Những nẻo đường ra thế giới của họa phẩm Việt Nam

Thứ bảy, 11/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Bán được tranh là một niềm vui của họa sĩ. Bởi ngoài yếu tố kinh tế, nó chính xác là một sự thừa nhận của công chúng đối với tài năng của nghệ sĩ. Tài năng thì luôn có nhu cầu mở rộng, lan tỏa, từ cộng đồng nhỏ cho tới ra khỏi châu lục, ra thế giới.

Tất nhiên, con đường ra thế giới không hề dễ dàng, thậm chí là rất đỗi nhọc nhằn.

“Nhịp cầu curator...”

“Bán được cho Tây” là một cụm từ thỉnh thoảng được các họa sĩ bật ra trong lúc trà dư, tửu hậu khi kể về chính mình hay các đồng nghiệp khác.

Với các họa sĩ, nhất là các họa sĩ không có nguồn thu nhập nào khác, chỉ chuyên tâm vào vẽ tranh để sống, thì việc bán được tranh là một việc rất quan trọng. Nó giải tỏa rất nhiều “tồn dư” về những bí bách về chi tiêu, bí bách trong não trạng sáng tác và bí bách về cả đầu ra của... kho tranh trong xưởng.

Một workshop tổ chức ngay tại Việt Nam thu hút hàng chục họa sĩ tới từ nhiều nước trên thế giới tham gia.

Một workshop tổ chức ngay tại Việt Nam thu hút hàng chục họa sĩ tới từ nhiều nước trên thế giới tham gia.

Bán được đã quý, bán được “cho Tây” lại càng quý. Điều đó có nghĩa là giá trị của tranh được tính bằng đô-la. Bỏ qua những câu chuyện như “Tây nó mua để treo ở metro” hay “chỉ treo ở sảnh khách sạn là cùng” thì việc bán được tranh đồng nghĩa với việc tác phẩm ấy, họa sĩ ấy đã tìm được đường ra bên ngoài biên giới địa lý.

Nhưng việc đưa mình ra thế giới không đơn giản. Ngoài các thủ tục về mặt pháp lý, tác phẩm và người họa sĩ còn phải đáp ứng những đỏi hỏi, những khắt khe của thị trường nghệ thuật nước ngoài.

Năm ngoái (2018), Việt Nam có ba họa sĩ tham dự Triển lãm quốc tế về nghệ thuật mang tên Hanryu tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc là Lê Thanh Minh, Nguyễn Minh Quân, Lê Thanh Tùng. Hanryu Art Fair nằm trong chuỗi nghệ thuật của tổ chức International Art Culture Exchanging Association For 21st Century.

Lợi thế của việc tham gia Triển lãm Haryu này là toàn bộ tác phẩm trong workshop và seminar sẽ nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng nghệ thuật thành phố Dangjin. Đồng thời, tất cả các tác phẩm được triển lãm tại đây sẽ đương nhiên được tham gia Hội chợ Nghệ thuật quốc tế KAFA – Một sự kiện nghệ thuật lớn tầm cỡ châu Á – một nơi gặp gỡ của rất đông đảo các nghệ sĩ, các nhà sưu tập, các nhà phê bình nghệ thuật đến từ khắp nơi ở cả châu Á và châu Âu và nhiều vùng lãnh thổ khác.

Có thể nói, đây là dịp để nghệ sĩ kết nối, mở cánh cửa sáng tạo tới nhiều khu vực, tiếp xúc với nhiều quan điểm nghệ thuật khác, giải tỏa được tình trạng “quẩn quanh” chứ không bó buộc trong một phạm vi hẹp.

Họa sĩ Nguyễn Minh Quân nói: “Ban tổ chức nước ngoài rất chuyên nghiệp, từ khâu tổ chức triển lãm, seminar tới các hoạt động khác. Đến đây không chỉ thấy được lượng khách mời gồm những nhân vật lớn trong giới tinh hoa Hàn Quốc mà còn là sự hỗ trợ kịp thời trong từng khâu đến với nghệ sĩ. Tại không gian trưng bày 2 tầng hơn 400m2, từng tác phẩm được sắp đặt một cách ngay ngắn, thận trọng, các kỹ thuật viên tinh chỉnh ánh sáng sao cho tôn hết được vẻ đẹp mỗi tác phẩm. Thậm chí với mỗi bảng tiêu đề của tác phẩm, ngoài tên tuổi tác giả, Ban tổ chức còn ghi chú rất rõ về chất liệu toan, chất liệu màu để người xem và các nhà sưu tập có thêm thông tin đánh giá tác phẩm bên cạnh giá trị nghệ thuật”.

Người đưa thành công ba họa sĩ Việt Nam tham gia sự kiện này là họa sĩ Lê Thanh Tùng. Anh sinh năm 1989, tốt nghiệp khoa Sơn dầu Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh. Anh đã tham gia nhiều triển lãm lớn trong và ngoài nước, như triển lãm toàn quốc 2015, và triển lãm ở 798 Bắc Kinh, Trung Quốc. Tranh của anh có trong bộ sưu tập của những nhà sưu tập uy tín trong và ngoài nước. Anh từng đại diện Việt Nam tham gia Hội nghị giao lưu văn hóa Con đường tơ lụa Festival ở Tây An, Trung Quốc.

Việc có thời gian học tập và lao động ở nước ngoài và đã được khẳng định về năng lực là một trong những yếu tố thuận lợi để Lê Thanh Tùng trở thành một giám tuyển (curator) – cây cầu nối các họa sĩ “nội địa” với các thị trường nghệ thuật quốc tế.

...Và tự thân vận động

Bên cạnh việc tiếp xúc với thế giới thông qua cầu nối là các curator, một kênh rất thú vị khác đó là các workshop trong nước và quốc tế. Ngoài việc mời đích danh nghệ sĩ, một hình thức khá phổ biến là sẽ có một ban tổ chức đưa ra một chủ đề workshop, các họa sĩ tự gửi một bản giới thiệu (profile) tới ban tổ chức này. Sau khi vượt qua khâu xét duyệt cơ bản, Ban tổ chức sẽ đài thọ một phần hoặc toàn bộ chi phí để nghệ sĩ tham gia workshop. Các tác phẩm được thực hiện trong quá trình workshop diễn ra sẽ thuộc về Ban tổ chức.

Một tác phẩm của Hùng Rô tại Mỹ.

Một tác phẩm của Hùng Rô tại Mỹ.

Đây có thể coi như một cách thức tìm kiếm và sưu tập theo cách rất dễ chịu của giới sưu tập – những người có con mắt xanh trong việc “săn đầu người”. Họ tìm kiếm các nghệ sĩ trẻ, có tài. Chi phí bỏ ra ban đầu so với giá trị tương lai mà tác phẩm mang lại có thể sẽ là rất nhỏ. Bên cạnh đó, việc tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật sẽ mang lại danh tiếng không nhỏ cho chính những nhà đầu tư nghệ thuật.

Trở về từ một workshop nghệ thuật diễn ra vào tháng 10/2019 tại Ấn Độ, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương cho biết, anh tham dự Art Workshop này theo một lời mời tư nhân, anh chỉ việc mua vé máy bay, còn Ban tổ chức chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí còn lại trong những ngày anh ở Ấn Độ. “Họ làm nhiều thứ rất sáng tạo, mới mẻ, nhưng cũng rất gần gũi với đời sống. Họ khiến mình phải xem lại mình” – Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Cương nói.

Phổ biến hơn cách thức tiếp xúc với thế giới thông qua lựa chọn của giám tuyển hay workshop nghệ thuật là việc các nghệ sĩ tham gia vào các nhóm, các hội. Các hội nhóm được tổ chức theo thói quen, sở thích hoặc cùng ý chí. Họ đồng thời tham gia vào các diễn đàn nghệ thuật để nâng nhau lên để học tập những cái mới và tìm kiếm các nhà sưu tập.

“Bán mình” cũng phải đẹp

Nguyễn Thùy Anh, một nhà sưu tập trẻ sống tại Hà Nội cho biết, chị thường xuyên theo dõi các diễn đàn, hội nhóm nghệ thuật trên mạng để tìm kiếm các tài năng. Chị nói: “Thật ra, gọi là diễn đàn nhưng bản chất nó là một kiểu chợ tác phẩm nghệ thuật. Các họa sĩ tự công bố tác phẩm của mình, còn người mua nếu ưng ý thì tự liên hệ với họa sĩ”.

“Đương nhiên, các nhà sưu tập nước ngoài cũng âm thầm tham gia các nhóm này. Như tôi biết, một vài nhà sưu tập Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã chăm sóc các họa sĩ trẻ trong nước phải đến 20 năm rồi, từ thời còn chưa có mạng faceboook. Gần đây có thêm Thái Lan, họ săn lùng các tác phẩm vừa cổ vừa kim cũng đã năm, bảy năm nay. Vài nhà sưu tập có độ kiên trì cao ở Mỹ thì khá kín tiếng”, chị Thùy Anh cho biết.

Sự dịch chuyển về “gu nghệ thuật” của các nhà sưu tập trẻ nước ngoài cũng là một điều kiện cho các họa sĩ trong nước. Theo một báo cáo của hãng bảo hiểm AXA, các nhà sưu tập trẻ hiện nay chiếm tỷ lệ từ 15 tới 25% số lượng các nhà sưu tập. Họ cũng đầu tư tiền mạnh bạo hơn thời kỳ trước. Trong số liệu phân tích của Ngân hàng US Trust (Mỹ) năm 2018, tỷ lệ sở hữu tác phẩm nghệ thuật của những người giàu thuộc thế hệ millennials (chỉ những người sinh ra từ khoảng năm 1980 tới năm 2000) đã tăng lên từ 8% lên 36%.

Tuy nhiên, việc chơi theo hội nhóm có một nhược điểm rất nghiêm trọng. Đó là tình trạng “chiều khách” trong sáng tác. Việc sốt sắng bán được tác phẩm ra nước ngoài tạo ra một nhóm thị trường tranh vay mượn, sao chép ý tưởng các nghệ sĩ lớn của nước ngoài. Họa sĩ Nguyễn Hùng (Hùng Rô), một họa sĩ trẻ có kha khá nhà sưu tập ẩn danh ở nước ngoài cho biết: “Bán tranh bằng đô-la thì họa sĩ nào cũng thích. Nhưng vừa có đô, vừa giữ được cái riêng trong sáng tác thì nghệ sĩ phải có bản lĩnh. Không phải cứ vẽ vì tiền là xấu, họa sĩ cũng cần phải sống nhưng để đi đường dài trên con đường nghệ thuật thì không được chiều khách quá, không thì lại thành ra đánh mất mình”.

Tử Hưng

Tin khác

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 17 ấn phẩm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt 17 ấn phẩm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng giới thiệu tới bạn đọc 17 tác phẩm đa dạng thể loại.

Đời sống văn hóa
Ninh Dương Lan Ngọc rời showbiz, sang Úc du học

Ninh Dương Lan Ngọc rời showbiz, sang Úc du học

(CLO) Phía đại diện của Ninh Dương Lan Ngọc cho biết, nữ diễn viên đang sắp xếp công việc để sang Úc trau dồi diễn xuất. Trước đó, cô từng chia sẻ kế hoạch này trong gamshows 'Chị đẹp đạp gió rẽ sóng'.

Đời sống văn hóa
Hà Nội muốn xây dựng hồ sơ đưa 'Phở' trở thành di sản văn hoá của nhân loại

Hà Nội muốn xây dựng hồ sơ đưa 'Phở' trở thành di sản văn hoá của nhân loại

(CLO) Hà Nội sẽ đề xuất, xây dựng hồ sơ trình UNESCO để “Phở” là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đời sống văn hóa
Hơn 10 vạn lượt khách hành hương về Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Hơn 10 vạn lượt khách hành hương về Lễ hội Tháp Bà Ponagar

(CLO) Lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong những lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thể hiện những nét giao thoa độc đáo giữa hai nền văn hóa Chăm - Việt.

Đời sống văn hóa
Hải Phòng đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn

Hải Phòng đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn

(CLO) Tối 1/5, UBND huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Lễ hội Hoa Phượng đỏ thành phố Hải Phòng năm 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền Di sản”.

Đời sống văn hóa