Những sự thật rợn người qua lời kể của cây viết điều tra Đoàn Quý Lâm

Thứ năm, 07/12/2017 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đoàn Quý Lâm là cây viết điều tra từng đi qua nhiều tờ báo, có thể kể tên Báo Sài Gòn Giải phóng, Báo Người lao động, VTV24… Tên anh, cũng gắn với hàng loạt phóng sự điều tra liên quan tới xâm hại trẻ em, bạo hành, bóc lột lao động trẻ em ở khắp các khu vực từ TP.HCM tới Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu… Những lời kể của anh dưới đây, phần nào lột trần một mảng tối đáng sợ trong cuộc chiến chống bạo hành, xâm hại trẻ em, mà nếu cứ như thế này, không bao giờ chúng ta có thể thắng cuộc!

Niềm tin nào ở các cơ quan công quyền?

Quý Lâm kể, độ 10 năm trước, anh cùng đồng nghiệp phát hiện tình trạng bóc lột lao động trẻ em ngay khu vực quận Bình Tân, nơi những đứa trẻ chỉ 9 hay 11, 12 tuổi phải may đồ cả ngày tới 2, 3 giờ sáng không được ngủ, người lớn có lẽ cũng không thể chịu nổi. “Trẻ chỉ được ra ngoài chơi vào tối thứ 7 một chút, sau đó lại vào làm việc. Chúng ngủ gục trên bàn, trông rất tội, cũng đúng vào mùa này, dịp giáng sinh này…”, anh nhớ lại.

Sau tìm hiểu và đăng bài, cơ quan công an đã xuống xử lý, tịch thu hết máy móc, đám trẻ được “giải phóng”… Và cũng đêm đó, trước khi về nhà, Lâm được hàng xóm gọi điện thông báo có giang hồ cầm mã tấu đứng chờ trước cửa, họ mang quần áo, đồ đạc ra ngoài cho anh để chuyển qua nơi ở khác.

Cũng tại TP.HCM, lần này là một vụ việc liên quan tới trẻ mồ côi, ở ngôi chùa tên Tiên Phước 2, quận Bình Tân.

Chuyện bắt đầu từ tố giác của người làm từ thiện, khi họ thấy nhiều trẻ em bị thương, bệnh tật… “Có tin được không, một phụ nữ khoác áo nhà chùa, sao lại bóc lột, hành hạ trẻ em? Có phải vì mạnh thường quân cứ đổ tiền, hàng vào làm từ thiện, càng khiến họ cố gắng hành hạ, bỏ mặc cho bọn trẻ trông thảm nhất,  khổ sở nhất, để bòn rút lòng thương?…”, Quý Lâm nói.

Đám trẻ đã được cứu thoát nhờ cả 10 bài báo đăng trên báo SGGP, cũng là lúc phóng viên và tờ báo phải đối diện với vụ kiện kéo dài tới 3 năm. Lâm nói: “Tòa án đã xử mình thua, khi bắt bẻ vài câu chữ. Kẻ bóc lột trẻ em đã thắng kiện, báo phải bồi thường danh dự thì còn gì là đau đớn hơn, trông đợi và kỳ vọng gì vào cơ quan công quyền!?”

Cũng theo Lâm, cũng có dấu hiệu chính quyền Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Bình Tân khi đó thông đồng, nương tay với cơ sở này, khi phải qua hơn 10 bài báo, họ mới vào làm việc, dù trước đó, đã có trẻ bị đánh, bị ngược đãi, bị thiệt mạng…

Báo Công luận
Nhà báo Đoàn Quý Lâm và các em nhỏ ở mái ấm Tiên Phước 2 sau khi được đưa về làng trẻ em Picasso (Quận Thủ Đức) 
Một lần khác, ở Đồng Nai, Lâm tham gia viết về vụ việc từng gây chấn động dư luận, khi 5 em nhỏ thương tích đầy mình dắt tay nhau từ TP. Biên Hòa (Đồng Nai) lên TP.HCM. 5 đứa trẻ này ở cơ sở trẻ mồ côi công lập bỏ trốn, đứa gãy tay, đứa bầm tím khắp người, ở vùng sinh dục. Các bé kể bị hành hạ bởi trò thú vật, anh em phóng viên, nhân viên nuôi trẻ tại TP.HCM khi đó chỉ biết nhìn nhau khóc. “Các bé bị đánh quá, không chịu nổi, nửa đêm leo rào, đi bộ trốn lên TP.HCM. Và rồi khi phóng viên vào cuộc, các cơ quan chức năng ở Đồng Nai còn làm khó đủ điều, không cho chụp ảnh, ghi nhận,  tới mức sắp xảy ra xô xát…”, Lâm nhớ lại.

Và một trong những vệt bài khiến Quý Lâm đau đớn nhất, là trường hợp một bé gái câm điếc bị một người 40 tuổi ở quận 8, TP.HCM bắt về làm vợ bé. Bà mẹ lên báo cầu cứu vì đến đòi con thì bị cầm dao đuổi. Báo chí lên tiếng, chính quyền mời bà mẹ lên đồn công an đón con về. Bà sợ, nhờ phóng viên đi theo. Lâm kể tiếp: “Cán bộ hỗ trợ đưa mẹ con họ về. Nhưng hết địa phận quận 8, họ hết phận sự. Và họ không mảy may tính tới việc khởi tố vụ án, khi em bé lúc bị bắt làm vợ chỉ 14 tuổi!?”

Lâm cũng bảo rằng, trong nhiều năm làm mảng điều tra, có nhiều vệt bài bảo vệ trẻ em, anh không dám trông chờ vào lương tâm của một số cơ quan chức năng, nhất là khi một lãnh đạo phụ trách bảo vệ trẻ em TP.HCM có nói rằng “mỗi lần báo chí phản ánh, chúng tôi mệt lắm…”

“Họ mệt, vì họ phải giải quyết. Bình thường, có mặc kệ bọn trẻ ư?!”, anh thất vọng.

Báo Công luận
 
Trẻ em không biết tự vệ, chỉ còn biết trông chờ ở người lớn chúng ta!

Tại sao các vụ xâm hại trẻ em, bạo hành trẻ em, bóc lột trẻ em lại thường diễn ra ở vùng ven các tỉnh, thành phố lớn, từ Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu…?

Theo Quý Lâm, đó là do các khu vực ấy có nhiều người nhập cư, công nhân hay người lao động nghèo. Đã nghèo, họ lại không có hộ khẩu, không vào trường công lập được, phải gửi con tới cơ sở tư nhân, đúng hơn là lớp giữ trẻ, mà không ít trong số ấy là “nuôi nhốt” chứ không hề nuôi dạy. Sáng chở con đi, tối đón con về, các bậc cha mẹ nghèo ấy có biết khoảng thời gian cả ngày ấy, người ta có hành hạ bọn trẻ hay không? Anh nhận định: “Con em của công nhân, người lao động nghèo, ở vùng ven, đứng trước rất nhiều nguy cơ!”

Và theo Lâm, khi trường học thường sâu trong hẻm, không gian ồn ào, cuộc sống hối hả, mọi người lướt qua chứ đâu biết trong đó có thể có các em bé bị bạo hành, ngược đãi,… Làm sao báo chí có thể biết để lên tiếng, để giúp đỡ? Thế nên, điều cần nhất, là người dân phải trở thành tai mắt của phóng viên, của cơ quan chức năng, vì báo chí đăng, cơ quan chức năng tới hôm nay, họ không thể đi theo mãi. Ngày mai, trẻ có thể lại bị bạo hành, bị bóc lột. Nên mỗi người cần phải tự ý thức, tự nhìn xung quanh xem có bao nhiêu cơ sở giữ trẻ, cơ sở nào tự phát, trá hình, cơ sở nuôi trẻ mồ côi có gì lạ thường không…

Anh đau xót: “Những đứa trẻ bị bạo hành mà mình đã từng giúp đỡ, rồi gặp lại, hằn sâu trong đôi mắt chúng, là ký ức đau khổ tuổi thơ. Con gái thì khổ sở u uất, sợ hãi, con trai có thể trở nên bạo lực… Không phải ai cũng nhận ra một đứa bé bị bạo hành. Để tới khi ta nhìn thấy vết thương, nghĩa là bé đã trải qua địa ngục!”

Báo Công luận
 Các bé bị thương tích đầy mình sau khi trốn khỏi nhà mở Đồng Nai trong đêm và đi bộ lên TP.HCM
Về mảng đề tài bảo vệ trẻ em, Lâm cho biết anh từng muốn làm phóng viên chuyên trách về mảng này, nhưng vì mưu sinh, đã không thể đeo đuổi trọn vẹn. “Nên chăng, các báo cần có phóng viên chuyên trách về bảo vệ trẻ em – làm đầu mối cho người dân, các bà mẹ, nạn nhân liên lạc. Phóng viên khi đó sẽ nắm bắt, có điều kiện theo đuổi đến cùng…”, anh đề xuất.

Về những kỷ niệm khi làm điều tra bảo vệ trẻ em, Lâm nói: “Mình có suy nghĩ, trong các vụ việc này, dù phải mất việc vẫn phải viết. Nhưng cần thiết hơn là cơ quan nhà nước phải có những quyết sách mạnh mẽ, đủ sức để răn đe, ngăn chặn ngay việc trẻ bị xâm hại, bóc lột, ngược đãi!

Bọn trẻ chẳng biết vì sao mình bị đánh, chúng chấp nhận vì chúng không thể tự vệ, chúng chỉ còn biết trông chờ ở người lớn chúng ta. Chúng ta xem clip xong, có người sẽ nghĩ đó không phải việc của mình, là việc của báo chí, cơ quan chức năng. Nhưng, khi mỗi người đều có thể thành phóng viên, người đưa tin, với chiếc smartphone của mình, hãy quay lại, chụp lại cảnh trẻ bị tiêm thuốc đi ăn xin, trẻ làm việc ở xưởng may, thổi thủy tinh…, hãy dành một chút thời gian quan tâm, cứu giúp các bé bằng cách đưa thông tin lên mạng, tới báo chí.”

Anh mong mỏi: Người lớn chúng ta, có người thiếu trách nhiệm, nhưng tôi tin rằng, mỗi người trong chúng ta sẽ ngày càng có trách nhiệm hơn, vì các em nhỏ đáng thương, vô tội.

Kiên Giang (ghi)

 

 

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo