu đắm. Vích ngắm trăng... Cả sự kì vĩ lãng mạn nữa: Hoàng hôn màu lá mạ. Cầu vồng. Chim thiên di... Dường như, chẳng cái gì, chuyện gì qua mắt được những người viết đã ra Trường Sa. Trường Sa xa, nhưng mà gần. Trường Sa lạ mà quen. Vậy thì, người viết trẻ, người ra sau còn cái gì để viết? Nhà báo Nguyễn Viết Tôn phải né người đi trước, phải vượt qua đồng nghiệp để tác phẩm ra sao?

Bìa cuốn sách của nhà báo Nguyễn Viết Tôn

Bìa cuốn sách của nhà báo Nguyễn Viết Tôn

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn là một người viết ra Trường Sa năm 2010 và năm 2018 anh quay trở lại đảo xa. Anh không có cái may mắn như nhà văn nhà báo Duy Khán ra Trường Sa sau mấy năm giải phóng, khi ấy các đảo còn hoang sơ, phân chim có chỗ dầy hàng tấc, và phải lựa bước chân kẻo dẵm phải trứng chim. Anh cũng không có tâm trạng, nỗi niềm khi “nước mắt trên bờ, máu loang ngoài biển” như nhà báo quân đội Hồ Anh Thắng cùng đoàn phóng viên đầu tiên đến đảo Cô Lin, Len Đao sau sự kiện Gạc Ma tháng 3 năm 1988, nơi con tàu HQ505 vẫn còn "ủi bãi", và con tàu HQ604 đang còn thi thể lính công binh hải quân dưới đáy biển. Cái thời mà đảo chìm chỗ thì neo pông tông, nơi thì cắm cọc gỗ làm nhà tạm cho lính... Có nghĩa là cái thời hiện thực ngồn ngộn, đau thương, chân thật ấy, chỉ chép lại cũng đủ hay, đủ lay động lòng người. Nguyễn Viết Tôn ra Trường Sa cũng như nhiều nhà báo sau này khi “con đường đã định”, “lối đi đã mòn”, anh phải chọn cho mình một cách đi khác, với tả thực, kể thật... bằng ngôn từ, bằng hình ảnh, bằng suy tư.

Với người lính, Trường Sa kì vĩ là gian khổ và hi sinh, là vinh dự và trách nhiệm... Với người viết thì Trường Sa là một vùng hiện thực màu mỡ, phong phú, sinh động, thiêng liêng, bí ẩn và khám phá. Chiến tranh đã lui về quá khứ, nhắc lại để không thể nào quên. Chỉ là ghi chép, là điểm xuyết mà cờ thắm giữa “Vòng tròn bất tử” Gạc Ma, người lính quyết “đổ máu đỏ để giữ lấy biển xanh Tổ quốc” cũng rưng rưng xót thương. Sự mất mát hy sinh nào cũng đau thương, nhưng các sĩ quan, chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A ngã vào lòng biển trong cơn bão số 8 cuối năm 1998 qua ngòi bút của Nguyễn Viết Tôn thì còn thêm phần ám ảnh: “Mặt biển bãi đá cạn Phúc Nguyên trở nên mịt mù, gió rít từng cơn, sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa. Lúc 3 giờ 30 phút, một cơn sóng lớn tràn qua máy phát điện bị đổ, đèn phụt tắt, nhà giàn rung lắc mạnh”.

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn hiện là Phó trưởng Phòng Phóng viên, báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Viết Tôn hiện là Phó trưởng Phòng Phóng viên, báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam

Cũng là sự chia li, nhưng li biệt giữa đại dương mênh mông, bời bời sóng bão dữ dội xót xa và thương hơn ở đất liền: “Trước khi hòa mình vào lòng biển, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm lá cờ Tổ quốc vào lòng, chiến sĩ Nguyễn Hữu An vẫn hy vọng được gặp đứa con trai chưa một lần biết mặt với tâm sự trước lúc ra đi: "Em chết thì có gì đâu, chỉ thương vợ em mới đẻ, em chưa biết mặt con”, còn chiến sĩ Lê Đức Hồng mang theo hình bóng lá thư viết chưa gửi và lời hẹn ước của người vợ sắp cưới xuống đáy biển sâu”. Nức nở. Xót thương nghiêng trời lệch đất.

Qua ngòi bút của nhà báo Nguyễn Viết Tôn, bạn đọc cũng sẽ biết một Trường Sa khác - Trường Sa không chỉ là đảo, mà còn là huyện đảo có dân. Một Song Tử Tây khác – Song Tử Tây không chỉ là đảo mà còn là... xã đảo có dân. Một Sinh Tồn khác - Sinh Tồn xã đảo, có trường tiểu học. Đảo dân sự. Đảo bình yên. Cái không gian dân sự an lành cùng cuộc sống người lính nơi đầu sóng ngọn gió ùa vào trang sách bình dị là cái mới và khác so với thời tôi ra Trường Sa cách đây 20 năm.

Không gian biển và “cờ thắm” không chỉ ở quần đảo Trường Sa, mà còn mở rộng tận huyện đảo Cô Tô. “Cờ thắm” còn là... “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, là lính biên phòng và gian nan cuộc chiến chống buôn lậu trên biển. Có thể nói người lính Trường Sa, người lính Cảnh sát biển, những chiến sĩ biên phòng biển và ngư dân là các hình ảnh đầy đủ nhất về biển đảo trong tác phẩm của Nguyễn Viết Tôn.

Viết về chủ quyền biển đảo, khi thì kiên quyết, lúc thì mềm dẻo, nhà báo Nguyễn Viết Tôn khẳng định “Chủ quyền không thể phủ nhận” bằng cách dẫn lời Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được, ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần”; anh đã đưa các tài liệu cũ ở: “Đại Nam nhất thống chí”, hay các tài liệu thời hiện đại: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC)... Anh bày tỏ quan điểm quan niệm của mình về chủ quyền biển, đảo như một nhà bình luận quốc tế với lập luận đanh thép.

Những tác phẩm của nhà báo Nguyễn Viết Tôn đều mang những thông điệp ý nghĩa và thời sự

Những tác phẩm của nhà báo Nguyễn Viết Tôn đều mang những thông điệp ý nghĩa và thời sự

Viết “Cờ thắm giữa biển xanh”, Nguyễn Viết Tôn chọn cách tiếp cận lịch sử, nhân vật, sự kiện không chỉ qua quan sát, ghi chép, ghi tiếng, ghi hình, mà còn qua những người kể chuyện. Đó là những chỉ đạo cấp nhà nước của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hay những tướng lĩnh ở tầm chiến lược: Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trung tướng Trần Việt Khoa, Trung tướng Hoàng Văn Đồng, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thăng... nên bài viết vượt qua ghi chép, kể tả, vươn đến khái quát. Nhân vật cũng là sĩ quan ở đơn vị, hay cán bộ, nhân dân: Đại tá Nguyễn Quý - Nguyên Trưởng ban Xây dựng DK1 đầu tiên giai đoạn 1990 - 1996, Đại tá Nguyễn Hưng - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Thượng tá Lê Huy - Nguyên Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh vùng CSB 1, ông Trần Như Long - Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Thượng úy Lê Hồng Phương - Chính trị viên đảo Đá Lớn B, vợ chồng anh Võ Kim Toàn và chị Trần Thị Tiệm dân cư ở đảo Sinh Tồn... Nhân vật làm cho bài viết sinh động, chân thật. Người đọc tin tác giả, tin cả những điều đang diễn ra trên trang sách.

“Cờ thắm giữa biển xanh” không chỉ là ngôn từ lay động người đọc, mà còn là hình ảnh dẫn dụ người xem. Biển đảo kì vĩ, lãng mạn. Nhân vật và đời sống nhân vật sinh động, phong phú, có cả số phận nữa là mảnh đất hiện thực màu mỡ của tay bút tay máy. Hiện thực biển đảo quá độc đáo, thậm chí mới, lạ cộng với góc nhìn, ánh sáng, bố cục ảnh... của một nhà báo chuyên nghiệp mang tâm hồn nghệ sĩ không thể không làm nên nhưng hình ảnh đẹp.

Có thể nói “Cờ thắm giữa biển xanh” của tác giả Nguyễn Viết Tôn vừa mang tính thời sự, vừa lắng sâu suy tư là một tác phẩm rất đáng đọc, đáng xem trong rừng sách bạt ngàn ngày nay.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Tin khác

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

(CLO) Theo nhà báo Đinh Quang Thành: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập ở giây phút lịch sử đó. Sau bao ngày cùng các đơn vị bộ đội trải qua gian khổ…, có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng ấy, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.

Nghề báo
Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo