Nhân sự ngành công nghệ Ấn Độ đau đớn bị sa thải tại Mỹ, vì đâu nên nỗi?

Thứ ba, 22/11/2022 19:47 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việc sa thải trong ngành công nghệ, bao gồm cả tại các công ty như Twitter, Meta và Amazon, đã ảnh hưởng đến một số lượng đáng kể người Ấn Độ đang làm việc tại Hoa Kỳ có thị thực H-1B.

Tiến thoái lưỡng nan

Nhà báo Savita Patel thường trú tại California nói chuyện với những người lao động đang đối mặt với viễn cảnh bị buộc phải quay lại Ấn Độ nếu họ không tìm được việc làm khác.

Surbhi Gupta, một kỹ sư người Ấn Độ làm việc tại Mỹ từ năm 2009, rất ngạc nhiên khi cô bị Meta cho nghỉ việc trong tháng này. "Tôi đã thể hiện tốt trong công việc”, cô nói.

Vào ngày 9/11, Meta, công ty sở hữu Facebook, Instagram và WhatsApp, tuyên bố sẽ cắt giảm 13% lực lượng lao động - đợt sa thải hàng loạt đầu tiên trong lịch sử của công ty khiến 11.000 nhân viên mất việc làm.

nhan su nganh cong nghe an do dau don bi sa thai tai my vi dau nen noi hinh 1

Meta sa thải hàng loạt khiến 11.000 nhân viên mất việc. (Nguồn: SCMP)

"Không ai trong chúng tôi ngủ đêm đó. Lúc 6 giờ sáng, tôi nhận được email buộc nghỉ việc. Say đó, tôi không thể truy cập vào máy tính ở công ty của mình, cũng như không thể vào phòng tập thể dục ở văn phòng. Cảm giác giống như một cuộc chia tay vậy", Gupta nói.

Gupta có thể là một gương mặt quen thuộc đối với người Ấn Độ. Người chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Bharat-California năm 2018, và gần đây nhất, cô đã xuất hiện trong chương trình Mai mối trên Netflix Ấn Độ.

Hiện cô là một trong số hàng ngàn công nhân nhập cư có học thức và tay nghề cao bị các công ty công nghệ Mỹ sa thải trong tháng này.

Hầu hết họ làm việc ở Mỹ nhờ visa H-1B. Đó là thị thực không di dân cho phép các công ty tuyển dụng người nước ngoài trong tối đa 6 năm ở những vị trí mà họ không thể tìm được nhân viên người Mỹ.

Nó cũng cho phép chủ sở hữu đăng ký thường trú tại Hoa Kỳ và mua tài sản trong nước.

Gupta cho biết cô đã làm việc rất chăm chỉ để xây dựng cuộc sống ở Mỹ trong "hơn 15 năm".

Thị thực của cô bây giờ phụ thuộc vào việc tìm kiếm công việc tiếp theo của mình.

Trên toàn thế giới, hơn 120.000 nhân viên công nghệ đã mất việc làm do các công ty công nghệ Mỹ cắt giảm, theo trang web Layoffs.fyi, trang web chuyên theo dõi các đợt cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ.

Trong khi các công ty chưa công bố con số cụ thể của Ấn Độ, luật sư nhập cư Swati Khandelwal thường trú tại San Jose nói rằng "điều đó gây tổn hại đặc biệt nặng nề đến cộng đồng người Ấn Độ".

Bà nói: “Chúng tôi nhận thấy số lượng cuộc gọi xin tư vấn ngày càng tăng. Mọi người đều lo lắng, ngay cả những người chưa bị sa thải cũng lo sợ rằng họ có thể bị sa thải sau đó”.

Đối với công nhân công nghệ Ấn Độ, việc sa thải không chỉ có nghĩa là họ phải tìm kiếm việc làm mới mà còn phải tìm kiếm những người chủ sẵn sàng giúp họ tiếp tục công việc và trả các chi phí pháp lý liên quan.

Bà Khandelwal nói: “Nếu chủ lao động mới không thể chuyển đơn xin cấp thị thực của bạn trong 60 ngày, giải pháp sẽ là người lao động Ấn Độ phải rời khỏi Mỹ và quay lại làm việc sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ”.

"Nhưng thực tế là mọi người sẽ bị mắc kẹt ở Ấn Độ vì không có nhiều cuộc hẹn cấp thị thực tại các lãnh sự quán", bà nói.

Thời gian chờ đợi cho một cuộc hẹn cấp thị thực tại lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Ấn Độ đã đạt đến 800 ngày trong một số trường hợp.

Đây là lý do tại sao việc sa thải đã trở thành một bất ngờ không mong muốn đối với người lao động Ấn Độ.

Sowmya Iyer, trưởng nhóm thiết kế sản phẩm của ứng dụng gọi xe Lyft, cho biết cô là thành viên của một nhóm "đã thực hiện các bước nội bộ để duy trì sức khỏe tài chính của công ty".

Nhưng Iyer vẫn thấy mình nằm trong số hàng trăm người bị công ty sa thải trong tháng này. "Chúng tôi đã không mong đợi cuộc sa thải này tấn công chúng tôi", cô nói.

Cô giải thích rằng việc sa thải hàng loạt giống như một "đại dịch công nghệ". "Cả bạn tôi và vợ của anh ấy đều mất việc trong cùng một ngày. Mọi người đều chung một cảnh ngộ: gọi điện thoại cho nhau và chia buồn”, Iyer nói.

Sowmya Iyer nói rằng cô có khoản vay sinh viên phải trả và đã không nói với cha mẹ ở quê nhà ở bang Gujarat, miền tây Ấn Độ về việc cô bị sa thải.

Tại Mỹ với thị thực O-1 được cấp cho những cá nhân có "khả năng và thành tích phi thường" - Iyer nói rằng cô tự tin sẽ tìm được việc làm.

Sơ yếu lý lịch của cô liệt kê bằng cấp từ các trường thiết kế danh tiếng ở Ấn Độ và Hoa Kỳ và thị thực O-1 cho phép cô ấy ở lại trong 60 ngày sau khi chấm dứt bất kỳ công việc nào.

Hy vọng le lói

Đạo luật WARN (Thông báo đào tạo lại và điều chỉnh cho người lao động) của Mỹ đưa ra một khoảng đệm trước khi thời hạn thị thực 60 ngày bắt đầu. WARN yêu cầu người sử dụng lao động thông báo trước 60 ngày cho những nhân viên bị ảnh hưởng trong đợt sa thải hàng loạt.

“Để đảm bảo tình trạng của tôi ở đây và giúp tôi tìm được công việc mới, những người chủ cũ của tôi đã báo trước cho tôi 1 tháng, vì vậy hiện tại tôi có 3 tháng”, cô nói.

Nhưng đối với nhiều người Ấn Độ, thậm chí 90 ngày là một mốc thời gian gấp rút và khiến họ bị đảo lộn các kế hoạch đã có. Nhiều người phải gửi tiền hỗ trợ gia đình, trong khi những người khác có khoản vay hàng ngàn USD đến hạn trả nợ.

Naman Kapoor đã vay tiền để trả cho chương trình thạc sĩ của mình tại Đại học New York.

Anh ấy được Meta thuê làm kỹ sư sau nhiều vòng phỏng vấn và bị sa thải 7 tuần sau đó. "Tôi nhận được email đuổi việc vào lúc 8 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 9/11”, anh nói.

“Kế hoạch của tôi là được theo học nền giáo dục Hoa Kỳ và tích luỹ kinh nghiệm làm việc tại đây. Học ở New York rất tốn kém. Tôi đã làm việc để trang trải chi phí sinh hoạt của mình”, Kapoor chia sẻ.

Theo SCMP, Kapoor đang ở Mỹ theo thị thực F-1 (OPT), cho phép anh chỉ có 90 ngày thất nghiệp trong thời gian ở nước này.

Kapoor giải thích: “Meta đề nghị trả tôi 4 tháng lương như một khoản trợ cấp thôi việc. Nhưng tôi chỉ có ba tháng để tìm công việc tiếp theo hoặc quay trở về nước”.

Cô Gupta nói: “Tìm một công việc mới trong môi trường này sẽ rất khó khăn. Sắp đến tháng 12 rồi - việc tuyển dụng sẽ chậm lại vì các ngày lễ”.

Sau đợt sa thải, bà Khandelwal cho biết một cộng đồng đã được thành lập để hỗ trợ những người gặp khủng hoảng việc làm. Các đồng nghiệp và người sử dụng lao động đã lan truyền thông tin và giới thiệu các khách hàng tiềm năng trực tuyến.

"Tôi đã tạo ra Zeno, một nền tảng để giúp những người lao động bị ảnh hưởng tìm được việc làm. Nền tảng đã có 15.000 lượt truy cập cho đến nay”, Abhishek Gutgutia, một nhân viên công nghệ làm việc tại Bay Area, cho biết.

Anh Gutgutia cho biết bài đăng trên LinkedIn của anh trên Zeno có gần 600.000 lượt xem. "Khoảng 100 ứng viên, 25 công ty và 30 cố vấn đã đăng ký. Một số luật sư nhập cư cũng đã tình nguyện cung cấp dịch vụ của họ miễn phí”, Gutgutia nói.

Vidya Srinivasan, một nhân viên của Meta, cho biết cô đã thấy "sự hỗ trợ nồng nhiệt từ những người bạn của Meta" để tập hợp một "Hướng dẫn cựu nhân viên Meta" cho những người có cuộc sống thay đổi chỉ sau một đêm. Cô nói rằng các bài đăng trực tuyến của cô đã được hơn một triệu người xem.

Giữa những hy vọng như vậy, những người lao động nhập cư Ấn Độ vẫn ở trong tình trạng khó khăn cho đến khi họ tìm được công việc tiếp theo.

Hồng Vân (Theo SCMP)

Bình Luận

Tin khác

Tỷ trọng đồng rúp trong thương mại Nga - châu Âu đạt kỷ lục mới

Tỷ trọng đồng rúp trong thương mại Nga - châu Âu đạt kỷ lục mới

(CLO) Theo số liệu từ ngân hàng trung ương Nga, tỷ trọng giao dịch bằng đồng rúp trong thương mại nước ngoài của Nga, đặc biệt là với phần còn lại của châu Âu, đã tăng đều đặn, đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tòa án Nga tịch thu tài sản trị giá 700 triệu Euro từ các ngân hàng phương Tây

Tòa án Nga tịch thu tài sản trị giá 700 triệu Euro từ các ngân hàng phương Tây

(CLO) Một tòa án ở St Petersburg (Nga) đã tịch thu tài sản trị giá hơn 700 triệu Euro thuộc về ba ngân hàng phương Tây (UniCredit, Deutsche Bank và Commerzbank), theo Financial Times.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và Hoa Kỳ

Nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Hải quan Việt Nam và Hoa Kỳ

(CLO) Chuyến thăm và làm việc diễn ra từ ngày 11-19/5/2024 của Tổng cục Hải quan Việt Nam và Hải quan Mỹ đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ của hải quan hai nước.

Thị trường - Doanh nghiệp
Châu Âu đang gián tiếp nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ

Châu Âu đang gián tiếp nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga thông qua Thổ Nhĩ Kỳ

(CLO) Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) và Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ (CSD), Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 3 tỷ euro sản phẩm dầu từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu xử lý các sản phẩm dầu của Nga.

Thị trường - Doanh nghiệp
Tổng thống Nga: Xe điện Trung Quốc khiến Mỹ 'lo lắng'

Tổng thống Nga: Xe điện Trung Quốc khiến Mỹ "lo lắng"

(CLO) Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Cáp Nhĩ Tân trong chuyến đi hai ngày tới Trung Quốc: Chính quyền Mỹ đã áp đặt thuế đối với xe điện (EV) do Trung Quốc sản xuất vì chúng đã trở nên tốt hơn, đồng thời nhấn mạnh đây là hành động ngăn chặn đối thủ mạnh xâm nhập vào thị trường nội địa nước này.

Thị trường - Doanh nghiệp