Ninh Bình: Tập trung cao độ sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp

Thứ sáu, 10/05/2024 08:34 AM - 0 Trả lời

(CLO) Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung cao độ trên cả 3 lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.

UBND tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức hội nghị phiên thường kỳ để thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 5 năm 2024. Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn chủ trì hội nghị.

ninh binh tap trung cao do san xuat cong nghiep dich vu va san xuat nong nghiep hinh 1

UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị phiên thường kỳ để thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 5 năm 2024. Ảnh: Báo NB

Trong tháng 4 năm 2024, mặc dù tình hình trong nước và khu vực tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp duy trì phát triển sản xuất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ.

Theo đó, sản xuất công nghiệp đang dần ổn định, tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 năm 2024 đạt 8.534,4 tỷ đồng, tăng 8,6%; lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 30.863,9 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp ổn định ở cả 3 lĩnh vực: trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, thủy sản đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4,3% so với cùng kỳ, dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, chủ động triển khai công tác phòng, chống cháy rừng và ứng phó với các tình huống thiên tai.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo; tiếp tục huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với các xã, huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. 

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động và đạt được tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là các ngành dịch vụ du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng tăng 15,5%, lũy kế 4 tháng tăng 36,8% so với cùng kỳ; hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 4 tăng 7,3%, lũy kế 4 tháng tăng 11,7%.

Đặc biệt, du lịch tiếp tục khẳng định Ninh Bình là điểm đến hàng đầu của cả nước với lượng khách tham quan trong 4 tháng tăng 33,8%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 56,7% so với cùng kỳ.

ninh binh tap trung cao do san xuat cong nghiep dich vu va san xuat nong nghiep hinh 2

Hàng nghìn người dân và du khách đã tham gia vào hành trình rước rồng tại Lễ hội Tràng An năm 2024.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi; công tác giáo dục, y tế, an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, đời sống nhân dân ổn định, nhiều mặt được cải thiện. Trong dó, chuỗi hoạt động Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (2014-2024); kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924-2024) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024... đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút được sự tham gia của đông đảo du khách trong và ngoài nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Công tác xây dựng chính quyền, tư pháp, dân tộc, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tập trung thực hiện; quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ hơn những kết quả đạt được trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, những khó khăn vướng mắc; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chính như: đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp; các địa phương quyết liệt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh.Triển khai sắp xếp đơn vị hành chính gắn với Quy hoạch đô thị, Quy hoạch tỉnh; triển khai Quy hoạch Cố đô Hoa Lư; chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2024 và rà soát, xử lý dứt điểm các điểm vi phạm về lưới điện.

Đồng thời tập trung chuẩn bị các điều kiện cho Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT; phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo trang thiết bị, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh.

Công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân. Tăng cường thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.

Tại hội nghị, các ý kiến cũng tập trung bàn giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ đấu giá giá trị quyền sử dụng đất, quản lý chặt chẽ các nguồn thu từ hoạt động du lịch..., góp phần đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước đã đề ra.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cả năm, các đại biểu nhấn mạnh việc cần thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các doanh nghiệp công nghiệp, chủ lực, có đóng góp lớn cho tỉnh.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn nhấn mạnh: Những kết quả nổi bật đạt được trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh, và các sở, ban, ngành.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung cao độ trên cả 3 lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp.

Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, công tác thu ngân sách nhằm tạo nguồn lực đầu tư, góp phần phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo nguồn lực đầu tư công trung hạn.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện trình tự thủ tục triển khai các dự án mới; chủ động thực hiện các giải pháp trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo kịp thời, đáp ứng yêu cầu tiến độ triển khai các dự án.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai, tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tiến độ, hiệu quả, đúng quy định, nhất là quan tâm làm tốt công tác chuẩn bị, đảm bảo Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh được tổ chức trang trọng, quy mô, làm nền tảng để thu hút đầu tư.

Cùng với đó, tập trung cao cho công tác triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Đẩy nhanh tiến độ triển khai lập, hoàn thiện các quy hoạch quan trọng như: Đề án phân loại, công nhận đô thị trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình;

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước. Quan tâm đảm bảo công tác ANTT; triển khai thực hiện Đề án 06, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở... Tập trung chuẩn bị tốt các nội dung cho Kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp giữa năm của HĐND tỉnh.

Trần Anh

Bình Luận

Tin khác

Quy mô kinh tế Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng

Quy mô kinh tế Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng

(CLO) Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Kinh tế vĩ mô
Nam Định: Cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án nhà máy giấy bao bì công nghệ cao với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD

Nam Định: Cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án nhà máy giấy bao bì công nghệ cao với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu USD

(CLO) Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Nam Định vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy tại KCN Bảo Minh mở rộng (huyện Vụ Bản).

Kinh tế vĩ mô
Nghịch lý: Doanh nghiệp “chết yểu” tăng liên tục, ngân hàng vẫn 'sống khỏe'

Nghịch lý: Doanh nghiệp “chết yểu” tăng liên tục, ngân hàng vẫn "sống khỏe"

(CLO) Theo báo cáo của VEPR, có một nghịch lý là trong khi cần để san sẻ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thì các ngân hàng vẫn duy trì mức sinh lời cao từ hoạt động cho vay.

Kinh tế vĩ mô
Nam Định: Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng

Nam Định: Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng

(CLO) 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh Nam Định tăng 13,27% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng cao nhất từ 2019 đến nay; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,57%.

Kinh tế vĩ mô
Vì sao càng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước càng quản giá vàng lại càng tăng?

Vì sao càng chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước càng quản giá vàng lại càng tăng?

(CLO) GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội đặt câu hỏi: Phải chăng là đấu thầu lại đang là nhân tố để làm cho giá vàng trên thị trường tăng lên. Xóa bỏ độc quyền vàng miếng, trả vàng trang sức về cho thị trường.

Kinh tế vĩ mô