Nhiều quốc gia tái áp đặt các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt

Thứ sáu, 24/12/2021 07:07 AM - 0 Trả lời

(CLO) Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại khiến hàng loạt quốc gia đã buộc phải tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Sự kiện: COVID-19

Theo trang mạng worldometer.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 24/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 278 triệu ca, trong đó trên 5,39 triệu ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 895.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.000 ca tử vong.

nhieu quoc gia tai ap dat cac bien phap chong dich nghiem ngat hinh 1

Kiểm tra thẻ xanh COVID-19 của khách du lịch trước khi vào tham quan Bảo tàng Vatican ở Vatican. Ảnh: AFP

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 221.000 ca), Anh (119.789 ca), và Pháp (91.608 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.002 ca), Mỹ (910 ca) và Ba Lan (616 ca).

Trong hai ngày qua, số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ đều vượt mốc 200.000 ca/ngày, cho thấy tốc độ lây lan của biến thể Omicron đáng báo động. Tính từ đầu đại dịch tới nay, Mỹ đã có trên 52,7 triệu ca mắc và trên 834.000 ca tử vong.

Trong vài ngày qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại khiến hàng loạt quốc gia đã buộc phải tái áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Ngày 23/12, hai bang đông dân nhất Australia là New South Wales và Victoria đã áp dụng trở lại các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới hằng ngày tăng cao do biến thể Omicron.

New South Wales, nơi có 25 triệu người sinh sống, thông báo tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong phòng kín, đồng thời giới hạn số khách và áp dụng quy định quét mã QR đối với người tới dự các sự kiện. Trong khi đó, bang Victoria, với dân số gần bằng New South Wales, cũng tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

Các biện pháp siết chặt phòng dịch được đưa ra ngay trước thềm trước lễ Giáng Sinh, khi Australia đã lên kế hoạch mở cửa trở lại sau gần 2 năm phong tỏa. Số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 ở Australia hiện tại không cao, nhưng số ca nhiễm tăng nhanh đã đặt ra nguy cơ mới, khi nhiều nhân viên y tế phải nghỉ làm vì nhiễm virus.

Australia ngày 23/12 ghi nhận 8.200 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ đầu dịch. Trước đó, ngày 22/12 nước này ghi nhận 5.600 ca nhiễm mới, hầu hết ở hai bang New South Wales và Victoria.

Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison từng cam kết không tái áp đặt phong tỏa, đồng thời nhấn mạnh rằng người dân có trách nhiệm tự bảo vệ sức khỏe của bản thân. Thủ tướng Morrison cũng kêu gọi nới lỏng quy định xét nghiệm trong bối cảnh hầu hết các bang yêu cầu người ra vào phải trình xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi đến.

Tại châu Âu, ngày hôm qua, Chính phủ Tây Ban Nha cho biết sẽ tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời.

Cuối tháng 6 vừa qua, Tây Ban Nha đã dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở ngoài trời nhưng vẫn áp dụng với các địa điểm công cộng có không gian kín hoặc không gian ngoài trời không đảm bảo giãn cách xã hội. Quy định này được Tây Ban Nha áp dụng lần đầu tiên vào tháng 5/2020 sau khi bùng phát làn sóng lây lan dịch COVID-19 đầu tiên.

Cho đến nay, Tây Ban Nha có khoảng 80% trong tổng số 47 triệu dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ, trở thành một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới. Điều này đã giúp Tây Ban Nha tránh được đợt bùng phát dịch tương tự ở các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm gia tăng trở lại số ca nhiễm với kỷ lục gần 50.000 ca nhiễm mới ghi nhận vào ngày 21/12, mặc dù số ca nhập viện và chăm sóc tích cực là khá thấp so với các làn sóng COVID-19 trước.

Trong khi đó, tại Slovenia, Chính phủ nước này ban bố quy định hạn chế số lượng người mua sắm tại cùng thời điểm trong cùng một không gian, theo đó mỗi 10m2 diện tích cửa hàng chỉ được phép đón một khách mua hàng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 23/12.

Ngoài ra, theo quy định mới, tất cả những người tiếp xúc với người mắc COVID-19 sẽ phải tự cách ly trong 10 ngày, ngoại trừ những người đã tiêm vaccine mũi tăng cường. 

Chính phủ Slovenia cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan mạnh, trong khi các bệnh viên rơi vào tình trạng quá tải và tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh còn thấp. Hiện mới có 56,1% trong tổng số 2,1 triệu công dân Slovenia đã tiêm phòng đầy đủ. Slovenia xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron vào ngày 14/12.

Tại Ấn Độ, ngày 23/12, Chính phủ nước này đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp nhằm thống nhất cách thức tiếp cận và đối phó với nguy cơ xảy ra làn sóng COVID-19 mới với biến thể Omicron tại thủ đô New Delhi.

Ấn Độ đã ghi nhận hơn 210 ca nhiễm biến thể Omicron ở nước này. Hai bang Maharashtra và Delhi báo cáo số ca nhiễm Omicron cao nhất, tiếp theo là Telangana, Karnataka, Rajasthan, Kerala và Gujarat.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ đã viết một bức thư gửi tới lãnh đạo các địa phương và vùng lãnh thổ để cảnh báo và yêu cầu họ chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Trong đó nêu rõ biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn ít nhất 3 lần so với biến thể Delta, do đó các địa phương cần "nhìn xa hơn, phân tích dữ liệu, ra quyết định năng động, hành động ngăn chặn nghiêm ngặt và nhanh chóng".

Thông điệp của Bộ trưởng Y tế cũng nhấn mạnh 2 thông số cụ thể phải cảnh giác: Kết quả xét nghiệm dương tính từ 10% trở lên trong tuần trước và tỷ lệ sử dụng giường bệnh chiếm 40% trở lên ở các đơn vị chăm sóc đặc biệt hoặc được hỗ trợ oxy.

nhieu quoc gia tai ap dat cac bien phap chong dich nghiem ngat hinh 2

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Maryland, Mỹ. Ảnh: AFP

Tại Mỹ, nhằm ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2, ngày càng nhiều trường đại học đã chọn phương án tổ chức học trực tuyến trong mùa đông này.

Đại học California, Los Angeles (UCLA), và 6 phân viện của Đại học California (UC) đã thông báo mở các lớp học từ xa vào học kỳ tới. Nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, các trường sẽ khó quay trở lại học trực tiếp trong tương lai gần.

Trong khi đó, 10 phân viện của UC, với 280.000 sinh viên và hàng chục nghìn nhân viên đã yêu cầu tất cả phải có chứng nhận đã tiêm phòng và tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Nguyên nhân là do có nhiều quan ngại rằng so với các biến thể khác, Omicron có khả năng lây nhiễm nhanh hơn đối với những người chưa tiêm phòng, cũng như dẫn đến các ca nhiễm đột phá dù ở mức độ nhẹ đối với cả những người đã tiêm phòng.

Đại học tư thục Loyola Marymount tại Los Angeles cũng chuyển sang hình thức học trực tuyến trong hai tuần đầu của tháng 1/2022. Trong khi đó, Đại học Stanford sẽ bắt đầu học kỳ mới từ ngày 3/1 - 18/1/2022 theo hình thức trực tuyến.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Hà Tĩnh: Nắng nóng vượt ngưỡng 41 độ C, 2 người đàn ông tử vong do sốc nhiệt

Hà Tĩnh: Nắng nóng vượt ngưỡng 41 độ C, 2 người đàn ông tử vong do sốc nhiệt

(CLO) Dưới thời tiết nắng nóng gay gắt vượt ngưỡng 41 độ C, hai cụ ông ở Hà Tĩnh đã tử vong do sốc nhiệt.

Sức khỏe
Vì sao bệnh ho gà ở Hà Nội chiếm gần 50% số ca bệnh cả nước?

Vì sao bệnh ho gà ở Hà Nội chiếm gần 50% số ca bệnh cả nước?

(CLO) Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023, đáng chú ý, tại Hà Nội có 60 ca.

Sức khỏe
Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

Hóc dị vật cuống trái xoài khiến một trẻ nguy kịch

(CLO) Dị vật cuống trái xoài đã được các bác sĩ lấy ra khỏi đường thở của bé trai 8 tháng tuổi, hiện tình trạng sức khỏe bé tạm ổn, đang điều trị và theo dõi thêm.

Sức khỏe
Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

Bắc Ninh ghi nhận 4 ca mắc ho gà

(CLO) Các ca mắc ho gà trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đều xuất hiện ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, độ tuổi chưa đến lịch được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà.

Sức khỏe
Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

Cứu sống sản phụ vỡ thai ngoài tử cung, mất hơn 2 lít máu

(CLO) Sản phụ 34 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đau bụng nhiều, huyết áp giảm do thai ngoài tử cung bị vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu và truyền 6 đơn vị máu.

Sức khỏe