Quản lý không phải đi tìm kiếm sự an toàn

Thứ bảy, 21/01/2017 10:47 AM - 0 Trả lời

“Thông tin là sản phẩm dịch vụ, xét cho đến cùng thì sản phẩm đó phải có người xem, người sử dụng, và nôm na là sản phẩm đó phải bán được. Do vậy, với tôi, quản lý không phải đi tìm kiếm sự an toàn mà là phải có được sự hài hòa, cân bằng, vừa quản lý tốt vừa không cản trở sự phát triển của cả lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử” – Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện đầu xuân Đinh Dậu với báo Nhà báo & Công luận.

(NB&CL) “Thông tin là sản phẩm dịch vụ, xét cho đến cùng thì sản phẩm đó phải có người xem, người sử dụng, và nôm na là sản phẩm đó phải bán được. Do vậy, với tôi, quản lý không phải đi tìm kiếm sự an toàn mà là phải có được sự hài hòa, cân bằng, vừa quản lý tốt vừa không cản trở sự phát triển của cả lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử” – Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) đã chia sẻ như vậy trong cuộc trò chuyện đầu xuân Đinh Dậu với báo Nhà báo & Công luận.

Không được dừng lại ở sự dễ dãi

+ Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như vũ bão, cuộc cạnh tranh thông tin khốc liệt đẩy báo chí truyền thông vào “mê trận” của vòng xoáy thông tin. Điều đó đã khiến kỹ năng tác nghiệp của nhà báo có nhiều thay đổi. Đánh giá của ông về xu hướng này như thế nào?

- Có thể thấy rằng, công nghệ tác động vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có báo chí. Công nghệ mang lại những tiện ích, đáp ứng nhu cầu, xu hướng kết nối và di động, phù hợp với thị hiếu của con người. Từ đó hình thành những thói quen mới, trong đó có thói quen xem tin tức, tiêu thụ sản phẩm có tên là “Thông tin”. Đương nhiên, báo chí chịu tác động mạnh mẽ, từ báo in đến sự “lên ngôi” của báo điện tử rồi phương thức đọc báo trên điện thoại thông minh, smartphone... Bên cạnh đó, công chúng hiện nay dành nhiều thời gian để đọc, xem tin tức nhưng lại đòi hỏi tin tức phải đến với họ ngay lập tức và chủ động. Thậm chí, các loại tin tức phù hợp với thị hiếu của từng nhóm người, từng người... cũng ngày càng được các cỗ máy phân tích “sàng lọc” và tự “đẩy” đến các nhóm người đọc khác nhau một cách chính xác hơn, nhờ công nghệ. Đặc biệt, khả năng sử dụng tối đa các tính năng đa phương tiện để tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng cao, thu hút công chúng đang là xu thế của báo chí hiện đại. Rõ ràng là công nghệ đã thay đổi thói quen tiêu thụ sản phẩm thông tin vì thế báo chí cũng phải thay đổi theo hướng nhanh, ngắn gọn hơn để phục vụ tốt hơn công chúng của mình.

[caption id="attachment_145285" align="aligncenter" width="480"]38 Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử. Ảnh: T.L[/caption]

+ Sự thay đổi như ông nói là rất tích cực nhưng cũng có một bộ phận phóng viên, nhà báo quá lệ thuộc vào công nghệ, mạng xã hội, dẫn đến việc cho ra đời những sản phẩm dễ dãi, thậm chí cẩu thả. Hẳn đây cũng là một sự thật khác về những tác động của công nghệ, mạng xã hội với báo chí truyền thông, thưa ông?

- Nói đúng hơn, đây là một biểu hiện trong đời sống báo chí hiện nay. Đặc biệt, người làm báo hiện nay tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội rất dễ dàng, từ rất nhiều nguồn khác nhau. Điều này giúp chúng ta đỡ mất thời gian, đỡ mất chi phí trong việc tìm kiếm thu thập những thông tin ban đầu. Vấn đề là, sức ép của  việc thông tin nhanh, của sự cạnh tranh... khiến cho không ít người làm báo có xu hướng ỷ vào tiện ích của công nghệ. Do vậy, việc của một cơ quan báo chí, của người làm báo là không được dừng lại ở sự dễ dãi, tiện ích ban đầu đó mà thể hiện sự trách nhiệm hay không, lười biếng hay không, non kém hay không là ở chỗ, anh có tìm tòi tiếp hay anh chỉ lướt mạng để lấy đề tài, lấy thông tin và lấy luôn cả cảm xúc, quan điểm, ý kiến trên mạng xã hội rồi không làm công việc điều tra, thẩm định lại theo phương thức tác nghiệp báo chí đúng nghĩa, dẫn đến những sai sót đáng tiếc.

+ Nhưng cũng có sự biện minh rằng, trong thế giới phẳng, muốn nhanh thì khó hay, và muốn hay thì khó nhanh...?

- Vâng! Nhưng cần nhớ là có những thứ công nghệ không thể thay thế được. Đó chính là sự dấn thân trong công việc, việc trực tiếp gặp gỡ nhân vật, thẩm định thông tin qua thực tiễn. Nhiều nhà báo đã không nhận ra rằng, giá trị lớn nhất, cốt lõi nhất trong tác phẩm phải là thông tin mà chúng ta tìm hiểu, cảm nhận trực tiếp từ cuộc sống chứ không phải qua màn hình vi tính. Điều ấy cần một độ lùi thời gian và bộ óc phân tích phê phán của người làm báo. Rõ ràng là công nghệ không có tội mà vấn đề là ở thái độ của nhà báo, cơ quan báo chí trong thời buổi số hóa hiện nay. Thậm chí, người ta còn dự báo đến một lúc nào đó rô bốt sẽ thay thế con người để viết tin nhưng chắc chắn không ai khẳng định rằng, rô bốt hay máy móc có thể thay thế để viết một bài báo cụ thể nào đó được. Vậy thì chúng ta đừng quên phần “con người” ở trong đó. Đồng thời, có một vấn đề đã nảy sinh trong quan hệ giữa mạng xã hội và báo chí, đó là chưa bao giờ báo chí phải “dè chừng” với những phản biện trên mạng xã hội như hiện nay. Ngày xưa, có giai đoạn người ta còn nghĩ báo chí “cửa quyền” về thông tin, có muốn phản biện một bài báo nào đó cũng chả biết viết, biết kêu ở đâu. Nhưng bây giờ thì khác, mạng xã hội công bằng, thậm chí không thương xót trước những vi phạm, những “vết sẹo” trong làng báo thời gian qua. Do vậy, bản thân các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng tự nhận thức được rằng, mình không còn là độc quyền của chân lý, của thông tin nữa. Nếu không làm việc chuyên nghiệp, minh bạch thì ngay lập tức trên mạng xã hội sẽ luôn có một ai đó thông minh hơn mình, nhiều thông tin hơn và phản biện lại mình, điều chỉnh ngay hành vi và sự “bất cẩn” trong nghiệp vụ của mình.

Vừa quản lý tốt vừa không cản trở sự phát triển

+ Sự biến động của công nghệ, xu hướng mới của người sử dụng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý lĩnh vực phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử. Dưới góc độ quản lý, phải chăng, đây cũng là “bài toán” không dễ có lời giải?

- Có thể nói, trong quản lý, bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có khó khăn và  thách thức. Với chúng tôi, rất nhiều vấn đề “nóng” được đặt ra hiện nay. Đặc biệt là vấn đề về thông tin điện tử trong đó có trang thông tin điện tử, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến (game online). Điều trăn trở nhất của tôi chính là làm sao để vừa quản lý tốt vừa khuyến khích thúc đẩy được ngành đó, lĩnh vực đó phát triển. Thông tin là sản phẩm dịch vụ, xét cho đến cùng thì sản phẩm đó phải có người xem, người sử dụng, và nôm na là sản phẩm đó phải bán được. Do vậy, với tôi, quản lý không phải đi tìm kiếm sự an toàn mà khó ở chỗ phải vừa quản lý tốt vừa không cản trở sự phát triển của cả phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.

+ Nói như vậy, phải chăng Cục trưởng sẽ phản đối ý kiến cho rằng để làm trong lành làng báo, đã đến lúc chúng ta nên dẹp bỏ sự tồn tại của các trang tin điện tử hoạt động bát nháo, thiếu trách nhiệm?

- Tôi không phản đối ý kiến này. Đây là một ý kiến mang tính xây dựng cao của những người có trách nhiệm. Thời gian qua, trong quá trình xử lý một số sai phạm, đã có những ý kiến chỉ đạo về việc xem xét rút giấy phép một số trang thông tin điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở thông tin truyền thông cấp phép nhưng đã hoạt động sai với quy định pháp luật và sai với nội dung giấy phép được cấp. Phải nói cho rõ rằng, các trang thông tin điện tử của các đơn vị, công ty, tổ chức trực thuộc các địa phương thì do các Sở thông tin và Truyền thông cấp còn Bộ Thông tin Truyền thông thì cấp giấy phép cho các trang thông tin điện tử của các cơ quan báo chí hoặc trang thông tin điện tử tổng hợp khác không phân cấp cho địa phương. Hiện nay có hàng ngàn trang thông tin điện tử được cấp phép và được phân cấp trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương đối với công tác tiền kiểm và hậu kiểm. Do vậy, một trong những việc khó nhưng vẫn phải làm tốt chính là sự phối hợp giữa Cục PTTH&TTĐT với các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh để xử lý vi phạm của các trang thông tin điện tử có cấp phép. Đồng thời cũng phải có những giải pháp xử lý các vi phạm đối với những trang không hề xin cấp phép và phát tán, thậm chí sản xuất những thông tin xấu, độc ảnh hưởng đến xã hội. Khi đó thì chúng tôi phải tìm ra những cá nhân cụ thể là chủ nhân trang web, gặp gỡ, mời làm việc và tùy từng sai phạm để xử phạt hành chính, hoặc nếu nghiêm trọng có thể phối hợp với cơ quan công an xử lý triệt để.

+ Tôi và nhiều đồng nghiệp khác có chung những lo lắng về chuyện quản lý mạng xã hội, cũng như nhìn nhận về mối quan hệ giữa báo chí và mạng xã hội hiện nay còn nhiều tranh cãi. Là người quản lý lĩnh vực này, quan điểm của ông như thế nào?

- Chúng ta hãy bình tĩnh trước mạng xã hội, đó là điều tôi muốn nói với các bạn. Mọi thứ đều sinh ra, phát triển rồi suy thoái, thậm chí biến mất khi thói quen người dùng thay đổi. Hãy nhìn nhận mạng xã hội trong quan điểm biện chứng. Mạng xã hội xuất hiện, đáp ứng nhu cầu của công chúng, thậm chí hiện nay đang là thời thượng. Nhưng chúng ta hãy nhìn nhận nó theo chu trình phát triển, không nên quá mất sức trong việc xác định nó có phải là đối thủ hay không. Việc xác định nước ta nên đi theo hướng nào trong việc quản lý mạng xã hội thì phải là những cấp cao hơn quyết định, và cần nhiều ngành, nhiều cấp, cả xã hội được tham gia, được có ý kiến. Về phía chúng tôi là cơ quan quản lý và cũng là người trực tiếp sử dụng mạng xã hội, quan điểm của tôi là phải biết vận dụng mặt được, mặt mạnh của mạng xã hội để phục vụ cuộc sống của mình và cũng phải biết những “giới hạn” không được vượt qua để tự bảo vệ mình khi tham gia mạng xã hội.

+ Nhưng hiện nay, người ta lo ngại rằng, mạng xã hội hoạt động như thể không có ai kiểm soát vậy, thưa Cục trưởng?

- Điều đó là không đúng. Mạng xã hội có tính năng quan trọng đó là kết nối và tương tác. Cộng đồng cùng tham gia mạng xã hội tức là cộng đồng đang quản lý lẫn nhau đấy chứ. Cuối cùng cộng đồng sẽ luôn luôn có xu hướng tự biết chọn lựa những gì có lợi cho mình, sẽ đào thải dần dần thói quen xấu, biểu hiện thiếu văn minh, không tôn trọng những nguyên tắc tối thiểu của một bộ phận cá nhân hay nhóm người tham gia cộng đồng... Như vậy, sự kiểm soát đầu tiên chính là khả năng cộng đồng tự điều chỉnh. Còn các cơ quan Nhà nước các cấp, không chỉ là ngành Thông tin truyền thông sẽ quản lý theo các văn bản pháp luật hiện hành và theo những nguyên tắc ứng xử phổ biến. Đó là những quy tắc chung như: không lợi dụng mạng xã hội để vi phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân, kích động, lôi kéo người dân tham gia chống đối Nhà nước, kêu gọi biểu tình trái pháp luật... Đối với chúng tôi, mạng xã hội là một thách thức trong công tác quản lý. Hiện nay, việc quản lý mạng xã hội đang được tiếp cận theo hướng, đối với những trang mạng xã hội có tư cách pháp nhân hoạt động theo luật pháp Việt Nam, Cục đã tiến hành cấp phép, kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm, thậm chí định hướng hoạt động... Còn đối với mạng xã hội lớn như Facebook thì chúng tôi có sự phối hợp, hợp tác trực tiếp để cùng quản trị nội dung theo tiêu chuẩn, quy định chung đã được ban hành và được sự thống nhất giữa các bên. Quan điểm của chúng tôi là không phải cứ “khó quản thì cấm”, nhưng sẽ hướng tới việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ các hành vi cụ thể của các chủ thể đang tham gia mạng xã hội, góp phần lành mạnh hóa môi trường này theo hướng tích cực.

+ Chúng ta trao đổi tất cả những vấn đề trên đều nhằm hướng đến một môi trường làm báo chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn. Năm 2017, có lẽ đó vẫn là mục tiêu phấn đấu của báo chí nước nhà. Có thể kỳ vọng một diện mạo khởi sắc hơn cho nền báo chí nước nhà trong năm 2017 không, thưa ông?

- Đó là mong muốn chung của tất cả chúng ta. Nhưng là những người làm công tác quản lý, chúng tôi không thể chỉ đơn giản đưa ra những mong muốn mà còn phải là những giải pháp, cùng với cả xã hội, giới báo chí giải bài toán này. Cùng với đó là  mối lo làm thế nào để thực hiện được “tròn vai”. Có thể thấy, hiện nay, nhiều giá trị lớn trong xã hội cũng đang bị xáo trộn, chịu sự tác động lớn của nền kinh tế thị trường đang ở buổi đầu sơ khai, thời buổi mà nhiều thứ đều phải vất vả, phải giành giật mới có được, cho nên “giấc mơ” về một xã hội trật tự, quy củ không dễ gì trở thành hiện thực. Và khi, chúng ta đã thống nhất hướng đến một “giấc mơ” nào đó thì phải có lộ trình, giải pháp phù hợp, có sự ưu tiên, trọng điểm ở từng giai đoạn. Tất nhiên sẽ phải bắt đầu từ những việc khả thi, quan trọng thì làm trước và không đòi hỏi sự hoàn hảo trong ngày một ngày hai. Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước không có nghĩa là sẽ làm thay các cơ quan báo chí mà chỉ là chất xúc tác, điều tiết, kiến tạo để đảm bảo sự phát triển đúng hướng, có kết quả tốt nhất trong một khoảng thời gian hợp lý. Và tôi nghĩ, mọi thành công cần có sự chung tay của giới báo chí cả nước.

+ Vâng, xin cảm ơn ông. Kính chúc ông năm mới sức khỏe, thành công!  

Hồng Sâm - Hà Vân (Thực hiện)

Tin khác

Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với nhiều địa phương quảng bá văn hóa, du lịch

Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với nhiều địa phương quảng bá văn hóa, du lịch

(CLO) Đến ngày 18/5, Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành ký kết hợp tác chiến lược phát triển toàn diện về văn hóa - du lịch với 16 tỉnh, thành trọng điểm du lịch.

Nghề báo
Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm 'Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê'

Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê"

(CLO) Chiều 18/5, Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Nhà ở xã hội: Thêm giải pháp cho thuê" nhằm thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội, giúp tăng nguồn cung, đa dạng giải pháp lưu trú cho người lao động.

Nghề báo
Thêm 100.000 bản phụ san tranh panorama 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' được Báo Nhân Dân in tặng bạn đọc

Thêm 100.000 bản phụ san tranh panorama "Chiến dịch Điện Biên Phủ" được Báo Nhân Dân in tặng bạn đọc

(CLO) Đáp ứng mong đợi của bạn đọc cả nước, Báo Nhân Dân đã quyết định in thêm 100.000 bản tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” từ nguồn xã hội hóa. Từ ngày 20/5, bạn đọc có thể nhận phụ san đặc biệt tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân ở các tỉnh, thành phố.

Nghề báo
Xuất bản cuốn sách 'Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi'

Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"

(CLO) Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.

Nghề báo
Thu hồi giấy phép hoạt động của Tạp chí Pháp luật và Kinh tế Châu Âu

Thu hồi giấy phép hoạt động của Tạp chí Pháp luật và Kinh tế Châu Âu

(CLO) Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ban hành quyết định về việc thu hồi Giấy phép hoạt động Tạp chí Pháp luật và Kinh tế Châu Âu thuộc Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư Châu Âu.

Nghề báo