PGS. TS Bùi Thị An: Có chuyện móc nối lấy đất giá rẻ, rồi “ôm đất” chờ lên giá hưởng lợi

Thứ sáu, 15/10/2021 07:05 AM - 0 Trả lời

(CLO) PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, có câu chuyện “móc nối” với nhau để "lấy" đất với giá rẻ, xong “ôm đất” rất nhiều năm chờ lên giá để hưởng lợi. Do đó, phải rà soát ngay, xử lý nghiêm minh hành vi "ôm đất" chờ tăng giá, bởi đây vấn đề cấp bách.

Trong chương trình phiên họp thứ 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia.

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thời gian qua, Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; diện tích đất trồng lúa được bảo vệ, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu.

pgs ts bui thi an co chuyen moc noi lay dat gia re roi om dat cho len gia huong loi hinh 1

Nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả. Ảnh: internet

Theo Báo cáo số 20/BC-HĐND của HĐND TP Hà Nội liên quan đến tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố chỉ ra rằng, đến tháng 5/2021, trên địa bàn thành phố có 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Tại phiên họp, UBTVQH cũng thống nhất cho rằng, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch của tài nguyên, đặc biệt đất đai phải đi trước một bước làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do đó, vừa phải cụ thể thực hiện nhưng phải bao quát, có tầm nhìn để tạo không gian phát triển.

UBTVQH cũng thống nhất, cần phải rà soát, trao đổi thông tin, thống nhất với các bộ, ngành, địa phương để hạn chế tối đa mâu thuẫn, chồng chéo với quy hoạch ngành, vùng, các quy hoạch có liên quan và phù hợp với yêu cầu phát triển của từng vùng, từng ngành, từng địa phương, gắn kết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với phát triển kinh tế từ nguồn lực đất, tài chính đất đai để khai thác có hiệu quả, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực và lợi ích nhóm trong sử dụng đất.

Đưa ý kiến thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cần có giải pháp hoàn thiện pháp luật về chính sách đất đai để điều tiết nguồn thu. Ông Định nhấn mạnh, nguồn thu này là rất quan trọng để sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, phát triển cho thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, thời gian qua, việc sử dụng đất chưa được tiết kiệm, giá trị gia tăng của đất "chảy" vào hết người có đất mặt đường, còn người mất đất thì chịu thiệt, Nhà nước cũng thất thoát tiền... Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần đánh thuế cao đối với đất phi nông nghiệp.

"Khi anh giữ đất mà không đầu tư, chỉ chờ giá đất tăng, đầu cơ tăng giá thì phải nộp thuế cao để tránh lãng phí đất. Riêng đất nông nghiệp thì nên đánh thuế thấp, thậm chí có thể miễn", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề xuất.

Thực tế, việc để lãng phí đất đai thời gian qua cũng là vấn đề nóng được dư luận nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm. Có nhiều dự án “ôm đất chờ thời”, bỏ hoang cả chục năm trời gây lãng phí rồi với “chiêu bài” gia hạn, chuyển nhượng hoặc lách việc thanh, kiểm tra… dẫn đến việc xử lý chưa được thực hiện một cách quyết liệt. Do đó, đề xuất của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định được xem là rất quyết liệt để xử lý tình trạng này.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội cho biết, về nguyên nhân dẫn đến sử dụng đất chưa hiệu quả là do một số địa phương quản lý còn chưa tốt, dẫn đến các chủ đầu tư phạm luật, lợi dụng "ôm đất" nhằm trục lợi.

pgs ts bui thi an co chuyen moc noi lay dat gia re roi om dat cho len gia huong loi hinh 2

PGS. TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội.

Ủng hộ với ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, bà An khẳng định, đất đai là tài sản vô giá, là sở hữu của toàn dân, do Nhà nước quản lý, cho nên làm thế nào để sử dụng tài sản vô giá hiệu quả, đúng giá trị của nó là mục tiêu. Bà An cũng nhấn mạnh, nên rà soát ngay lập tức các dự án đầu tư đang “ôm đất” mà không triển khai để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

“Luật đã quy định rồi, dự án nếu không triển khai trong thời gian quy định thì phải xử lý, thu hồi đất. Phải xử lý nghiêm minh việc này, không thể cho phép cứ kéo dài, dền dứ mãi được. Nếu có việc kéo dài dự án mà không triển khai phải làm rõ ai là người cho phép điều chỉnh, người đó phải chịu trách nhiệm, xử lý một cách nghiêm minh vì đất đai như tôi nói là tài sản vô giá”, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Bà An cũng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát kế hoạch sử dụng đất, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc, không riêng tỉnh, thành phố nào. Quốc hội cho rà soát nhưng phải có thời hạn nhất định, phải báo cáo, không được kéo dài từ năm này qua năm khác. “Đây là vấn đề cấp bách, có câu chuyện người ta móc nối với nhau để "lấy" đất với giá rẻ xong "ôm đất", để đó rất nhiều năm chờ lên giá nhằm hưởng lợi, trong khi Nhà nước, người dân không được hưởng lợi gì cả”, bà An nói.

PGS. TS Bùi Thị An cũng cho biết, việc tham ô, tham nhũng từ đất đai là rất nhiều, nhưng nếu có thể thì nên xử lý bằng tài chính – tức đánh thuế cao các chủ đầu tư “ôm đất”, điều này phải làm minh bạch. Xử lý như thế nào? Giá trị là bao nhiêu?... phải tương xứng với phần chủ đầu tư hưởng lợi, với giá trị hiện hành.

Cùng với đó, cần phải có xử phạt nghiêm minh, phải đủ sức răn đe về hành vi làm lãng phí đất đai. Ví dụ, giá trị lợi nhuận họ thu sau 1 ngày là 1 tỷ đồng mà phạt 100 triệu đồng thì rõ ràng chưa đủ sức răn đe, chủ đầu tư họ không sợ, sẽ tiếp tục vi phạm.

Liên quan đến đề xuất về việc đánh thuế thấp, có thể miễn thuế đối với đất nông nghiệp, PGS. TS Bùi Thị An cũng ủng hộ đề xuất này nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mặt khác, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bà An cũng cho rằng, việc đánh thuế hay miễn giảm ra sao phải thực hiện có kế hoạch, minh bạch, làm rõ những đối tượng được hưởng chính sách và công khai những khu vực được miễn giảm. Theo bà An, việc công khai sẽ giúp người nông dân, đối tượng đang sử dụng phần lớn diện tích đất nông nghiệp được biết, được giám sát, được thụ hưởng.

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

(CLO) UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tin tức
Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

(CLO) Tối ngày 26/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Tin tức
Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức