Nông dân Bình Thuận: Nghèo vì thanh long, giàu nhờ bán đất

Thứ năm, 19/05/2022 10:04 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Mặc dù giá thanh long trong những tháng đầu năm 2022 mất giá thảm hại, thế nhưng, nông dân tại xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, Bình Thuận lại không hề buồn. Ngược lại, họ lại rất vui mừng, nhưng vui là nhờ giá đất lên rất cao.

Nghèo vì thanh long

Từ lâu, thanh long Bình Thuận đã gây được tiếng vang không chỉ trong nước, mà còn rất được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

nong dan binh thuan ngheo vi thanh long giau nho ban dat hinh 1

Mất giá, nông dân bỏ cho cây thanh long tự sinh tự diệt.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuối năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19, cả nước có khoảng 63 tỉnh, thành phố đang trồng thanh long, với tổng diện tích khoảng 54.000ha.

Trong đó, Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất, với khoảng 29.000ha, chiếm khoảng 54% tổng diện tích trồng thanh long của cả nước. Vì lẽ đó, Bình Thuận được mệnh danh là “thủ phủ” của giống cây này.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19 đã khiến thanh long mất giá thảm hại. Nhiều nông dân rơi vào cảnh thiệt hại nặng, buộc phải “nhổ cọc”, chuyển đổi sang các giống cây trồng khác.

Đặc biệt, năm 2022, Trung Quốc, thị trường nhập khẩu thanh long chủ lực của Bình Thuận kiểm soát chặt chẽ thương mại biên giới, do các chính sách phòng chống dịch “không - COVID”. Hành động này tiếp tục giáng một đòn mạnh vào tương lai của giống cây này.

Đầu tháng 3/2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận, về việc diện tích trồng thanh long đã giảm gần 1.000ha.

Huyện Bắc Bình là địa phương có diện tích thanh long giảm nhiều nhất với 595ha. Trong đó có khoảng 361ha thanh long già cỗi, sản lượng thấp nên người dân chủ động chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác hoặc giống khác.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, số lượng người dân “buông bỏ” giống cây này nhiều hơn báo cáo của ngành nông nghiệp Bình Thuận.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông A. - một nông dân trồng thanh long tại xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, Bình Thuận cho biết: Điều dễ nhận thấy nhất về việc nông dân không còn mặn mà với giống cây này, chính là vào buổi tối.

“Mọi năm, thời điểm này đang bắt đầu thu hoạch bán cho thương lái. Do đó, các hộ dân sẽ treo đèn sợi tóc ở các gốc cây, để kích thích cây tăng trưởng. Nhờ đó, vào buổi tối, các vùng trồng thanh long sẽ sáng rực như ban ngày. Tuy nhiên, mùa vụ năm nay, rất ít nhà treo đèn, đường phố tối om”, ông A. chia sẻ.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, ông A. nói: Để nông dân huề vốn, giá thanh long phải đạt tối thiểu từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm.

Thế nhưng, trong suốt 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19, giá thanh long liên tục mất giá, từ 20.000 đồng/kg (thời điểm trước khi xuất hiện dịch bệnh), xuống còn 5.000 đồng/kg (năm 2021), có lúc rơi xuống 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Thậm chí, đầu năm 2022, giá thanh long xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 300 đồng/kg. Tức là, mỗi kg thanh long được bán với giá này, nông dân bị lỗ 9.700 đồng.

Không những vậy, mùa vụ năm nay được đánh giá là mất mùa, sản lượng trồng chỉ bằng 50% - 60% so với mọi năm. Đó là chưa kể, giá phân bón, giá xăng liên tục tăng “sốc”, đã khiến nông dân lỗ “gồng” lỗ.

Thanh long năm nay vừa mất giá, vừa mất mùa. Nhớ lại thời điểm thu hoạch đầu năm, không có thương lái đến mua, hàng trăm tấn thanh long chất thành đống, rồi cho bò ăn. Nhìn như vậy, nông dân nào mà chẳng xót”, ông A. nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn T. - một hộ dân khác cùng xã có 5ha trồng thành long. Tại thời điểm giá thanh long xuống thấp kỷ lục, mỗi tháng ông T. phải chịu lỗ 500 triệu đồng.

Giống cây này rất tốn công chăm sóc, phải bón phân, phun nước thường xuyên. Buổi tối phải chăng đèn để cây nhanh cho ra quả. Với mức giá chỉ vài trăm đồng cho mỗi kg, chúng tôi không tài nào gánh được. Chỉ còn cách để đó, cho cây tự sinh tự diệt. Nhìn thì tiếc, nhưng càng làm càng lỗ”, ông T. chia sẻ với phóng viên.

Giàu nhờ bán đất

Trái ngược với tình cảnh thanh long mất giá thê thảm, giá đất tại Bình Thuận lại tăng chóng mặt trong 1 năm trở lại đây. Trong đó, “tâm điểm” của thị trường thuộc về 2 xã Hồng Thái và Phan Rí Thành, thuộc huyện Bắc Bình.

nong dan binh thuan ngheo vi thanh long giau nho ban dat hinh 2

Theo chia sẻ của một số hộ dân tại xã Hồng Thái, năm 2015, giá đất tại các thôn nằm sâu trong xã có giá khoảng 50 triệu đồng/ha. Các lô đất nằm cạnh đường lớn, nhất là nằm sát đường Quốc lộ 1A, giá đất dao động trong khoảng 150 triệu - 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, giá đất tại xã Hồng Thái đã tăng 10 lần, dao động từ 500 triệu đồng - 2 tỷ đồng/ha, tùy từng vị trí. Càng nằm gần Quốc lộ, giá đất càng cao.

Đến thời điểm hiện tại, giá đất tiếp tục tăng một cách phi lý, tăng 4 lần so với cuối năm 2020. Cụ thể, những mảnh đất trước đây có giá 50 triệu đồng/ha, hiện có giá 2 tỷ đồng/ha. Trong khi các mảnh đất nằm gần đường quốc lộ tăng “sốc” lên khoảng 10 - 15 tỷ đồng/ha.

Việc giá đất tăng “sốc” trong 1 năm gần đây, bản thân nông dân thuộc 2 xã này cũng phải bất ngờ. Vì trong bán kính 5km, xung quanh xã Hồng Thái chỉ có duy nhất một dự án điện gió, trong khi đa phần khu vực này là đất nông nghiệp, trồng thanh long.

Theo một số lời đồn, được truyền tai từ các “cò” đất, giá đất tại khu vực này tăng cao như vậy, là ăn theo quy hoạch của dự án sân bay Phan Thiết. Tuy nhiên, từ khu vực đang xây dựng sân bay Phan Thiết, tới xã Hồng Thái cách nhau hàng chục cây số. Vì vậy, tin đồn này được nhiều người cho rằng không hợp lý.

Cũng có một số tin đồn, khu vực bờ biển huyện Bắc Bình, sắp có nhiều dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nên giá đất mới tăng như vậy.

Đặc biệt, có một “cò” đất quả quyết khu vực xã Hồng Thái, xã Phan Rí Thành, thậm chí một số xã giáp ranh thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được cho là có rất nhiều titan. Do đó, “cò” đất đang đi gom để chờ đền bù.

Khi phóng viên đến khảo sát, một hộ dân tại đây lên tiếng không hiểu vì sao “cò” đất lại gom số lượng rất lớn đất đai, có bao nhiêu “cò” mua bất nhiêu. Trong khi khu vực này nhìn qua chẳng mang lại lợi lộc gì cho họ, 4 phía đều chỉ trồng thanh long.

Cho dù giá đất tăng cao vì lý do gì, thì một thực tế đang diễn ra, chính là việc nông dân trồng thanh long trước đây bỗng dưng đổi đời nhờ bán đất.

Riêng tại xã Hồng Thái, một số hộ dân dè chừng thì bán một nửa, một nửa thì chuyển đổi sang trồng các giống cây khác, hoặc phát triển trang trại. Một số khác thì bán hết, có bao nhiêu đất, bán bấy nhiêu, chỉ chừa lại khoảng vài trăm mét vuông để xây dựng nhà cửa.

Cũng vì tự dưng có một khoản tiền “khổng lồ” từ việc bán đất, nhiều hộ dân đã dành phần lớn tiền đất để xây nhà lớn. Nhà nào bán được ít đất thì “chỉ dám” mua xe máy, sang hơn thì mua xe tay ga cho cả nhà, mỗi người một cái. Trong khi nhà nào bán được nhiều đất hơn thì sẵn sàng chi cả tỷ đồng để mua ô-tô.

Câu chuyện nông dân bỗng dưng giàu lên nhờ bán đất đã không còn là chuyện hiếm. Thế nhưng, không ai biết chắc chắn, sau khi tiêu hết tiền nhờ bán đất, nông dân sẽ mưu sinh cuộc sống thế nào.

Ông T. - một hộ dân tâm sự: “Cả đời làm nông nghiệp, hết trồng lúa, thì trồng thanh long, chưa bao giờ có vài tỷ trong tay. Khi có tiền rồi, chúng tôi không còn buồn vì thanh long mất giá nữa, thay vào đó mua sắm, chi tiêu cho gia đình. Khoản còn lại thì gửi tiết kiệm, tiền lãi hàng tháng có khi còn nhiều hơn trồng thanh long”.

Trần Định

Bình Luận

Tin khác

Mưa lớn gây sạt lở đất tại móng cột dự án đường dây 500kV, 7 công nhân thương vong

Mưa lớn gây sạt lở đất tại móng cột dự án đường dây 500kV, 7 công nhân thương vong

(CLO) Mưa lớn đột ngột, tại vị trí móng cột số 28 dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua Hà Tĩnh bị sạt lở đất đã vùi lấp lán trại của công nhân đang làm việc ở công trường khiến 3 người tử vong, 4 người bị thương, 11 người chạy thoát an toàn.

Đời sống
Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa, sẵn sàng đón đại lễ

Thành phố Điện Biên Phủ rực rỡ cờ hoa, sẵn sàng đón đại lễ

(CLO) Những ngày này, khắp các tuyến phố, con đường lớn ở TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) rực rỡ cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ chào mừng sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Đời sống
Quảng Ninh phát hiện 2 tấn xúc xích chảy nước không rõ nguồn gốc

Quảng Ninh phát hiện 2 tấn xúc xích chảy nước không rõ nguồn gốc

(CLO) Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh (QLTT) đã phát hiện một chiếc ô tô tải đang chuẩn bị vận chuyển 2 tấn xúc xích không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại Móng Cái trong đêm 5/5.

Đời sống
Nam Định: Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân 2024

Nam Định: Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân 2024

(CLO) UBND tỉnh Nam Định vừa có Công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chức năng, các địa phương tiếp tục tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa vụ xuân năm 2024.

Đời sống
Thanh Hóa: Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã

Thanh Hóa: Nguyên nhân cá chết hàng loạt trên sông Mã

(CLO) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo làm rõ nguyên nhân gần 13 tấn cá chết hàng loạt trên sông Mã thời gian vừa qua.

Đời sống