Phóng viên mảng nội chính “đất” rộng để tác nghiệp

Thứ năm, 05/04/2018 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phóng viên mảng nội chính lâu nay vẫn được các phóng viên mảng khác ngưỡng mộ bởi tính chất nghề nghiệp “đặc thù” với nhiều câu chuyện hậu trường hấp dẫn. Cuộc trò chuyện với nữ nhà báo Kiều Minh, “cây nội chính” của kênh VTC1 lại một lần nữa cho chúng ta thấy rõ điều này.

Nội chính vẫn là mảng rất hút… phóng viên

+ Áp lực tin bài đáp ứng tính thời sự của một PV nội chính ngày càng đòi hỏi cao. Với chị - một nữ PV nội chính thì thế nào?

- Thực ra bây giờ mảng nội chính cũng vẫn là mảng rất “hút” bởi sức hút của thông tin nội chính với độc giả, khán giả rất lớn. Bạn thấy đấy, báo chí, mạng xã hội, thậm chí ngoài quán chè chén… bây giờ những cụm từ “đầy chất nội chính” như: “củi tươi, củi khô”, “tham nhũng, tiêu cực, lãng phí”, “chạy chức, chạy quyền”, “củi khô, chổi đót”… đang rất “hot”. Thời kỳ thông tin bùng nổ, mạng xã hội phát triển, thông tin càng nhiều càng khiến người đọc, người xem “rối loạn binh pháp” – điều đó càng chứng tỏ thông tin từ báo chí là nguồn thông tin chính thống, tin cậy. Những người làm báo trong đó có PV mảng nội chính vì thế càng có đất rộng để tác nghiệp. PV nữ hay nam đều có những thế mạnh hoặc hạn chế khác nhau tôi không so sánh, nhưng với một nữ PV nội chính, ngoài việc hoạt động tác nghiệp ở “cung đình” thì tôi được biết có những nữ PV nội chính cũng lăn lộn theo các vụ bắt bớ, tệ nạn, xét xử… rất vất vả và nguy hiểm. Công việc cũng lấy đi nhiều quỹ thời gian mà họ dành cho gia đình, đặc biệt là con cái.

Báo Công luận
 Nhà báo Kiều Minh - Kênh VTC1

Tôi dòm… sang đồng nghiệp mảng khác để thấy những vất vả của họ

+ Làm báo nói chung, làm phóng viên mảng nội chính nói riêng, rất vất vả và nguy hiểm, với nữ nhà báo, còn là việc lấy đi nhiều quỹ thời gian cho gia đình, như chị vừa chia sẻ. Để làm nghề, những nhà báo như chị buộc phải quen với những vất vả ấy, nhưng thực sự, đã có lúc nào chị cảm thấy chùn chân như kiểu “làm nốt lần này” rồi… chuyển việc?

- Tôi lại hay dòm sang các đồng nghiệp mảng khác để thấy những vất vả, khó khăn của họ để AQ mình (cười) vì đó là đặc thù của nghề. Còn nhớ thuở mới vào nghề, tôi phì cười khi nghe sếp nói trong cuộc họp: “Các anh chị làm thời sự phải luôn sẵn sàng tác chiến khi có sự kiện, không được tắt điện thoại, giả dụ đêm hôm đang ôm chồng vợ sung sướng mà có hỏa hoạn ngay gần khu vực mình thì phải lập tức bật dậy lao ngay đến hiện trường tác nghiệp”. Nhưng đó chỉ là 1 ví dụ trong vô vàn những bối cảnh mà tôi gặp sau này, những lần dậy sớm ra khỏi nhà từ 3-4h sáng đến cơ quan để đi công tác; những hôm xong tin bài rời cơ quan khi màn đêm đã buông, mưa phùn lạnh lẽo, đướng sá vắng teo; hay những lần vắt chân lên cổ chạy hàng trăm cây số tới 4 sự kiện chỉ trong 1 buổi sáng; những lần kết thúc sự kiện lúc giữa ngọ, người ta đi ăn trưa nhưng mình ôm luôn máy “đẻ tin bài” để kịp chiều chạy tiếp, bụng thì đói, mắt thì mờ; những lúc tan sự kiện phải lên xe chạy luôn, ngồi trên xe vừa nghe vừa gõ text, vừa cắt hình, vừa dựng tin bài để gửi về cơ quan cho kịp giờ phát sóng, xong nhiệm vụ thì vật ra nôn thốc nôn tháo vì say, chú lái xe bảo: “vừa ngồi ô tô và làm việc máy tính thì voi cũng gục huống chi người!”… Cũng có lúc oải quá tôi muốn nghỉ việc, xong lập tức lại nghĩ “không làm báo mình chẳng biết làm gì, mảng này khổ mảng khác chắc gì đã sướng hơn”, thế là lại tiếp tục…

Báo Công luận
 Nhà báo Kiều Minh tác nghiệp.

+ Chị có nghĩ đôi khi áp lực nhanh, nhiều của công việc làm mình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn?

- Đúng vậy, như tôi vừa nói, tôi rất hay AQ, mỗi khi có ý nghĩ tiêu cực về việc rời bỏ công việc hiện tại, tôi lại nghĩ đến những lúc thăng hoa trong mảng của mình, được tiếp cận những thông tin mới nhất, nhanh nhất từ các cơ quan đầu não, rồi gặp gỡ, trao đổi với  những yếu nhân, tiếp cận với những nhân vật “gai góc”, khai thác những thông tin rất nóng, những vấn đề rất hot, đến những nơi rất “hiểm”… Làm thời sự, lại mảng nội chính, nhiều người còn ví von đó là mảng “cúng cụ”, thông tin thường hay được xếp đầu bản tin, nên áp lực đưa tin đúng, nhanh, nhạy… luôn thường trực, cái mệt cũng luôn thường trực - nhưng xong công việc cảm thấy như trút ngàn cân, năng lượng mới lại tràn về. Gia đình tôi, những người thân mến xung quanh tôi vẫn luôn tự hào về công việc của tôi, động viên và ủng hộ tôi, sao tôi lại chán nó được! Mỗi lần mở cánh cửa vào nhà, con trai ùa ra đón và nói, con vừa nghe thấy tiếng mẹ, vừa nhìn thấy mẹ trên tivi – tôi nghĩ đó là sự bù đắp từ công việc cho đứa con phải xa mẹ nhiều mà vẫn bằng cách nào đó thấy được mẹ.

+ Có bao giờ chị nghĩ đến việc áp lực quá lớn của công việc đã khiến mình đôi khi trở thành một “cỗ máy” - mệt hay bận cũng vẫn phải hoàn thành?

- Chúng tôi thường lên kế hoạch cho công việc của mình, mỗi khi đi đâu, gặp gỡ ai, thấy điều gì gắn với các sự kiện đó thì lập tức thu thập thông tin, phỏng vấn nhân vật, để đến dịp đó ngoài đưa tin thời sự thì tung bài “lương khô” cho thông tin được đầy đặn, hấp dẫn, có chiều sâu. Nhưng nói như vậy không có nghĩa chỉ làm việc như cái máy, tôi có nhiều lúc để relax lắm, nghề báo có lợi thế đi nhiều nơi, tìm hiểu, khám phá nhiều thứ, quen biết nhiều người… – đó cũng là relax rồi.

+ Nói tới những câu chuyện hậu trường làm báo, không thể không nhắc tới những “tai nạn nghề nghiệp” mà có lẽ không cây bút nào, dù kì cựu đến đâu, có thể tránh khỏi. Chị có thể chia sẻ một “tai nạn nghề nghiệp” của PV nội chính?

- Tôi kể “tai nạn” mới nhất của đồng nghiệp vừa chia sẻ mà không ít người trong chúng tôi cũng đã đang và sẽ vấp phải, đó là khi được tin một yếu nhân tuổi cao sức yếu sắp về bên Cụ Hồ, Lê nin, Các Mác, bạn ấy được cơ quan giao chuẩn bị một số bài nằm về vai trò của yếu nhân đó với công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước. Dù rất cẩn trọng trong lời mời phỏng vấn nhưng đồng nghiệp đó đã bị một nhân vật trách móc nặng lời về “việc chưa đâu đến đâu đã hỏi”. Tất nhiên cách xử lý chỉ là mong nhân vật thông cảm, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng trước một bên là nhiệm vụ được giao – một bên là nội dung mang tính “nhạy cảm” rất dễ gặp… tai nạn. Và rồi lại tiếp tục đặt lời mời với nhân vật khác, cho đến khi… hoàn thành nhiệm vụ  – nghề mà! 

Báo Công luận
 Nhà báo Kiều Minh.

Tôi vẫn chưa học được phong cách của nhà báo Lê Thọ Bình

+ Chị có ngưỡng mộ PV nội chính nào không? Có học cách làm việc của ai không?

- Có chứ, ngay gần tôi thôi chưa cần phải ra thế giới, thuở tôi mới vào nghề, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII tôi may mắn gặp nhà báo Lê Thọ Bình, một người được ví như “cây đa cây đề” của làng báo về mảng nội chính, học hỏi được nhiều từ cách tiếp cận, khai thác, thể hiện thông tin, thậm chí các “mánh” để tiếp cận yếu nhân mà tôi áp dụng khá thành công trong quá trình tác nghiệp. Tuy nhiên, đến giờ tôi vẫn chưa học được phong cách của nhà báo Lê Thọ Bình mà tôi rất thích, đó là cách thể hiện một vấn đề dù khô khan, một lĩnh vực dẫu nặng nề nhưng được truyền tải bằng ngôn ngữ văn chương để người đọc dễ đón nhận hơn.

+ PV nội chính phải thạo đủ việc, đủ mảng, hiểu rộng nhưng có thể chưa thật sâu. Có khi nào chị bị rối vì thiếu thông tin, thiếu chiều sâu khi làm những đề tài mới không?

- Có chứ, không chỉ là nhà báo mà nhà gì đi nữa thì cũng không thể tự tin là mình biết tuốt. Nên tôi quan niệm vừa làm, vừa học hỏi, vừa tích lũy và đặc biệt là cầu thị. Tôi may mắn được cơ quan giao nhiệm vụ chuyên trách một thành viên Chính phủ, bác ấy rất quan tâm báo chí, trong bất kỳ sự kiện nào bác ấy cũng ra chỗ cánh báo chí để trò chuyện, trao đổi, và bác ấy hay phỏng vấn cánh báo chí là về sự kiện đó, kiểu như: “anh, chị hiểu nội dung đó như thế nào? nếu là anh, chị thì sẽ làm thế nào? chọn cái gì?..”. Chính vì thế đã giúp tôi biết “phòng thủ” tốt hơn trước khi tác nghiệp, tôi thường phải nhờ anh Gu (google) phổ cập thông tin, hỏi han đồng nghiệp và may mắn tôi có một số người bạn lớn trong mảng luôn sẵn sàng làm kim từ điển mỗi khi tôi “bí”.

       Linh Linh (Thực hiện)

Tin khác

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

Ấn tượng về hiện vật tô thắm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẻ vang

(CLO) Trong những ngày tháng diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có những bài báo, những bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ và 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường… Những câu chuyện ấy phần nào được kể qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hôm nay.

Nghề báo
Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo