Nhật Bản, từ 'dễ thương' đã không còn 'dễ gần' sau đại dịch Covid-19

Thứ ba, 22/02/2022 17:28 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trong những năm trước đây, Nhật Bản tự quảng bá mình là một quốc gia “dễ thương”, tìm cách thu hút khách du lịch và nguồn nhân lực bằng những lời hứa về tương lai, nền văn hóa đặc sắc và những nét vẽ hiện đại của manga, anime hay sự dễ thương nhẹ nhàng, e ấp nói chung.

Những hàng người dài ở “biên giới”

Tuy nhiên, sau 2 năm đóng cửa đối với người nước ngoài, trong khi người dân ở quốc gia này từ sinh viên, công nhân cho tới các doanh nhân phải sống trong tình trạng thấp thỏm, thì hình ảnh “dễ thương” của Nhật Bản rõ ràng đã thay đổi. Thậm chí, nhiều người còn dán mác mới cho Nhật Bản là… “khó gần”!

nhat ban tu de thuong da khong con de gan sau dai dich covid 19 hinh 1

Nhật Bản gần như không cho khách nước ngoài nhập cảnh trong phần lớn đại dịch Covid-19, trong khi công dân Nhật Bản vẫn được đi lại.

Tờ báo ủng hộ doanh nghiệp của Nhật Bản là Nikkei đã đưa tin về những thiệt hại mà lệnh cấm du lịch đã gây ra đối với danh tiếng và quyền lực mềm của Nhật Bản trên toàn cầu. Một bài báo được xuất bản vào ngày 11/2 đã gọi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với cụm từ “Nhật Bản tàn tệ”. Tóm lại, bài báo của Nikkei đã tạo nên một sự chú ý và… gây tranh cãi.

Theo truyền thông Nhật Bản, hơn 140.000 sinh viên nước ngoài có thị thực đã không được phép nhập cảnh vào Nhật Bản trong thời gian đại dịch, một số đã phải đợi hơn 2 năm. Danh sách chờ đợi để nhập cảnh vào Nhật Bản, tính đến ngày 4/1, là hơn 400.000 công dân nước ngoài, bao gồm cả sinh viên.

Trên toàn cầu, giới kinh doanh và học thuật đã chỉ trích các quy định Covid-19 của Nhật Bản là quá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thực tế phải đến gần đây thì hầu hết người Nhật Bản mới biết đến tình cảnh những hàng dài người nước ngoài đang “mắc kẹt ở biên giới” của họ.

Giáo sư Ngoại giao Công chúng Kumi Yokoe của Đại học Tokyo đã giải quyết vấn đề một cách ngắn gọn trong một cuộc phỏng vấn ngày 1/2 với tờ Mainichi Daily. Bà chỉ ra rằng trong khi người Nhật tự do rời và quay trở lại đất nước mình - 512.000 người vào năm 2021 - thì người nước ngoài không có quyền tự do như vậy.

“Bởi vì việc kiểm soát biên giới của Nhật Bản rất nghiêm ngặt đối với người nước ngoài. Trong khi có những người Nhật có thể ra nước ngoài để vui chơi, học tập thì có những người nước ngoài đã không thể nhập cảnh vào Nhật Bản hơn một năm. Điều này rõ ràng không công bằng”, Yokoe bình luận.

Các biện pháp kiểm soát biên giới đặc biệt khắc nghiệt đã được bổ sung vào cuối tháng 11/2020, khi biến thể Omicron xuất hiện. Những biện pháp đó cũng mới chỉ đang thay đổi khi Omicron đã qua thời kỳ tồi tệ nhất ở Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản thông báo vào ngày 17/2 mới đây rằng họ sẽ nới lỏng các hạn chế biên giới, cho phép sinh viên và những người khác vào Nhật Bản, song chỉ với mức độ tăng dần dần - từ 3.500 một ngày lên 5.000 một ngày, đồng thời được yêu cầu xuất trình bằng chứng đã tiêm 3 liều vắc xin Covid-19.

“Covid không phân biệt quốc tịch”

Hiện tại, người ta vẫn chưa rõ cánh cửa nào để có thể vượt qua được các thủ tục còn nhiều rắc rối để nhập cảnh trở lại vào Nhật Bản. “Với những hạn chế hiện tại đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản, không những không thể xếp hàng mà còn khó biết phải xếp hàng ở đâu”, bà Yokoe nói thêm.

nhat ban tu de thuong da khong con de gan sau dai dich covid 19 hinh 2

Việc học tập và làm việc của những người nước ngoài ở Nhật Bản gặp rất nhiều cản trở trong thời gian đại dịch Covid-19.

Khi virus Omicron có khả năng lây nhiễm cao chỉ mới xuất hiện vào tháng 11/2021, Thủ tướng Fumio Kishida đã nhanh chóng đóng cửa biên giới, trong nỗ lực giúp Nhật Bản có thời gian tìm cách đối phó. Thậm chí sau đó, việc thực hiện còn khiến nhiều người lúng túng.

Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản đã yêu cầu các hãng hàng không ngừng đặt các chuyến bay đến Nhật Bản. Hàng trăm chuyến bay đã bị hủy. Chỉ khi các công dân Nhật Bản cố gắng trở về trở nên tức giận thì "yêu cầu" này mới bị hủy bỏ.

Ông Kishida từng tự hào nói rằng Nhật Bản đã kiểm soát biên giới chặt chẽ nhất so với bất kỳ nước G7 nào, nhưng rõ ràng nó không có tác dụng. Khi gần như chưa có người nước ngoài nào được nhập cảnh vào xứ sở hoa anh đào, thì Omicron… đã có mặt. Hiện hơn 200.000 người Nhật Bản đã mắc biến thể mới này. Thậm chí WHO còn chỉ trích các biện pháp cấm di chuyển của Nhật Bản ngay từ đầu.

Ngay cả chính trị gia kỳ cựu Kono Taro của đảng cầm quyền tại Nhật Bản cũng phải nói trong các cuộc phỏng vấn rằng lệnh cấm nên được dỡ bỏ từ ngày 1/3 tới, để cho phép các sinh viên và doanh nhân đã đăng ký được đến với Nhật Bản. Ông lập luận rằng với việc Omicron đã lan rộng khắp Nhật Bản, thì coi như “bò đã xổng chuồng thì còn gì để giữ”!

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông lặp lại lời của các chuyên gia WHO. “Tại sao chúng ta phải phân biệt đối xử với người nước ngoài? Omicron không biết ai là người Nhật Bản hay Mỹ hay Iran. Nó không có ý nghĩa gì - về mặt kinh tế, khoa học hay bất cứ điều gì".

Tác động lâu dài

Không chỉ giới học thuật và chính trị gia thất vọng. Một giám đốc kinh doanh người Mỹ ở Tokyo nói: “Vốn đã rất khó để Nhật Bản thu hút nhân tài thời buổi này, nhưng các tiêu chuẩn kép về cả dịch tễ lẫn quốc tịch ở đây trong thời kỳ đại dịch là một đòn chí mạng".

nhat ban tu de thuong da khong con de gan sau dai dich covid 19 hinh 3

Nhật Bản đã phần nào tự tạo cho mình hình ảnh khó gần trong 2 năm đại dịch.

Tại một cuộc họp báo của CLB Phóng viên Nước ngoài của Nhật Bản vào ngày 9/2, Christopher LaFleur, cố vấn đặc biệt của Phòng Thương mại Mỹ tại Nhật Bản, đã có những phát biểu gay gắt. Ông cho rằng thiệt hại gây ra sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến danh tiếng của Nhật Bản.

“Việc Nhật Bản cấm nhập cảnh đối với du khách là doanh nhân và sinh viên đã gây ra tổn thất kinh tế và con người. Lệnh cấm cấp thị thực mới đã ngăn cản các công ty Nhật Bản và toàn cầu thu hút nhân tài mà họ cần. Đó còn là vợ chồng và gia đình ly tán, và nó chắc chắn cũng đã ngăn cản nỗ lực phục hồi kinh tế Nhật Bản".

Theo tờ Nikkei, tại một thời điểm trong đại dịch, hãng Siemens của Đức đã đình chỉ các dự án hợp tác với các công ty liên quan đến máy móc của Nhật Bản. Một số chương trình đầu tư mới cũng bị hoãn. Điều này là do 10-15% nhân viên của tập đoàn này ở Nhật Bản là công dân nước ngoài, nhưng không thể xuất nhập cảnh.

Một nghiên cứu gần đây được công bố bởi Hiệp hội Hợp tác Quốc tế Nhật Bản cho thấy một Nhật Bản phát triển nhanh chóng sẽ cần 6,74 triệu lao động nước ngoài vào năm 2040 để duy trì sự thịnh vượng. Do vậy, việc tự tạo cho mình hình ảnh “khó gần” trong đại dịch Covid-19 có thể gây tác động xấu và lâu dài cho nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

Thủ tướng Robert Fico bị ám sát và sự phân cực sâu sắc trong xã hội Slovakia

(CLO) Trong vòng 6 năm, Slovakia đã chứng kiến 2 vụ ám sát gây chấn động. Năm 2018, nhà báo điều tra Ján Kuciak phải trả giá bằng mạng sống vì công việc. Đến hôm qua, Thủ tướng Robert Fico cũng đã bị ám sát khi đang làm công việc của mình. Hai vụ việc nhưng làm nổi bật một vấn đề: Sự phân cực sâu sắc ở Slovakia.

Tiêu điểm Quốc tế
Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

Bầu cử Mỹ 2024 còn 6 tháng nữa: Cuộc đua sẽ diễn ra như thế nào?

(CLO) Khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 đang đến gần, những thách thức mà các ứng cử viên tổng thống Joe Biden và Donald Trump phải đối mặt cũng ngày càng gia tăng.

Tiêu điểm Quốc tế
Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

Người Trung Quốc đổ xô đi mua vàng như thể không có ngày mai

(CLO) Giá vàng toàn cầu đã đạt mức cao nhất khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng Trung Quốc đang mua kim loại này với tốc độ kỷ lục, do cảnh giác với bất động sản và chứng khoán.

Tiêu điểm Quốc tế
Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

Chiến sự ở Gaza: Làn sóng biểu tình sinh viên 'phản chiến' đã lan đến đâu trên thế giới?

(CLO) Khi các cuộc đụng độ giữa sinh viên và cảnh sát vẫn diễn ra rất căng thẳng tại nhiều trường đại học Mỹ, thì các cuộc biểu tình cũng đang được tổ chức ở các trường đại học khác trên khắp châu Âu, châu Á và Trung Đông.

Tiêu điểm Quốc tế
Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

Đàm phán ngừng bắn ở Gaza: Mỹ gia tăng áp lực với cả Israel lẫn Hamas

(CLO) “Đã đến lúc”, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố, thúc giục Hamas chấp nhận các điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn mới được đề xuất. Ông Blinken cũng nói rõ rằng ông mong đợi nhiều hơn từ Israel.

Tiêu điểm Quốc tế