Quốc tế đánh giá cao sáng kiến lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam

Chủ nhật, 06/06/2021 21:31 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài đánh giá cao sáng kiến lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, tối 5/6. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, tối 5/6. Ảnh: VGP

Quỹ vaccine phòng COVID-19 được phát động vào ngày 31/5 và chính thức ra mắt vào tối 5/6, nhằm huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước, phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Với sáng kiến Quỹ vaccine phòng COVID-19, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cũng như truyền thông nước ngoài đã đánh giá cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của nhân dân trong cuộc chiến chống "giặc COVID-19".

Theo các tính toán, để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần có 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người dân. Tổng kinh phí cho tiêm vaccine ước tính hơn 25.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, dịch bệnh được dự báo chưa thể kết thúc sớm, "sống chung với dịch bệnh" trở thành yêu cầu thường trực, hiệu lực của vaccine lại không kéo dài, việc tiêm vaccine phải tiến hành định kỳ. Tất cả những điều này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, ngân sách hạn hẹp. Mỗi đóng góp của người dân vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 đều hướng tới mục tiêu cuộc sống an toàn hơn của bản thân, gia đình, cộng đồng và cả xã hội.

Trong bối cảnh như vậy, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện tham gia đóng góp, tài trợ, hỗ trợ cho Quỹ vaccine phòng COVID-19. Các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao sáng kiến này của Việt Nam.

Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam - cho biết, việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu. Chính phủ Việt Nam rất nỗ lực để huy động nguồn lực từ ngân sách nhưng thực tế vẫn cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Việc Chính phủ quản lý và sử dụng công bằng, hiệu quả nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp tư nhân sẽ mang lại giá trị mới cho chiến lược ứng phó với COVID-19.

"Chính sự đoàn kết này sẽ giúp Việt Nam chấm dứt đại dịch. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là một ví dụ cho cách tiếp cận toàn dân trong việc kết thúc đại dịch" - Trưởng đại diện WHO nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cho rằng: "Đây là một sáng kiến hay, là điều Liên Hợp Quốc đã ủng hộ trong nhiều tháng nay".

Dưới góc độ của Liên Hợp Quốc, ông Kamal Malhotra cho rằng chỉ nên có một quỹ ở tầm quốc gia, đặt dưới dự giám sát tổng thể và sự chỉ đạo của Chính phủ, thay vì có nhiều quỹ cạnh tranh nhau. Dịch COVID-19 được coi là điều chưa có tiền lệ trong 1 thế kỷ qua, là tình huống khẩn cấp quốc gia cho bất cứ thể chế nào. Chỉ có Chính phủ mới đủ tầm và năng lực điều phối quỹ này.

Bà Carollyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhanh và hiệu quả là biện pháp cần thiết và quan trọng để đảm bảo an toàn cho người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Bà Carollyn Turk tin tưởng, Chính phủ Việt Nam đang có bước đi đúng đắn trong việc đẩy nhanh tiếp cận vaccine cho người dân.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết, UNDP đã thực hiện một nghiên cứu về trải nghiệm của người dân về dịch COVID-19.

"Kết quả cho thấy sự ủng hộ thực sự rộng khắp của người dân Việt Nam đối với các quyết sách phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ", bà Caitlin Wiesen cho hay.

Bên cạnh đó, theo bà Caitlin Wiesen, mức độ lan tỏa và ủng hộ của người dân Việt Nam với các quyết sách của Chính phủ cao ở mức đặc biệt so với các nước khác trên thế giới. Do đó, bà tin tưởng, tất cả mọi người dân, đặc biệt các doanh nghiệp, người có tiềm lực tài chính sẽ đồng lòng ủng hộ lời kêu gọi của Chính phủ, tích cực tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Chia sẻ về sáng kiến thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng, việc lập quỹ là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể ứng phó với dịch COVID-19 của Việt Nam. Đồng thời, Đại sứ tin tưởng, trong chiến lược này, Chính phủ Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc huy động và kết nối các nguồn lực.

"Điều này cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã nắm bắt được đầy đủ về nhu cầu, cần phải có những bước đi nhanh hơn nữa. Đây là điều rất tích cực", Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện bộ ngành, doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: VGP

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện bộ ngành, doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: VGP

Trong một bài viết mới đây, tờ Nikkei Asia đánh giá sự ra đời của Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực tiêm chủng vaccine cho người dân, một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch và bảo vệ chuỗi cung ứng sản xuất.

Theo Nikkei Asia, sáng kiến này là nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo 120 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay, với trọng tâm chiến lược chuyển từ ngăn chặn dịch bệnh sang khuyến khích người dân tiêm chủng.

Đáng chú ý, Quỹ vaccine phòng COVID-19 không chỉ thu hút sự quan tâm, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ở trong nước mà cả nước ngoài.

Theo Nikkei Asia, các doanh nghiệp châu Âu đã bày tỏ mong muốn tham gia. Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu cho biết, đây là một động thái rất tích cực không chỉ đối với Việt Nam, mà cả các doanh nghiệp châu Âu. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam Mary Tarnowka khẳng định, nhiều thành viên của Phòng Thương mai Mỹ đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ chi phí tiêm chủng cho nhân viên.

Trong khi đó hãng tin Anh BBC đánh giá, sự ra đời của Quỹ vaccine phòng COVID-19 là một bước đi mang tính thực tiễn, cho thấy sự chủ động và linh hoạt của Chính phủ Việt Nam từ quyết định đa dạng hóa nguồn vaccine, bao gồm cả đầu tư phát triển vaccine trong nước tới chính sách xã hội hóa để đẩy nhanh tiêm chủng. Theo BBC, đây là những quyết định xoay chuyển kịp thời của Chính phủ Việt Nam.

Thế Vũ

Tin khác

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

Hà Nội phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 5% GRDP

(CLO) UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tin tức
Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới

(CLO) Tối ngày 26/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Tin tức
Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

Sẽ trình UBTVQH, Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng

(CLO) Chính phủ thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tin tức
Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức