Quy hoạch đô thị TP.HCM: Đến thời điểm lựa chọn “sống còn”?

Thứ ba, 21/08/2018 16:18 PM - 0 Trả lời

( CLO) Quy hoạch có đồng bộ hay không? Theo hướng nào là sự lựa chọn sống còn? “Nhìn vào vấn nạn ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm hiện nay cho thấy quy hoạch đang bất cập, thiếu đồng bộ khiến TP. đang chạy theo kiểu “quản lý xử lý tình huống”. Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM trong cuộc họp kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018.

Lộ rõ sự bất cập từ đô thị phía Nam

Để quy hoạch TP.HCM theo hướng hiện đại, đồng bộ, mang tầm khu vực, TP. cũng đã thuê nhiều tập đoàn lớn tư vấn, lập đồ án quy hoạch như: Đồ án phát triển khu Nam của đơn vị tư vấn SOM (Mỹ);  Đồ án quy hoạch bờ Tây sông Sài Gòn của nhà tư vấn Nikkenkei (Nhật Bản)…

Hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng này đều nằm ở khu vực phía Nam thành phố. Nhiều khu đô thị mới hiện đại, có quy mô lớn đã hình thành như: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q.7), Thủ Thiêm (Q.2). Dọc theo những tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng,…

Nhưng những bất cập từ các khu đô thị này đã lộ rõ, theo một số chuyên gia những dự án nhà ở, khu đô thị hiện đại phát triển về phía Nam vốn là vùng trũng thấp của thành phố đã bộc lộ nhiều bất cập. Ruộng lúa, ao đầm đã được san lấp. Hồ chứa nước tự nhiên của thành phố không còn. Mỗi khi triều cường, trời mưa nhưng không còn chỗ chứa đã gây ngập nước cho cả khu vực. Tình trạng ngập nước ngày càng trầm trọng, không chỉ cục bộ khu vực mà ảnh hưởng trên diện rộng.

Báo Công luận
Một góc TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.

Ngập nước đang là nỗi ám ảnh đối với các khu đô thị mới. Các khu đô thị đã biến thành ốc đảo mỗi khi trời mưa, triều cường. Những tuyến đường huyết mạch ở phía Nam thành phố như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ… bị ngập sâu mỗi khi triều cường.

Đây là điều nan giải mà GS-TS Nguyễn Trọng Hòa - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM đã cảnh báo. Khu Nam đã và đang đối mặt với tình trạng ngập nước, kẹt xe. Trên bình diện rộng hơn, thành phố cũng đang đối mặt với với những thách thức này.

Báo Công luận
Bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh minh họa.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng nhanh, mực triều cường ngày càng cao đã cho thấy công tác quy hoạch phát triển đô thị của thành phố thiếu tầm nhìn. Để chống ngập cho cả khu vực là điều nan giải. Người dân ở trong các cao ốc chọc trời nhưng xung quanh các tuyến đường đều ngập sâu làm cho việc đi lại của những người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Thời điểm “sống còn”

“Theo dõi quản lý quy hoạch là thuộc về nhà quản lý” - lời phát biểu tâm huyết của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong trong buổi họp về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đã chỉ ra những bất cập trong công tác quy hoạch trong thời gian qua, đáng chú ý là quy hoạch phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị phát triển theo hướng nào đang là sự lựa chọn “sống còn”, bởi không chỉ chỗ ở người dân hôm nay mà tương lai thành phố mai sau.

Báo Công luận
TP. Hồ Chí Minh với mật độ xây dựng cao. Ảnh minh họa.

Quy hoạch hợp lý sẽ giải quyết những bất cập đã tồn tại trong thời gian qua và nơi ở an toàn cho người dân thành phố trong tương lai. “Đối với độ cao từ 8-10m so với mực nước biển, đô thị mới sẽ giải quyết được tình trạng ngập nước”, chuyên gia xã hội học Lê Văn Thành cho hay.

Tại cuộc họp về quy hoạch phát triển Vùng TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, khu vực Tây Bắc thuộc Củ Chi, Hóc Môn có địa hình cao, địa chất tốt, thuận lợi cho việc phát triển đô thị. Phần lớn diện tích đất của Củ Chi cao hơn mực nước biển từ 8-10m. Ngoài yếu tố lợi thế địa hình, địa chất, ngoài ra khu vực này còn nhiều quỹ đất lớn.

Khu đô thị này sẽ phát triển là đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò bảo vệ cảnh quan sinh thái và thoát lũ cho tiểu vùng đô thị trung tâm. Tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp, trung tâm giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, trung tâm chuyển hàng hóa nhằm giảm tải cho TP.HCM.

Ngoài ra, khu Tây Bắc TP.HCM sẽ là trục hành lang kinh tế lớn nhất TP.HCM theo chiều dọc quốc lộ 22. Chính những điểm mới trong quy hoạch, cũng như việc mở rộng giao thông, kết nối các tỉnh lân cận vào TP.HCM và kết nối các quận, huyện vùng ven vào trung tâm thành phố. Kết hợp chính sách giãn dân, đưa người dân về vùng ven các quận sinh sống, khu vực Tây Bắc TP.HCM đã khoác lên mình bộ mặt mới.

Báo Công luận
 Phía Nam TP.HCM. Ảnh minh họa.

Theo KS xây dựng Trần Văn Thường - Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư phát triển xây dựng Trần Gia, với độ cao gần 10m so với mực nước biển và điều kiện địa chất tốt, khu vực Tây Bắc không chỉ loại bỏ được những bất lợi của vùng đất ngập nước mà thuận lợi cho phát triển, xây dựng đô thị hiện đại.

Trong một báo cáo gửi các cơ quan có thẩm quyền, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) đề xuất nghiên cứu lại ý tưởng của các nhà quy hoạch trước đây về định hướng phát triển đô thị chủ đạo TP. HCM về khu vực có địa hình cao là hướng Tây Bắc của thành phố.Theo đó, HoREA cho rằng trong tình hình hiện nay, sự điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo này còn nhằm để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà thành phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Theo HoREA, TP. HCM có cao độ thấp, chỉ từ 0,5m (Nhà Bè, Cần Giờ) đến khoảng 32m (đồi Long Bình, quận 9). Vùng trũng thấp của thành phố ở phía Nam - Tây Nam - Đông Nam thuộc các quận, huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 7, quận 8, quận 2, một phần quận 9; Vùng cao nằm ở phía Bắc - Đông Bắc - Tây Bắc thuộc các quận, huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12, Gò Vấp, một phần quận Thủ Đức, quận 9. Địa hình của thành phố thấp dần từ Bắc - Tây Bắc xuống Nam - Đông Nam - Tây Nam; hệ thống sông Sài Gòn theo chế độ bán nhật triều làm tăng thêm khó khăn cho việc thoát nước. Theo kịch bản, nếu nước biển dâng chỉ 0,5m thì TP. HCM cũng sẽ bị ngập ở nhiều khu vực.

Trong thời gian qua, thành phố đã phát triển rất mạnh về hướng biển, hướng Nam - Tây Nam - Đông Nam, nên vô hình chung đã tác động đến hướng thoát nước tự nhiên. Bên cạnh đó là việc quản lý chưa thật chặt chẽ hệ thống mốc cao độ, cốt san nền cũng là mặt còn hạn chế, cần phải được quan tâm nhiều hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước. Để thành phố phát triển bền vững, Hiệp hội đề nghị điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo về vùng đất cao của thành phố, đó là khu vực Gia Định - Củ Chi cũ (một phần Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, nhất là khu vực quận 12, Hóc Môn, Củ Chi), mà thành phố đã có quy hoạch phát triển Khu đô thị - công nghiệp Tây Bắc trên địa bàn huyện Hóc Môn - Củ Chi với quy mô lên đến 9.000ha.

                                                                              Khuất Đại Nam

  

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương