Nhà báo tác nghiệp ở tâm dịch Covid-19: Nhân lên những điều tốt đẹp

Thứ năm, 27/05/2021 09:26 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bất kể ngày hay đêm, người làm báo khắp nơi trong cả nước vẫn luôn xông pha, không ngại hiểm nguy lao vào vùng tâm dịch để cập nhật thông tin, hình ảnh nhanh nhất, kịp thời nhất.

Và không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền chống dịch, người làm báo luôn tự nhắc bản thân mình phải cố gắng, phải truyền tải những thông điệp tốt đẹp đến với công chúng.

Đồng cảm cùng những chiến sĩ áo trắng thầm lặng xuyên đêm

Bắt đầu từ ngày 5/5/2021, sau khi xuất hiện ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên địa bàn, tỉnh Lạng Sơn đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, truy vết những nơi bệnh nhân đã đến, đi qua. Để có thông tin sớm nhất, nhà báo Triệu Thành - Báo Lạng Sơn đã kịp thời theo sát những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh. Anh Triệu Thành cho biết: “Trong đợt dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh lần này, tôi tập trung cập nhật thông tin liên tục hằng giờ, mong muốn đem lại cho độc giả những thông tin chính xác, chân thật nhất, phản ánh nhiều góc độ tới bạn đọc. Từ đó, giúp nhân dân hiểu được khó khăn, vất vả của các lực lượng thực hiện phòng chống dịch, góp phần nâng cao trách nhiệm của từng người dân với cộng đồng”.

Nhà báo Quyết Thắng - Báo Yên Bái đã không ít lần đi gần vào khu vực cách ly để tác nghiệp.

Nhà báo Quyết Thắng - Báo Yên Bái đã không ít lần đi gần vào khu vực cách ly để tác nghiệp.

Không chỉ phản ánh về các bệnh nhân, người nghi nhiễm, lực lượng y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch cũng luôn là những đề tài “đắt” để những người làm báo khai thác, nhân lên những tấm gương sáng trong cuộc chiến chống dịch. Họ như những chiến sĩ áo trắng thầm lặng xuyên đêm vì bệnh nhân. Đó là những cán bộ làm công tác lấy mẫu xét nghiệm tranh thủ ăn 2 bữa mỳ tôm sáng và trưa để tăng tốc truy vết, những cán bộ y tế chạy đua với thời gian làm công tác phun khử khuẩn… Và chính những tấm gương đó khiến những người làm báo luôn tự nhắc bản thân phải cố gắng, phải truyền tải những thông điệp tốt đẹp đến với công chúng.

Chia sẻ về những câu chuyện, những ấn tượng trong quá trình tác nghiệp, anh Triệu Thành cho biết: Có rất nhiều câu chuyện xúc động được hình thành nơi dịch bệnh đang lây lan, bùng phát. Nhưng tựu chung đó là tinh thần đoàn kết, sẻ chia của nhân dân trong mùa dịch, họ chia sẻ với nhau từng gói mỳ, từng hộp sữa. Hay hình ảnh người mẹ chân lấm, tay bùn đi xe đạp hơn 10km đến tận nơi lực lượng ở chốt kiểm soát dịch ủng hộ 30kg gạo trong khi nhà chỉ còn một ít để ăn, đó chính là nghĩa tình đồng bào lúc nguy khó.

 “Ấn tượng đáng nhớ nhất mà chúng tôi được chứng kiến đó là hình ảnh các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý làm việc cả ngày tại khu vực cách ly dưới thời tiết nắng nóng của mùa hè, nhiều người đã kiệt sức nhưng trong họ vẫn toát lên một tinh thần cống hiến, hy sinh, tất cả vì người dân” - anh Thành tâm sự.

Lan tỏa yêu thương giữa mùa dịch

Cùng với nhiều đồng nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái, nhận nhiệm vụ cơ quan giao, nhà báo Quyết Thắng - Báo Yên Bái với đồ bảo hộ được trang bị, anh đã không ít lần đi vào khu vực phong tỏa, chốt kiểm soát dịch, nơi xảy ra dịch bệnh để nắm bắt thông tin, hình ảnh. Riêng trong tháng 5 năm 2021 anh đã thực hiện hàng trăm tin bài, chùm ảnh, video về cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. 

Là người đi thực tế nhiều, anh Quyết Thắng luôn chú ý phát hiện những nhân vật bình dị mà cao quý giữa đời thường. Dù ở vị trí nào họ cũng luôn biết cách nỗ lực hết mình cống hiến cho công tác phòng chống dịch địa phương. Trong những ngày cuối tháng 5 năm 2021, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng hình ảnh về những chiến sỹ CSGT ngày đêm chốt trực bất kể nắng mưa, đêm hay ngày vẫn luôn ấn tượng trong tâm trí anh.

Nhà báo Quyết Thắng nhớ lại lần phỏng vấn đại úy Nguyễn Văn Thắng - cán bộ Đội CSGT huyện Trấn Yên. Anh trực ở nút giao IC12, có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc thực hiện 5K, xử lý những vi phạm về nhập cảnh trái phép. Hỏi về những khó khăn hằng ngày, đồng chí đại úy này chia sẻ mặc dù rất khát nước nhưng không dám uống vì mỗi lần uống là phải bỏ khẩu trang ra và phải thay khẩu trang mới, đi găng tay cao su nhiều mồ hôi ra ướt đẫm, rất khó chịu nhưng vẫn cố dùng hết ngày để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Bản thân đại úy Thắng có vợ vừa sinh em bé được gần một tháng, nhưng anh để nỗi nhớ con sang một bên, nhận nhiệm vụ cơ quan giao và luôn cố gắng hoàn thành thật tốt. Theo nhà báo Quyết Thắng: “Những cá nhân đó như là những bông hoa tươi đẹp giữa mùa dịch, thể hiện ý chí nghị lực vươn lên lúc khó khăn. Họ tạm gác niềm vui riêng để góp sức cho cuộc chiến chung của đất nước”.

Chung tay góp sức cùng kêu gọi sự giúp đỡ, sẻ chia

Tại huyện miền núi Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, đến ngày 19/5 có tổng cộng 22 ca mắc Covid-19. Huyện cách ly gần 1.000 trường hợp F1, hơn 2.200 F2 liên quan đến các ca bệnh đưa vào cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà. Nậm Pồ là huyện nghèo, bình thường cuộc sống người dân đã khó khăn, khi dịch bệnh ập đến người dân càng khó khăn thiếu thốn hơn. Nhất là nhu yếu phẩm, lương thực dành cho trẻ nhỏ trong các khu cách ly tập trung.

Dù con nhỏ, công việc bộn bề, song nhà báo Trần Thị Hương - Phó trưởng Văn phòng Báo Tài nguyên và Môi trường khu vực Tây Bắc vẫn dành nhiều thời gian để kêu gọi, thu nhận nhu yếu phẩm chuyển đến cho trẻ em vùng dịch huyện miền núi Nậm Pồ.

Dù con nhỏ, công việc bộn bề, song nhà báo Trần Thị Hương - Phó trưởng Văn phòng Báo Tài nguyên và Môi trường khu vực Tây Bắc vẫn dành nhiều thời gian để kêu gọi, thu nhận nhu yếu phẩm chuyển đến cho trẻ em vùng dịch huyện miền núi Nậm Pồ.

Cùng với việc tuyên phòng chống dịch, nhà báo Trần Thị Hương - Phó trưởng Văn phòng Báo Tài nguyên và Môi trường khu vực Tây Bắc đã tự đóng góp tiền mua lương thực thực phẩm gửi vào khu cách ly. Vì số hộ dân cách ly lớn, chị đã vận động, kêu gọi thêm và tiếp nhận nhu yếu phẩm từ khắp nơi để chuyển đến cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là trẻ em vùng dịch. Hiện có 800 em nhỏ đang ở vùng tâm dịch, các em được cách ly tại các trường học, phải xa gia đình, không biết tiếng Kinh.

Chị Hương tâm sự: “Dịch bệnh xảy ra tôi nghĩ ngay đến các bé ở đấy. Tôi luôn tự hỏi khi các bé đi cách ly, theo chính sách của Nhà nước, đi cách ly phải mất chi phí cách ly tập trung, tuy nhiên người dân trên này nhiều hộ một đồng cũng không có, lấy tiền đâu chi trả, vậy đời sống người dân hằng ngày sẽ ra sao, đặc biệt các em nhỏ, trong khi lực lượng y tế và chính quyền đang gồng mình chống dịch?”.

Nghĩ là làm, chị Hương đã kêu gọi mọi người cùng chung tay góp sức, đầu tiên là các đồ bảo hộ chống dịch như: khẩu trang, nước sát khuẩn. Riêng trong hai ngày đầu chị đã kêu gọi được 5.000 khẩu trang gửi tới đồng bào. Đồ ăn thức uống là thứ thiếu nhất, chị mua trứng gà, mỳ tôm, sữa…, bất cứ ai cho thực phẩm hay rau củ quả gì chị đều nhận rồi hằng ngày mang lên vùng dịch.

Đồng hành cùng nhà báo Trần Thị Hương, nhiều nhà báo, phóng viên ở khu vực Tây Bắc cũng tích cực chung tay góp sức cùng kêu gọi sự giúp đỡ, sẻ chia của nhiều người để triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân và lực lượng phòng chống dịch sớm đẩy lùi dịch bệnh. Có thể khẳng định người làm báo, dù đang công tác ở bất kỳ đâu họ vẫn luôn giữ vững tinh thần làm việc hăng say, vượt qua khó khăn trở ngại để mang thông tin tới độc giả. Họ là cầu nối để sẻ chia cùng các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch và cũng đi đầu trong hoạt từ thiện hỗ trợ vì cộng đồng.

Báo Công luận

Nguyên Phong

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo