“Nhà của Bố” và câu chuyện về những đứa trẻ... không có bố!

Thứ hai, 10/06/2019 18:29 PM - 0 Trả lời

(CLO) “Nhà của Bố” (Father’s House) - đây là nơi cưu mang những cô gái tuổi đời còn rất trẻ phải sớm làm mẹ. Dù chịu nhiều đau đớn nhưng các cô vẫn giữ lấy giọt máu đang mang trong mình và không thôi nuôi hy vọng về cơ hội thay đổi cuộc đời…

Bà Nguyễn Thị Mai bế em bé con của những bà mẹ trẻ đơn thân tại

Bà Nguyễn Thị Mai bế em bé con của những bà mẹ trẻ đơn thân tại "Nhà của Bố". (Ảnh: PV)

Tình mẫu tử

Tìm đến “Nhà của Bố” (Khu đô thị 1B, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vào buổi chiều của những ngày cuối tháng 5. Dưới “chùm hoa nắng” dần nhường lại bóng sau hàng cây, những người mẹ trẻ đang dắt con đi dạo bỗng thoáng buồn quay mặt đi khi biết chúng tôi đến sẽ hỏi thăm về chuyện cá nhân. Tuy vậy, dẫu ban đầu còn ái ngại “cảnh đời” nhưng dần dà, các cô gái đã mạnh dạn trải lòng về những “sự cố” xảy ra trong quá khứ.

Cô gái khiến tôi chú ý nhất là Yến*. Năm nay Yến mới 20 tuổi và con trai của cô đã tròn 2 tuổi. Ngồi trò chuyện với chúng tôi trước hiên nhà, mắt Yến đượm buồn nhớ lại quá khứ buồn đau khi cô đang là nữ sinh viên năm nhất của một trường đại học ở Thủ đô Hà Nội.

Lớn lên trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Thái Bình nên khi lên “Thủ đô hoa lệ” để trọ học, vì nhớ nhà, vì thiếu thốn tình cảm, Yến nhanh chóng nhận lời làm bạn gái của một nam sinh viên quê Hưng Yên học cùng trường.

Sau thời gian yêu đương, cứ ngỡ chàng sinh viên thương mình thật lòng, Yến quyết định “trao đời con gái” cho anh ta. Thiếu kiến thức về tình dục nên cô đã mang thai với người yêu khi còn ngồi trên ghế của giảng đường đại học.

“Cứ non nớt nghĩ rằng khi nói chuyện có thai với người yêu, em sẽ được anh ta dẫn về thưa chuyện với cha mẹ và tiến hành đám cưới. Nhưng, em mới vỡ lẽ người yêu đối với mình chỉ là giả tạo.

Anh ta thẳng thừng bảo em: “Tôi yêu Yến chỉ là chơi thôi, bây giờ nếu đã vậy, muốn giữ con lại thì tùy Yến, tôi không có trách nhiệm. Cho đến tận bây giờ, hơn 2 đã năm trôi qua, em vẫn không thể quên được lời nói đó…” – Yến rưng rưng.

Bàn chân của những em bé mới sinh ra sẽ được in dấu và treo lưu niệm tại

Bàn chân của những em bé mới sinh ra sẽ được in dấu và treo lưu niệm tại "Nhà của Bố". (Ảnh: PV)

Yến ngưng giọng để kìm cảm xúc và lau đi những giọt lệ, cô kể tiếp những tháng ngày đầy giông bão.

“Một thân một mình với cái thai trong bụng, em cắt đứt liên lạc với anh ta và làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập. Khi quyết định giữ lại đứa con, biết là sẽ có nhiều chông gai nhưng với em, đó là máu mủ của mình.

Hơn nữa, cũng vì sợ gia đình biết chuyện, em đã giấu cha mẹ và lặn lội vào một ngôi chùa ở tỉnh Bình Định. Cuối cùng, nhờ các cô chú trong chùa giới thiệu, em biết đến và đã tìm về với “Nhà của Bố”…”  - Yến cười buồn.

Những người mẹ trẻ sống ở “Nhà của Bố” đều có chuyện quá khứ đau lòng. Họ là những cô gái với tuổi đời còn rất trẻ, tuy vậy, điều trân quý nhất là họ đã đứng vững trong muôn vàn nỗi đau để sinh con ra, nuôi dạy con mình thật tốt để làm lại cuộc đời.

Vượt lên nỗi đau

Một căn phòng sinh hoạt của các bé ở

Một căn phòng sinh hoạt của các bé ở "Nhà của Bố". (Ảnh: PV)

Cùng ngồi trò chuyện với chúng tôi là bà Nguyễn Thị Mai, người đã có hơn 15 năm làm bảo mẫu ở “Nhà của Bố”. Từ lâu, bà Mai đã xem các cô gái sống ở đây như con ruột của mình và được các cô gọi là dì hoặc là bà ngoại (xưng hô ở vị trí của con).

Một trong những cô gái mà bà Mai thương nhất là Huyền. Bà còn nhớ như in cái ngày mà cô đến với “Nhà của Bố”. Trên vai của Huyền là ba lô đựng sách vở học sinh với ba bộ quần áo, hai tay của em thì ôm bụng với cái thai đã gần 8 tháng.

Bố mẹ li dị, thiếu tình thương và sự giáo dục từ gia đình, Huyền đã trót sa ngã và phải mang thai khi đang là học sinh lớp 9. Rời Quảng Trị, một mình Huyền đón xe vào tận Sài Gòn để nương náu. Trong một lần ngồi đọc các kiến thức để sinh và chăm sóc con trên mạng xã hội, Huyền biết “Nhà của Bố” và tìm đến.

Ngồi ôm con trai của Huyền vào lòng, bà Mai cho biết: “Ở đây, Huyền là đứa tháo vát nhất. Cách nuôi dạy con và suy nghĩ của em lớn hơn số tuổi hiện tại. Những lúc con quấy khóc vì ốm đau, dẫu nửa đêm hay rạng sáng, em vẫn một mình chăm sóc mà không nhờ giúp đỡ vì nghĩ đến các dì đã có tuổi và cả ngày bận bịu.

Huyền vừa hoàn thành chương trình lớp 11. Khó khăn là vậy, các năm qua, em vẫn luôn giữ được học lực tiên tiến, Huyền học rất giỏi môn ngoại ngữ. Em nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên tiếng Anh hoặc đi du học để tìm một công việc và nuôi con bằng chính sức của mình…”.

Qua lời kể của bà Mai, chúng tôi hiểu được những “bà mẹ trẻ” này đã trải qua nhiều nhọc nhằn, kể cả những tiếng đời dị nghị và bị chính người thân ruồng rẫy. Bà Mai đã từng chứng kiến những cuộc “vượt cạn” của họ khi không có một người thân nào bên cạnh.

“Lúc đó, các em không biết cha của đứa bé sắp được sinh ra đang ở nơi nào. Còn cha mẹ thì không muốn mang tiếng xấu vì có “con gái hư”. Nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời của các cô gái này cũng đã qua rồi vì không còn nỗi đau nào hơn thế. Tôi luôn rơi nước mắt khi chứng kiến từng đứa vào phòng sinh một mình. Có đứa còn nắm tay tôi và lắp bắp: “Dì…ơi, con…đau lắm” - bà Mai lau nước mắt.

Kết quả ngọt ngào

Dưới bóng chiều sắp hoàng hôn, bà Mai nở nụ cười mãn nguyện khi nhắc đến cô gái tên Thu. Năm 2011, em được gia đình đưa từ Quảng Ngãi ra “Nhà của Bố”. Sau khi tìm mọi cách để phá bỏ đứa con trong bụng vì bị người tình chối bỏ, nhờ chuyên gia tư vấn, Thu quyết định giữ lại đứa bé. Mặc cảm về thân phận và không còn tin vào tình yêu, Thu từ chối bất cứ chàng trai nào ngỏ lời yêu.

Đến giữa năm 2014, Thu đã lên xe hoa với một người đàn ông đeo đuổi cô từ lâu. Người này chấp nhận quá khứ của Thu và bằng lòng sinh sống cùng với con riêng của cô. Và dẫu đứa cháu không có chung huyết thống nhưng bố mẹ của người đàn ông đó hết mực yêu thương.

Vượt qua nỗi đau, tình mẫu tử là sự quá đỗi thiêng liêng để các bà mẹ trẻ ở “Nhà của Bố” không vứt bỏ đi giọt máu của mình. Đến đây, các em sẽ ở với chương trình cho đến khi sinh nở, được đi học văn hóa cũng như học nghề cho đến khi có việc làm ổn định, đủ khả năng nuôi con thì các em sẽ ra khỏi chương trình, tức rời “Nhà của bố”, để tạo dựng cuộc sống riêng cho mình. Nơi đây thực sự trở thành chốn cưu mang, nuôi nấng cả mẹ và con của những cô gái trẻ lỡ lầm trong chuyện tình cảm và cho họ có cơ hội để làm lại cuộc đời.

* Tên các cô gái đã được thay đổi

“Nhà của Bố” (Father’s House) là một chương trình của tổ chức “Trả lại Tuổi thơ”. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận của cặp vợ chồng người Mỹ Robert Kalatschan – Dorothea được thành lập vào năm 2002. Đây là chương trình dành cho những bà mẹ trẻ đơn thân có một nơi sinh sống và có điều kiện nuôi dưỡng con mình mà không phải chịu bất cứ sự mặc cảm hay tủi nhục nào, giúp các bà mẹ trẻ theo đuổi việc học của mình để sau này có việc làm ổn định, sống và nuôi con.

Hoàng Thao - Yến Thanh

Tin khác

Thanh Hóa: Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã

Thanh Hóa: Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã

(CLO) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo làm rõ nguyên nhân gần 13 tấn cá chết hàng loạt trên sông Mã thời gian vừa qua.

Đời sống
Hàng nghìn người 'đội mưa' đổ về di tích đồi A1

Hàng nghìn người "đội mưa" đổ về di tích đồi A1

(CLO) Sáng 6/5, hàng nghìn người dân đã “đội mưa” đổ về di tích lịch sử đồi A1 tham quan. Người dân trèo lên cả chiếc xe tăng M24 (còn có tên gọi Bazeille) của quân Pháp bị bắn cháy để chụp ảnh mặc dù có biển cấm.

Đời sống
Trẻ em đua xe điện ở công viên, khu trung tâm: Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn

Trẻ em đua xe điện ở công viên, khu trung tâm: Nhiều nguy hiểm tiềm ẩn

(CLO) Những chiếc xe điện được chạy bằng ắc quy tự chế được bày tràn lan tại nhiều công viên, khu trung tâm tại Hà Nội tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến với trẻ em.

Đời sống
Hàng trăm drone tái hiện cuộc chiến hào hùng trên bầu trời Điện Biên

Hàng trăm drone tái hiện cuộc chiến hào hùng trên bầu trời Điện Biên

(CLO) Hàng trăm thiết bị bay không người lái (drone) đã trình diễn nhiều hình ảnh ấn tượng trên bầu trời tại tượng đài chiến thắng ở thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Đời sống
Ninh Bình có 24.711 ha diện tích rừng dễ cháy

Ninh Bình có 24.711 ha diện tích rừng dễ cháy

(CLO) Tỉnh Ninh Bình xác định có 20 xã là vùng trọng điểm cháy, với tổng 24.711 ha diện tích rừng dễ cháy, bao gồm diện tích rừng trên núi đá, rừng trồng thông nhựa, rừng tại các khu di tích, rừng giáp ranh với khu dân cư.

Đời sống