Ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR):

Phục hồi sản xuất và tăng sức cạnh tranh của ngành với các loại hình vận tải khác vẫn là bài toán khó

Thứ sáu, 04/02/2022 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Với những hạn chế về năng lực nội tại, hạ tầng lạc hậu và sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình vận tải khác, đặc biệt là hàng không giá rẻ, đường bộ cao tốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, năm 2021 tiếp tục là một năm cực kỳ vất vả đối với ngành đường sắt Việt Nam.

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về hành trình “vượt bão táp” thời gian qua của ngành.

phuc hoi san xuat va tang suc canh tranh cua nganh voi cac loai hinh van tai khac van la bai toan kho hinh 1

Đường sắt Việt Nam tiếp tục phải trải qua nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2021.

+ Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phải đối mặt với những khó khăn đó như thế nào, thưa ông?

- Có thể nói trong suốt 2 năm qua, ngành giao thông vận tải nói chung và hoạt động vận tải đường sắt đã chịu những thiệt hại chưa từng có mà đại dịch COVID-19 gây ra.

Về vận tải hành khách, sau thời gian dừng chạy tàu do dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, ngay khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng ở một số địa phương, được sự đồng ý của Bộ GTVT, Tổng Công ty đã chủ động, khẩn trương tổ chức chạy lại tàu khách Thống nhất Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu của người dân và phục hồi vận tải hành khách.

Về hàng hóa, do chủ động kịp thời trong thay đổi tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh và tăng cường vận tải hàng hóa. Nên đến thời điểm hiện nay vận tải hàng hóa của Tổng Công ty vẫn duy trì được tăng trưởng so với kế hoạch và cùng kỳ.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của việc thi công các gói nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam 7.000 tỷ đã xuất hiện nhiều điểm chạy chậm, phong tỏa cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức chạy tàu. VNR đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác điều phối điểm thi công và đảm bảo an toàn chạy tàu. Bên cạnh đó, ngành đường sắt đã tổ chức ứng phó, khắc phục nhanh các điểm sạt lở, bảo đảm an toàn.

phuc hoi san xuat va tang suc canh tranh cua nganh voi cac loai hinh van tai khac van la bai toan kho hinh 2

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện những đoàn tàu chuyên biệt chở người dân hồi hương, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch bệnh.

+  Trong bức tranh ảm đạm về những thiệt hại to lớn mà đại dịch COVID-19 gây ra, hoạt động vận tải hàng hóa đường sắt và những đoàn tàu chuyên biệt chở hàng, đưa người lao động về quê có phải là những điểm sáng của ngành đường sắt. Ông có thể cho biết ý nghĩa của những đoàn tàu chuyên biệt này?

- Đúng, hoạt động vận tải hàng hóa đường sắt và những đoàn tàu chuyên biệt chở hàng, đưa người lao động về quê là những điểm sáng của ngành đường sắt trong giai đoạn khó khăn này. Như đã nói ở trên, vận tải hàng hóa được đẩy mạnh và tăng trưởng đã góp phần rất lớn vào việc duy trì hoạt động sản xuất vận tải và khắc phục được phần nào khó khăn của Tổng Công ty trong khi vận tải hành khách gần như tê liệt.

Những đoàn tàu chuyên biệt đưa người lao động về quê đã cho thấy những nỗ lực của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trong việc chia sẻ khó khăn cũng như thể hiện vai trò, trách nhiệm của một doanh nghiệp Nhà nước với xã hội và thể hiện sự ưu việt của vận tải đường sắt trong dịch bệnh.

Được tổ chức chạy tàu và phục vụ trên những đoàn tàu này là niềm vui và niềm tự hào của cán bộ công nhân viên ngành đường sắt để cùng nhân dân cả nước vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

+ Trước những khó khăn, thách thức như vậy, ngành đường sắt đã thực hiện những giải pháp gì để giảm thiểu thiệt hại và giảm bớt khó khăn? Những giải pháp này có đang phát huy hiệu quả?

- Ngay từ khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thực hiện tiết giảm chi phí tối đa.

Tổng Công ty đã thực hiện các biện pháp giám sát tài chính đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh gồm 3 bước: giám sát thẩm định nội dung chi phí trong xây dựng kế hoạch, giám sát tạm ứng kinh phí phục vụ sản xuất hằng tháng, giám sát thẩm định báo cáo thực hiện kế hoạch và quyết toán tài chính hằng quý, năm.

Đồng thời điều chỉnh kế hoạch sửa chữa lớn tài sản cố định, kế hoạch đầu tư theo tiêu chí cắt giảm toàn bộ nhưng dự án chưa thực sự cần thiết, cấp bách.

Ngoài ra, Tổng Công ty đã tăng cường khai thác luồng hàng và đa dạng hóa dịch vụ vận tải hàng hóa trong giai đoạn vận tải hành khách sụt giảm. Tập trung vận chuyển các mặt hàng truyền thống góp phần giảm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu thụ.

Đẩy mạnh khai thác hàng hóa Liên vận quốc tế, chủ động tìm kiếm và khai thác nguồn hàng xuất, nhập khẩu vận chuyển giữa Việt Nam - Trung Quốc và đi các nước thứ 3... Trong quý III, Tổng Công ty đã tổ chức đoàn tàu container Liên vận quốc tế đi Bỉ và đoàn tàu chở container đầu tiên từ Hà Nội đi Trùng Khánh chạy thẳng châu Âu.

Giai đoạn tàu khách còn được duy trì một số đôi tàu tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty đã nối thêm thêm xe hành lý để tăng cường vận chuyển hàng lẻ theo tàu.

Hoạt động sản xuất trong hoàn cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường, VNR đã thực hiện phòng chống dịch hiệu quả.

Đặc biệt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quan tâm động viên, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người lao động làm việc trong vùng có dịch bệnh phải cách ly bắt buộc, nhất là những lao động trực tiếp đi tàu liên vận quốc tế trong thời gian cao điểm diễn ra dịch COVID-19. Tích cực tiếp cận với các tổ chức y tế để có nguồn vacxin tiêm cho toàn bộ cán bộ công nhân viên trực tiếp sản xuất để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ vận tải...

Tất cả những giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp từ phía Chính phủ hay tự thân doanh nghiệp như đã nói ở trên đã góp phần vào việc duy trì đời sống cho người lao động cũng như doanh nghiệp đi qua giai đoạn cam go của đại dịch COVID-19. Thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đảm bảo đời sống cho người lao động cũng như nỗ lực duy trì sản xuất để bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong điều kiện hết sức khó khăn phải hạn chế và thậm chí là dừng chạy tàu khách một thời gian dài.

phuc hoi san xuat va tang suc canh tranh cua nganh voi cac loai hinh van tai khac van la bai toan kho hinh 3

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện những đoàn tàu chuyên biệt chở người dân hồi hương, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch bệnh.

+ Khó khăn là vậy, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có những giải pháp và kiến nghị gì với Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan quản lý để vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất không, thưa ông?

- Về việc này chúng ta cần nhìn nhận vào thực tế là khi chưa có dịch bệnh thì Tổng Công ty đã phải đối mặt với những hạn chế về năng lực nội tại và sự cạnh tranh gay gắt với các loại hình vận tải khác, đặc biệt là hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc.

Bản thân nội tại, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đã có tuổi từ 50 đến trên 140 năm, suốt 30 năm qua chưa được đầu tư đúng mức nên so với ngành vận tải khác, đường sắt phát triển chậm và chưa tương xứng với nhu cầu, sự phát triển của xã hội, chưa đáp ứng đủ cho mục tiêu xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng theo Chiến lược, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù ngành đường sắt đã có nhiều giải pháp để duy trì qua giai đoạn cao điểm về dịch bệnh và tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ở giai đoạn hiện nay thì việc phục hồi sản xuất và tăng sức cạnh tranh với các loại hình vận tải khác đang là bài toán khó đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Vì vậy, để Tổng Công ty qua giai đoạn khó khăn này, rất cần sự tiếp tục quan tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong việc có những giải pháp kịp thời hỗ trợ Tổng Công ty vượt qua những khó khăn trước mắt và giải quyết các khó khăn vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến đến hoạt động sản xuất kinh doanh để có cơ sở trong định hướng hoạt động và thu hút đầu tư cho phát triển dài hạn.

Bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước đáp ứng theo chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Phê duyệt Đề án “Quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư” và “Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam năm 2020, thực hiện 2021 - 2025”, xem xét thời hạn hiệu lực của Nghị định 65.

+ Xin chân thành cảm ơn ông!

Ngọc Hải (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Lái xe di chuyển thế nào khi cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đi vào khai thác?

Lái xe di chuyển thế nào khi cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt đi vào khai thác?

(CLO) Chiều 28/4, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng vốn đầu tư hơn 11.150 tỷ đồng nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chính thức thông xe, đưa vào khai thác khoảng 30km.

Giao thông
Hàng nghìn công nhân, kỹ sư thi công sân bay Long Thành xuyên nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hàng nghìn công nhân, kỹ sư thi công sân bay Long Thành xuyên nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Tin từ Ban quản lý dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành cho biết, dự án xây dựng sân bay Long Thành vẫn duy trì thi công xuyên nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với gần 5.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng hàng ngàn trang thiết bị, máy móc.

Giao thông
Hà Nội: Dự án mở rộng đường Âu Cơ sẽ được thông xe tạm thời một đoạn

Hà Nội: Dự án mở rộng đường Âu Cơ sẽ được thông xe tạm thời một đoạn

(CLO) Dự án hạ cốt mở rộng đường Âu Cơ trên địa bàn quận Tây Hồ sẽ được thông xe tạm thời tại vị trí có đông phương tiện lưu thông nhất là đoạn từ nút giao Xuân Diệu đến trước khách sạn Thắng Lợi.

Giao thông
Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác vật liệu thi công tại các mỏ đặc thù

Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác vật liệu thi công tại các mỏ đặc thù

(CLO) Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu các ban quản lý dự án trực thuộc phối hợp với địa phương tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại các mỏ đặc thù được cấp phép phục vụ thi công các dự án giao thông.

Giao thông
Hà Nội: Tập trung xử lý 5 nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Hà Nội: Tập trung xử lý 5 nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông

(CLO) Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an TP Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra, xử lý vào 5 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.

Giao thông