Quốc hội thảo luận việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ

Thứ tư, 25/10/2017 06:23 AM - 0 Trả lời

(CLO) Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Ông Phan Văn Sáu sẽ giữ chức vụ Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng 


Điều hành về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Chính trị đã phân công ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015- 2020.

Bộ Chính trị cũng đồng ý cho ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ thôi giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2015- 2020.


Báo Công luận
 Ông Trương Quang Nghĩa và ông Phan Văn Sáu
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, để điều hành của Chính phủ thuận lợi, sau một thời gian chuẩn bị, các cơ quan thẩm quyền đã khẩn trương tiến hành các thủ tục giới thiệu nhân sự để trình Quốc hội xem xét, miễn nhiệm, phê chuẩn theo đúng quy trình công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. “Với yêu cầu đặt ra phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy trách nhiệm dân chủ trong hoạt động Quốc hội, đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ Tờ trình và tài liệu kèm theo về nhân sự”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc Tờ trình miễn nhiệm hai thành viên Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn, miễn nhiệm ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2016- 2021 thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 thôi giữ chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ.

Sau khi nghe tờ trình, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở đoàn về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Theo chương trình kỳ họp, đầu giờ chiều ngày 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với 2 cán bộ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (nếu có).

Tiếp đó, Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, Quốc hội biểu quyết, thông qua Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu.

Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm

Cũng trong chiều 24/10, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, về lực lượng kiểm lâm, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ trong dự thảo Luật chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và chế độ, chính sách đối với lực lượng này để bảo đảm thực thi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm việc quy định trong dự thảo Luật về hệ thống tổ chức, chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm lâm.

Qua nghiên cứu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy lực lượng kiểm lâm đã được quy định rõ tại Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Đến nay, kiểm lâm đã được kiện toàn về tổ chức và hoàn thiện các quy định về chức năng nhiệm vụ... Tuy nhiên, tổ chức kiểm lâm vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế và khó khăn, chưa thống nhất cao ở các địa phương, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực thi pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.

Trước tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra thì cần thiết phải có tổ chức kiểm lâm đủ mạnh, thống nhất trên toàn quốc để thực thi hiệu quả công tác quản lý. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy tổ chức này cần được tiếp tục quy định trong Luật để làm căn cứ cho Chính phủ triển khai, tổ chức thực hiện. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc về chức năng, nhiệm vụ tổ chức kiểm lâm, đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện thực tế quản lý Bảo vệ và phát triển rừng trong từng thời kỳ.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, Điều 108 dự thảo Luật quy định cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Kiểm lâm là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý việc bảo vệ rừng. Tuy nhiên theo Điều 109 và Điểm b Khoản 1 điều 110 của Dự thảo thì Kiểm lâm lại có nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. 

Báo Công luận
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại Hội trường 

Như vậy lực lượng Kiểm lâm vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước để bảo vệ rừng trong đó có thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ rừng, vừa trực tiếp bảo vệ rừng. Đây cũng là cơ chế hiện nay đang thực hiện. Nhiều cử tri cho rằng cơ chế này thể hiện nhiều bất cập, lực lượng kiểm lâm cùng lúc làm hai chức năng, thực tế có những trường hợp lực lượng kiểm lâm thoái hóa biến chất lại chính là lực lượng tiếp tay cho lâm tặc, trực tiếp phá hủy rừng nhưng không có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu. 

Do đó, đại biểu đề nghị Dự thảo xây dựng cơ chế quản lý, kiểm soát khoa học, tránh lạm dụng quyền lực, không giao hai chức năng quản lý trực tiếp và thanh tra, kiểm tra cho một cơ quan.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng chưa có quy định rõ về quản lý Nhà nước đối với lực lượng kiểm lâm. Lực lượng kiểm lâm là lực lượng chuyên trách, nòng cốt để thực hiện bảo vệ rừng và cũng có quyền kiểm tra thi hành pháp luật bảo vệ rừng, xử lý vi phạm hành chính, khởi tố điều tra vụ án hình sự, tạm giữ phương tiện, trang bị vũ khí công cụ hỗ trợ… Do đó, để khẳng định vai trò, trách nhiệm về bảo vệ rừng của lực lượng kiểm lâm, dự thảo Luật cần dành chương riêng hoặc một mục, chứ không lẫn vào chương Quản lý nhà nước về lâm nghiệp như hiện nay. 

Thế Vũ


Tin khác

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

Đại tướng Phan Văn Giang tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Quân đội

(CLO) Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục quan tâm, theo dõi, có nhiều ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Tin tức
Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

Khánh thành Bia truyền thống lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định

(CLO) Công trình hoàn thành không chỉ là niềm vui, phấn khởi của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh vì đã hoàn thành tâm niệm, sự ấp ủ của các thế hệ đi trước mà còn là nơi để cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Thành phố tự hào về quá khứ đấu tranh hào hùng.

Tin tức
Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C: Biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C: Biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng rằng tỉnh Kiên Giang sẽ làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tuyến Đường 1C, xem như đây là biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tin tức
Kiên Giang thực hiện 'sáu đẩy mạnh' để phát triển Phú Quốc

Kiên Giang thực hiện "sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc

(CLO) Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Kiên Giang thực hiện "sáu đẩy mạnh" để phát triển Phú Quốc nhằm xây dựng thành phố Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững, trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Tin tức
Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra cháy rừng diện rộng

Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra cháy rừng diện rộng

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy rừng trên diện rộng và gây thiệt hại lớn về rừng trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Tin tức