Phiên tòa xét xử vụ đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài: Dương Tự Trọng bị đề nghị 18-20 năm tù

Thứ sáu, 03/04/2015 06:54 AM - 0 Trả lời

Phiên tòa xét xử vụ đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài: Dương Tự Trọng bị đề nghị 18-20 năm tù

(congluan.vn) - Hôm nay (7/1), TAND Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ đưa Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài. Ông Dương Chí Dũng cũng xuất hiện trước tòa với tư cách nhân chứng.
 
Hôm nay, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng (SN 1961, trú ở phố Cầu Đất, Ngô Quyền) – nguyên Phó giám đốc Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Tổng cục VII - Bộ Công an) cùng đồng phạm là Vũ Tiến Sơn (SN 1966, trú ở phường Cát Bi, quận Hải An) – nguyên Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, CATP Hải Phòng với tội danh “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.
 
5 bị cáo còn lại gồm: Hoàng Văn Thắng (SN 1970), Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985) – đều nguyên là cán bộ CATP Hải Phòng; Đồng Xuân Phong (SN 1974, trú ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng), Trần Văn Dũng (tức Dũng Bắc Kạn, SN 1968, ở xã An Đồng, huyện An Dương) và Phạm Minh Tuấn (SN 1961, trú tại phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền) – nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng (Hải Phòng).
 
Báo Công luận 
 
An ninh trước giờ khai mạc phiên xét xử được thắt chặt 
 
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng (khi đó đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) biết được thông tin sẽ bị Cơ quan CSĐT - Bộ Công an khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng" nên đã thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng (khi đó là Phó Giám đốc công an TP.Hải Phòng) và được Dương Tự Trọng bảo tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái của Trọng ở đường Nguyễn Khánh Toàn (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội). Trọng đã mượn điện thoại của Nguyễn Trọng Ánh liên lạc yêu cầu bạn gái ra đón Dương Chí Dũng vào nhà, chờ người của Dương Tự Trọng đến đón.
 
Sau đó, Dương Tự Trọng gọi điện cho Vũ Tiến Sơn và Hoàng Văn Thắng đến phòng làm việc để thông báo việc Dương Chí Dũng bị khởi tố, bắt giam và bàn bạc việc tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.
 
Ngay sau đó, Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Nguyễn Trọng Ánh và Nguyễn Thái Hưng (cán bộ Hải quan Hải Phòng) cùng đi lên Hà Nội. Trọng còn giao cho Hoàng Văn Thắng lái xe ôtô do Vũ Tiến Sơn mượn đến đón Phạm Minh Tuấn (bạn thân của Trọng) cùng đi Hà Nội. Đến khu vực Phố Nối (tỉnh Hưng Yên), hai nhóm này gặp nhau và Trọng yêu cầu Phạm Minh Tuấn đến đón Dương Chí Dũng rồi đưa xuống Quảng Ninh.
 
Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn đã bàn bạc, thống nhất giao cho Sơn đứng ra liên lạc, phân công các đối tượng trong nhóm này tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài. Sơn đã gọi cho Đồng Xuân Phong (là đối tượng đang bị truy nã trong vụ án khác) và Dũng "Bắc Kạn" (đối tượng giang hồ ''cộm cán'' tại TP.Hải Phòng) để cùng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.
 
Sau đó, Dương Chí Dũng lên xe ôtô do đồng bọn chuẩn bị trước để vào TPHCM rồi theo kế hoạch đưa Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch qua khu vực biên giới cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và từ Campuchia sang Mỹ. Tối 23/5/2012, các đối tượng đã đưa Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia.
 
Trưa 24/5/2012, Phong mua vé máy bay cùng Dương Chí Dũng từ Campuchia sang Singapore để Dương Chí Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Do không được phép nhập cảnh vào Mỹ nên Dương Chí Dũng đã phải quay lại lẩn trốn ở Campuchia.
 
Ngày 6/7/2012, Phong sang Campuchia để sắp xếp cho Dương Chí Dũng đến ở nhờ nhà người quen của mình. Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị cơ quan chức năng Campuchia và Việt Nam bắt giữ.
 
Viện KSND Tối cao nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, do Dương Tự Trọng chủ mưu và cầm đầu. Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng ''sim rác'', thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội...
 
9 giờ sáng, sau khi đọc xong bản cáo trạng, HĐXX đã hỏi các bị cáo nội dung bản cáo trạng đúng hay sai. Tất cả các đồng phạm của Dương Tự Trọng đều trả lời là đúng, riêng bị cáo Dương Tự Trọng trả lời là không có ý kiến gì.
 
Khi bước sang phần xét hỏi, hầu hết các bị cáo đều thành khẩn khai báo và nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Bị cáo Nguyễn Trọng Ánh khai: “Ban đầu bị cáo đi đưa đón anh Dũng, anh Trọng không nói rõ là bảo bị cáo đưa anh Dũng bỏ trốn. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo mới chuyển về công tác tại Phòng CSĐT về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng. Vì thế anh Trọng không thể tin tưởng mà nhờ bị cáo đưa anh trai anh Trọng bỏ trốn. Vì vậy mong HĐXX xem xét cho bị cáo”.
 
 
 Báo Công luận
 
Bị cáo Dương Tự trọng và các đồng phạm
 
Bị cáo Phạm Minh Tuấn khai nhận, tuy biết hành vi của bị cáo là phạm pháp nhưng lại cho rằng, “phạm tội là do anh Trọng là chỗ bạn bè nhờ cậy. Bị cáo cũng không am hiểu luật pháp. Nhưng khi cán bộ điều tra giải thích thì bị cáo nhận thức được mình đã phạm tội.”
 
Bị cáo Vũ Tiến Sơn khai nhận, Sơn là người được Trọng bàn bạc, thống nhất và giao việc liên lạc, phối hợp, điều khiển mọi hoạt động của các bị can và các đối tượng khác tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Sau đó, Sơn đã 2 lần nhận tiền của Trọng (34.000 USD) để giao cho Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng mang sang Campuchia cho Dũng.
 
Khai nhận tại tòa, Sơn cho biết, Sơn và Trọng không chỉ là quan hệ cấp trên cấp dưới mà hai người còn coi nhau như anh em ruột. Vào chập tối ngày 17/5, Trọng gọi Sơn vào phòng làm việc và cho biết Dương Chí Dũng đã bị khởi tố và có lệnh bắt tạm giam. Trọng bảo Sơn là cần phải đưa Dũng sang Mỹ tạm lánh một thời gian. Sau khi bàn bạc, Sơn cùng một số đối tượng khác đã ra Hà Nội đón Dương Chí Dũng để đưa Dũng đi trốn.
 
Sau phần khai của Sơn, Dương Tự Trọng được gọi lên trước vành móng ngựa để tòa xét hỏi. Liên quan đến lời khai của Sơn, Trọng trả lời: “Bị cáo không có ý kiến gì. Bị cáo không phủ nhận cũng không thừa nhận. Gia đình bị cáo xảy ra chuyện đột ngột khiến bị cáo không còn nhớ gì nữa.”
 
Sáng nay, Dương Chí Dũng cũng được đưa ra tòa để đối chất.
 
Chiều 7/1, kết thúc phần xét hỏi, đại diện VKS tiến hành luận tội. Theo đại diện VKS, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận, lời khai phù hợp với tài liệu, hồ sơ vụ án. Riêng Dương Tự Trọng không khai nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng xét kết quả điều tra, lời khai các nhân chứng tại tòa thì đã đủ cơ sở kết luận: Dương Tự Trọng đã hướng dẫn cho Dương Chí Dũng trốn ở nhà bạn gái tên Nhung. Sau đó trực tiếp chỉ đạo các bị cáo khác tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn vào TP.HCM rồi sau đó trốn ra nước ngoài.
 
Hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận không tốt. Việc Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia không những gây khó khăn cho quá trình điều tra vụ án mà gây hoài nghi trong dư luận. Vụ án có đồng phạm, có tổ chức, hành vi phạm tội của các bị cáo được thực hiện chặt chẽ, chính xác.
 
Xét tính chất mức độ hành vi của các bị cáo, đại diện VKS đề nghị mức án:
 
1. Dương Tự Trọng: từ 18-20 năm tù.
2. Vũ Tiến Sơn: Từ 17-18 năm tù.
3. Hoàng Văn Thắng: Từ 6-7 năm tù
4. Đồng Xuân Phong: 6-7 năm tù
5. Trần Văn Dũng: 6-7 năm tù
6. Nguyễn Trọng Ánh: 6-7 năm tù
7. Phạm Minh Tuấn: 5-6 năm tù
 
Sáng mai, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
 
Diễn biến chính của vụ án:
Ngày 17/5/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và chức vụ xảy ra tại Vinalines. Quyết định khởi tố Dương Chí Dũng được ký cùng ngày.
Ngày 18/5/2012, Cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt, khám xét nhưng ông Dũng không có mặt tại nhà và cơ quan. Cũng trong ngày hôm đó, Bộ Công an phát lệnh truy nã nghi can này.
Giữa tháng 6/2012, lệnh truy nã quốc tế Dương Chí Dũng được Interpol phát đi.
Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị bắt tại Campuchia.
Ngày 7/9/2012, vụ án tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài được khởi tố. Trần Văn Dũng là nghi can đầu tiên bị bắt (ngày 4/9/2012).
Ngày 5/12/2012, Vũ Tiến Sơn bị bắt.
Ngày 18/12/2012, Đồng Xuân Phong bị bắt.
Ngày 27/1/2013, Hoàng Văn Thắng bị bắt.
Ngày 28/1/2013, Nguyễn Trọng Ánh bị bắt.
Ngày 22/2/2013, Dương Tự Trọng bị bắt. Lúc này Dương Tự Trọng đã được thăng chức làm Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội, Bộ Công an.
Ngày 20/3/2013, Phạm Minh Tuấn bị bắt.

 
  • PV

Tin khác

Sáng nay, Quốc hội khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7

Sáng nay, Quốc hội khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7

(CLO) Sáng nay (20/5), thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV sẽ khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tin tức
Đại tướng Phan Văn Giang thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Trị

Đại tướng Phan Văn Giang thăm, tặng quà gia đình chính sách tại Quảng Trị

(CLO) Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2024), ngày 19/5, Đoàn công tác của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tin tức
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng Đại lễ Phật đản 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng Đại lễ Phật đản 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh

(CLO) Chiều 19/5, nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 (Dương lịch 2024), Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã đi thăm, chúc mừng lãnh đạo một số cơ sở tôn giáo Phật giáo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức
Chính phủ ban hành quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế

Chính phủ ban hành quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Tin tức
Đề xuất “cấm tuyệt đối” nồng độ cồn khi lái xe

Đề xuất “cấm tuyệt đối” nồng độ cồn khi lái xe

(CLO) Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho biết: Trong báo cáo trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất “cấm tuyệt đối” nồng độ cồn đối với lái xe.

Tin tức