Nhà báo Quang Đạm, cây đại thụ làng báo Việt!

Thứ ba, 18/12/2018 07:27 AM - 0 Trả lời

(CLO) Có thể nghĩ rằng, trang mới, chương mới về cuộc đời làm báo của Quang Đạm- thứ nghề mà sự tảo tần của trí tuệ được ví là “Nợ đời, tình người” vốn chỉ đứng sau nghề thợ mỏ là như thế. Đẹp và không kém phần lãng mạn.

Báo Công luận
 

Trở thành nhà báo từ bài báo tường

Khởi nghiệp chính thức nghề báo của Quang Đạm có thể nói vào ngày 6/1/1947 tại chiến khu Việt Bắc (sau xác định là ngày 3/2). Dấu mốc của câu chuyện thú vị này là trên tờ “báo liếp” của Văn phòng Trung ương khi Tổng Bí thư Trường Chinh nhắc nhở: “Ngày hôm nay là ngày kỷ niệm thành lập Đảng, mỗi đồng chí viết một bài cho “báo liếp”. Bài viết của Quang Đạm được đồng chí Trường Chinh đánh giá là bài “chuẩn” và chỉ định tại chỗ để Quang Đạm phụ trách tờ "báo liếp"- tờ báo “tre nứa” thời nếm mật nằm gai với tên gọi khiêm tốn là “Bảo nhau”.  

Đây là thời cơ “vàng” có ý nghĩa của Quang Đạm, về sau được chính ông cho là bước ngoặt trong cuộc đời. Chưa hết, sau chuyện này, đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ họp Thường vụ Bộ Chính trị quyết định đưa Quang Đạm tham gia Ban Biên tập báo Sự Thật (tiền thân của báo Nhân Dân). Khi Quang Đạm đã “lên ngôi”, Bác Hồ gọi vào và hỏi: “Chú làm gì? Trước chú có viết báo không? Quang Đạm thưa với Bác là cháu chưa viết báo, chỉ làm mật mã". Nghe vậy, Bác Hồ nói: “Trước chú làm mật mã, tức là chú viết cái gì mà ai không nắm được luật thì không hiểu được, không đọc được. Bây giờ làm báo Sự Thật thì chú phải làm ngược lại, chú phải viết thế nào cho ai cũng hiểu được”.

Có thể nghĩ rằng, trang mới, chương mới về cuộc đời làm báo của Quang Đạm- thứ nghề mà sự tảo tần của trí tuệ được ví là “Nợ đời, tình người” vốn chỉ đứng sau nghề thợ mỏ là như thế. Đẹp và không kém phần lãng mạn.

Cây bút chính luận và cuốn từ điển sống.

Nhờ sự dẫn dắt của Bác Hồ - Chủ tịch Hồ chí Minh, người sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta, tờ Thanh Niên, vị Tổng Biên tập đầu tiên và một số nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước vốn xuất thân là nhà báo tài ba, vì vậy đời sống báo chí đương đại của làng báo Việt xuất hiện một số nhà báo tài năng, bao gồm những cây viết chính luận, trong đó có nhà báo Hoàng Tùng - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhiều năm, nhà báo ngồi “chiếu giữa” của làng báo Việt. Chính cụ Hoàng, thủ trưởng  nhiều năm gọi nhà báo Quang Đạm là một trong những cây viết chính luận sắc sảo, đồng thời là cuốn từ điển sống của nghề báo.

Nếu tôi không nhầm, lich sử báo chí nước nhà thời cộng hòa trẻ tuổi cho đến nay chưa có cuộc luận chiến nào trên mặt báo sôi động, kéo dài đến 8 tháng liền hay là trên 250 ngày sống động với sự giám sát của Tổng Bí thư Trường Chinh. Đó là câu chuyện bất đồng gay gắt giữa hành chính và tư pháp vào năm 1949 của thế kỷ trước - thời kỳ kháng chiến trường kỳ, nếm mật nằm gai, nước sôi lửa bỏng tại núi ngàn Việt Bắc.

Loạt bài: “Tư pháp với Nhà nước; “Tính chất chuyên môn trong tư pháp” đến “Vài điều căn bản về tư pháp" hay “Nhiệm vụ của tư pháp Việt Nam”… đăng trên báo Sự Thật từ tháng 4 đến tháng 12/1948 của tác giả Quang Đạm có tiếng vang lớn, rộng và lan tỏa ở nhiều địa phương. Trong khi những người phản bác gồm Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe, các luật sư Vũ Trọng Khánh, Lưu Anh, Vũ Ngọc Côn… Nhà báo Quang Đạm kể lại, chỗ khác nhau của cuộc luận chiến mang tính phê bình là một bên nhấn mạnh ý nghĩa, nguyên tắc tập trung dân chủ. Một bên xoáy vào ý nghĩa, nguyên tắc tam quyền phân lập và tư pháp độc lập.

Chuyện đã qua 70 năm tròn, có cái gì đó gợi nhớ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, đó là sự ra đời của chất bán dẫn vào đầu năm 1950 của thế kỷ trước, và khi chúng ta ngồi đây chính là thời điểm thế giới hiện đại đang đứng ở trung tâm của cuộc chiến thông tin quyết liệt; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 đã mở ra trong hứa hẹn, tạo ra mô hình xã hội dựa trên trí thức. Trong thế giới đó, thông tin là quyền lực và ai nắm được người ấy đóng vai trò quyết định.

Về  cuốn từ điển sống Quang Đạm có thể gói gọn trong mấy từ: “Biết nhiều hiểu rộng”. Từ ngày nhà báo Quang Đạm về thế giới người hiền tựa rừng xanh bị giông tố làm đổ cây cổ thụ để lại một khoảng trống về ngôn ngữ báo chí giữa trời xanh mây trắng nắng vàng.

 Vẻ đẹp cuộc đời

Nếu tính thời gian kể từ ngày nhà báo Quang Đạm chính thức vào nghề báo đã tròn một hoa niên có lẻ (61 năm). Quãng thời gian này là đủ độ lùi cần thiết cho ta nhớ, nghĩ và hoài niệm về ông. Hơn thế, lại có đôi điều luận bàn về một nhà báo sinh ra bên dòng sông Hương, núi Ngự của Huế cố đô, nhưng gốc gác là dân xứ Nghệ “quê choa”, vùng quê nghèo với câu hò ví giặm “Thương nhau quả cả cũng bổ làm ba” nhưng hiếu học và có trách nhiệm trong việc làm của mình.

Quang Đạm tên thật là Tạ Quang Đệ chào đời vào buổi chiều nhạt nắng 1/9/1913 trong một gia đinh nho học. Cụ thân sinh là cử nhân Tạ Quang Diễm, thụ phủ Tam Kỳ, Quảng Nam. Anh ruột là GS. Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng thời Cụ Hồ. Con trai nguyên là Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc, hai con gái đều là nhà khoa học hồng và chuyên. Con dâu duy nhất cũng là nhà báo.

Thuở cắp sách đến trường “dùi mài kinh sử”, Quang Đạm học giỏi. Năm 29 tuổi đã làm thừa phái huyện Thiệu Hóa rồi lục sự tòa án, sau đó 5 năm làm tri phủ  huyện Hà Trung cũng thuộc xứ Thanh “hò dô ta”. Sau cách mạng tháng 8/ 1945 Quang Đạm vào Đảng, làm Thư ký của Tướng quân Võ Nguyên Giáp rồi văn phòng Tổng Bí thư Trường Chinh.

Năm 1926 lên tuổi 13, đó là thời điểm gia đình gửi Quang Đạm đến nhà cụ Phan Bội Châu để nhờ cụ chăm sóc, dạy dỗ. Tại nhà lưu niệm cụ Phan ở cố đô Huế hiện còn trưng bày tấm ảnh chụp hai thầy trò trong âu yếm. Lúc sinh thời, Quang Đạm kể: Sống và học ở Huế, được cụ Phan, ông già Bến Ngự tận tình chỉ bảo. Ngoài giờ học chỉ làm hai việc. Một là đọc báo cho Thầy nghe. Hai là viết lại các bài báo do Thầy nghĩ và nói ra để gửi cho báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Hai việc này lúc diễn ra ở nhà, lúc trên thuyền lững lờ trôi trên dòng sông Hương thơ mộng.

 Câu hỏi đặt ra, điều gì đã làm nên một nhà báo Quang Đạm, một cây chính luận, một cuốn từ điển sống, một ngôi sao của làng báo Việt trong những năm nửa cuối thế kỷ XX. Đó là những năm tháng đất nước vừa có chiến tranh, vừa có hòa bình cùng một đời sống tần tảo mưu sinh. Thiện nghĩ của người viết có lẽ ở mấy điểm nhấn sau đây:

- Báo Sự Thật, báo Nhân Dân với vị trí đặc biệt, tầm cao là môi trường đào luyện nhân tài hiếm nơi nào có được.  

- Học giỏi, sớm gần gũi và được tiếp nhận điều hay, lẽ phải từ các nhà lãnh đạo tài năng, trí tuê. Khi Quang Đạm bay sang trời Âu, được gặp và chuyện trò với một trong những nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp Gatstong Môngmutxo (cháu ngoại của Mack) với lời khuyên “Đừng có bao giờ bỏ nghề báo. Đó là nghề đáng yêu, đáng quý”. Về nước, kể lại chuyện thú vị này, nhà báo Thép Mới nghe liền hô vang “Nghề báo muôn năm”!

- Quang Đạm thừa hưởng gia tài truyền thống nho học, trí tuệ và nhân ái của gia đình và dòng tộc cụ Tạ Quang Diễm, kiên trinh và sáng tạo nghề báo trong môi trường mới của nền cộng hòa trẻ tuổi Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Tôi là hậu duệ thuộc lớp con cháu của nhà báo Quang Đạm (tôi kém tuổi ông gần 3 thập kỷ) . Vào cái tuổi lẽo đẽo, rón rén đi sau các nhà báo thuộc bậc cha chú, tuy đã có mấy lần gặp gỡ ông, còn lại chỉ biết ông Quang Đạm của báo Nhân Dân ở cây đa phố Hàng Trống, qua các các bài báo của ông với bút danh Quang Đạm hay là QĐ. Đến tận hôm nay trong bộ nhớ hạn hẹp của mình, nhà báo Quang Đạm là một trong những ngôi sao của nền báo chí cách mạng việt Nam.

Tạ Quang Đệ hay là Quang Đạm chào đời năm 1913 Quý Sửu, cầm tinh con trâu vàng, ắt phải cho đời những đường cày đẹp. Theo phong thủy, ông thuộc tốp đầu Đinh -  Nhâm - Quý - Giáp của 12 con giáp. Ông về thế giới vĩnh hằng vào ngày cuối cùng của năm áp chót thế kỷ XX sôi động và sống động khi vào tuổi 87 định mệnh. Nhưng  đó là ngôi sao sáng mãi, không bao giờ tắt như thơ của ai đó:

Phúc như Đông hải trường lưu thủy

Thọ tựa Nam Sơn, bất lao tùng”.

(Phúc như biển Đông, nước chảy mãi

Sống lâu như núi Nam Sơn, không bao giờ chết cả)./.

 Nguyễn Xuân Lương

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo