Nhà báo Phan Quang – Sức sáng tạo thanh xuân

Thứ năm, 06/09/2018 18:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ngày 6/9, tại Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đài (7/9/1945-7/9/2018); đồng thời phối hợp với Học viện Báo chí Tuyên truyền giới thiệu cuốn sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề”. Đây như một món quà chúc mừng nhà báo lão thành Phan Quang - nguyên Tổng giám đốc Đài TNVN tròn 90 tuổi.

Tới dự có ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin; ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội...cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; nguyên Tổng giám đốc, nguyên Phó Tổng giám đốc, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Đài qua các thời kỳ; nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà lý luận lão thành. Đồng chí Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự với vai trò khách mời trong phần tọa đàm.

Báo Công luận
Cuốn sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” được giới thiệu nhằm tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của nhà báo Phan Quang trong sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam 
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đồng thời khẳng định những đóng góp to lớn của nhà báo Phan Quang với Đài TNVN và ngành phát thanh, cũng như góp phần quan trọng trong việc xây dựng Luật Báo chí, Quy ước về đạo đức của người làm báo... Ngoài ra, Phan Quang còn được biết đến với vai trò chính khách, nhà văn hóa, dịch giả. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho rằng Phan Quang là một phong cách, nhân cách sáng ngời trong nền báo chí truyền thông nước nhà. Cuốn sách “Phan Quang - 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề” được giới thiệu nhằm tôn vinh, ghi nhận những đóng góp của nhà báo Phan Quang trong sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam. Hy vọng qua cuốn sách, gồm những bài viết, tư liệu, hình ảnh được chọn lọc kỹ càng, người đọc sẽ thấy rõ hơn chân dung của nhà báo Phan Quang qua những góc nhìn khác nhau với nhiều đóng góp cho lĩnh vực văn hóa, báo chí, văn nghệ và truyền thông.

Báo Công luận
 PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN phát biểu tại buổi lễ
Có thể nói rằng, 90 năm tuổi đời, Phan Quang đã có 70 năm cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tác. Các thế hệ làm báo nể trọng Phan Quang ở lòng yêu nghề, năng lực nổi trội, bản lĩnh vững vàng, dường như chưa lúc nào ông ngơi nghỉ việc đi, đọc, viết. Viết báo từ năm 20 tuổi, đến nay ở độ tuổi 90, ngòi bút của ông vẫn còn sung sức. PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh – Truyền hình thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cất công tập hợp hàng trăm bài báo, tiểu luận và lựa chọn 99 bài đưa vào cuốn sách “Phan Quang – 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề”. Cuốn sách ra đời là món quà rất ý nghĩa mừng nhà báo Phan Quang tròn 90 tuổi.

Tại buổi lễ, trong vai trò khách mời giao lưu tọa đàm, đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định trước hết đây là cuốn sách đẹp. Cái đẹp không chỉ về nội dung, hình thức mà hơn nữa cuốn sách còn là tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của những người anh em, những thế hệ nhà báo dành tặng nhà báo lão thành Phan Quang. Ông nhấn mạnh: "Phan Quang là cây đại thụ trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam, cây bút mà tất cả thế hệ nhất là thế hệ trẻ chúng tôi mỗi lần đọc các tác phẩm của ông đều học được trước hết là về đạo đức nghề nghiệp, sau đó là sự sáng tạo. Bây giờ ông đã 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề rồi nhưng mà sức sáng tạo thanh xuân trong ngòi bút của ông dường như không bao giờ cạn...

Báo Công luận
 Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu trong tọạ đàm
Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN Hồ Quang Lợi cũng kể lại nhiều câu chuyện về những đóng góp to lớn của nhà báo Phan Quang, tình cảm của nhà báo Phan Quang dành cho những lớp nhà báo trẻ, lãnh đạo trẻ cùng với nhiều bài học sâu sắc. “Nhà báo Phan Quang khi là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra quy ước đạo đức nghề nghiệp, bây giờ đã phát triển thành 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Và tấm gương lao động sáng tạo của ông thật sự là tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Xin phép được thay mặt lãnh đạo HNBVN và thay mặt anh em đồng nghiệp cả nước xin chúc mừng nhà báo Phan Quang 90 tuổi đời, 70 tuổi nghề sẽ tiếp tục cống hiến cho nền báo chí cách mạng Việt Nam với sức sáng tạo thanh xuân, chúc ông sức khỏe, trường thọ và ở mãi với chúng ta”- nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Báo Công luận
 Nhà báo Phan Quang vô cùng xúc động phát biểu
Đồng chí  Hồ Quang Lợi cũng cho biết thêm rằng,  Hội Nhà báo Việt Nam đang xem xét, tập hợp ý kiến để có hình thức vinh danh những cống hiến của các nhà báo lão thành trong đó có nhà báo Phan Quang cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Trước tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của đồng nghiệp, công chúng, nhà báo Phan Quang vô cùng xúc động bày tỏ: “Tôi nỗ lực hết mình, và để tự an ủi, tôi nghĩ báo và văn là con cùng một mẹ, người mẹ ngôn từ, hai anh em trưởng thành đi làm ăn mỗi người một nẻo nhưng phân mà không cắt, phân rồi lại hợp, có hợp có phân, dù rạch ròi báo - văn, trong văn có báo trong báo có văn, ta hãy cố làm tốt bất cứ việc gì có ích, chớ có mơ màng chuyện viển vông”.

Báo Công luận
Nhà báo Phan Quang: Tôi để nghề báo "ngập lụt" cuộc đời mình 
Làm báo và viết văn từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp với nhiều tác phẩm báo chí thấm đẫm hơi thở cuộc sống và thời cuộc, đến nay, ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, ghi chép, sáng tác. Với sự nghiệp viết gồm khối lượng sách báo, văn chương… đồ sộ của các thể tài, thể loại báo chí, văn học lớn nhỏ, từ xã luận, chuyên luận, tiểu luận, bình luận, phóng sự, điều tra, tuỳ bút, bút ký, hồi ký, chân dung, khảo luận… đến dịch thuật, ta vẫn cảm nhận được chất tươi mới, sự trẻ trung trong cuộc đời lao động sáng tạo của Phan Quang.

Các tác phẩm của ông là kết tinh của một quá trình tích lũy vốn sống sâu dày trong suốt cả cuộc đời làm báo: hơn 6 năm ở báo Cứu Quốc, hơn 28 năm làm ở báo Nhân Dân, 9 năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đại biểu Quốc hội…

Nhà báo Phan Quang là một tên tuổi lớn của làng báo chí cách mạng Việt Nam, tên thật là Phan Quang Diêu, nguyên quán xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh năm Mậu Thìn (1928), viết báo từ năm 20 tuổi, kinh qua các báo Cứu Quốc Liên khu IV, báo Nhân Dân, Tạp chí Người làm báo, Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội… Sau Đại hội Đảng VI, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Thông tin trong khi vẫn đảm trách cương vị Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhà báo Phan Quang là đại biểu Quốc hội - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ba khóa; làm Phó Tổng Thư ký rồi Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hai nhiệm kỳ. Ông cũng từng đảm trách cương vị Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn báo chí ASEAN; nhiều năm làm Chủ tịch nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Pháp.

 

Hà Vân

Tin khác

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

“Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”: Góc nhìn mới về chiến dịch

(CLO) Nói về tác phẩm “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp” nhà báo Trần Thu Hà cho biết: “Bộ phim chỉ 50 phút, nhưng chúng tôi cố gắng chuyển tải được giá trị từ khối lượng thông tin đồ sộ, thành những câu chuyện dễ hiểu, mới mẻ và thu hút được khán giả, nhưng vẫn phải đảm bảo tính chính xác của thông tin”.

Nghề báo
Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

Khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”

(CLO) Chiều 1/5, tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Liên đoàn Xe đạp - Mô tô thể thao Việt Nam và một số đơn vị tổ chức Lễ khai mạc Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ - 2024, Cúp Báo Quân đội nhân dân”.

Nghề báo
Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

Nhà báo Đinh Quang Thành với giờ phút may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp

(CLO) Theo nhà báo Đinh Quang Thành: “Trưa ngày 30/4/1975, tôi không nghĩ mình có thể vào được Dinh Độc Lập ở giây phút lịch sử đó. Sau bao ngày cùng các đơn vị bộ đội trải qua gian khổ…, có mặt ở thời khắc lịch sử quan trọng ấy, đối với tôi đó là điều vô cùng may mắn trong cuộc đời nghề nghiệp”.

Nghề báo
Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

Người phóng viên chiến trường Ngọc Đản và những ký ức khó quên

(NB&CL) “Đối với chúng tôi, những năm tháng làm phóng viên chiến trường là thời gian ghi lại những ký ức hào hùng của dân tộc và cũng là thời gian tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết về nghề làm báo, viết báo. Thật tự hào mỗi khi vào lại Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, tôi lại đắm chìm trong nỗi nhớ ngày 30/4/1975”- Nhà báo Đậu Ngọc Đản - người phóng viên miền Bắc đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập 30/4/1975, sau 50 năm, vẫn xúc động khi trò chuyện về những năm tháng lịch sử.

Nghề báo
Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo