Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV:

“Nhiều quyết sách phát triển kinh tế đúng hướng nhưng dòng vốn, chính sách chưa thẩm thấu tới doanh nghiệp”

Thứ bảy, 02/09/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều quyết sách rất trúng, hợp lòng dân được ban hành nhưng dòng vốn và các chính sách có được thẩm thấu vào doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tăng tốc hay không?

Đó là trăn trở của TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) khi trả lời phỏng vấn Báo Nhà báo & Công luận. 

+ Cho đến hết tháng 7, theo các số liệu thống kê chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn giảm, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm… cho thấy doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Trong khi từ đầu năm,Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Vậy doanh nghiệp vẫn khó khăn do đâu?

- Cho đến nay nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rủi ro bên ngoài vẫn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách hỗ trợ đồng bộ, xuyên suốt và khá đầy đủ (chính sách tài khóa, tiền tệ, các chính sách về một số lĩnh vực “nóng” như BĐS, y tế, đầu tư công...). Theo đó, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đã có một số kết quả tích cực.

Nhưng nhìn chung, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn ngày càng rõ nét hơn, do cả những nguyên nhân khách quan bên ngoài và do cả những nguyên nhân chủ quan với những yếu tố nội tại của nền kinh tế và bản thân doanh nghiệp.

Bên ngoài thì kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại; lạm phát, lãi suất vẫn ở mức cao; đầu tư giảm, nhu cầu tiêu dùng thấp.

Nội tại bên trong thì sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao; Năng lực quản trị, cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp lại gặp nhiều khó khăn và rào cản về vấn đề pháp lý và môi trường kinh doanh mà nguyên nhân một phần là do quy định pháp luật chưa đồng bộ, chưa đủ rõ ràng, nhưng chủ yếu là do trình độ của công viên chức còn hạn chế và khâu phối hợp chưa tốt. Và còn do nỗi lo sợ trách nhiệm, sợ sai của cán bộ, công chức khiến nhiều vấn đề của doanh nghiệp không được giải quyết.

nhieu quyet sach phat trien kinh te dung huong nhung dong von chinh sach chua tham thau toi doanh nghiep hinh 1

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV.

Khó khăn nữa của doanh nghiệp là về tài chính, về thanh khoản và tiếp cận vốn. Kênh huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn bị thu hẹp (6 tháng đầu năm 2023, mới có gần 49 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp đang nghẽn cả đầu vào lẫn đầu ra. Chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay) đang giảm dần nhưng còn ở mức cao, trong khi đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, một số lĩnh vực chỉ mới có tín hiệu phục hồi đơn hàng từ đầu quý III/2023.

Khó khăn tiếp theo là về lao động. Thị trường lao động thay đổi nhiều sau dịch bệnh, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa theo kịp, vẫn xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu (chỗ thiếu, chỗ thừa)...

+ Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp đang thiếu vốn, khó khăn về dòng tiền. Trong khi lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm, và Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi quy định về hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng, bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân và doanh nghiệp nhưng tín dụng vẫn tăng thấp, vì sao?

- Giảm lãi suất chỉ là một vế của vấn đề, chỉ là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, và đây mới là điều kiện quan trọng.

Tín dụng ngân hàng tăng thấp do bốn nguyên nhân chính:

Thứ nhất, do bối cảnh chung nhiều rủi ro và thách thức hơn, nợ xấu gia tăng khiến các tổ chức tài chính trên thế giới và cả Việt Nam trở nên thận trọng hơn;

Thứ hai, khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay ở mức thấp hơn vì năng lực tài chính suy giảm, giá trị tài sản bảo đảm (nhất là BĐS) bị giảm;

Thứ ba nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.

Thiếu đơn hàng, hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp... nên nhu cầu vay vốn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức thấp.

Thứ tư, một số lĩnh vực lâu nay dựa nhiều vào vốn ngân hàng hay TPDN như lĩnh vực BĐS, công nghiệp, dịch vụ khác và tiêu dùng lại đang suy giảm, dẫn đến nhu cầu tín dụng của những lĩnh vực này cũng giảm theo.

nhieu quyet sach phat trien kinh te dung huong nhung dong von chinh sach chua tham thau toi doanh nghiep hinh 2

+ Vậy để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, dòng vốn thẩm thấu vào doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tăng tốc, thì cần phải làm gì, theo ông?

- Để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, theo chúng tôi, cần ưu tiên thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp hỗ trợ cả phía cung và phía cầu như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và các chỉ thị, nghị quyết, nghị định gần đây của Quốc hội, Chính phủ; Đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật các TCTD, và các vấn đề liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...).

Rút ngắn độ trễ chính sách và phải có giải pháp hạn chế tâm lý đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Phải có chế tài nghiêm với người không thực hiện nhưng cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi 2022-2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công; chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế (nhất là các doanh nghiệp nhà nước, dự án yếu kém, TCTD yếu kém…) nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.

Thứ ba, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng các động lực tăng trưởng, quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa.

Theo đánh giá của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713 nghìn tỷ đồng thì đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023.

Và khi tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % thì GDP tăng thêm 0,2 điểm %.

Thứ tư, phối hợp chính sách hiệu quả (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách giá cả và các chính sách vĩ mô khác) nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, đất đai, xây dựng, BĐS…;

Thứ năm, đánh giá đúng và trúng thực trạng doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Thứ sáu, phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN để giảm bớt áp lực tín dụng trung dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

Chú trọng gia tăng nguồn lực cho các TCTD để có thể hỗ trợ nền kinh tế (đặc biệt là vấn đề tăng vốn).

Thứ bảy, doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, đa dạng hóa nguồn vốn và giải quyết đúng các cam kết trả nợ (chấp nhận bán tài sản, nếu cần). Doanh nghiệp cũng cần tính cả bài toán dài hơi hơn như chú trọng chuyển đổi số và đẩy mạnh xanh hóa.

Thứ tám, các tổ chức tài chính (bên cho vay) chủ động thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, Thông tư 06 (sửa đổi Thông tư 39) về hoạt động cho vay của TCTD; rà soát, linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng (không hạ chuẩn) như phương án nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa, hàng tồn kho...; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số (vừa tiết giảm chi phí, vừa giảm thủ tục giấy tờ và phù hợp với xu thế) v.v...

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Nguyễn (Thực hiện)

Tin khác

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

Thái Bình tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại tại Hà Lan

(CLO) Tiếp tục chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại tại một số nước châu Âu, trong chương trình công tác tại Hà Lan, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình do Bí thư Tỉnh ủy Ngô Đông Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với một số doanh nghiệp của Vương quốc Hà Lan.

Kinh tế vĩ mô
Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô