Nhà báo Australia - Wilfred Burchett và câu chuyện với Hồ Chủ tịch

Chủ nhật, 19/05/2019 19:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhà báo Wilfed Burchett đến Việt Nam vào đầu năm 1953 và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tại chiến khu Việt Bắc - thời gian Người cùng Bộ Chính trị chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ. Dưới đây là những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Burchett ghi nhận.

Nhà báo Wilfred Burchett trong một lần phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

Nhà báo Wilfred Burchett trong một lần phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu

“Hồ Chí Minh là của toàn thể quốc gia Việt Nam”

Viết về một nhân vật có tầm vóc quốc tế như Hồ Chí Minh có thể nói là không dễ, viết cho đúng với nhân cách, khả năng, tư tưởng và con người của Hồ Chí Minh thì quả thật là khó, vì điều này đòi hỏi trước hết là một sự lương thiện trí thức, một sự hiểu biết đứng đắn về cuộc đời của Hồ Chủ tịch, và nhất là, về Người đã làm gì cho đất nước Việt Nam. Thế nhưng, Wilfred Burchett lại không chỉ một mà có rất nhiều bài viết và tác phẩm phản ánh đúng bản chất của cuộc chiến tranh Việt Nam và nhân cách Hồ Chủ tịch. Đó là cái nhìn khách quan toàn diện và với lương tri của một nhà báo chiến trường khi viết về lãnh tụ và cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhà báo Wilfred Burchett đã cộng tác với nhiều tờ báo hàng đầu thế giới như London Daily Express, The Times (Anh), The National Guardian (The Guardian), The New York Times (Mỹ), L’Humanité (Pháp), Mainichi Simbun (Nhật Bản)… và đã xuất bản 40 đầu sách về nhiều chủ đề khác nhau nhưng chủ yếu là những tác phẩm về Việt Nam như: Phía Bắc vĩ tuyến 17, Ngược dòng sông Mekong, Việt Nam - cuộc kháng chiến lần thứ hai, Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam... Trong những tháng ngày cuối đời, ông Burchett từng viết, “Việt Nam chiếm phần quan trọng nhất trong sự nghiệp báo chí của tôi”.

Là một ký giả Úc nổi tiếng, Wilfed  Burchett từng được Ngoại Trưởng Henri Kissinger nhờ làm trung gian liên lạc giữa Mỹ và Hà Nội. Năm 1968, ông đã viết một cuốn có tính chất tiên đoán: “Việt Nam Sẽ Thắng” (Vietnam Will Win) và năm 1977 ông xuất bản cuốn “Châu Chấu Và Voi: Tại Sao Nam Việt Nam Sụp Đổ”. Các cuốn sách và bài báo của Wilfred Burchett viết được các nhà báo quốc tế đánh giá khá hay, không phải vì tác giả ca tụng Hồ Chủ tịch, mà tác giả đã viết về những gì đã tạo nên Người như nhận định “Không phải thuần túy chỉ là Marx, là Lenin hay Mao Trạch Đông, mà chính là lịch sử 2000 năm chống ngoại xâm của Việt Nam đã tạo nên ông Hồ". 

Một vài đoạn Burchett Wilfred Burchett đã viết trong “Ho Chi Minh: An Appreciation” như sau: “Sự thực là người nông dân Việt Nam nghèo khó nhất, ngay cả thất học, về phương diện văn hóa và đạo đức thường cũng cao hơn người Mỹ. Ông ấy (Hồ Chủ tịch) biết nhiều hơn về lịch sử đất nước của mình – không chỉ vì đất nước mình có vài ngàn năm lịch sử nhiều hơn Mỹ để mà biết đến – mà vì những điều này đã thấm vào trong người ông ấy từ sữa mẹ. Ngay từ bé, ông ấy sống lên trong một môi trường tràn ngập với những câu chuyện về gia tài lịch sử, hoặc được kể ngay khi còn nằm trong lòng mẹ, hoặc qua những màn kịch diễn lại những trang sử oai hùng của 2000 năm lịch sử chống ngoại xâm của những gánh hát di động, hoặc những truyền thuyết về các “thần hoàng làng, hoặc là những câu chuyện về tổ tiên đã bảo vệ non sông như thế nào, hoặc là những chuyện đau khổ của người dân bị đàn áp bởi ngoại nhân nên đòi hỏi một sự đứng lên để chống đối v..v…

Sự hiểu biết về 2000 năm tranh đấu chống kẻ xâm lăng có đầy trong dòng máu của người nông dân chân lấm tay bùn nghèo khó nhất. Chỉ một điều này cũng là một nguồn dũng cảm và sức chịu đựng vô tận, một sự tin tưởng vào tương lai và coi thường những kẻ toan tính phá vỡ những đức tính mà những chuyên viên trong cái “hồ tư duy” không thể hiểu được.

Ông Hồ Chí Minh là mẫu mực thu nhỏ của tất cả những điều trên. Và đúng là, cũng như một cái gì đó trong mỗi người Việt Nam đều có trong Hồ Chí Minh, một cái gì đó trong Hồ Chí Minh đều có trong hầu hết những người Việt Nam ngày nay, dấu ấn của ông trên dân tộc Việt Nam thật là sâu đậm.

Wilfred Burchett và các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng năm 1963-1964 (ảnh: tư liệu)

Wilfred Burchett và các cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng năm 1963-1964 (ảnh: tư liệu)

Một vấn đề mà Tổng thống Nixon cũng như các vị tiền nhiệm có thể không lưu ý đến nhưng chắc chắn là dân Việt Nam không thể không biết, đó là Hồ Chí Minh là của toàn thể quốc gia Việt Nam. Không có một lằn danh giới nào ở vĩ tuyến 17 có thể làm cho người dân miền Nam xa lìa Hồ Chí Minh dù rằng thủ đô được đặt ở miền Bắc. Hồ Chí Minh đã được chấp nhận là lãnh tụ và là nguồn cảm hứng cho mọi người Việt Nam – trừ số người đã lần lượt phục vụ những quan thầy Nhật, Pháp, rồi Mỹ...

Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa cuốn sách của nhà báo Wilfred Burchett viết về Bác. Ảnh: tư liệu

Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa cuốn sách của nhà báo Wilfred Burchett viết về Bác. Ảnh: tư liệu

George Burchett là con trai của nhà báo nổi tiếng Wilfred Graham Burchett. Ông hiện đang làm việc như một nhà báo, một họa sĩ, một nhà làm phim tài liệu với một số dự án tại Việt Nam. Trong một cuộc trò chuyện với Nhà báo và Công luận, khi được hỏi lý do vì sao mà cha ông- Wilfred Burchett, lại lựa chọn đứng về phía Việt Nam và ủng hộ Việt Nam trong cuộc kháng chiến, George Burchett, con trai của nhà báo Wilfred Burchett trả lời: “Bởi vì cha tôi là một người chống chủ nghĩa thực dân, ông ấy cũng chống các chủ nghĩa phong kiến và ông ấy ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành tự do của một dân tộc, ông ấy cũng muốn đấu tranh để có một thế giới mới, một cuộc đấu tranh cho chính nghĩa. Quan điểm của ông ấy là nhà báo phải đến đúng thời gian và địa điểm và không được phụ thuộc vào sự cạnh tranh, phải đưa tin trung thực. Ông ấy là một người độc lập, ông ấy tin vào những điều ông ấy viết và đưa tin một cách trung thực. Đối với Việt Nam ông ấy hiểu là cần phải đi gặp Bác Hồ để biết được sự thật về cuộc chiến tranh Việt Nam”.

Người bạn lớn của Hồ Chủ tịch

Tuy chưa bao giờ là một người cộng sản, nhưng Wilfred Burchett  vô cùng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tin cậy Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này được ông lý giải: “Những chính đảng, nhất là những đảng tận tụy phấn đấu làm thay đổi xã hội, chứ không phải những đảng lợi dụng đổi thay xã hội nhằm thu lợi cho bè cánh của mình (như trường hợp nhiều đảng chính trị ở phương Tây), các chính đảng đó xứng đáng được các nhà báo ở mọi nơi dốc lòng ủng hộ sự nghiệp và các mục tiêu của họ”.

Có thể nói, Wilfred Burchett hiểu Việt Nam hơn rất nhiều người tự cho mình là trí thức. Sở dĩ có được điều đó là vì Wilfred Burchett đặc biệt gắn bó với Việt Nam. Wilfred Burchett có mối quan hệ gần gũi với chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bằng ngòi bút sắc bén của mình, Wilfred Burchett đã viết 8 cuốn sách về Việt Nam trong số 35 cuốn sách ông viết vào các năm 1950-1960. Tám cuốn sách của ông về Việt Nam đều trở thành những cuốn sách bán chạy ở phương Tây. Những cuốn sách, những bài báo và phim tài liệu của ông về Việt Nam đều được đọc và được xem trên khắp thế giới và có ảnh hưởng lớn đến việc thức tỉnh công luận thế giới về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam, và tập hợp họ chống lại chiến tranh.

Trong bài báo “Chủ tịch Hồ Chí Minh - lần gặp gỡ đầu tiên tại Việt Nam” năm 1954, Wilfred Burchett từng nhớ lại: “Thật khó tin, chỉ vài giờ sau khi đến nơi, chúng tôi đã có thể ngồi đối diện với nhà lãnh tụ cách mạng huyền thoại này. Từ trong rừng, ông bất ngờ xuất hiện, ông bước rất nhanh với chiếc gậy tre dài trong tay, áo khoác vắt hững hờ ngang vai như khăn choàng, chiếc mũ cát nghển cao trước trán. Ông ở đó, gương mặt hiền từ không lẫn với ai được, đôi mắt đen sâu thẳm lấp lánh, chòm râu thưa mỏng rối bời, gương mặt chúng tôi đã biết qua những bức ảnh của ông trong nhiều năm qua. Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với chúng tôi bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh rất lưu loát và Người còn nói mấy câu tiếng Ý với người bạn đồng nghiệp người Italy của tôi. Đầu tiên, ông ân cần hỏi thăm về sức khỏe của tôi…”.  Nhà báo nhận xét về Hồ Chí Minh: “Cảm giác đầu tiên của tôi là sự thân mật, ấm áp và giản dị. Hồ Chủ tịch có khả năng khiến người ta cảm thấy nhẹ nhõm ngay từ khoảnh khắc đầu tiên và trình bày những vấn đề phức tạp nhất chỉ trong vài từ và cử chỉ rõ ràng. Trong những cuộc gặp gỡ tiếp theo với nhân cách vĩ đại này, sự ấm áp, giản dị, cách thể hiện rõ ràng xuất phát từ trí tuệ mẫn tiệp và sự thấu hiểu trọn vẹn chủ đề khiến ta có ấn tượng vô cùng sâu sắc. Bất cứ ai được Hồ Chí Minh tiếp đều bình luận về những phẩm chất ấy, và cao hơn hết là cảm giác của họ ngay lập tức như người trong nhà của Chủ tịch”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett năm 1966. Ảnh: tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett năm 1966. Ảnh: tư liệu

Sau này Wilfred Burchett đã kể lại một kỷ niệm sâu sắc của vợ chồng ông với vị Cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam: 3 năm sau lần gặp đầu tiên đó, vào năm 1957, trong chuyến sang thăm Moscow của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Trong buổi lễ đón tiếp Cụ, Cụ Hồ đã trông thấy chúng tôi đứng ở hàng thứ ba trong giới báo chí. Trước sự lo sợ của nhân viên an ninh, lễ tân và trước cả sự ngạc nhiên của đoàn ngoại giao, Cụ Hồ đã rời hàng danh dự của những người đứng đón chào Cụ và bước đến chỗ chúng tôi, đặt bó hoa lớn mà Cụ vừa nhận được khi bước xuống máy bay vào tay của vợ tôi”, ông kể. Chính những điều đó đã khiến nhà báo W. Burchett quyết định chuyển đến Việt Nam sinh sống vào năm 1955 – 1956. Sau thời gian đó, ông còn trở lại Việt Nam nhiều lần để viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Việt Nam.

Những năm sau này, mỗi lần đến Hà Nội, Burchett đều đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông kể: “Chúng tôi cùng ăn sáng và trò chuyện. Người hỏi thăm tôi về gia đình, con cái. Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự giản dị. Không bao giờ tôi gặp Người ở trong một văn phòng…Khi Người qua đời, đó là một mất mát lớn đối với cá nhân tôi”.

Từ di sản của cha mình đặc biệt là được biết đến và trở thành một phần trong mối quan hệ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Geoge Burchett cho biết: “Tôi không chia tách được mối quan hệ giữa Burchett, Việt Nam và Hồ Chí Minh. Bác Hồ là một trường hợp rất đặc biệt. Ông là một nhà cách mạng vĩ đại của thế kỷ 20, ông giữ được không chỉ sự tôn trọng của người dân Việt Nam mà còn sự ngưỡng mộ của nhân dân thế giới. Tôi rất tự hào là mình có sự gắn bó với lịch sử Việt Nam trong đó cha tôi góp được một phần vào đó. Tôi lớn lên với những huyền thoại về Bác Hồ, về cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam, về đất nước Việt Nam. Nhưng đó chỉ là một phần. Những gì cha tôi làm đã khiến tôi tìm hiểu rất nhiều về lịch sử, về chiến tranh và hòa bình. Đó vẫn là những bài học rất lớn của lịch sử".

Minh Nguyệt

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo