Quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng hệ thống chính trị trung thực, chính trực

Thứ năm, 27/07/2023 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là một quyết định rất quan trọng, hợp với lòng dân.

Sự kiện: quốc hội

Quy định này thể hiện sự quyết tâm và quyết liệt của Đảng ta trong việc xây dựng hệ thống chính trị trung thực, chính trực; đồng thời tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Theo đó, Quy định 114 với 5 Chương, 16 điều đã liệt kê cụ thể 8 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn; 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 5 hành vi tiêu cực khác, trong đó có việc không bố trí người có quan hệ gia đình làm lãnh đạo ở 13 ngành.

Dư luận cũng như các chuyên gia cho rằng, Quy định mới về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ lần này là rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Điều đó cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi cán bộ, đảng viên và đây cũng là công cụ để các cơ quan chức năng, người dân giám sát các hành vi vi phạm.

quyet tam cua dang trong viec xay dung he thong chinh tri trung thuc chinh truc hinh 1

Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

Đại biểu Quốc hội – PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm với phóng viên xung quanh nội dung này.

+ Thưa ông, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đặc biệt, Quy định nêu rõ, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo Quy định 114, Bộ Chính trị yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người nhà cùng làm người đứng đầu hoặc cấp phó ở một địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bộ Chính trị cũng quy định không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đứng đầu các cơ quan ở 13 ngành: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, Công an, Tòa án và Viện Kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

Rõ ràng tình trạng “nhất hậu duệ” hay hiện tượng “đi tìm người nhà chứ không cần người tài” trong hoạt động chính trị có thể gây ra các hệ lụy tiêu cực như sau: Thứ nhất, đó là tình trạng thực hiện quyền lực dựa trên mối quan hệ gia đình. Khi một người đạt được vị trí quyền lực trong chính trị dựa vào quan hệ gia đình, thường dẫn đến việc các quyết định không được đưa ra dựa trên năng lực, ý chí và đạo đức, mà thay vào đó là lợi ích của gia đình. Điều này dẫn đến sự bất công và thiếu minh bạch trong hoạt động chính trị.

Thứ hai là không tạo được môi trường cạnh tranh công bằng. Khi có mối quan hệ gia đình ảnh hưởng vào hoạt động của bộ máy tổ chức thì việc tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và đảm bảo quyền công dân tham gia vào chính trị bị hạn chế. Các cơ hội công việc thường chỉ dành cho những người có quan hệ gia đình đặc biệt.

Thứ ba là khiến tình trạng tham nhũng thêm trầm trọng. Việc quyền lực và tài sản tập trung vào mối quan hệ thành viên trong gia đình dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng. Các quyết định và ưu đãi thường được trao cho thành viên gia đình mà không cần xét đến ý chí và khả năng của cá nhân, dẫn đến sự lạm dụng và lợi dụng quyền lực.

Thứ tư là tạo ra mối quan hệ gia đình không lành mạnh. Trong tình trạng “nhất hậu duệ”, việc quyền lực chính trị và tài sản được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo quan hệ gia đình sẽ tạo ra một môi trường khó khăn cho những người ngoài gia đình tham gia vào hoạt động chính trị và gây ra đấu tranh quyền lợi, mất đoàn kết.

Và thứ năm là thiếu đổi mới và sáng tạo. Việc gia đình kiểm soát quyền lực trong chính trị dễ dẫn đến sự thiếu đổi mới và sáng tạo khi các ý kiến và quan điểm mới thường bị kìm hãm, phụ thuộc vào quan hệ gia đình, khiến cho việc ra quyết định chậm trễ, không đáp ứng được những thay đổi, nhu cầu của xã hội.

Như vậy, Quy định 114 về việc không bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo ở 13 ngành có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch, tin cậy.

+ Có ý kiến cho rằng, Quy định 114 cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Phó Giáo sư nghĩ sao về điều này?

- Tôi cho rằng, việc áp dụng quy định này giúp ngăn chặn hiện tượng tham nhũng bằng cách loại bỏ những nguy cơ tiềm tàng xảy ra trong việc bố trí người nhà cùng làm lãnh đạo. Việc có người nhà cùng làm lãnh đạo có thể dẫn đến việc lợi dụng quyền lực cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần công bằng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, quy định này cũng nhằm tránh hiện tượng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, tâm lý ỷ lại vào dòng họ, đồng hương trong hoạt động chính trị.

Việc chỉ bổ nhiệm người có đủ năng lực và trình độ để điều hành các cơ quan quản lý ở các ngành nhất định giúp đảm bảo rằng quyền lực được phân phối một cách công bằng và đúng đắn dựa trên năng lực và hiệu suất, chứ không phụ thuộc vào quan hệ gia đình.

quyet tam cua dang trong viec xay dung he thong chinh tri trung thuc chinh truc hinh 2

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sáng 15/5/2023. (Ảnh: CPV).

Việc ban hành quy định này cũng góp phần tăng cường tính minh bạch trong công tác lãnh đạo. Quy định 114 đảm bảo rằng các vị trí lãnh đạo được bổ nhiệm dựa trên tiêu chí chuyên môn và năng lực, hạn chế những yếu tố cá nhân hay gia đình ảnh hưởng đến quyết định. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, khách quan và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của các cơ quan quản lý nhà nước.

+ Như vậy, có thể nói rằng, sự ra đời của Quy định này đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng văn hóa chính trị công bằng, trung thực, thưa ông?

- Trong văn hóa Việt Nam, mối quan hệ gia đình, họ hàng, đồng hương có ý nghĩa rất lớn trong đời sống con người, mang giá trị tích cực trong việc tạo nên tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên, rồi từ đó mở rộng hơn đến tình cảm dành cho quê hương, đất nước. Ông cha ta đã từng nói: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”... như một cách thể hiện sự gắn bó của những người gần gũi.

Nhưng không phải không có những hệ lụy trong những mối quan hệ này cần chấn chỉnh trong đời sống hiện đại, khi những mối quan hệ như con ông, cháu cha, họ hàng, đồng hương đang làm méo mó những quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào sự bình đẳng, minh bạch trong công tác cán bộ và các hoạt động khác trong hoạt động chính trị - xã hội.

Hậu duệ với nghĩa gốc tốt đẹp dành để nói về con cháu, thế hệ sau của một người nào đó. Nhưng “hậu duệ” hay vấn đề “9C”“con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu” trong công tác cán bộ được hiểu theo nghĩa tiêu cực vốn là sản phẩm tàn dư của một xã hội đã trải qua hàng nghìn năm phong kiến. “Con quan rồi lại làm quan” như vậy chính là biểu hiện của tư duy lạc hậu, bất công, trái ngược hoàn toàn với đặc trưng của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang xây dựng. Tuy nhiên, dù đã có nhiều quy định, chế tài nhưng trong thời gian vừa qua tình trạng này vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến nhiều bức xúc trong dư luận.

Chính vì thế, việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là một quyết định rất quan trọng, hợp với lòng dân. Quy định này thể hiện sự quyết tâm và quyết liệt của Đảng ta trong việc xây dựng hệ thống chính trị trung thực, chính trực; đồng thời tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

+ Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội!

Nguyễn Hường

Bình Luận

Tin khác

Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý xây dựng trái phép trên đất rừng

Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý xây dựng trái phép trên đất rừng

(CLO) UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm; có trách nhiệm ngăn chặn kịp thời và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm theo quy định pháp luật đối với các hành vi san ủi, lấn chiếm đất lâm nghiệp, xây dựng các công trình trái phép trên đất lâm nghiệp.

Tin tức
Tàu vận chuyển hàng hóa từ Ga Cao Xá tham gia hành trình liên vận quốc tế

Tàu vận chuyển hàng hóa từ Ga Cao Xá tham gia hành trình liên vận quốc tế

(CLO) Hải Dương kỳ vọng sau khi khai trương đoàn tàu vận chuyển hàng hóa tham gia hành trình liên vận quốc tế sẽ giúp lưu thông hàng hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Dự kiến, ngày 20/5 tới, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu vải chuyến đầu tiên tại Ga Cao Xá.

Tin tức
Hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

(CLO) Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo mục tiêu tổ chức, vận hành thí điểm và chính thức đã đề ra.

Tin tức
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng

(CLO) Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương có các giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và an ninh tài chính, tiền tệ.

Tin tức
Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

(CLO) Chính phủ đề xuất Quốc hội tiếp tục giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024. Nếu được thông qua, dự kiến cả năm 2024 giảm thu khoảng 47.488 tỉ đồng.

Tin tức