Niềm vui xuyên suốt đời nghề

Thứ ba, 11/08/2015 23:10 PM - 0 Trả lời

Trong đời làm báo, tôi có niềm vui lớn. Sinh thời, Bác Hồ hai lần đến thăm và nói chuyện với Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959 và 1962), tôi may mắn đều có mặt và trực tiếp nghe lời Người dạy bảo..

(NB-CL) Trong đời làm báo, tôi có niềm vui lớn. Sinh thời, Bác Hồ hai lần đến thăm và nói chuyện với Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam (năm 1959 và 1962), tôi may mắn đều có mặt và trực tiếp nghe lời Người dạy bảo. "Bác Hồ!”. Cả hội trường đứng dậy, rào rào tiếng vỗ tay. Những người ngồi các hàng ghế sau chen lên phía trước, cố dướn cao chân để được nhìn cho rõ. Bác Hồ tươi cười thoăn thoắt bước vào, vỗ tay đáp lại và ra hiệu mời mọi người ngừng, nhưng tiếng pháo tay càng rộ hơn và kéo dài. Ít người biết Người đang chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng vừa khai mạc ban sáng (17.4.1959) bàn một vấn đề quan trọng: xem xét và quyết định, liệu đến hết năm sau, 1960, miền Bắc có thể hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp và cải tạo công thương nghiệp để từ năm 1961, bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng và phát triển kinh tế. Dù rất bận, Bác Hồ vẫn dành khá nhiều thời gian nói chuyện với Đại hội lần thứ II Hội Những người viết báo Việt Nam, hội tụ 250 đại biểu báo giới, trong đó có nhiều nhà báo miền Nam tập kết như Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Quý Kỳ... hoặc đã nổi tiếng từ trước 1945 như: Phùng Bảo Thạch, Hiền Nhân... Bài nói đi vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với câu mở đầu: “Là một người có nhiều duyên nợ với báo chí, Bác nêu vài ý kiến giúp các cô, các chú tham khảo”. [caption id="attachment_33639" align="aligncenter" width="517"]Nhà báo lão thành Phan Quang. Nhà báo lão thành Phan Quang.[/caption] “Vài ý kiến tham khảo” của Người đề cập những vấn đề lớn, có câu đã trở thành danh ngôn bởi đúng với thực tế muôn đời: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. “Tiếng nói là một thứ quà rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó”. Người nêu vấn đề: “Báo chí phải phục vụ ai?” Và giải đáp: “Báo chí ta cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”. Nói về nghề báo: “Nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ. Phải có chí tự cường, tự lập, kém thì phải cố mà học”. Bác khuyên nhà báo chớ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ”, viết bài cho oai, chỉ thích đăng bài mình lên các báo lớn. Nghề làm báo không chỉ có những người viết báo. Người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v... đều phải ăn khớp với nhau. Trong lao động không có nghề gì hèn, chỉ có lười biếng là hèn. Nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cần phải học thêm kinh nghiệm của anh em. Muốn thế, những người làm báo ít nhất cũng cần một thứ tiếng nước ngoài, v.v... Suốt buổi nói chuyện, Bác Hồ cầm tờ giấy trên tay nhưng tôi để ý hầu như Người không nhìn vào giấy. Chiếc kính đọc sách vẫn đặt trên mặt bàn. Bác nói thao thao, hấp dẫn, thỉnh thoảng chen một lời hài hước làm cả hội trường cười rộ, có khi hào hứng vỗ tay rào rào. Bác nói về ngành in “mà các cô, các chú thích nói chữ gọi là ngành ấn loát”, và bởi người viết bài gọi người dân đánh cá là ngư dân, mà anh công nhân ấn loát không rành chữ Hán, cho nên khi in lên báo “ngư dân” hóa ra “ngu dân”... Các đại biểu như bị lời Bác hút hồn, không một ai nghĩ tới chuyện ghi chép theo thói quen nghề nghiệp. Bài nói của Bác Hồ mà chúng ta được đọc về sau - và in trong Hồ Chí Minh toàn tập - là bản ghi nhanh tại chỗ, trình Người xem lại. Đáp ứng mong muốn của nhiều đại biểu, Bác Hồ nói kinh nghiệm làm báo của mình, Người gọi là “kinh nghiệm ngược”. Bác học viết báo Pháp trước rồi học viết báo Trung Quốc, rồi sau mới học viết báo Việt Nam. Thời làm báo Le Paria xuất bản tại Paris năm 1922, “mình làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo”. Hai mươi năm sau, 1941, trở về nước, Người ra báo Việt Nam độc lập tại núi rừng Việt Bắc, “phải làm rất bí mật vì luôn luôn có mật thám Pháp, Nhật và Bảo Đại rình mò”. Không có tấm đá nhẵn để viết chữ trái lên đó làm bản in, anh em đi lấy trộm một tấm bia rồi phải mài mất mấy ngày mới thành thạch bản. Không có giấy, in, chị em phụ nữ đi chợ mỗi người mua năm, mười tờ, nói là mua cho con cháu học rồi góp lại. Viết trên bản đá, muốn sửa chữa phải dùng axit. Mà axit thì kiếm đâu ra trên rừng? Chị em phụ nữ lại đi mua chanh mang về ủng hộ báo. Trong điều kiện khó khăn như vậy, báo Việt Nam độc lập có số in được 300 bản. Còn việc phát hành thì cứ để báo ở các hang đá bí mật, các đồng chí phụ trách cơ sở Việt Minh theo hẹn đến đó mà lấy. Kể đến đây, Người không quên nhấn mạnh với nụ cười: “Báo bán hẳn hoi, chứ không biếu”. Vẫn cười tươi, Bác Hồ kết thúc: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là “đề tài” thì tất cả các bài Bác viết chỉ có một đề tài là chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”. Ba năm sau, ngày 8/9/1962, cũng vào buổi chiều, Bác Hồ đến thăm Đại hội thứ III (nay đã đổi tên là) Hội Nhà báo Việt Nam và nói chuyện với các đại biểu. Vẫn bộ áo quần bằng lụa nâu dùng mùa hè hình như Bác mặc ba năm trước, vẫn vẻ mặt tươi cười, bước chân thoăn thoắt, Người vào phòng họp. Cùng đi có đồng chí Trường Chinh. Dường như Bác rút kinh nghiệm kỳ Đại hội trước, do đại biểu xếp theo đoàn, các nhà báo nữ ngồi tản mác trong phòng họp, tới khi chụp ảnh kỷ niệm, Người mời các chị lên hàng trước, lần này vừa đặt bao kính xuống bàn, cầm tờ giấy trên tay, Bác nhìn hội trường suốt lượt rồi nói: “Mời các cô lên hàng ghế đầu”. Vậy là tất cả các nữ đại biểu hớn hở ùa lên. Ngoài ba vị lãnh đạo lớn tuổi là Trường Chinh, Xuân Thuỷ và Nguyễn Xiển, còn mọi đại biểu nam lùi về những hàng sau nhường chỗ cho các chị, chị nào chị nấy mặt tươi như hoa. Trong số này, có người mấy năm sau vào Nam chiến đấu và hy sinh tại chiến trường, một số qua đời vì bệnh hoặc tuổi cao, những người còn lại nay thành danh và đều trong ngoài tám mươi. Lần này, Bác Hồ “lấy tư cách một đồng chí có ít nhiều kinh nghiệm về báo chí” phát biểu ý kiến. Người mở đầu bằng lời khen: “Từ ngày hòa bình được lập lại, cán bộ báo chí, thông tin và đài phát thanh đã có cố gắng nhiều và tiến bộ khá”. Bác vẫn thái độ ân cần, nét mặt tươi cười như lần Đại hội trước, tuy nhiên tôi có cảm tưởng lần này Người nghiêm, góp ý nhiều hơn về những mặt báo chí cần cố gắng. Bác dành thời gian nói về vấn đề phê bình trên báo chí: “Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng, “trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm”. Nét mặt vui hơn, Bác tiếp luôn: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý thì Bác xung phong phê bình các báo”. Bài nói của Bác Hồ tại Đại hội III ngắn hơn bài Người phát biểu kỳ Đại hội trước, một số lời Bác cũng đã trở thành danh ngôn hoặc cẩm nang của người làm báo: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, ngắn gọn, dễ đọc? Viết xong nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự cho bài mình là “tuyệt rồi”. Người vẫn đau đáu vấn đề gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”. Bác kết thúc bài nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ... Lời ngắn, ý dài. Chúc các cô, các chú đoàn kết, phấn khởi, cố gắng và tiến bộ”.❏

Phan Quang

Tin khác

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

Phát hành bộ tem về Điện Biên Phủ từ quá khứ hào hùng đến đổi mới và phát triển

(CLO) Bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phát hành dự kiến vào ngày 5/5 tới, gồm 4 mẫu nói về quá khứ hào hùng đến tương lai tươi sáng của Điện Biên Phủ.

Nghề báo
Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

Báo Tiền Phong khởi động cuộc thi viết, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường

(CLO) Cuộc thi viết, trắc nghiệm, ảnh, video sáng tạo về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu mang tên “GIẤC MƠ XANH” do Báo Tiền Phong tổ chức đã chính thức được khởi động từ ngày 1/5/2024 trên phạm vi toàn quốc, với nhiều hình thức và giải thưởng hấp dẫn...

Nghề báo
Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường”

(CLO) Ngày 3/5, Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) phối hợp các đơn vị tổ chức lễ bàn giao thư viện cho các trường: TH-THCS Phước Hiệp; THCS Đồng Khởi; THCS Bình Khánh (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre). Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Thắp sáng niềm tin – Vượt khó đến trường” do Báo SGGP thực hiện.

Nghề báo
Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

Báo Phụ nữ TP HCM công bố Cuộc thi viết “Vẻ đẹp của nước”

(CLO) Ngày 2/5, Báo Phụ nữ TP HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp báo công bố Cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước”.

Nghề báo
Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

Toạ đàm về xu hướng truyền thông mới: Biến khó khăn thách thức thành cơ hội phát triển

(CLO) Nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động Đoàn gắn với công tác chuyên môn nghiệp vụ, chiều 2/5, Ban chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình tọa đàm “Xu hướng truyền thông mới – Cơ hội và thách thức”.

Nghề báo